Phải làm gì khi trẻ tự kỷ ăn vạ? - RVE

Nếu trong gia đình có một trẻ rối loạn phổ tự kỷ thì các thành viên trong gia đình cần dành nhiều thời gian tương tác, trò chuyện để đồng hành cùng trẻ trong quá trình lớn lên trưởng thành.

Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng đó không ít ba mẹ lo lắng mỗi khi nhắc đến những hành vi không phù hợp của trẻ, nhiều ba mẹ không biết vì sao trẻ có hành vi đó và cách xử trí khi trẻ xuất hiện hành vi. Một trong những hành vi chúng ta có thể nhìn thấy ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ là hành vi ăn vạ. Vậy ba mẹ cần làm gì khi trẻ tự kỷ ăn vạ? Câu hỏi này sẽ có câu trả lời trong bài viết dưới đây.

lam gi khi tre tu ky an va 2

Một số nguyên nhân khiến trẻ ăn vạ

Trẻ gặp vấn đề về rối loạn xử lý cảm giác

Một trong những yếu tố khiến cho trẻ tự kỷ xuất hiện hành vi ăn vạ là trẻ gặp vấn đề về rối loạn xử lý cảm giác, khi nói đến rối loạn xử lý cảm giác là các cơ quan cảm giác của trẻ hoặc quá nhạy hoặc quá trơ.

Như vậy việc thiếu cân bằng về các cơ quan cảm giác cũng khiến trẻ gặp những khó khăn khi đối diện với môi trường, nhiều trẻ khi đối diện với những rối loạn đó sẽ lo lắng sợ hãi khóc lóc, vô tình người lớn nói rằng trẻ thường xuyên ăn vạ.

Trẻ gặp khó khăn về vấn đề giao tiếp

Một trong những suy kém cốt lõi của trẻ rối loạn phổ tự kỷ là vốn từ giao tiếp thường hạn hẹp, trẻ thường kéo tay người khác khi có nhu cầu, ngay cả với việc sử dụng những giao tiếp không lời trẻ cũng khó có thể thực hiện được.

lam gi khi tre tu ky an va 3

 Vốn từ giao tiếp hạn chế làm cho trẻ không biết cách diễn đạt nhu cầu mong muốn của bản thân, trẻ không biết thể hiện nhu cầu cá nhân bằng lời nói như thế nào để người khác hiểu. Chính vì điều này dẫn đến khi không được đáp ứng nhu cầu hoặc nhu cầu không phù hợp với mong muốn như trẻ muốn bình sữa mà người lớn lại đưa trẻ bình nước. Chính điều này khiến trẻ trở nên khó chịu, ăn vạ la khóc để người lớn có thể đoán nhu cầu của trẻ.

Trẻ gặp những khó khăn về cảm xúc

Một trong những vấn đề trẻ tự kỷ gặp phải là thể hiện được cảm xúc phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, từ những kích thích từ môi trường bên ngoài. Không ít trẻ tự kỷ đang ngồi chơi  lại tự khóc hoặc cười. Trẻ tự kỷ đi kèm với yếu tố rập khuôn về hành vi, đôi khi chỉ một vài thay đổi nhỏ về hoạt động trong ngày cũng khiến trẻ trở nên khó chịu, khóc la trẻ không thể thích ứng ngay và phản ứng đầu tiên sẽ là khóc ăn vạ.

Nhiều phụ huynh trẻ tự kỷ luôn cảm thấy bế tắc, bất lực khi con họ trở nên mất kiểm soát, la hét liên tục. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ la hét vì đó là những gì trẻ cần làm ngay lập tức để giải phóng căng thẳng và cảm xúc khi bị kích thích. Hiểu theo nghĩa đặc biệt, đây là cách trẻ tương tác với thế giới. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu rõ điều này, bình tĩnh suy xét lại toàn bộ vấn đề, từ đó tìm ra hướng giải quyết.

Một số cách xử trí hành vi ăn vạ ở trẻ tự kỷ

Thứ nhất ba mẹ hiểu rõ ngưỡng cảm giác của trẻ

Để tránh những hành vi bùng nổ hay ăn vạ khi trẻ có những vấn đề về rối loạn xử lý cảm giác ba mẹ cần liệt kê ra danh sách những điều khiến trẻ cảm thấy khó chịu như về âm thanh, món ăn, đồ vật …với những kích thích vượt ngưỡng chịu đựng cần cho trẻ tiếp xúc từ từ, ví dụ như nếu thức ăn thì tăng lượng từng chút một để trẻ quen với ngưỡng kích thích.

lam gi khi tre tu ky an va 4

Ba mẹ lưu ý giảm thiểu những kích thích khiến trẻ trở nên căng thẳng và khó chịu. Nếu trong trường hợp trẻ phải chịu những kích thích đó cần bình tĩnh trò chuyện cùng trẻ, ôm và trấn an trẻ để giúp trẻ bình tâm.

