Chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1 - RVE

Trẻ vào lớp 1 là một cột mốc quan trọng của các gia đình, nhiều bậc ba mẹ lo đến cả mất ăn mất ngủ khi con bước vào chương trình tiểu học.

Vậy để chuẩn bị cho con vào lớp thì ba mẹ cần chuẩn bị những hành trang gì để trẻ có thể sẵn sàng vào học lớp 1? Bài viết này sẽ cung cấp thêm cho ba mẹ những bước chuẩn bị quan trọng trước khi trẻ bước vào lớp 1.

Cho trẻ làm quen với môi trường mới

Bước vào lớp 1 trẻ sẽ làm quen với môi trường mới, ở đó trẻ sẽ được tiếp xúc với những người bạn mới, thầy cô mới và cả chương trình học mới khác với môi trường mầm non. Chính vì vậy, trong những ngày hè ba mẹ thu xếp thời gian thường xuyên chở trẻ qua trường lớp mới để trẻ tập làm quen với ngôi trường mình sắp học. Ba mẹ cùng trẻ đứng bên ngoài ngôi trường và ba mẹ nói cho trẻ những điều sẽ thay đổi khi bước vào ngôi trường mới như: trẻ sẽ được làm quen với những người bạn mới, trẻ sẽ có thầy cô mới, những cuốn sách mới, những bộ đồng phục mới. Chính ở nơi đây trẻ sẽ bắt đầu học đánh vần ê a, trẻ cũng có thể bắt đầu viết được tên mình. Trẻ có những giờ ra chơi sau giờ học, để được trò chuyện với những người bạn mới của mình. Ba mẹ đưa trẻ đến nhiều lần để trẻ cảm thấy thân quen trước khi bước vào nơi đây. Hãy trò chuyên với trẻ thường xuyên về ngôi trường mới ở đó với biết bao điều mới lạ chờ đợi trẻ ở phía trước và trường tiểu học có rất nhiều điều thú vị.

hanh trang cho con chuan bi vao lop 2

Cho trẻ làm quen với sự thay đổi hoạt động chủ đạo

Một điều ba mẹ hết sức lưu ý là sự thay đổi của hoạt động chủ đạo khi trẻ bước vào môi trường tiểu học, hoạt động chủ đạo của giai đoạn mầm non là vui chơi, nhưng khi bước vào trường tiểu học thì hoạt động chính là học tập. Sự thay đổi này đòi hỏi trẻ cần phải tập trung chú ý vào giờ học dài hơn, mỗi tiết học ở trường tiểu học sẽ kéo dài 35 phút đến 40 phút, chính vì vậy ba mẹ cần tập cho trẻ ngồi lâu hơn khi ở nhà để quen với nề nếp mới. Một số hoạt động ba mẹ có thể khuyến khích cho trẻ tham gia như: đồ nét, tô màu, xé gián, đọc sách…những hoạt động tăng cường sự tập trung chú ý của trẻ.

Cho trẻ làm quen với sự thay đổi giờ giấc

Vào tiểu học mọi giờ giấc trong sinh hoạt sẽ theo quy định của nhà trường. Chính vì vậy, ba mẹ cần tập cho trẻ làm quen với việc đi ngủ sớm và dậy sớm khi bắt đầu đi học. Buổi sáng ở trường đi học trẻ cần thức dậy sớm, chuẩn bị cặp sách và đồ dùng cá nhân để đi tới trường trong một tâm thế sẵn sàng. Ngoài ra, ba mẹ đừng quên rèn luyện cho trẻ những kỹ năng tự lập, tự phục vụ bản thân ở môi trường mới như: chuẩn bị quần áo và cặp sách đi học.

hanh trang cho con chuan bi vao lop 3

Cho trẻ làm quen kỹ năng đọc

Việc cho trẻ học trước chương trình tiểu học sẽ không được khuyến khích vì điều này sẽ làm giảm sự hứng thú khi con trẻ vào lớp một, tuy nhiên việc cho trẻ làm quen với chữ số và chữ cái lại là một điều được khuyến khích. Vậy bằng cách nào ba mẹ có thể hỗ trợ trẻ làm quen với chữ số và chữ cái? Thay vì dạy trẻ thì ba mẹ cho trẻ làm quen với những kỹ năng đọc. Làm quen với từ ngữ và chữ số sớm sẽ giúp xây dựng con đường ngôn ngữ, tư duy trong não bộ. Đọc và tiếp xúc với từ ngữ giúp trẻ em có thể tối đa hóa khả năng ngôn ngữ và nhận thức của mình. Ba mẹ có thể cùng trẻ lật từng trang sách và xem tranh với trẻ; Đọc cho trẻ nghe những nội dung ba mẹ bắt gặp đâu đó để gây hứng thú với trẻ.

hanh trang cho con chuan bi vao lop 4

Cho trẻ làm quen với kỹ năng viết

Viết tay là một kỹ năng phức tạp phát triển theo thời gian. Để rèn luyện kỹ năng viết tay trẻ cần kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng vận động tinh, khả năng ngôn ngữ, trí nhớ, sự kiên trì và tập trung. Tuy nhiên, trẻ cần được thực hành với sự chỉ dẫn của người lớn để phát triển kỹ năng viết tay hiệu quả nhất.

hanh trang cho con chuan bi vao lop 5

Để hỗ trợ viết cho trẻ ba mẹ có thể lưu ý những vấn đề sau: đặt dụng cụ viết (bút chì, bút lông, giấy có nhiều kích cỡ ngang tầm mắt của trẻ để trẻ dễ lấy. Ba mẹ có thể chuẩn bị giấy và viết để trẻ có thể viết mọi lúc mọi nơi khi trẻ có nhu cầu. Cho trẻ tự đồ nét hoặc tô màu các chữ cái cũng là cách giúp trẻ làm quen với việc viết thành thục hơn.

Cho trẻ làm quen với giao tiếp có chủ đích

Việc trau dồi kỹ năng giao tiếp cho trẻ ở giai đoạn trước khi bước vào lớp là vô cùng quan trọng và mang ý nghĩa thiết thực. Phát triển các kỹ năng giao tiếp cơ bản cho trẻ như kỹ năng lắng nghe và phản hồi thông tin với giáo viên, các bạn trong lớp. Khi trẻ lắng nghe tốt trẻ sẽ hiểu những điều giáo viên muốn truyền đạt, dẫn ý. Từ việc lắng nghe tốt trẻ sẽ phản hồi được các thông tin phù hợp, giúp cho diễn đạt vấn đề ngày một hiệu quả hơn. Chính từ giao tiếp tốt trẻ có thể sáng tạo các câu chuyện từ ý tưởng của mình. Giao tiếp có chủ đích giúp trẻ ghi nhớ các hoạt động diễn ra trong trường học, cuối ngày trẻ có thể kể cho ba mẹ nghe các hoạt động diễn ra, trên cơ sở đó ba mẹ hỗ trợ nhiều hơn cho trẻ trong quá trình học tập.

Trên đây là một số kỹ năng mà ba mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ trong hành trang bước vào lớp một. Sự chuyển tiếp sang một giai đoạn mới đòi hỏi kỹ năng thích ứng với môi trường của trẻ ngày một tốt hơn. Chính sự chuẩn bị kỹ càng từ gia đình sẽ giúp trẻ luôn sẵn sàng cho chương trình lớp một. Hi vọng trẻ luôn cảm thấy vui và hào hứng mỗi ngày đến trường.

Th.S tâm lý Lê Thị Thảo

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2006.
  2. He Jie Lu Sha Sha, Lớp một ơi tớ đã sẵn sàng rồi, NXB Nhi Đồng, 2018