5 sai lầm khi con chuẩn bị vào lớp 1 - RVE

Bước vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng của các trẻ, trẻ bước sang một ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Trẻ rất cần những hành trang vững chắc để trẻ tự tin khám phá môi trường mới.

Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn của trẻ, đặc biệt là đối với các trẻ đang gặp các rối loạn phát triển, nhưng nhiều ba mẹ không nắm bắt được những thay đổi tâm sinh lý, những khó khăn này, hoặc chưa hiểu trẻ cần gì nhất để chuẩn bị vào lớp 1 nên thường gặp các sai lầm ở bước chuẩn bị hành trang cho trẻ trong giai đoạn quan trọng này.

Sai lầm thứ nhất, chưa chuẩn bị cho trẻ một tinh thần sẵn sàng về môi trường học mới

Với trẻ vào lớp 1 đó là vào một môi trường mới, trẻ sẽ được gặp cô giáo và bạn bè mới. Vào lớp 1 là môi trường hoàn toàn khác biệt với mầm non, một môi trường học tập mới, ở đó trẻ phải học nhiều hơn, phải vào khuôn khổ và nề nếp. Tại đây, đòi hỏi trẻ phải có khả năng giao tiếp và tương tác tốt với thầy cô, bạn bè.

Đối với trẻ không gặp vấn đề về rối loạn phát triển thì các khả năng này ở trẻ đã có và chỉ cần ba mẹ trang bị một phần thì trẻ sẽ có khả năng hòa nhập môi trường tốt. Nhưng bên cạnh đó, với những trẻ có vấn đề về rối loạn phát triển thì bản thân trẻ đang gặp những khó khăn về về giao tiếp và tương tác xã hội. Khó khăn này khiến trẻ không có khả năng xây dựng các mối quan hệ với bạn đồng trang lứa, khó khăn trong việc thích ứng môi trường mới và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các tình huống khác nhau.

Chính vì vậy, ba mẹ cần chuẩn bị tâm lý về điều này cho trẻ (trẻ bình thường và trẻ rối loạn phát triển). Thật sai lầm nếu ba mẹ không chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ mà đưa trẻ vào học tại môi trờng mới. Điều này sẽ dễ dẫn đến hiện tượng trẻ bị hụt hẫng và cảm thấy sợ hãi. 

Vậy nên, nhiệm vụ quan trọng nhất của ba mẹ trong giai đoạn này là làm “công tác tư tưởng” cho trẻ để giúp trẻ cảm thấy hào hứng với việc đi học. Cụ thể hơn, ba mẹ có thể kể cho trẻ nghe về việc đến trường được vui chơi cùng nhiều bạn bè, được cô giáo yêu thương, chăm sóc, giảng dạy những điều mới mà trẻ sẽ rất muốn biết,…Ba mẹ cũng có thể dẫn trẻ đi mua sách vở, đồ dùng học tập mới tạo động lực cho trẻ đến trường. Ba mẹ cho trẻ bổ sung thêm các kĩ năng giao tiếp, tương tác xã hội và sử dụng hành vi phi ngôn ngữ như ánh mắt, nét mặt, cử chỉ để thể hiện thái độ, tình cảm.

Sai lầm thứ hai, ba mẹ không chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 mà để trẻ tự thích nghi với môi trường mới

Ở môi trường mẫu giáo, các hoạt động được sắp xếp phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ mẫu giáo, chương trình học chú trọng vào việc vừa học vừa chơi, chủ yếu phát triển kĩ năng sống cho trẻ. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn lớp 1, trẻ sẽ phải tham gia vào lớp học có nề nếp, sắp xếp tiết học và giờ giấc cụ thể trong một ngày. Trẻ phải hiểu biết về thời khóa biểu, sắp xếp chuẩn bị sách vở cho tiết học, trẻ phải học chữ cái, thực hiện những phép tính toán,…Từ những khác biệt lớn về môi trường lẫn cách học, nhiều trẻ cảm thấy hoảng sợ, chán nản, thậm chí là ghét đến trường lớp.

