Tập cho trẻ xòe tay xin khi có nhu cầu - RVE

Xòe tay xin là một kỹ năng tương tác xã hội, giao tiếp ban đầu của trẻ. Đó là cách trẻ thể hiện nhu cầu của mình (ăn, uống, đi vệ sinh,...) một cách đơn giản khi trẻ chưa có nhiều ngôn ngữ.

Tập cho trẻ xòe tay xin là một  kỹ năng rất cần thiết và quan trọng, nhờ kỹ năng này mà trẻ có thể thể hiện nhu cầu của bản thân một cách phù hợp, người lớn có thể hiểu và đáp nhu cầu của trẻ. Đồng thời, đó cũng  là kỹ năng tiền đề giúp trẻ phát triển các khả năng giao tiếp ngôn ngữ sau này.

B52 TAP CHO TRE XOE TAY XIN KHI CO NHU CAU

Vậy ba mẹ tập cho trẻ xòe tay xin khi có nhu cầu như thế nào? 

Dạy trẻ xòe tay - trong thao tác xin -cho

  • Cho trẻ ngồi đối diện (trên sàn hoặc trên ghế) và tạo sự tập trung chú ý.
  • Ba mẹ chuẩn bị một đồ vật trẻ rất thích (đồ ăn, nước, đồ chơi, …) và di chuyển trong tầm mắt của trẻ để gợi lên nhu cầu trong trẻ.
  • Khi trẻ với tay hay dõi mắt theo đồ vật có nhu cầu, ba mẹ cầm tay trẻ và hướng dẫn: “con xin” và kéo bàn tay trẻ ngửa ra và đặt đồ vật trẻ thích vào lòng bàn tay trẻ.
  • Ba mẹ hãy lặp lại như vậy từ 3-5 đồ vật và kết thúc, khen thưởng động viên trẻ (yeah, cùng chơi món đồ chơi trẻ thích với trẻ).

Cho trẻ xem mẫu các bạn khác biết xòe tay xin và nhắc trẻ: Con muốn thì con “xòe tay” và “xin”.

Áp dụng vào các tình huống thực tế trong đời sống hằng ngày.

Trong sinh hoạt hằng ngày, ba mẹ chú ý vào các tình huống thực tế. Khi con muốn ăn, uống, chơi,… thì ba mẹ cần dừng lại, tập cho trẻ xòe tay xin rồi mới đáp ứng nhu cầu cho trẻ. Ba mẹ đừng vội vàng đáp ứng nhu cầu của trẻ chỉ vì trẻ khóc lên.

Các khó khăn ba mẹ có thể gặp khi tập cho trẻ là gì?

  • Bản thân trẻ: Trẻ chưa có các kỹ năng xã hội, độ tập trung chú ý đủ để thực hiện thao tác xòe tay xin.
  • Môi trường xung quanh trẻ: Ba mẹ chưa chờ con xòe tay xin để thể hiện nhu cầu đã vội đáp ứng nhu cầu của trẻ. Điều này về lâu dài tạo ra một thói quen không tốt ở trẻ: chỉ cần khóc, hét lên là sẽ đáp ứng được nhu cầu, không cần xòe tay xin.

Kết luận

Tập cho trẻ xòe tay xin là một kỹ năng tiền đề, cần thiết, quan trọng trong việc hình thành và phát triển khả năng ngôn ngữ giao tiếp ở trẻ. Nhờ kỹ năng này mà trẻ bước đầu thể hiện nhu cầu của mình một cách phù hợp. Vì vậy, ba mẹ cần sớm dạy kỹ năng này cho trẻ ở giai đoạn tiền ngôn ngữ để tạo tiền đề, nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp trong các giai đoạn sau của trẻ. 

Tác giả: Cao Văn Tờ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phát triển hoàn thiện giao tiếp cho trẻ tự kỉ - Linda Hodgdon – Người dịch Hoàng Thị Kim Chi – NXB Đại học Huế, 2019.
  2. Hướng dẫn phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc –Nhóm dịch RUBIC – NXB Thế giới, 2017.
  3. Hướng dẫn phát triển kỹ năng chơi – Nhóm dịch RUBIC – Nhà xuất bản Thế giới, 2017.
  4. 100 bài tập can thiệp cho trẻ - Tài liệu tham khảo dành cho giáo viên từ Khối CTGD- TT Rồng Việt.