Hỗ trợ trẻ chậm nói hay khóc, la hét - RVE

Hiện nay, tình hình trẻ chậm nói ngày càng gia tăng, bên cạnh đó trẻ chậm nói hay xuất hiện hành vi khóc, la hét để thể hiện nhu cầu, thể hiện cảm xúc của bản thân trẻ.

Tuy nhiên trẻ khóc la vô cớ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất, tinh thần. Chính vì vậy nhiều bậc phụ huynh có con chậm nói hay có những băn khoăn, lo lắng khi con hay la khóc mà không biết phải xử lý như thế nào là phù hợp. Để trả lời cho câu hỏi, bài viết dưới đây sẽ giúp phụ huynh có thêm thông tin, cách thức hỗ trợ trẻ phù hợp.

Thế nào là trẻ chậm nói?

Chậm nói là một thuật ngữ thường được sử dụng khi thấy tình trạng chậm xuất hiện lời nói của một trẻ so với các trẻ khác đồng lứa.

Trẻ chậm nói là trẻ có tình trạng chậm trễ trong việc đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ so với tuổi. Chẳng hạn trẻ được 18 tháng nhưng chưa nói được từ đơn, không đáp lời bằng lời nói cũng như hành động khi được hỏi một vấn đề gì đó hay trẻ 24 tháng không thể nói quá 15 từ, chỉ có thể nhắc lại lời nói của người khác chứ không tự mình nói ra được, …

tre cham noi la het 2

Nguyên nhân của trẻ chậm nói

Hiện tại chưa xác định được nguyên nhân cụ thể lý giải cho việc trẻ chậm nói, có một số yếu tố nguy cơ sau:

Thứ nhất, về thực thể: một số trẻ gặp tổn thương về thực thể như trẻ có vấn đề bệnh lý như có bất thường ở cơ quan phát âm (sứt môi hở vòm, dính thắng lưỡi nặng dẫn đến khó khăn khi phát âm, bú, trẻ gặp khiếm khuyết về khả năng nghe, …) hoặc não (di chứng của xuất huyết não, viêm màng não hoặc dị tật bẩm sinh,...).

Thứ hai, do các rối loạn phát triển: trẻ chậm nói do các rối loạn phát triển gây ra như trẻ có rối loạn phổ tự kỷ (ít giao tiếp mắt, gọi tên ít đáp ứng lại, hành vi sở thích hạn hẹp, rập khuôn lặp đi lặp lại, …).

Thứ ba, do môi trường giao tiếp, tương tác xã hội: Gia đình quá nuông chiều, ít tương tác, trò chuyện với trẻ làm cho trẻ thiếu hụt về cơ hội giao tiếp, người chăm sóc hay ba mẹ đáp ứng nhu cầu cho trẻ quá nhanh hay cung cấp đầy đủ và kịp thời những nhu cầu của trẻ ngay cả khi trẻ chưa có nhu cầu hoặc tín hiệu yêu cầu. Điều này làm trẻ dễ ỉ lại, lệ thuộc, đồng thời trẻ không có cơ hội được giao tiếp tương tác phát triển ngôn ngữ.

Nguyên nhân trẻ chậm nói hay khóc, la hét

Nguyên nhân về phát triển ngôn ngữ: Trẻ chậm nói thường có vốn từ hạn hẹp hơn so với lứa tuổi, vì vậy trẻ thường gặp khó khăn khi sử dụng các ngôn ngữ lời nói, cử chỉ hành động để biểu đạt nhu cầu của bản thân dẫn đến việc trẻ thường cáu gắt, khó chịu hoặc khóc la. Như việc trẻ muốn ăn bánh nhưng lại không biết cách biểu đạt bằng ngôn ngữ lời nói nên trể sẽ la hét, hoặc khóc để gây sự chú ý của ba mẹ.

Nguyên nhân về thiếu kỹ năng giao tiếp: Một số trẻ chậm nói có thể gặp việc suy giảm và thiếu hụt về kỹ năng giao tiếp, tương tác với người khác do các rối loạn phát triển,ví dụ như trẻ có rối loạn phổ tự kỷ thì trẻ sẽ ít hoặc không chơi với các bạn cùng lứa, không biết khoe mách hoặc chia sẻ mối quan tâm, ít có giao tiếp mắt, thường chú ý chơi các chi tiết, bộ phận của đồ vật thay vì chú ý tương tác với người đối diện khi chơi trò, trẻ cũng thường gặp khó khăn khi tham gia các trò chơi có tính quy luật nhóm, có những thói quen, sở thích hạn hẹp, tập trung vào một số chủ đề nhất định, …

Nguyên nhân về vấn đề sức khoẻ: một số trẻ chậm nói cũng gặp nhiều khó khăn diễn tả tình hình sức khoẻ của trẻ cho mọi người xung quanh, do đó trẻ cũng thường xuyên có các hành vi khóc, la hét khi gặp các vấn đề về sức khoẻ như sốt, đau bụng, đau đầu, bị thương, ...