Hiện nay, một giờ học của trẻ tiểu học kéo dài từ 35 - 40 phút/giờ. Với trẻ phát triển bình thường để ngồi tập trung trong khoảng thời gian này đòi hỏi trẻ phải có khả năng tập trung cao. Còn đối với trẻ rối loạn phát triển, việc ngồi yên 35 - 40 phút trong giờ học là rất khó bởi trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung và kiên nhẫn, dễ chán nản. Thế nên, ba mẹ cần rèn cho trẻ biết ngồi yên trong khoảng thời gian đó để giúp trẻ rèn luyện sự tập trung chú ý. Cụ thể, ba mẹ giúp trẻ phân chia thời gian ăn, ngủ, học, chơi trong những khoảng thời gian cố định để tạo thói quen về kỷ luật. Trên lớp, sự không tập trung cũng là điều diễn ra bình thường ở trẻ rối loạn phát triển trong các giờ học kéo dài. Vậy nên, ba mẹ không nên quá lo lắng về việc này. Thay vào đó, ba mẹ hãy quan tâm, nhắc nhở, vừa nghiêm khắc, vừa nhẹ nhàng đối với trẻ. Nếu như ba mẹ chuẩn bị cho trẻ một hành trang sẵn sàng thì trẻ sẽ tuân thủ nề nếp ở lớp, ở trường, tuân thủ khi tập trung xếp hàng lúc chào cờ và trong các hoạt động tập thể.

sai lam khi con vao lop 3

Sai lầm thứ ba, trẻ chưa đủ thành thạo về ngôn ngữ, nhận thức đã vào lớp 1

Việc trẻ đi học theo đúng độ tuổi nên phụ thuộc vào khả năng của trẻ chứ không phải vào mong muốn của gia đình, vì nếu như đúng tuổi đi học mà vốn ngôn ngữ - nhận thức và lời nói của trẻ không đủ, không đúng với độ tuổi thực của trẻ sẽ khiến trẻ trở nên lạc lõng giữa các bạn cùng trang lứa, trẻ dễ rơi vào tình trạng tự cô lập và bị cô lập khi đi học không đúng khả năng và không đúng môi trường.

Việc học theo đúng độ tuổi nhận thức, ngôn ngữ là điều cần thiết. Vì mục tiêu đưa ra sẽ phù hợp với vùng phát triển gần của trẻ, giúp trẻ dễ đạt được tiến bộ trong quá trình học tập, can thiệp. Còn nếu nhận thức – ngôn ngữ chưa đạt được thì trẻ sẽ gặp khó khăn trong quá trình học chương trình lớp 1. Bởi trẻ sẽ không nghe hiểu được những yêu cầu từ phía giáo viên, khó khăn trong việc tiếp thu bài học. Từ đó, làm cho trẻ có tâm lý chán nản, không muốn đến trường và xuất hiện hành vi chống đối, quậy phá trên lớp.

Do đó, trước khi đi học Tiểu học trẻ cũng cần đạt được những kỹ năng nền tảng về giao tiếp, ngôn ngữ, nhận thức, và việc trẻ sử dụng thành thạo ngôn ngữ trong sinh hoạt hàng ngày là việc quan trọng nhất để chuẩn bị cho trẻ tự kỷ vào lớp 1. Chính vì vậy, thông qua các hoạt động hàng ngày, ba mẹ cần tập cho trẻ biết diễn đạt một cách rõ ràng, mạch lạc, không nói ngọng, nói lắp, nói lí nhí, dạy trẻ thể hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh giao tiếp. Ngoài ra, ba mẹ cũng giúp trẻ thích ứng với hoạt động mới như sắp xếp bàn ghế, cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đúng. Cần hướng dẫn trẻ điều khiển, vận động bàn tay để thực hiện một cách gọn gàng, dẻo dai các thao tác vận động trong giờ học, giờ chơi, giờ ăn…

sai lam khi con vao lop 4

Sai lầm thứ tư, quá trình chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 thiếu đi sự khuyến khích của gia đình

