Trong những năm gần đây tỉ lệ trẻ chậm nói hoặc có những rối loạn phát triển ngày một tăng cao. Tuy nhiên, việc xác định và phân biệt được vấn đề của con mình còn nhiều khó khăn.
Và đặc biệt đó là có sự nhầm lẫn giữa trẻ rối loạn phổ tự kỷ và trẻ chậm nói. Để hỗ trợ phụ huynh phân biệt giữa 2 nhóm vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin cho các bậc phụ huynh về rối loạn phổ tự kỷ và chậm nói ở trẻ. Từ đó, hỗ trợ phụ huynh phân biệt giữa trẻ rối loạn phổ tự kỷ và trẻ chậm nói.
Đầu tiên, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về khái niệm và biểu hiện trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
1. Khái niệm và biểu hiện trẻ rối loạn phổ tự kỷ từ 0 tháng đến 2 tuổi
Theo DSM - 5 trẻ rối loạn phổ tự kỷ được xếp vào nhóm rối loạn phát triển thần kinh. Được đặc trưng bởi hai khiếm khuyết chính về giao tiếp xã hội và có hành vi, sở thích định hình lặp lại. Rối loạn phổ tự kỷ một khuyết tật phát triển được thể hiện ra ngoài trong 03 năm đầu đời do một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ gây nên.
Hiện nay, chưa xác định được nguyên nhân gây nên rối loạn phổ tự kỷ. Nhưng có một vài giả thuyết cho rằng rối loạn phổ tự kỷ là do các yếu tố về tâm lý thần kinh, yếu tố di truyền (trẻ đầu tiên có nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ thì trẻ sau có khả năng lên đến 15 - 30 lần, trẻ sinh đôi cùng trứng có rối loạn phổ tự kỷ thì anh chị em sinh đôi có nguy cơ khoảng 36 - 91%) và yếu tố môi trường (mẹ nhiễm rubella, trẻ sinh non…).
Trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường có 2 đặc tính (theo DSM – 5) như sau: giao tiếp xã hội; Các sở thích gắn bó và hành vi/hoạt động lặp đi lặp lại.
Dấu hiệu để nhận biết trẻ rối loạn phổ tự kỷ không giống nhau, mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào mỗi giai đoạn của trẻ phụ huynh dễ dàng theo dõi biểu hiện ở trẻ. Ở trẻ từ 0 - 2 tuổi được chia làm 2 giai đoạn: từ 0 - 6 tháng tuổi và từ 6 tháng đến 2 tuổi. Phụ huynh hãy cùng theo dõi biểu hiện của con qua 02 giai đoạn này nhé.
Ở giai đoạn 0 - 6 tháng tuổi trẻ có các biểu hiện sau đây:
- Không với lấy đồ vật khi đưa tay trước mặt trẻ.
- Không có âm thanh bi bô.
- Thiếu nụ cười giao tiếp.
- Thiếu giao tiếp bằng mắt.
- Không có phản ứng khi được kích thích.
- Phát triển vận động có thể bình thường.
Ở giai đoạn 6 - 24 tháng có các biểu hiện sau đây:
- Không thích âu yếm, cơ thể có thể mềm yếu/cứng khi được ôm.
- Không thân thiện với cha mẹ.
- Gọi tên hầu như không phản ứng đáp lại.
- Không chơi các trò chơi xã hội đơn giản (“Ú à”, “bai bai”).
- Chưa có dấu hiệu về ngôn ngữ.
- Dường như không quan tâm đến các đồ chơi.
- Thích nhìn ngắm bàn tay của mình.
- Không nhai không chấp nhận những thức ăn cứng.
- Thích đi nhón chân – đi bằng năm đầu ngón chân.
- Thường phát ra âm thanh vô nghĩa.
Trên đây là những biểu hiện xuất hiện sớm ở trẻ, phụ huynh cần theo dõi trẻ từ lúc sinh ra cho tới lúc trẻ 2 tuổi. Nếu trẻ có những biểu hiện này, phụ huynh nên cho trẻ đi thăm khám và can thiệp kịp thời. Bởi hiện nay không có phương pháp nào chữa trị cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, nhưng vẫn có những Chiến lược hỗ trợ có bằng chứng khoa học giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ có thể học hoà nhập.
Hiện nay một vài phụ huynh lo lắng trẻ 1 tuổi chưa nói được không biết trẻ có bị tự kỷ hay không? Hoặc cũng có phụ huynh lo lắng trẻ 2 tuổi chưa nói được, gọi tên không phản ứng nên nghi ngờ trẻ tự kỷ. Để giải đáp những nghi ngờ này mời quý phụ huynh cùng đi vào tìm hiểu một số biểu hiện của trẻ chậm nói để có thể phân biệt giữa trẻ chậm nói và trẻ tự kỷ.