Nguyên nhân về môi trường gia đình: Ba mẹ đáp ứng không đúng nhu cầu của trẻ, ba mẹ quá bận với công việc, ít dành thời gian chơi và tương tác cùng trẻ dẫn đến trẻ xuất hiện các hành vi mè nheo, nhõng nhẽo để gây chú ý hoặc trẻ khóc, la hét để tránh né những yêu cầu, hiệu lệnh từ ba mẹ. Hay trẻ muốn ba mẹ đáp ứng nhu cầu của trẻ, ví dụ trẻ muốn ăn kẹo nhưng ba mẹ không đồng ý thì trẻ sẽ khóc ăn vạ để được đáp ứng nhu cầu đó. Hoặc ba mẹ thường xuyên nuông chiều và đáp ứng nhu cầu của trẻ quá nhanh dẫn đến tạo thành thói quen cho trẻ.

Cách hỗ trợ khi trẻ chậm nói khóc và la hét

Về phát triển ngôn ngữ: Ba mẹ tăng cường vốn từ, mở rộng vốn từ cho trẻ thông qua các thẻ tranh, các hoạt động động hằng ngày trong cuộc sống, đồ dùng, tập cho trẻ gọi tên các con vật, đồ vật trong nhà, người thân, …

Về kỹ năng giao tiếp: Trò chuyện cùng trẻ thông qua các hoạt động hằng ngày: Ba mẹ hãy trò chuyện cùng trẻ nhiều hơn, gọi tên những hoạt động thường ngày của trẻ, như “Bo tắm, Bo ăn cơm, Bo uống sữa”. Ở mỗi hoạt động, thay vì ba mẹ hỗ trợ trẻ hãy tạo cơ hội để trẻ tự thực hiện như khi đi tắm, hãy nói với trẻ về hoạt động sắp diễn ra: “Bo ơi, đi tắm nào”, sau đó hãy cùng trẻ chuẩn bị những đồ dùng cần thiết như: áo, quần, khăn… Trong quá trình tắm hãy trò chuyện cùng trẻ về các đồ dùng vật dụng sử dụng như xà bông, nước, vòi hoa sen, hãy massage cơ thể cho trẻ, vừa làm vừa gọi tên những bộ phận cơ thể của trẻ. Cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi: Ba mẹ nên cố gắng tạo thêm nhiều cơ hội để chơi cùng trẻ, dạy trẻ chơi. Thông qua các hoạt động vui chơi với người khác, với đồ chơi, trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng như vận động tinh tế, phối hợp mắt tay, kỹ năng bắt chước, kỹ năng nhận thức – ngôn ngữ.

tre cham noi la het 4

Về vấn đề sức khoẻ: ba mẹ quan sát các biểu hiện về sức khoẻ của trẻ, đồng thời nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chuẩn đoán chính xác bệnh lý trẻ đang gặp phải và chữa trị kịp thời.

Về môi trường gia đình: Ba mẹ luôn quan sát và tìm hiểu nguyên nhân các hành vi của trẻ. Như khi trẻ xuất hiện hành vi khóc, la hét ba mẹ nên bình tĩnh quan sát, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi của trẻ, từ đó đưa ra các đáp ứng nhu cầu cho trẻ một cách phù hợp.

  • Trường hợp trẻ gây sự chú ý: ba me hãy trấn an cho trẻ, nói cho trẻ những lý do đơn giản để trẻ hiểu được như ba mẹ đang bận rộn, mong trẻ chờ đợi rồi ba mẹ sẽ chơi cùng trẻ. Điều quan trọng ba mẹ cần nói và giữ lời hứa cho trẻ. Và sắp xếp những trò chơi hoạt động phù hợp để trẻ có thể tự chơi. Bên cạnh đó phụ huynh hướng dẫn trẻ cách để thu hút sự chú ý của ba mẹ phù hợp bằng các cử chỉ điệu bộ như: chỉ, gật đầu, lắc đầu,…
  • Trường hợp trẻ khóc la để né tránh: ba mẹ cần xem lại tình huống đang diễn ra, tiết chế lại những yêu cầu và nhiệm vụ phù hợp với trẻ hơn để trẻ có thể hoàn thành được nhiệm vụ mà ba mẹ đưa ra. Muốn chơi cùng trẻ hãy nương theo trẻ, để trẻ thấy được chơi với ba mẹ rất vui. Muốn trẻ nói trước hết hãy cung cấp vốn từ cho trẻ bằng cách nói rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, lặp đi lặp lại, sau đó tạo những tình huống để kích thích trẻ nói như mớm lời, khen ngợi trẻ.
  • Trường hợp trẻ khóc la để đòi hỏi: Những chú ý ba mẹ nên cho trẻ thời gian để trẻ được giải tỏa cảm xúc, ở bên nhưng không dỗ dành và chú ý đến trẻ từ xa. Sau đó ba mẹ nhẹ nhàng giải thích nguyên nhân để trẻ hiểu. Ba mẹ cũng cần nhất quán những trường hợp trẻ được và không được đáp ứng để hỗ trợ quản lý hành vi cho trẻ.

tre cham noi la het 5

Tác giả

Chuyên viên Lê Thị Anh Thư

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ thị Bích Hạnh, ThS Đặng Thái Thu Hương (2004), Hướng dẫn thực hành âm ngữ trị liệu, NXB Y học Hà Nội.
  2. https://medlatec.vn/tin-tuc/cham-noi-o-tre-nho-nguyen-nhan-do-dau-va-cach-khac-phuc
  3. https://www.trungtamphuchoichucnang.com/am-ngu-tri-lieu/tre-cham-noi-hay-la-het.html