Thay vì chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 khi ở nhà, một số ba mẹ do bận rộn với công việc mà phó thác việc đi học của trẻ cho nhà trường. Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, tuy nhiên, ở cấp Tiểu học, việc giáo dục các trẻ toàn diện nên có sự góp sức của cả nhà trường và gia đình. Bởi vì sau giờ học, trẻ sẽ trở về mái ấm gia đình, nơi có ba mẹ là người gần gũi với trẻ nhất.

Cuộc sống hiện nay đa phần ba mẹ quá bận rộn nên thực sự chưa dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ, khuyến khích trẻ trẻ của mình. Nhưng đối với trẻ sắp vào lớp 1 điều này thực sự rất quan trọng. Vì thời gian ban đầu, nhiều trẻ chưa thích nghi với các môn học của trường và cách học mới mẻ. Trẻ sẽ cảm thấy áp lực, chán nản và rất khó khăn khi đến lớp. Thay vì thờ ơ không quan tâm hay quát mắng trẻ quá nhiều làm trẻ cảm thấy sợ hãi, ba mẹ nên thông cảm cho sự thay đổi lớn này, khích lệ, động viên tinh thần và đồng hành cùng trẻ vượt qua khó khăn. Ba mẹ có thể khen thưởng mỗi khi trẻ đạt điểm cao hay khích lệ mỗi khi trẻ chưa hoàn thành tốt để tạo tinh thần hứng khởi, thoải mái cho trẻ.

Hơn thế nữa, ba mẹ chính là những tấm gương cho trẻ noi theo, là người ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, thái độ, tư duy của trẻ đối với mọi thứ bên ngoài. Vì vậy có thể nói, ba mẹ chính là những người thầy/cô đầu tiên của trẻ từ lúc mới chào đời. Để giúp trẻ cảm thấy yêu thích, khám phá cuộc sống xung quanh thì ba mẹ có thể tự tạo những tình huống thực tế, thông qua đó nhằm khơi gợi tinh thần học hỏi cho trẻ. Đồng thời, ba mẹ cũng nên chia sẻ kinh nghiệm cũng như phân tích “đúng sai” trong từng trường hợp cho trẻ hiểu.

Thêm vào đó, đừng chỉ hỏi han về việc học và điểm số của trẻ, mà hãy quan tâm trẻ có vui khi đi học không, có điều gì khiến trẻ phiền lòng, … Như vậy trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của ba mẹ, từ đó dễ cởi mở và dễ chia sẻ hơn. Chắc chắn, việc hiểu nhau giữa ba mẹ và trẻ cái sẽ giúp ba mẹ dễ dàng trong cách nuôi dạy trẻ mình hơn.

sai lam khi con vao lop 5

Hơn thế nữa, ba mẹ chính là những tấm gương cho trẻ noi theo, là người ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, thái độ, tư duy của trẻ đối với mọi thứ bên ngoài. Vì vậy có thể nói, ba mẹ chính là những người thầy/cô đầu tiên của trẻ từ lúc mới chào đời. Để giúp trẻ cảm thấy yêu thích, khám phá cuộc sống xung quanh thì ba mẹ có thể tự tạo những tình huống thực tế, thông qua đó nhằm khơi gợi tinh thần học hỏi cho trẻ. Đồng thời, ba mẹ cũng nên chia sẻ kinh nghiệm cũng như phân tích “đúng sai” trong từng trường hợp cho trẻ hiểu.

