Trẻ hiếu động - Những điều cha mẹ nên biết - RVE

Thông thường, khi bước vào lứa tuổi từ 4-6 tuổi, trẻ có rất nhiều năng lượng vì các bộ phận cơ quan đang trên đà phát triển nhanh và mạnh và hay nghịch ngợm, leo trèo, chạy nhảy.

Thế nhưng có những trẻ thì sự năng động, nghịch ngợm đó lại phát triển đến mức “ngoài tầm kiểm soát” của bố mẹ và cả với chính bản thân đứa trẻ. Đây là tình trạng mà ta gọi là hiếu động thái quá hay rối loạn vận động.
 
tre hieu dong 2
 
Vì thế cha mẹ cần phải phân biệt được 2 tình trạng khác nhau này của trẻ.
-Trẻ có tính khí năng động: Đặc điểm của trẻ có nhiều xung năng, có cá tính hướng ngoại nên thích chạy nhảy,chơi đùa, khám phá thế giới xung quanh, nhưng trẻ vẫn có khả năng giao tiếp và có mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Trẻ có sự hiểu biết, có khả năng học tập và  có thể ngồi chơi một cách tập trung trong một số trò chơi  ưa thích trên 15 phút. Đây là một tình trạng bình thường, cha mẹ chỉ cần có những tác động và cách ứng xử thích hợp giúp trẻ điều chỉnh một số hành vi quá đáng.
 
Đối với những trẻ có cá tính năng động nếu cha mẹ biết cách tác động sẽ giúp cho trẻ phát triển được nhiều kỹ năng tốt thông qua các trò chơi vận động. Cha mẹ chỉ cần sắp xếp cho trẻ có một không gian thích hợp ( một khu vực được phép chơi thoải mái trong nhà ) cùng với việc hướng dẫn, khuyến khích cho trẻ tham gia các hoạt động trong nhà như phụ giúp bố rửa xe, tưới cây, phụ mẹ dọn dẹp và chuẩn bị bữa ăn… những điều đó giúp trẻ vừa có điều kiện “xả năng lượng” vừa nâng cao sự tự tin vào khả năng của mình. Tạo cho trẻ có sự ham thích trong lao động và giúp đỡ người khác.
 
-Trẻ Tăng động giảm chú ý ( hay còn gọi là Hiếu động – Kém chú ý Attention-deficit hyperactivity disorder-ADHD) là chứng rối loạn vận động mà trẻ mắc phải. 
Trẻ thường xuyên có tình trạng lăng xăng do không có khả năng tập trung vào một điều gì, dù cho đó chỉ là chuyện ngồi chơi 5, 10 phút và khả năng giao tiếp, hiểu biết rất kém và thường có tình trạng chậm nói, không nói  Chúng ta gọi đó là  hội chứng Tăng động – giảm chú ý (ADHD)
Đối với trẻ mắc hội chứng Tăng động – giảm chú ý thường có những dấu hiệu: chậm nói, không có trí nhớ ngắn hạn ( mẹ vừa dặn nhưng quay đi lại quên ngay), thường có những hành vi lập lại,và đặc biệt là trẻ không thể ngồi yên trong bất cứ hoàn cảnh hay hoạt động nào (dù là khi ăn uống, vui chơi…) quá 5 phút .
Khi nghi ngờ hay thấy trẻ có những dấu hiệu của ADHD, phụ huynh cần đưa con đến các nhà chuyên môn về tâm lý để có những chẩn đoán chính xác về mức độ và các biện pháp can thiệp thích hợp.
 
ADHD có nhiều mức độ khác nhau, từ mức nhẹ, trung bình có khả năng điều chỉnh và học tập cho đến mức độ năng chỉ có khả năng được chăm sóc mà không thể tiếp nhận một kiến thức nào.
 
Cha mẹ không nên can thiệp cho trẻ ADHD bằng cách chú trọng vào việc làm giảm đi sự hiếu động của trẻ và cố gắng tập cho trẻ nói, như điều trị bằng một vài loại thuốc chống xung năng ( như ritalin, metadate, focalin, adderall …mà không nghĩ đến những tác dụng phụ có thể gây nghiện hay có thể bị trụy tim mạch ) hay buộc trẻ phải theo một chương trình tập luyện nghiêm khắc để không còn hiếu động nữa.
 
Cha mẹ phải hiểu được trẻ  có hành vi lăng xăng, rối loạn là do trẻ không có khẳ năng chý ý, không hiểu được những nguyên tắc, quy tắc do người khác đặt ra, Vì vậy trẻ dễ trở nên bối rối và phải chạy nhảy lung tung. Vì thế, để giảm tình trạng hiếu động của trẻ thì ta cần phải giúp và dạy trẻ gia tăng khả năng tập trung qua một số liệu pháp và trò chơi do các chuyên gia tâm lý giới thiệu, chứ không chú trọng vào việc buộc trẻ phải ngồi yên, vì ép trẻ ADHD ngồi yên là một việc không thể.
 
Trẻ ADHD không có khả năng ghi nhớ tốt hay quên trước quên sau nên thường không hoàn thành được các nhiệm vụ. Vì vậy cha mẹ hãy giúp trẻ ghi nhớ những thứ tự công việc của mình bằng cách sắp xếp đồ dùng của trẻ một cách đơn giản dễ hiểu để trẻ có thể tự sử dụng được. Nên nhắc nhở trẻ thường xuyên để trẻ có thể   ghi nhớ nhiệm vụ  tốt hơn.
 
Chuyên viên tâm lý Trần Thị Nguyệt