Quản lý hành vi ở trẻ từ 2 - 6 tuổi - RVE

Hành vi của trẻ giai đoạn từ 2 - 6 tuổi đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đây là nền tảng của việc hình thành nên nhân cách cho trẻ sau này.

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần nắm rõ những hành vi thường xuất hiện ở trẻ trong giai đoạn này. Để từ đó, có những chiến lược hỗ trợ trẻ điều chỉnh hành vi phù hợp với hoàn cảnh và môi trường.

Ở giai đoạn 2 - 6 tuổi cha mẹ thường thấy các hành vi ở trẻ đó là: Hành vi rập khuôn; hành vi ăn vạ; hành vi đập đầu; hành vi giận dữ. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích từng hành vi ở trẻ. Cha mẹ hãy cùng theo dõi nhé.

Hành vi là những biểu hiện của con người ra bên ngoài, được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động nhằm đạt được một mục đích nhất định nào đó phục vụ nhu cầu cho chính bản thân người đó.     

Rối loạn hành vi là khi trẻ có các vấn đề hành vi đáng chú ý khác biệt so với mong đợi của gia đình, nhà trường hay xã hội. Trẻ không làm theo ý của người lớn ở một thời điểm phù hợp.

hanh vi cua tre 2 6 tuoi 2

1. Hành vi rập khuôn ở trẻ

Hành vi này thường xuất hiện ở trẻ gặp vấn đề về rối loạn phổ tự kỷ với các biểu hiện như sau:

  • Nhón chân; xoay vòng tại chỗ
  • Vỗ tay/vẫy tay khi phấn khích
  • Tự chơi với bàn tay
  • Có những mối bận tâm quá mức
  • Cuốn hút vào chữ số, chữ cái
  • Quan tâm nhiều đến chi tiết của đồ vật hơn là tổng thể của đồ vật đó: cánh quạt quay, bánh xe ô ô, chỗ phản sáng….
  • Gắn liền với những thói quen, đồ vật nhất định…

hanh vi cua tre 2 6 tuoi 3

Hành vi rập khuôn của trẻ có thể do các nguyên nhân sau đây gây nên: Cảm nhận của trẻ về thế giới xung quanh. Hoặc cũng có thể do trẻ kém nhạy cảm hoặc quá nhạy cảm từ hệ thống cảm giác của trẻ. Với trẻ kém nhạy cảm: thường xuyên thực hiện hành vi để đạt được ngưỡng được kích thích. Trẻ quá nhạy cảm: từ chối, trốn tránh kích thích.

Vậy khi trẻ có những biểu hiện về hành vi rập khuôn cha mẹ nên làm gì để hỗ trợ trẻ. Dưới đây là một vài chiến lược để hỗ trợ trẻ:

  • Cha mẹ chơi theo sự hướng dẫn của trẻ.
  • Cha mẹ chú ý đến đồ vật, đồ chơi trẻ chọn đồng thời hướng trẻ sang những hoạt động chơi tích cực. Ví dụ: vỗ tay khi mẹ hát.
  • Cha mẹ tham gia cùng trẻ với hoạt động trẻ chọn. Khen thưởng khi trẻ thực hiện một hoạt động không tương thích với các hành vi rập khuôn. Ví dụ: những trẻ có hành vi tự chơi với bàn tay cha mẹ khen thưởng khi trẻ tham gia vào một hoạt động mà đòi hỏi trẻ sử dụng bàn tay rất nhiều (như bóp đậu, tô màu, nặn đất sét…). Khi tham gia vào hoạt động này, trẻ tập trung vào hoạt động và sẽ giảm hành vi chơi với bàn tay.

2. Hành vi khóc ăn vạ ở trẻ

Hành vi khóc ăn vạ ở trẻ được hiểu là ngồi ỳ, nằm ỳ ra để đòi cho bằng được, hoặc đề bắt đền một ai đó. Hành vi này thường kèm theo cảm xúc tức giận và hành vi bướng bỉnh.

Trẻ có hành vi khóc ăn vạ thường có những biểu hiện như: nằm lăn lộn, khóc và hét lớn, bứt tóc bứt tai, dậm chân, ném phá đồ đạc….

Trẻ xuất hiện hành vi khóc, ăn vạ cũng có thể hiểu do trẻ:

  • Khủng hoảng tuổi lên 3
  • Học từ người khác
  • Người lớn vô tình củng cố hành vi ăn vạ
  • Thu hút sự chú ý
  • Thách thức, thăm dò thái độ, cảm xúc, hành vi của người khác
  • Thiếu kỹ năng
  • Vấn đề sức khoẻ tâm thần

hanh vi cua tre 2 6 tuoi 4

Nếu trẻ có những hành vi ăn vạ này cha mẹ hãy hỗ trợ trẻ bằng một vài chiến lược như sau:

  • Cho trẻ biết giới hạn: điều được phép làm và điều không được phép làm.
  • Cha mẹ đưa ra một số quy định phù hợp với trẻ.
  • “Cương quyết” đi cùng “yêu thương” .
  • Cha mẹ cũng cần phải bình tĩnh khi trẻ xuất hiện hành vi khóc ăn vạ.
  • Mọi hành vi đều có lý do của nó. Cha mẹ hãy đọc tên lý do của trẻ.
  • Xem xét vấn đề: động cơ ăn vạ của trẻ thuộc về nhu cầu hay đòi hỏi. Nếu trẻ ăn vạ do nhu cầu thì cha mẹ có thể đáp ứng trẻ. Nhưng nếu ăn vạ do đòi hỏi thì cha mẹ không nhất thiết phải đáp ứng cho trẻ.
  • Cha mẹ hãy giải thích lý do vì sao cha mẹ không đáp ứng nhu cầu của trẻ.
  • Phớt lờ hành vi ăn vạ.