Thứ hai ba mẹ cần bình tĩnh mỗi khi trẻ ăn vạ

Ba mẹ tránh quát mắng, dùng bạo lực để ngăn cản hành vi của trẻ mà thay vào đó có thể ôm trẻ vào lòng để trẻ bình tĩnh. Chính ba mẹ cần bình tĩnh để điều chỉnh hành vi cho trẻ. Lưu ý rằng trước mỗi sự thay đổi trong lịch trình sinh hoạt hằng ngày hay nói cho trẻ nghe những điều sắp diễn ra để giúp trẻ chuẩn bị tâm lý. Ba mẹ dành thêm thời gian trò chuyện cùng trẻ, tìm cách trấn an như đánh lạc hướng bằng một món đồ chơi mà trẻ yêu thích để giúp trẻ cảm thấy an tâm, từ từ cân bằng lại cảm xúc bên trong.

Thứ ba mẹ cần cung cấp vốn từ, hình ảnh giao tiếp cho trẻ tự kỷ

Một yếu tố vô cùng quan trọng đó là cung cấp vốn từ giao tiếp cho trẻ tự kỷ, với một số trẻ gặp khó khăn với giao tiếp có lời nói ba mẹ có thể sử dụng các bộ thẻ tranh như: bảng lựa chọn, các bước thực hiện một hoạt động…những công cụ tranh ảnh để hỗ trợ trẻ tốt hơn trong quá trình thể hiện nhu cầu cá nhân và cảm xúc của mình.

Một trong những lưu ý trong quá trình giao tiếp với trẻ tự kỷ là ba mẹ cố gắng tạo ra khoảng chờ trong giao tiếp từ 5- 7s để giúp trẻ nhìn vào ánh mắt ba mẹ,  khuôn mặt tập trẻ ạ, xòe tay xin khi có nhu cầu.

Thứ tư ba mẹ có thể di chuyển sự chú ý của trẻ

Khi trẻ bắt đầu có biểu hiện bực bội, khó chịu hay la hét, ba mẹ có thể đánh lạc hướng bằng một hoạt động mà trẻ thường thích làm. Mục đích là chuyển sự chú ý, giúp trẻ tập trung vào những điều vui vẻ, thoải mái và không quá kích thích. Hãy làm cho trẻ cảm thấy được an toàn và yêu thương. Ví dụ như khi trẻ đang khóc lóc vì không được xem tivi nữa, ba mẹ có thể thay vì tập trung giải thích với trẻ về việc phải tắt tivi khi hết thời gian quy định thì có thể lấy một chiếc xe ô tô, tạo ra âm thanh từ chiếc xe đó, đẩy chiếc xe trước mặt trẻ và bắt đầu thích thú khi chơi cùng xe. Chính hành động này di chuyển sự chú ý của trẻ sang đồ chơi mới.

lam gi khi tre tu ky an va 5

Trên đây một là một số nguyên nhân và cách xử trí khi trẻ tự kỷ có hành vi ăn vạ. Mỗi trẻ tự kỷ có những biểu hiện khác nhau, cách xử trí cũng cần linh hoạt trong mỗi tình huống. Điều thực sự quan trọng là ba mẹ hiểu những khó khăn mà trẻ đang trải qua, hỗ trợ yêu thương và đồng hành cùng trẻ trong từng hoạt động. Khi trẻ xuất hiện hành vi ăn vạ cần bình tĩnh để hỗ trợ trẻ, tránh những hành vi bạo lực khiến trẻ cảm thấy bất an lo lắng và hành vi xuất hiện ngày một nhiều thêm. Với trẻ tự kỷ, hiểu- yêu thương và mang đến cảm giác an toàn để từng bước một kéo con về phía ba mẹ để giúp trẻ kết nối với môi trường xã hội bên ngoài ngày một tốt hơn.

ThS. Tâm lý Lê Thị Thảo

Tài liệu tham khảo:

  1. Đỗ Bích Thuận, bài giảng rối loạn ngôn ngữ, chương trình Đào tạo Âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
  2. Hoàng Văn Quyên, bài giảng rối loạn phổ tự kỉ, chương trình đào tạo âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
  3. Trần Tú Uyên (người dịch) (2004), các kĩ năng giao tiếp sớm, Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật Thành Phố Hồ Chí Minh
  4. Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ- (Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế