Vấn đề rối loạn phát triển tâm lý - RVE

Với sự phát triển của xã hội hiện nay, tỉ lệ trẻ gặp phải các vấn đề rối phát triển tâm lý ngày một tăng cao. Các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng khi trẻ rơi vào các rối loạn tâm lý.

Tuy nhiên không ít bậc cha mẹ cho rằng trẻ lớn lên tự khắc mọi vấn đề trong rối loạn phát triển tâm lý não bộ sẽ được khắc phục. Chính sự thiếu những thông tin cần thiết về những khó khăn trẻ đang gặp phải có thể vô hình chung làm vấn đề của trẻ ngày một trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển hiện tại cũng như tương lai của trẻ. Với bài viết này sẽ cung cấp thêm cho các cha mẹ về hai rối loạn phát triển tâm lý có thể gặp ở trẻ đó là: rối loạn giao tiếp và rối loạn học tập.

1. Rối loạn giao tiếp ở trẻ

Rối loạn đầu tiên chúng ta cùng nhau tìm hiểu đó là rối loạn giao tiếp ở trẻ. Chúng ta sẽ tìm hiểu các dấu hiệu và độ tuổi nào thì trẻ có thể được chẩn đoán, can thiệp.

Thông thường trẻ em có những trở ngại trong giao tiếp đều là do hậu quả của các vấn đề như thiểu năng trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ, hay tăng động giảm chú ý v.v …Nhưng rối loạn giao tiếp lại là chẩn đoán dành cho các trẻ chỉ có những khó khăn, trở ngại về các mặt diễn đạt và ngôn ngữ chứ không có các triệu chứng khác của các vấn đề đã nêu trên. Rối loạn này đặc biệt làm cho nhiều trẻ bị khó khăn trong lĩnh vực học tập nên trẻ thường được xếp vào các lớp đặc biệt.

Rối loạn giao tiếp được chia ra thành 3 loại: thứ nhất là rối loạn ngôn ngữ; thứ hai là rối loạn phát âm; thứ ba là rối loạn nói trôi chảy tuổi nhỏ.

van de roi loan phat trien tam ly o tre 2

Rối loạn ngôn ngữ: Đây là một vấn đề liên quan đến những vấn đề khó khăn về cả ngôn ngữ nói và viết, kể cả ngôn ngữ dấu hiệu. Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường sử dụng sai hoặc thiếu hụt các từ, không có khả năng dùng những chữ và câu nói có ý nghĩa và phù hợp để diễn tả đúng ý của mình.

Rối loạn phát âm: Trẻ có những rối loạn này thường khó khăn không phát ra đúng âm thanh của từ ngữ, thường quên âm của từ muốn nói hay có khi dùng một từ khác để thay thế. Sự khó khăn này là do bị khó khăn về vận động cơ ở cổ họng. Thông thường là không đọc đúng những phụ âm như: s, g, d, l …hoặc nói đớt với những từ ghép chẳng hạn, chữ ngây ngô nói ngược lại là ngô ngây…Vì thế ở tình trạng nhẹ thì tiếng nói của cá nhân đôi khi nghe có vẻ hấp dẫn, dễ thương. Nhưng ở mức độ rối loạn nặng thì rõ ràng là làm trở ngại cho cả người nói lẫn người nghe.

Rối loạn nói trôi chảy tuổi nhỏ: Chứng rối loạn nói trôi chảy làm cho cá nhân phải kéo dài và lặp đi lặp lại những chữ trong câu nói, thường ngập ngừng hay dừng lại giữa những câu khiến cho âm điệu của câu nói không bình thường, làm người nghe khó hiểu. Những động tác thường kèm theo là lắc đầu, bặm môi, nháy mắt…như là một nỗ lực để có thể thốt ra được câu nói. Tuy thế, mức độ của triệu chứng cũng thay đổi theo mỗi tình huống. Rối loạn này làm cho cá nhân luôn cảm thấy lo âu, tinh thần căng thẳng, hồi hộp bất cứ lúc nào cần phát biểu.

2. Rối loạn khó khăn học tập

Rối loạn tâm lý thứ hai chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích tìm hiểu đó là rối loạn học tập đặc hiệu, phần này chúng ta sẽ tìm hiểu về những biểu hiện, những khó khăn mà trẻ gặp phải trong quá trình học tập.