Thêm vào đó, đừng chỉ hỏi han về việc học và điểm số của trẻ, mà hãy quan tâm trẻ có vui khi đi học không, có điều gì khiến trẻ phiền lòng, … Như vậy trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của ba mẹ, từ đó dễ cởi mở và dễ chia sẻ hơn. Chắc chắn, việc hiểu nhau giữa ba mẹ và trẻ cái sẽ giúp ba mẹ dễ dàng trong cách nuôi dạy trẻ mình hơn.

Sai lầm thứ năm, học trước, biết trước sẽ tốt cho trẻ

Theo các chuyên gia giáo dục, chiến lược học trước, biết trước trước đem lại kết quả cao, nhưng về lâu dài đó là sai lầm. Nhiều khảo sát thực tế cho thấy khi trẻ bắt đầu vào học lớp 1, thầy cô đều dạy từ đầu, trẻ phải học lại tất cả kiến thức cũ gây tụt giảm hứng thú, nhàm chán, thậm chí có trẻ bày tỏ thái độ chủ quan, tự kiêu, làm ảnh hưởng đến thái độ học tập sau này. Đặc biệt, với các trẻ rối loạn phát triển thì việc này ảnh hưởng rất lớn. Vậy nên điều cần làm ở ba mẹ không phải là “rào trước” kiến thức, mà là trang bị cho trẻ một số kỹ năng cần thiết khi chuyển tiếp môi trường từ vui chơi là chủ động ở bậc mầm non sang môi trường học là chủ đạo ở Tiểu học. Qua đó, các trẻ có thể hoà nhập và giữ vững được sự tò mò, hứng thú trước kiến thức mới. Những kỹ năng thích nghi với môi trường mới rất cần thiết nhưng người lớn thường quên hướng dẫn trẻ như: làm quen với bàn ghế kiểu “người lớn”, tập đi ngủ và thức dậy đúng giờ, học cách ngồi ngay ngắn, cầm bút viết, xin phép phát biểu hoặc đi vệ sinh, giữ gìn dụng cụ học tập...

Vì trẻ em đến trường không chỉ học chữ, trẻ em đến trường vì mục tiêu cao hơn là phát hiện niềm vui từ việc học, môn học yêu thích.

KẾT LUẬN

Đối với mỗi đứa trẻ, việc bước vào lớp 1 sẽ là một bước ngoặt lớn đầu đời – bước vào một môi trường học tập hoàn toàn mới, trẻ sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Nếu không có sự chuẩn bị kĩ càng trẻ dễ rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ và không còn hứng thú cho việc đến trường. Từ những sai lầm trong quá trình chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1 ở trên các bậc ba mẹ cần hiểu, điều quan trọng nhất đối với trẻ và đặc biệt là trẻ gặp rối loạn phát triển khi vào lớp 1 không phải kết quả học tập mà là sự trang bị đầy đủ kĩ năng, sự thích ứng, sự tự tin, sự hứng thú. Để làm được điều này, vai trò của ba mẹ vô cùng quan trọng. Hành trang giá trị lớn nhất của của trẻ vào lớp 1 chính là ba mẹ đồng hành cùng trẻ trong một giai đoạn mới. Ba mẹ hãy luôn là người ở bên để giúp trẻ thích ứng nhanh với môi trường học mới nhé.

Ths. Tâm lý Nguyễn Vân Thanh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan Thiệu Xuân Giang, Chơi để giúp trẻ bạn phát triển
  2. Trương Thị Khánh Hà, Tâm lí học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội
  3. Nguyễn Thị Hải Yến, Đề cương bài giảng, phát triển ngôn ngữ tuổi mầm non, Khoa giáo dục mầm non, trường Đại học Tân Trào
  4. Phạm Thị Châu, Nguyễn Thị Oanh, Trần Thị Sinh, Giáo dục học mầm non, Nhà xuất bản đại học Quốc gia Hà Nội, 2008. 
  5. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chủ biên) Nguyễn Thị Như Mai, Đinh Thị Kim Thoa, Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm, 2019