Chậm nói là cách gọi thông thường của các phụ huynh khi thấy con nói ít, nói chậm hơn các bạn đồng trang lứa.
Vậy chậm nói là gì? Trẻ chậm nói sẽ có biểu hiện gì? Chậm nói có phải do dính thắng lưỡi không? Bài viết dưới đây sẽ cùng quý phụ huynh giải đáp những thắc mắc đó.
Những vấn đề chung về trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói đúng hơn là chậm phát triển ngôn ngữ là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ so với tuổi. Trẻ có thể gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển lời nói, sử dụng cử chỉ…Ví dụ, ở độ tuổi 2 tuổi trẻ thường sẽ nói được câu 3-4 từ, hiểu một số đại từ nhân xưng như ba mẹ - con, anh chị - em…, hiểu các hành động trong tranh như: ăn bánh, ăn cơm, uống sữa, đánh răng…; Sử dụng được các câu hỏi đơn giản như: Cái gì đây? Đâu rồi?. Nhưng trẻ chỉ mới nói được 1-2 từ đơn, chưa hiểu những yêu cầu của người lớn… có thể được xem xét là chậm phát triển ngôn ngữ.
Chậm nói có nhiều mức độ khác nhau với các vấn đề khác nhau, nhưng có thể phân loại thành:
- Chậm nói đơn thuần: tức là trẻ vẫn có lượng từ vựng phong phú, trẻ hiểu được các yêu cầu, những thông điệp của người khác trong quá trình giao tiếp. Trẻ có lời nói chậm hơn so với tuổi, nhưng sử dụng tốt những cử chỉ giao tiếp.
- Chậm nói đi kèm với các rối loạn phát triển: chậm nói là biểu hiện của một trong số các biểu hiện của các rối loạn phát triển như chậm phát triển trí tuệ, rối loạn phổ tự kỷ.
Biểu hiện của trẻ chậm nói:
Đối với những trẻ chậm nói đơn thuần sẽ có dấu hiệu như:
- Khi 12 tháng tuổi: không hoặc ít sử dụng những cử chỉ điệu bộ như gật đầu đồng ý, chỉ bằng ngón trỏ…
- Khi 18 tháng tuổi: Trẻ thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp. Trẻ cũng không bắt chước âm thanh, lời nói của người khác.
- Khi 2-3 tuổi: Trẻ có thể bắt chước những âm thanh hoặc hành động nhưng không tự nói được một cách chủ động, hoặc kém khi sử dụng, hình thành cấu trúc câu mới.
Đối với các trẻ chậm nói đi kèm rối loạn phát triển sẽ có thêm các biểu hiện như:
- Trẻ có rối loạn phổ tự kỷ: trẻ không nói hoặc chỉ nói các từ đơn, cụm từ, nhại lời, không sử dụng ngôn ngữ mang tính giao tiếp; không hiểu nghĩa bóng của câu nói.
- Trẻ có tăng động, giảm chú ý: ngôn ngữ, lời nói của trẻ chậm hơn móc phát triển ngôn ngữ của trẻ, hoặc trẻ nói quá nhiều, trả lời trước khi nghe xong câu hỏi hay cắt ngang khi người khác nói, đang nói có thể thay đổi quan điểm một cách đột ngột, khó khăn khi chờ đến lượt của bản thân, vận động quá mức, cử động tay chân liên tục, thường xuất hiện các hành vi gây hấn, ăn vạ do không nói được để người khác hiểu, hay bất cẩn, hay quên,…
Những yếu tố của quá trình giao tiếp ngôn ngữ
Để trẻ có thể phát triển ngôn ngữ - giao tiếp thì cần hội tụ đầy đủ các thành tố bao gồm:
- Khả năng nghe tốt, không gặp các vấn đề về thính lực.
- Cơ quan phát âm hoàn thiện bao gồm môi, răng, lưỡi… hoàn thiện. Cơ quan này có linh hoạt, có đặt đúng vị trí cấu âm mới tạo ra các âm đúng.
- Kiến thức hay vốn từ vựng: trẻ phải có vốn từ đủ để có thể nghe hiểu và đáp ứng được các yêu cầu của người khác trong quá trình giao tiếp, đồng thời có lượng từ vựng đủ để có thể hình thành các câu mới và có thể trôi chảy, lưu loát khi nói.
Quá trình học ngôn ngữ của trẻ là quá trình tích lũy các thông tin qua các kênh khác nhau bao gồm quá trình học tập tích lũy vốn từ vựng để có được ngôn ngữ hiểu, và quá trình diễn đạt ngôn ngữ bộc lộ thông qua lời nói, cử chỉ.
Dính thắng lưỡi và các vấn đề chậm nói
Cơ quan phát âm bao gồm: môi, răng, lưỡi, ngạc trên, ngạc dưới, lợi, vòm cứng, vòm mềm… Lưỡi là một bộ phận của cơ quan phát âm, ảnh hưởng đến quá trình phát âm.