2. Khái niệm và biểu hiện trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói là trẻ có vốn từ ngữ ít ỏi nhưng vẫn hiểu được những gì người khác nói và thực hiện được những câu mệnh lệnh đơn giản. Bên cạnh đó, phụ huynh dễ dàng nhận thấy trẻ muốn giao tiếp nhưng không biết cách diễn đạt bằng lời nói như thế nào hoặc chỉ nói được 1 từ.
Biểu hiện của trẻ chậm nói mà phụ huynh thường thấy đó là:
- Trẻ có giao tiếp mắt phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp và người giao tiếp.
- Trẻ có thể sử dụng cử chỉ, chỉ trỏ nét mặt phù hợp.
- Khi người khác gọi tên trẻ chậm nói có thể đáp lại.
- Những cử chỉ hành vi, sở thích của trẻ chậm nói có tính phổ biến
- Trẻ biết chơi chức năng và chơi giả vờ.
- Trẻ có thể bắt chước các hành động, âm thanh và cách thể hiện, nét biểu cảm.
- Hiểu trước và nói sau.
3. Làm thế nào để hỗ trợ trẻ rối loạn phổ tự kỷ và trẻ chậm nói.
Trẻ 0 - 2 tuổi có những biểu hiện mà phụ huynh thấy nằm trong 2 nhóm: trẻ rối loạn phổ tự kỷ và chậm nói thì phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ tại nhà với một số phương pháp như sau:
3.1. Phương pháp dạy với trẻ rối loạn phổ tự kỷ
- Trước khi dạy các kỹ năng về giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói cho trẻ phụ huynh cần điều chỉnh các hành vi của trẻ (khóc ăn vạ, đập đầu…) bằng một số biện pháp quản lý hành vi cho trẻ như: phòng ngừa các tình huống con ăn vạ, dạy trẻ thể hiện nhu cầu phù hợp, thay thế hành vi phù hợp.
- Rèn luyện khả năng tập trung chú ý cho trẻ như: tập ngồi yên một chỗ 5 - 10 phút, giao tiếp mắt từ 1- 5 giây, tập chỉ ngón trỏ và nhìn theo hướng chỉ tay.
- Tiếp theo phụ huynh tập kỹ năng tương tác hai chiều giữa người - người như: phản ứng nhanh tên gọi, bye, yeah, ạ, xin...
- Phụ huynh nên sử dụng nhiều cử chỉ điệu bộ để kích thích trẻ bắt chước và áp dụng các tình huống giao tiếp phù hợp như: bye, mi gió.
- Cuối cùng phụ huynh mớm lời cho trẻ dựa trên các điệu bộ, cử chỉ phù hợp như: Nói từ “xin” “ạ” khi có nhu cầu.
Phụ huynh nhớ rằng, trẻ rối loạn phổ tự kỷ có tư duy hình ảnh tốt cho nên trong các hoạt động dạy trẻ phụ huynh chú ý gắn lời nói với hình ảnh và các điệu bộ cử chỉ để trẻ tiếp thu một cách tốt nhất.
3.2. Phương pháp dạy với trẻ chậm nói
- Thứ nhất, trò chuyện nhiều với trẻ: trẻ nhỏ học hỏi và hình thành ngôn ngữ thông qua hình thức lắng nghe, quan sát và bắt chước. Vì thế, để trẻ có thể gia tăng vốn từ phụ huynh nên gia tăng thời gian trò chuyện với trẻ thường xuyên.
- Thứ hai, đọc sách cùng trẻ nhằm giúp trẻ tăng khả năng tư duy, ghi nhớ, tập trung, sáng tạo hơn.
- Thứ ba, tạo điều kiện cho trẻ vui chơi và khám phá: việc ngắm nhìn và quan sát cảnh vật thiên nhiên giúp trẻ hứng thú và thoải mái phát triển ngôn ngữ hơn.
- Cuối cùng, dạy ngôn ngữ cho trẻ thông qua vật dụng hàng ngày: phụ huynh có thể giúp trẻ cải thiện vốn từ bằng cách dạy và hướng dẫn cho trẻ cách gọi tên các đồ vật, con vật quen thuộc hằng ngày.
Với những thông tin cung cấp trên về trẻ chậm nói và trẻ rối loạn phổ tự kỷ, hi vọng rằng các bậc phụ huynh có thể nhìn thấy những sự phát triển tâm lý của trẻ trong năm tháng đầu đời. Nếu trẻ có những dấu hiệu về 2 nhóm trên thì cần một buổi đánh giá với các nhà chuyên môn để biết chính xác vấn đề của trẻ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ can thiệp phù hợp cho trẻ.
Tác giả: Bác sĩ Lộ Trung Anh Hoàng Luân
Tài liệu tham khảo:
- DSM5- Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần
- ICD-10- Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan
- Dong Young Chung, Lê Thị Minh Hà (Đồng chủ biên), (2014). Nhập môn giáo dục đặc biệt, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.