Mùa hè là dịp mong chờ của trẻ, mùa hè trẻ được thoải mái vui chơi không phải suy về học tập bài vở, trong mùa hè trẻ có thể có nhiều thời gian dành cho gia đình.
Mỗi dịp mùa hè đến các bậc ba mẹ cũng phải suy nghĩ, tìm hiểu và thiết kế những hoạt động phù hợp với độ tuổi, mức độ phát triển của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số gợi ý cho ba mẹ, các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ những hoạt động trong dịp hè dành cho trẻ.
Hoạt động 1: Cho trẻ về quê thăm ông bà, họ hàng.
Trong suốt khoảng thời gian đi học, trẻ chủ yếu di chuyển từ nhà đến trường, hãy tận dụng trong khoảng thời gian trẻ được nghỉ hè để cho trẻ về quê thăm gia đình nội ngoại ở các miền quê. Khi trẻ về quê trẻ sẽ được học hỏi những kiến thức thực tế, được quan sát nhiều hơn. Như trẻ thể ra đồng nằm lên bãi cỏ và nhìn thấy những đám mây đang trôi lơ lững trên bầu trời, từ những đám mây đó ba mẹ tập cho trẻ tưởng tượng ra những hình ảnh khác nhau, có đám mây hình môi con ngựa, có đám mây hình hai mẹ con khủng long đang đi chơi, thỉnh thoảng lại có đám mây hình trái tim, hình tròn…chính khi trẻ được ngắm thế giới bên ngoài rộng lớn sẽ giúp trẻ mở rộng trí tưởng tượng, hình thành những nét thẩm mỹ bên trong. Về quê trẻ có dịp trò chuyện kết nối nhiều hơn với ông bà, anh chị em họ, những người bạn mới, trẻ rèn luyện được sự lễ phép khi gặp người lớn chào hỏi, rèn được sự sẻ chia đồ chơi với anh em, bạn bè. Chính trong khoảng thời gian này trẻ sẽ hình thành tính tự lập, có thể sống xa ba mẹ một vài ngày mà không khóc, biết chơi nhiều trò chơi mới, khám phá những món ăn chưa được ăn ở nhà bao giờ. Như vậy việc cho trẻ về quê giúp trẻ xây dựng hình thành những kỹ năng mới, mở rộng phát triển vốn từ giao tiếp, hình thành giá trị sống, tính thẩm mỹ cao tình yêu quê hương đất nước những nơi trẻ có dịp đặt chân qua.
Một số điều ba mẹ cần lưu ý cho trẻ về quê trong dịp hè, những ngày cận hè ba mẹ nên trò chuyện cùng trẻ về những điều trẻ sẽ được trải nghiệm ở quê, sự thay đổi nề nếp sinh hoạt trong khoảng thời gian này. Vì một số trẻ khi thay đổi thời gian biểu sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí khó chịu. Việc ba mẹ chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ là một điều quan trọng, giúp trẻ về quê với một sự háo hức mong chờ những ngày nghỉ hè được về quê nô đùa vui chơi thỏa thích.
Hoạt động 2: Đọc sách cùng trẻ
Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, một số trẻ gần như dành suốt khoảng thời gian mùa hè của mình cho các hoạt động như xem phim, nghe nhạc, chơi game…những chương trình công nghệ luôn có sức hút đối với trẻ. Để trẻ không bị cuốn theo dòng xoáy công nghệ ba mẹ có thể thay thế hoạt động trong dịp hè bằng cách đọc sách. Đọc sách sẽ giúp trẻ tăng sự tập trung chú ý, giúp trẻ nâng cao khả năng quan sát, hình thành cho trẻ tư duy phản biện, sáng tạo trong quá trình đọc sách. Ngoài ra với việc trẻ đọc lượng sách nhiều sẽ giúp trẻ phát triển thêm vốn từ, giao tiếp linh hoạt trong nhiều tình huống, học tốt hơn các môn tiếng Việt tại trường. Ba mẹ có thể thiết kế một thời gian biểu trong ngày trẻ dành thời gian đọc sách, trong quá trình đọc sách giữa ba mẹ và trẻ sẽ cùng nhau hỏi đáp, trao đổi để làm sáng rõ một số vấn đề trẻ muốn tìm hiểu thêm.
Lưu ý khi chọn sách cùng trẻ nên bắt đầu từ những dòng sách trẻ thích chứ không phải là bắt đầu từ dòng sách mà cảm thấy quan trọng và cần thiết. Nếu được hãy đưa trẻ ra tại các quầy sách phù hợp với lứa tuổi để trẻ lựa chọn, có trẻ thích khủng long, một số trẻ thích siêu anh hùng, cũng không ít trẻ thích sách toán khoa học…Ba mẹ dành thêm một khoảng thời gian đồng hành lựa chọn cùng trẻ những cuốn sách hay, bổ ích, thu hút, phù hợp với độ tuổi phát triển. Ngoài ra nếu được thiết kế một không gian đọc sách cùng trẻ, để những cuốn sách ngay tầm mắt để trẻ có thể dễ dàng lấy khi có nhu cầu đọc trong ngày.