Phần lớn các trẻ bị yếu kém trong lĩnh vực học hành là do hậu quả của những khiếm khuyết bẩm sinh có liên quan đến khuyết của trí tuệ, hoặc do cơ thể có những khuyết tật, hay bị tổn thương vì tai nạn hoặc giảm sút các khả năng kí ức, thị giác, thính giác,…Hơn thế nữa, những khó khăn bất cập trong hoàn cảnh và môi trường sống có căn nguyên phát sinh từ gia đình, văn hóa hay xã hội cũng thường gây ra những tác động tiêu cực đối với sự tiến bộ trong học hành của trẻ.

Thế nhưng một số trẻ em bị rối loạn khó khăn học tập thì không phải là do nguyên nhân trực tiếp từ những vấn đề nêu ra ở trên.

van de roi loan phat trien tam ly o tre 3

Rối loạn học tập đặc hiệu tạo ra sự sút kém rất rõ rệt trong lĩnh vực học tập cho một cá nhân, từ lúc trẻ còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Căn cứ trên các kết quả về khả năng đọc, viết và làm toán thì những cá nhân có chứng rối loạn học tập thể hiện những sự sút kém rõ rệt so với thực tế về tuổi tác, trí thông minh và mức độ học của họ.

Ví dụ trí thông minh tổng quát của cá nhân là 120 điểm, nhưng kết quả các bản trắc nghiệm về khả năng đọc, viết, tính toán chỉ đạt khoảng 90 điểm hoặc thấp hơn. Như vậy chỉ số thông minh bình thường so với chỉ số học vấn cách nhau 20 điểm.

Rối loạn ngôn ngữ đọc: Rối loạn ngôn ngữ đọc thường là chứng phổ thông nhất trong rối loạn học tập. Rối loạn ngôn ngữ đọc thường khiến trình độ và khả năng đọc của cá nhân không ngang tầm so với thực tế của trí thông minh và tuổi tác của mình. Rối loạn đọc thể hiện trên các hình thức như chậm chạp về tốc độ đọc, khó khăn về sự thông hiểu ý nghĩa của câu chữ, đọc chữ và đánh vần không chính xác.

Trẻ có chứng rối loạn đọc nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì chứng tật này sẽ được cải thiện vào khoảng tuổi 14.

Rối loạn toán học: Có 3 tiêu chuẩn để xác định trẻ có rối loạn toán học:

  • Tiêu chuẩn đầu tiên là khả năng toán học của cá nhân thể hiện rõ sự khó khăn và sự thua sút hẳn so với tuổi tác, mức học vấn và trí thông minh hiện tại của cá nhân
  • Tiêu chuẩn thứ hai là sự sút kém về mặt toán học đã có những tác động tệ hại đến những đòi hỏi có liên quan đến khả năng tính toán trong các sinh hoạt thường ngày của cá nhân.
  • Tiêu chuẩn thứ ba là những khó khăn về khả năng toán học sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu cá nhân có thêm khuyết tật hay thiếu hụt nào đó liên quan đến các cơ năng thuộc về giác quan.

van de roi loan phat trien tam ly o tre 4

Trẻ có những chứng tật này thường gặp khó khăn khi học hay làm toán. Trẻ thường không hiểu các ý niệm trừu tượng liên quan đến môn toán, không nhận ra những kí hiệu, hiểu các quy tắc, phương trình toán học và rất khó khăn chậm chạp trong việc tính toán, cũng như không hiểu được mục đích của toán học là gì.

Rối loạn ngôn ngữ viết: Cá nhân có chứng rối loạn ngôn ngữ viết thể hiện nhiều sự hư hỏng trong các khả năng sử dụng văn phạm, đánh vần và khả năng sáng tạo ý tưởng trong viết lách. Cá nhân thường gặp những khó khăn không những trên các phương diện nghe đọc mà còn trên các quãng diễn của những câu văn viết.

Với những rối loạn phát triển tâm lý trên để một lần nữa các bậc phụ huynh có cái nhìn tổng quan về những khó khăn mà trẻ có thể gặp phải trong quá trình lớn lên, khi tìm hiểu về các thông tin trên gia đình sẽ hiểu hơn về trẻ, nếu trong trường hợp phát hiện ra trẻ đang có những rối loạn phát triển tâm lý thì một việc hết sức cần thiết là cho con thăm khám để được giá chuyên sâu và hỗ trợ xây dựng chương trình can thiệp kịp thời trước khi qua giai đoạn phát triển vàng của trẻ.

Tác giả: ThS. Tâm lý Lê Thị Thảo

Tài liệu tham khảo:

T.S Phạm Toàn (Chủ biên), Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM-5, NXB Trẻ, 2021.