Can thiệp sớm cho trẻ gặp các rối nhiễu về tâm lý giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ và là yếu tố quyết định đến sự thành công của giáo dục hòa nhập.
Can thiệp sớm là những tác động cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, lý tưởng là trước 3 tuổi. Can thiệp bắt đầu càng sớm càng tốt, có thể ngay khi phát hiện trẻ có khó khăn hoặc chậm trễ mà chưa cần đợi kết quả chẩn đoán chính xác từ các nhà chuyên môn.
Theo “Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ” thì tầm quan trọng của việc can thiệp, đặc biệt là can thiệp sớm đối với trẻ có thể làm giảm mức độ ảnh hưởng của những khiếm khuyết và giúp trẻ đạt được những kĩ năng phát triển cần thiết để có một cuộc sống độc lập và thoải mái trong khả năng có thể.
Việc can thiệp hướng tới mục đích giảm thiểu các ảnh hưởng chức năng do những vấn đề đi kèm gây ra cho trẻ và gia đình. Loại trừ, giảm thiểu hoặc ngăn ngừa các hành vi không mong muốn làm cản trở học tập và phát triển của trẻ. Nâng cao khả năng độc lập nhất có thể bằng các tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và đạt được các kỹ năng thích ứng, phát huy điểm mạnh và tiềm năng của trẻ.
Có nhiều nơi cung cấp các dịch vụ can thiệp :
- Bệnh viện.
- Trung tâm can thiệp sớm.
- Trường chuyên biệt.
- Cơ sở giáo dục hòa nhập.
Trong giới hạn của bài chia sẻ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 2 môi trường là trung tâm can thiệp sớm và trường mầm non để thêm thông tin cho các bậc phụ huynh lựa chọn môi trường học tập phù hợp cho trẻ.
Vậy trẻ nên học can thiệp ở trường mầm non, hay trẻ nên học ở trung tâm can thiệp sớm thì sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất? Nhiều ba mẹ có quan điểm học ở trường mầm non tốt hơn học ở trung tâm, nhưng trên thực tế học tại trường mầm non hay tại trung tâm can thiệp đều cần cân nhắc nhiều yếu tố như mức độ của các vấn đề của trẻ, sự tương thích của trẻ với nơi học, dịch vụ hiện có tại địa phương, điều kiện kinh tế gia đình, sự ưa thích của cha mẹ.
1. Ưu điểm và hạn chế của can thiệp hòa nhập tại trung tâm can thiệp và trường mầm non.
1.1. Môi trường hòa nhập tại trường mầm non.
Học hòa nhập tại trường mầm non là hỗ trợ mọi trẻ em có cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ giáo dục với những hỗ trợ cần thiết trong lớp học, phù hợp tại trường học nơi trẻ sinh sống, nhằm chuẩn bị để các em trở thành những thành viên đầy đủ của xã hội.
Ưu điểm khi học can thiệp hòa nhập ở trường mầm non
- Khẳng định được trách nhiệm và vai trò của trường mầm non, trẻ được sinh hoạt trong môi trường có các bạn đồng lứa tuổi.
- Là trường học trong hệ thống giáo dục, tại đây trẻ được học tập, vui chơi trong môi trường hòa nhập cùng các trẻ.
- Các hoạt động can thiệp sớm có thể sẽ được thực hiện ngay tại trường mầm non nơi trẻ đang tham gia hoạt động học tập.
- Giúp trẻ khám phá ra những khả năng tiềm tàng của trẻ, từ đó có thể tìm được cách phát huy những khả năng này.
Hạn chế của học hòa nhập ở mầm non
- Hầu hết các trường mầm non hiện nay chưa trang bị các trang thiết bị chuyên dụng cho các hoạt động hỗ trợ can thiệp.
- Giáo viên mầm non chưa được đào tạo bài bản, do đó về kiến thức, kĩ năng can thiệp sớm cho trẻ còn hạn chế.
- Có thể thiếu sự liên kết giữa trường mầm non với các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, thiếu sự phối hợp với nhóm chuyên gia về giáo dục đặc biệt do đó chất lượng can thiệp sớm chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
- Số lượng trẻ tiêu chuẩn ở trường mầm non dao động từ 25 đến 35 trẻ tùy từng độ tuổi với 2 giáo viên và 1 bảo mẫu nên đôi khi thời gian hỗ trợ cho trẻ chưa được nhiều.
1.2. Môi trường can thiệp tại trung tâm Can thiệp sớm
Phụ huynh và trẻ cùng đến các Trung tâm can thiệp sớm, ở đây phụ huynh sẽ nhận được những hướng dẫn và hỗ trợ phù hợp từ phía chuyên gia can đối với từng loại rối nhiễu và mức độ phát triển của trẻ.
Ưu điểm của hình thức can thiệp tại trung tâm can thiệp sớm:
- Các phương tiện, tài liệu và thiết bị hỗ trợ có sẵn tại trung tâm. Đồ chơi, học liệu đa dạng, đầy đủ, an toàn tạo được hứng thú và phù hợp với trẻ.