Hoạt động 3: Cho trẻ đi dã ngoại-cắm trại
Mùa hè thực sự là khoảng thời gian quý báu có thể giúp các gia đình gia tăng tính kết nối, nếu khoảng thời gian của ba mẹ không có nhiều thì hãy dành những thời gian cuối tuần để đưa trẻ đi cắm trại. Cả gia đình sẽ cùng nhau suy nghĩ xem nếu đi cắm trại trong hai ngày một đêm thì cần những gì, khuyến khích tất cả những khâu hoạt động trong dịp hè đều cho trẻ tham gia. Cùng nhau lên danh sách những thứ cần chuẩn bị trong ngày cắm trại hè của gia đình, lựa chọn cắm trại gần biển hay gần núi, một số vật dụng cần có khi đi cắm trại như lều trại, chăn gối giữ ấm vào ban đêm, thức ăn cho hai ngày cắm trại, …Những hoạt động cả gia đình sẽ cùng nhau, nếu gần núi thì cả gia đình sẽ có những hoạt động như leo núi cùng nhau, cùng nhau đi dạo dưới những cây rừng và tìm hiểu về thiên nhiên kì thú ở rừng. Nếu cắm trại ở biển thì có thể cùng nhau tắm biển, câu cá, nướng hải sản…Ngay khi kế hoạch được chuẩn bị cả gia đình sẽ đồng hành cùng nhau trong tất cả các hoạt động.
Một số lưu ý khi ba mẹ cho trẻ đi cắm trại, cần kiểm tra về sức khỏe của trẻ trước khi đi, lựa chọn những địa điểm phù hợp với thời gian di chuyển ngắn ngày của gia đình, ngoài ra xem xét địa điểm cắm trại có gần khu dân cư hay không, nếu trường hợp cả gia đình phát sinh nhu cầu thì có tiện cho việc do chuyển. Với trẻ việc thay đổi hoạt động ở địa điểm cắm trại cùng cần được trao đổi trước khi tiến hành.
Hoạt động 4: Cùng trẻ trồng cây
Một trong những hoạt động ba mẹ có thực hiện cùng trẻ là trồng cây, ba mẹ có thể cho trẻ trồng ươm hạt và nhìn cây nảy mầm lớn lên, những hạt ươm mầm không cần quá nhiều đất và diện tích sử dụng như các loại hạt đậu: đậu xanh, đậu phộng, đậu hà lan,… nếu nhà có nhiều đất không gian rộng hơn có thể ươm một số hạt cây dây leo như: bầu, bí, khổ qua, dưa leo…Với việc trẻ cùng trồng cây ba mẹ giới thiệu hoạt động và ý nghĩa của việc trồng cây. Trồng cây giúp có thêm mầm xanh, cung cấp thêm oxi cho quá trình con người hít thở, tạo ra bầu không trí trong lành. Cây muốn sống thì cất đất, nước và ánh ánh hằng ngày ba mẹ hướng dẫn trẻ tưới lượng nước vừa đủ cho cây, đưa cây đi tắm nắng và chăm sóc từng ngày, nhìn sự nảy mầm ngày một cao lớn của cây. Quá trình này ba mẹ cũng có thể liên tưởng đến việc ba mẹ chăm sóc giáo dục trẻ với tình yêu thương để mong trẻ lớn lên trưởng thành. Thông qua hoạt động trồng cây trẻ có thêm bài học về giá trị của tình yêu thương trong gia đình. Với những trẻ nhỏ ba mẹ giúp trẻ nhận biết phân biệt đặc điểm của các loài cây, màu sắc của cây…giúp trẻ quan sát thế giới tự nhiên nhiều hơn kể từ đó trẻ có những bài học cho bản thân mình.
Một vài lưu ý khi cho trẻ trồng cây, chọn được những cây phù hợp, cho trẻ tham gia vào quá trình các bước trồng một cây như ủ đất, bỏ hạt xuống đất, mỗi ngày cho trẻ quan sát cây lớn. Sau khi trẻ cùng trồng cây cho trẻ vệ sinh cá nhân bản thân sạch sẽ, quan sát để trẻ không bỏ đất hạt mầm, đất vào miệng.
Trên đây là một số hoạt động ba mẹ có thể tham gia cùng trẻ trong dịp hè. Tận dụng khoảng thời gian trẻ được nghỉ hè để thiết kế thêm những hoạt động bổ ích, lành mạnh hình thành những nền tảng giá trị sống về tình yêu thương trong mỗi trẻ. Tin chắc rằng khi trẻ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm trong dịp hè trẻ sẽ mở rộng thêm vốn kinh nghiệm hiểu biết của bản thân, sẽ có thêm nhiều góc nhìn về cuộc sống, có thêm những bài học giúp trẻ vững bước trên hành trình trưởng thành. Ba mẹ vẫn sẽ luôn là người dẫn được tuyệt vời cho trẻ trong suốt cuộc đời.
BS. Lộ Trung Anh Hoàng Luân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Thị Hoài Anh, 15 phút mỗi ngày yêu con, NXB phụ nữ, 2016
- Đỗ Xuân Thảo, Phan Thị Hồ Điệp, Những khúc hát thương nhau, NXB Lao động, 2016.
- Phạm Toàn, Tâm lý học trẻ em, NXB Trẻ, 2022
- Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2006