Thắng lưỡi là một lớp niêm mạc mỏng dưới lưỡi. Thắng lưỡi có chức năng hỗ trợ các chuyển động của lưỡi linh hoạt, từ đó mới giúp cho các hoạt động nhai, nuốt thức ăn và phát âm.
Dính thắng lưỡi là tật bẩm sinh nhẹ do dây thắng lưỡi ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi.
Biểu hiện của dính thắng lưỡi bao gồm:
- Thắng lưỡi ngắn, cử động lưỡi bị hạn chế.
- Đầu lưỡi không thè ra ngoài môi được.
- Đầu lưỡi không thể đụng nóc vòm họng
- Khi khóc, đầu lưỡi trẻ hình trái tim.
- Đầu lưỡi khi thè lưỡi ra thì phẳng hoặc vuông.
- Trẻ bú khó, phát âm khó.
Để xác định được mức độ dính thắng lưỡi, trẻ phải được thăm khám chuyên khoa tại các bệnh viện để đảm bảo độ chính xác về mức độ và có cần hỗ trợ cắt thắng lưỡi hay không.
Ảnh hưởng của dính thắng lưỡi
Nếu trẻ bị dính thắng lưỡi phát hiện muộn sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng bú nuốt và phát âm, đồng thời tác động lên sự phát triển thể chất và tính lưu loát của ngôn ngữ, khả năng vận động của lưỡi.
- Về khả năng vận động của lưỡi: Tuỳ theo mức độ dính thắng lưỡi sẽ ảnh hưởng ít hay nhiều về khả năng vận động lưỡi của trẻ. Như việc trẻ có thể hoặc không thể đưa được lưỡi lên chạm vào vòm miệng bên trên, đưa lưỡi chạm vào miên mạc má ở hai bên
- Về khả năng bú mẹ và nhai nuốt: Khi trẻ bị dính thắng lưỡi sẽ gây ảnh hưởng đến việc khó bú, khi bú gây đau vú mẹ, bú bình chậm, uống ít sữa dẫn đến nhẹ cân, không tăng cân, khó chịu khi bú, hay cáu gắt. Từ đó, việc nhai, nuốt cũng gây khó khăn, khi nhai dễ cắn vào lưỡi.
- Về việc phát âm: Dính thắng lưỡi sẽ gây ra cho trẻ gặp khó khăn trong việc uốn cong lưỡi, đưa lưỡi ra phía trước, bởi vậy việc phát âm cũng bị ảnh hưởng khi phát âm các âm cần vận động lưỡi nhiều như: t, d, l, s, z, ch, …, từ đó gây ảnh hưởng đến việc diễn đạt của trẻ khi nói.
- Gây ảnh hưởng đến răng: Dính thắng lưỡi sẽ gây ảnh hưởng đến việc mọc răng, làm cho nghiên răng cửa dưới, có khe hở ở hai răng hàm dưới, dễ gây viêm và tụt lợi ở mặt trong răng hàm dưới.
Như vậy dính thắng lưỡi là một trong các yếu tố gây khó khăn cho trẻ khi phát âm, không phải là nguyên nhân gây nên vấn đề chậm nói ở trẻ.
Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu chậm nói thì ba mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa về tai mũi họng, các chuyên viên tâm lý có chuyên môn, để xác định được vấn đề khó khăn trẻ đang gặp phải.
Điều quan trọng hơn hết với các trẻ chậm nói là cần được can thiệp và hỗ trợ phát triển ngôn ngữ.
Mong rằng với những chia sẻ trên đây, quý phụ huynh phần nào hiểu thêm được về chậm nói, các vấn đề liên quan giữa dính thắng lưỡi và chậm nói để có những cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp cho trẻ chậm nói.
Bác sĩ Lộ Trung Anh Hoàng Luân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Vũ thị Bích Hạnh, ThS Đặng Thái Thu Hương (2004), Hướng dẫn thực hành âm ngữ trị liệu, NXB Y học Hà Nội.
- Đỗ Thị Hạnh Nga, Cao Thị Xuân Mỹ (2010), Thực trạng trẻ chậm phát triển trí tuệ ở Thành Phố Hồ Chí Minh hiện nay, Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM.
- https://benhviennhitrunguong.gov.vn/tre-cham-phat-trien-ngon-ngu-phat-hien-som-can-thiep-hieu-qua.html.
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/giao-tiep-voi-tre-tu-ky-nhu-the-nao/
- https://trungtamnhanhoa.vn/tre-tang-dong-cham-noi/
- https://tytphuong9qgv.medinet.gov.vn/cham-soc-suc-khoe-tre-em/tat-dinh-thang-luoi-anh-huong-the-nao-voi-tre-cmobile10989-83205.aspx