- Đội ngũ giáo viên được đào tào bài bản về giáo dục đặc biệt. Có kỹ năng, nghĩa là có cách dạy phù hợp với từng trẻ do đó thúc đẩy được các kỹ năng của trẻ tốt hơn.
- Sau khi tiếp nhận thông tin đăng ký của gia đình, trung tâm sẽ tổ chức đánh giá phát triển và tư vấn. Kết quả đánh giá sẽ là căn cứ để giáo viên can thiệp sớm xây dựng chương trình giáo dục cá nhân bài bản, phù hợp với từng vấn đề, độ tuổi cho trẻ.
- Chương trình can thiệp cũng được gửi về gia đình để cùng phối hợp thực hiện. Kết thúc một chương trình can thiệp, trẻ sẽ được đánh giá lại. Kết quả đánh giá lại là cơ sở để kiểm chứng quá trình can thiệp cho trẻ, kết quả đánh giá được sự giám sát của các nhà chuyên môn có kinh nghiệm, trình độ để định hướng và điều chỉnh nội dung của chương trình can thiệp cho lần tiếp theo.
- Giáo viên can thiệp sớm đã tạo ra được mối liên hệ chặt chẽ với gia đình và trường mầm non hoà nhập. Điều này không chỉ góp phần tăng hiệu quả can thiệp sớm cho bản thân trẻ mà còn đem lại sự hỗ trợ về tinh thần rất lớn với các phụ huynh.
- Trẻ can thiệp thời lượng nhiều hơn có chỉ số phát triển tốt hơn, trẻ học mầm non tư thục hòa nhập dễ dàng hơn.
- Các thành viên gia đình trẻ cũng có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc, can thiệp cho trẻ với các ba mẹ khác.
Hạn chế của hình thức can thiệp tại trung tâm can thiệp sớm
- Những gia đình ở xa sẽ tốn thời gian đi lại và có thể phải mất thêm những khoản chi phí khác như: Thuê nhà ở, phương tiện đi lại, ảnh hưởng đến công việc của ba mẹ…
- Học phí khá cao so với trường mầm non công lập.
Vậy khi nào thì trẻ nên học can thiệp tại trung tâm và khi nào thì nên học ở trường mầm non?
- Khi trẻ đã bắt đầu có những kỹ năng như chú ý quan sát tới các bạn khác, bắt chước các hoạt động chơi đùa, học tập.
- Khi trẻ nghe hiểu và làm theo được các mệnh lệnh đơn giản của thầy cô, ba mẹ: Ngồi xuống, đi rửa tay, đi vệ sinh để giúp con theo được những nội quy của lớp mầm non tốt hơn.
- Con có thể giao tiếp được những nhu cầu cơ bản của con như con muốn uống nước, muốn ăn, muốn đi vệ sinh. Vì nếu có nhiều bạn khi không được đáp ứng nhu cầu thì dễ nảy sinh các hành vi chưa phù hợp.
- Trẻ đã có khả năng tự phục vụ bản thân như tự xúc cơm ăn, hay tự chủ được nhu cầu vệ sinh.
- Trẻ không có những rào cản như có các hành vi chưa phù hợp như cắn, đánh bạn,…
Còn nếu như trẻ chưa có khả năng kiểm soát như cầu vệ sinh, chưa có khả năng tự phục vụ bản thân mình. Trẻ chơi 1 mình không quan tâm đến mọi người xung quanh hay chưa nghe hiểu các mệnh lệnh đơn giản, không có khả năng bắt chước và làm theo thì ba mẹ nên lựa chọn can thiệp tại trung tâm để trẻ được hỗ trợ những kỹ năng cần thiết trước khi đi mầm non.
Việc lựa chọn mô hình can thiệp tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Cần đáp ứng được các nhu cầu cần thiết của trẻ và điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Và gia đình cũng nên lắng nghe thêm những tư vấn từ những nhà chuyên môn có kinh nghiệm có kiến thức dày dặn để giúp ba mẹ có những hướng đi phù hợp. Trên đây là một số thông tin để ba mẹ có thể cân nhắc, và đưa ra những lựa chọn phù hợp để hướng đến sự phát triển tốt nhất ở trẻ.
Ths. Lưu Thị Quỳnh
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ, Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Hãy liên hệ với Hệ Thống Trung tâm tư vấn và đào tạo Rồng Việt gần bạn nhất để có thông tin chi tiết:
- Hệ thống trung tâm Rồng Việt tại TpHCM: Quận 2 (Tp Thủ Đức), Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 9 (Tp Thủ Đức), Quận Phú Nhuận, Quận Gò Vấp, Quận Tân Phú, Quận Bình Tân, Quận Thủ Đức (Tp Thủ Đức), Hóc Môn, Quận 10, Quận 12, Củ Chi, Quận Tân Bình.
- Hệ thống trung tâm Rồng Việt Miền Nam: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Bình Phước.
- Hệ thống trung tâm Rồng Việt Miền Trung - Tây Nguyên: Đã Nẵng, Huế, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Nha Trang, Phan Thiết, Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột.
- Hệ thống trung tâm Rồng Việt tại Hà Nội: Quận Cầu Giấy.
Hotline: 1900 636517