Khi quyết định cho trẻ đi can thiệp, phần lớn trẻ thuộc nhóm rối loạn phát triển hoặc có biểu hiện khiến gia đình lo lắng, thường liên quan đến chậm phát triển ngôn ngữ, nhận thức hoặc hành vi bất thường.
Việc ba mẹ lựa chọn đơn vị can thiệp phù hợp đóng vai trò quan trọng, giúp đảm bảo an toàn và tiến bộ cho trẻ. Tuy nhiên, một số ba mẹ vô tình gửi con vào các cơ sở thiếu uy tín, gây ra hậu quả đáng tiếc.
1. Một số nguy cơ của việc cho trẻ học tại những đơn vị không uy tín
Thứ nhất là ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ
An toàn là nhu cầu hàng đầu khi trẻ tham gia vào bất kỳ môi trường nào, cả về thể chất lẫn phát triển tâm lý. Tuy nhiên, nếu ba mẹ gửi trẻ vào những đơn vị không uy tín, có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng:
- Nguy cơ bạo lực và lạm dụng: Trẻ có thể bị giáo viên, nhân viên hoặc người chăm sóc bạo lực, gây tổn thương tâm lý, lo lắng, sợ hãi, giảm tự tin hoặc phản kháng do các phương pháp can thiệp không đúng cách. Cần có bộ phận giám sát để ngăn ngừa những hành vi này.
- Rủi ro sức khỏe: Trung tâm không đảm bảo an toàn cơ sở vật chất và vệ sinh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Ba mẹ cần quan sát và trao đổi kỹ về điều kiện cơ sở vật chất trước khi lựa chọn trung tâm.
- Đội ngũ nhân viên thiếu chuyên môn: Giáo viên và nhân viên không được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
- Bí mật thông tin cá nhân: Các trung tâm cần đảm bảo bảo mật thông tin và hình ảnh cá nhân của trẻ, điều mà ba mẹ nên quan tâm.
Thứ hai ảnh hưởng đến giai đoạn phát triển vàng của trẻ
Giai đoạn 0-3 tuổi là thời kỳ vàng khi não bộ trẻ phát triển nhanh chóng và tiếp nhận thông tin hiệu quả nhất. Nếu trẻ được can thiệp sớm nhưng giáo viên tại trung tâm chỉ cho trẻ chơi tự do, không xây dựng chương trình can thiệp cụ thể, điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ.
Do đó, ba mẹ cần đặc biệt quan tâm đến chương trình can thiệp tại trung tâm và thường xuyên đánh giá mục tiêu phát triển của trẻ để đảm bảo hiệu quả.
Thứ ba là ảnh hưởng đến tài chính của gia đình.
Việc can thiệp cho trẻ thường đi kèm chi phí cao, bao gồm dịch vụ can thiệp, thuốc, trợ giúp chăm sóc, chi phí đi lại và các khoản phát sinh khác. Nếu ba mẹ bỏ ra số tiền lớn nhưng trẻ không nhận được can thiệp phù hợp và môi trường thúc đẩy phát triển tâm lý, điều này sẽ gây gánh nặng tài chính đáng kể cho gia đình.
Nhiều gia đình đã phải “thắt lưng buộc bụng” để gửi con đi can thiệp, nhưng nếu lựa chọn trung tâm không uy tín, trẻ không cải thiện mà tài chính gia đình ngày càng hao hụt. Vì vậy, việc chọn đúng cơ sở can thiệp uy tín, chất lượng là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu rủi ro tài chính.
Thứ tư là ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của trẻ.
- Khó khăn hòa nhập xã hội: Can thiệp tại trung tâm không uy tín có thể khiến trẻ thiếu kỹ năng xã hội, giao tiếp, và tự chăm sóc bản thân, dẫn đến khó khăn trong việc theo kịp chương trình học khi bước vào lớp 1.
- Duy trì môi trường không hiệu quả: Một số cha mẹ duy trì cho con học ở trung tâm dù không thấy cải thiện, vì ngại thay đổi. Điều này có thể dẫn đến hành vi không phù hợp như la hét, ném đồ, hoặc tự làm đau bản thân và người khác khi trẻ không vừa ý.
2. Lưu ý khi chọn đơn vị can thiệp cho trẻ
Vì vậy khi ba mẹ cho con đi can thiệp tại trung tâm cần quan tâm tới các vấn đề sau để đảm bảo an toàn cho trẻ:
- Trao đổi với trung tâm: Ba mẹ nên nói chuyện với các nhà chuyên môn, quản lý để hiểu rõ phương pháp, cách vận hành của trung tâm, và đưa ra đề xuất nếu cần.
- Tìm hiểu kỹ đơn vị: Tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển, và đội ngũ nhân sự của trung tâm để đảm bảo chi phí đầu tư mang lại giá trị hiệu quả cho trẻ.
- Theo dõi quá trình can thiệp: Quan sát sự tiến triển của trẻ và hỗ trợ kịp thời trong suốt thời gian can thiệp.
- Trao đổi thường xuyên: Duy trì liên lạc với trung tâm để đảm bảo quá trình can thiệp đạt được hiệu quả tối ưu.
Việc cho trẻ đi can thiệp tại những đơn vị không uy tín có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, ba mẹ cần tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về các trung tâm để lựa chọn nơi đảm bảo an toàn và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Hy vọng ba mẹ sẽ tìm được các đơn vị uy tín để đồng hành cùng con trên hành trình can thiệp, giúp trẻ đạt được những tiến bộ tích cực.
Chuyên viên Huỳnh Thị Hà
Tài liệu tham khảo
- Phạm Toàn, Tâm lý học trẻ em, NXB Trẻ, 2022
- Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2006
- TS Sally J. Rogers, TS Geraldine Dawson, TS Laurie A. Vismara, Bạch Thu Phương (dịch), BS Bùi Thị Phương Hoa (hiệu đính), Can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, NXB Trẻ, 2020