3. Hành vi đập đầu ở trẻ

Hành vi đập đầu xảy ra trong quá trình phát triển bình thường ở trẻ. Hành vi này dễ thấy ở trẻ tự kỉ, chậm trễ phát triển, và trẻ sống ở môi trường nhiều ép buộc.

Hành vi đập đầu ở trẻ là do nguyên nhân từ đâu. Hành vi này xuất phát từ sự thất vọng ở trẻ với người chăm sóc; trẻ muốn được chú ý; trẻ gặp vấn đề về sự phát triển.

Khi trẻ có hành vi đập đầu cha mẹ hãy:

  • Chú ý đến trẻ – nhưng không phải khi bé đập đầu.
  • Bảo vệ trẻ khỏi tổn thương.
  • Không mặc cả với trẻ trong mọi tình huống.
  • Cần bình tĩnh và kiên trì.

4. Hành vi giận dữ

Hành vi giận dữ bao gồm rên rỉ và khóc, hoặc gào thét, đá, đánh và thở dốc. Hành vi giận dữ xảy ra giống nhau giữa trẻ nam và trẻ nữ, ở tuổi 1 đến 3. Hành vi giận dữ là một phần rất bình thường của quá trình phát triển của trẻ.

5. Trẻ có hành vi giận dữ cũng có thể do một vài nguyên nhân dưới đây:

  • Trẻ thất vọng, tìm kiếm sự chú ý, mệt mỏi, đói, không thoải mái.
  • Hành vi giận dữ thường xuất hiện ở trẻ tuổi lên 2.
  • Trẻ không có giao tiếp phù hợp.
  • Trẻ nhỏ muốn có cảm giác độc lập, kiểm soát môi trường.
  • Trẻ phát hiện ra chúng không thể có thứ chúng muốn.

hanh vi cua tre 2 6 tuoi 5

Khi trẻ xuất hiện hành vi giận dữ cha mẹ có thể sử dụng một số chiến lược dưới đây để hỗ trợ trẻ:

  • Cần phải được giải thích cho trẻ
  • Phạt tính giờ
  • Ngồi ở ghế khoảng 1 phút và (tối đa là 5 phút)
  • Khi trẻ đứng lên khi chưa hết giờ, trẻ sẽ bị buộc phải quay lại ghế
  • Cần tránh nói chuyện và giao tiếp bằng mắt
  • Khi thời gian phạt tính giờ đã hết, cần hỏi trẻ lý do
  • Trẻ cần được nhắc lại một chút về các lý do đúng
  • Nỗ lực đưa ra hành vi tốt và khen ngợi trẻ

6. Một số lưu ý chăm sóc trẻ có rối loạn hành vi

  • Thứ nhất, cha mẹ cần xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống phù hợp, tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và trí não, từ đó giảm nhẹ các rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ bị rối loạn hành vi.
  • Thứ hai, cha mẹ khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi, bộ môn lành mạnh như: bơi lội, vẽ tranh, học đàn, học các kỹ năng sống,… Tránh cho trẻ chơi các game bạo lực vì có thể gia tăng các hành vi hung hăng với động vật và những người xung quanh.
  • Thứ ba, cha mẹ nên quan tâm đến cảm xúc của trẻ, thường xuyên hỏi han để trẻ bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc chân thật. Cha mẹ cần đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng, không chỉ trích hay phê bình.
  • Thứ tư, cha mẹ nên dành thời gian để thực hiện cùng trẻ một số hoạt động như trang trí, dọn dẹp nhà cửa, xem phim, đọc sách,… Những hoạt động này có thể giải tỏa cảm xúc giận dữ, hằn học và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa trẻ với những thành viên trong gia đình.

Tác giả: Chuyên viên Tâm lý Huỳnh Thị Hà

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Thị Minh Thành (Chủ biên), Giáo trình quản lý hành vi của trẻ khuyết tật trí tuệ, NXB Đại học sư phạm, 2022.
  2. Vấn đề rối loạn hành vi của trẻ rối loạn phát triển - TS. Michelle Mccolin Trường Đại học Slippery Rock, Hoa Kỳ
  3. Nhập môn giáo dục đặc biệt- Dong-Young Chung- Lê Minh Hà ( Đồng chủ biên).
  4. Hỗ trợ hành vi để phát triển học tập và cảm xúc xã hội trẻ khuyết tật- GS.TS. Rachaela.Gonzales.