Phương pháp can thiệp cho trẻ RLPT - RVE

Với tỷ lệ trẻ mắc phải các rối loạn phát triển ngày một tăng cao, vì vậy vấn đề được đặt ra cho các bậc ba mẹ đó là những phương pháp can thiệp nào sẽ mang lại hiệu quả cho trẻ nhằm giúp trẻ nâng cao nhận thức, ngôn ngữ, điều chỉnh hành vi cùng với sự lớn lên mỗi ngày.

Trong bài viết này sẽ cung cấp cho các bậc phụ huynh một cái nhìn tổng quan về các phương pháp can thiệp đã được nghiên cứu chứng minh có hiệu quả trong quá trình can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển tâm lý.

phuong phap can thiep tre roi loan phat trien 2

Thỉnh thoảng khi vào các hội nhóm các bậc ba mẹ sẽ bắt gặp những câu hỏi như: “Cho trẻ phổ tự kỷ, tăng động, chậm nói…châm cứu ở đâu thì hiệu quả” hay “Có thể sử dụng phương pháp cấy tế bào gốc trong can thiệp các rối loạn phát triển không?”. Câu trả lời ở đây là những phương pháp vừa đề cập ở trên là những phương pháp chưa có chứng cớ khoa học. Trong quá trình đi tìm hiểu và áp dụng các phương pháp can thiệp cho trẻ, ba mẹ cần thật sự tỉnh táo để tìm hiểu xem phương pháp nào thực sự phù hợp và đã được chứng minh lâm sàng là là hiệu quả. Một số phương pháp sau đây chưa được khoa học chứng minh là có hiệu quả: Thứ nhất là cấy tế bào gốc, thứ hai là châm cứu - bấm huyệt, thứ ba là cấy chỉ, thứ tư là thở oxy áp cao, thứ năm là cúng bái….Ngoài ra, còn có một số phương pháp ba mẹ tự truyền tai nhau. Nếu các phương pháp chưa được chứng minh mà áp dụng cho trẻ không chỉ không có tác dụng, tốn kinh phí mà còn mất đi cơ hội cho trẻ được can thiệp trong giai đoạn vàng. Vậy câu hỏi đặt ra là có những phương pháp nào được chứng minh là hiệu quả trong quá trình can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển?

1. Các phương pháp can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển

Hiện tại có những phương pháp được khoa học chứng minh là có hiệu quả đối với trẻ rối loạn phát triển, đặc biệt là nhóm trẻ rối loạn phổ tự kỷ bao gồm: Thời gian chơi trên sàn (Floortime-DIR), Từng bước nhỏ, ABA- Phương pháp can thiệp hành vi, phương pháp giao tiếp tăng cường và thay thế (AAC), phương pháp tăng cường thay thế (PECS), điều hoà cảm giác. Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về các phương pháp.

Từng bước nhỏ: là chương trình can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) có tuổi khôn (tuổi trí tuệ) tối đa là 4. Can thiệp sớm nghĩa là bắt đầu giúp trẻ CPTTT càng sớm càng tốt để trẻ phát triển tối đa khả năng của chúng. CT này dựa trên chương trình Macquaria cho trẻ CPTTT- do trường đại học Macquaria ở Sydney thực hiện.

Flootime-DIR là phương pháp chơi trên sàn nhà nương theo trẻ, chơi những gì trẻ muốn chơi, một cách làm việc có hệ thống với trẻ để giúp trẻ bước lên từng bậc thang phát triển. Lưu ý: Thời gian sử dụng: Đối với trẻ có khó khăn, khoảng 6-10 lần/ ngày, mỗi lần khoảng 30 phút là tối ưu.

phuong phap can thiep tre roi loan phat trien 3

AAC chính là viết tắt của cụm từ “Augmentative and Alternative Communication” được dịch ra tiếng Việt là “Giao tiếp Tăng cường và Thay thế”. AAC là một thuật ngữ dùng để mô tả các công cụ và các chiến lược khác nhau mà không phải là lời nói được tạo ra trực tiếp từ cơ quan phát âm của con người, được người lớn và trẻ em có khiếm khuyết ngôn ngữ và giao tiếp dùng để giải quyết các khó khăn giao tiếp hàng ngày.

PECS tên tiếng Anh đầy đủ là Picture Exchange Communication System dịch sang tiếng Việt có nghĩa là hệ thống giao tiếp trao đổi hình (hình ảnh) là một dạng của hình thức giao tiếp thay thế và thúc đẩy giao tiếp trong đó người ta sử dụng hình ảnh dưới các hình thức khác nhau thay cho ngôn ngữ để giúp trẻ có thể học cách giao tiếp. PECS đặc biệt hữu hiệu đối với các trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ hoặc các trẻ em khác có triệu chứng chậm phát triển ngôn ngữ khác

ABA dựa trên khoa học về học tập và hành vi. Trị liệu ABA áp dụng các định luật về hành vi nhằm gia tăng các hành vi phù hợp, mong muốn đồng thời làm giảnm thiểu các hành vi có vấn đề.  Trị liệu ABA cũng được sử dụng để tăng cường các kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp , đồng thời cải thiện khả năng chú ý, tập trung, kỹ năng xã hội, trí nhớ và học thuật.

2. Lưu ý khi áp dụng các phương pháp vào trong quá trình can thiệp cho trẻ

Với mỗi các phương pháp được đề cập ở trên, điều thực sự quan trọng là ba mẹ cần nắm vững được các bước thực hiện, mức độ hiện tại của trẻ để lựa chọn phương pháp phù hợp. Trong các phương pháp luôn có những công cụ hỗ trợ như những món đồ chơi trẻ yêu thích, các thẻ tranh ảnh để giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn. Một điều vô cùng cần được ba mẹ lưu ý khi sử dụng phương pháp là tạo được sự kết nối, cảm giác an toàn mang lại cho trẻ. Khi trẻ cảm nhận được ba mẹ như một người chơi tương tác thì trên cơ sở đó ba mẹ biết trẻ cần hỗ trợ ở những kỹ năng nào và hỗ trợ toàn phần hay một phần của mục tiêu mà ba mẹ đang hướng tới cho trẻ.

phuong phap can thiep tre roi loan phat trien 4

Hi vọng thông qua bài viết này ba mẹ sẽ có một cái nhìn tổng thể về các phương pháp can thiệp dành cho trẻ rối loạn phát triển. Hành trình can thiệp cho con là một hành trình dài, những bước đi đầu tiên sẽ vô cùng khó khăn và gian nan. Tin tưởng rằng khi ba mẹ đủ sự kiên nhẫn, đủ tình yêu thương thì hành trình sẽ mang đến những quả ngọt là sự phát triển mỗi ngày của trẻ.

Bác Sĩ Lộ Trung Anh Hoàng Luân

Tài liệu tham khảo

  1. TS. Nguyễn Xuân Hải, TS. Nguyễn Nữ Tâm An, TS. BS. Hoàng Văn Tiến, Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2023.
  2. Đỗ Thị Thảo, ThS. Nguyễn Thị Hoa, ThS. Trần Tuyết Anh, Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trí tuệ, NXB Khoa học và kỹ thuật, 2020.
  3. Phạm Toàn, Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM5, NXB trẻ, 2021