Tập cho trẻ nói các từ mô tả hành động - RVE

Trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi  là giai đoạn bắt đầu hình thành giao tiếp ngôn ngữ. Phụ huynh cần cung cấp vốn từ cho trẻ, trước tiên bắt đầu dạy những từ ngắn, đơn giản, từ chỉ hành động.

Động từ có vai trò quan trọng trong bước đầu phát triển ngôn ngữ-giao tiếp ở trẻ:
- Giúp trẻ dễ hiểu, nhìn và bắt chước được theo người lớn.
- Gần gũi, liên quan đến những tình huống giao tiếp hàng ngày.
- Phát triển nhận thức của trẻ về các hành động của mọi người xung quanh.
- Giúp tự tin hơn trong giao tiếp, thể hiện được mong muốn bản thân. Ví dụ khi trẻ muốn ăn bánh, thì có thể nói: “ăn bánh”.
- Phát triển ngôn ngữ diễn đạt, trẻ tự nói về những hành động đã và đang diễn ra của mình.

Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tốc độ phát triển của riêng mình, nên quá trình dạy động từ cho trẻ cũng có một số khó khăn:
- Khả năng tập trung của trẻ còn thấp.
- Khả năng bắt chước của trẻ còn hạn chế.
- Trẻ có khó khăn về cơ quan phát âm.
- Trẻ thuộc chậm nói (đơn thuần hoặc do các rối nhiễu gây ra).
- Phụ huynh không có nhiều thời gian và thiếu kiên nhẫn.


Các bước thực hiện kỹ năng:
Bước 1: Cho trẻ quan sát 1 thẻ hình về hành động và lắng nghe gọi tên

Phụ huynh ngồi vào bàn trước mặt trẻ, chỉ cho trẻ hình một người hoàn tất một hành động rõ ràng và đơn giản mà trẻ nhận ra. Ví dụ chỉ cho trẻ hình ảnh một người đi dạo hoặc chạy và nói “Con nhìn, người đàn ông chạy”. Phụ huynh nhấn mạnh rõ ràng động từ để trẻ hiểu điều ta muốn nhấn mạnh trong bài học.

tre tap noi cac tu mo ta hanh dong 2

Bước 2: Đặt câu hỏi “Cô ấy/ông ấy/họ đang làm gì?” và chờ đợi trẻ trả lời

Phụ huynh lặp lại câu “người đàn ông chạy” nhiều lần, mỗi lần nhấn mạnh động từ rồi hỏi lại trẻ “Người đàn ông đang làm gì?”
• Thưởng trẻ liền khi trẻ thử nói “chạy” hoặc nói từ gì gần với từ đúng.
• Nếu trẻ còn lúng túng chưa nói được, phụ huynh mớm lời cho trẻ. Sau đó, giảm dần hỗ trợ cho đến khi trẻ tự nói được.


Bước 3: Dạy trẻ các từ chỉ hành động khác theo tiến trình ở trên

Lặp lại nhiều lần bài tập với những hình ảnh khác, nhân vật hoàn tất những hành động đơn giản và nhận biết một cách rõ ràng. Những động từ nên dạy lúc đầu là “ngồi”, “ăn”, “ngủ”, “chạy”, “nhảy”.

tre tap noi cac tu mo ta hanh dong 3

Bước 4: Dạy trẻ trong giao tiếp tự nhiên

• Khi trẻ thành thạo, nắm bắt tất cả các cơ hội trong ngày để tăng thêm kiến thức của trẻ về biểu lộ cũng như về nhận thức các động từ. Ví dụ khi trẻ chạy, phụ huynh hỏi: “Con làm gì?” hoặc “Con biểu diễn cho ba/mẹ con chạy”.
• Nếu một người chạy bộ dọc theo nhà hoặc dọc theo trường học, phụ huynh chỉ người đó cho trẻ và hỏi: “người đó làm gì?”. Lúc đầu giới hạn số động từ bạn dạy trẻ 2 hoặc 3 động từ. Phụ huynh tăng dần số lượng cho đến 5. Phụ huynh luôn chú ý củng cố những động từ mà trẻ đã học.


tre tap noi cac tu mo ta hanh dong 4

Phụ huynh lưu ý luôn khen ngợi trẻ khi trẻ có cố gắng thực hiện mục tiêu.

Kết luận

Những năm tháng đầu đời có tính chất quyết định trong hình thành và phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ. Trong quá trình dạy những từ đầu tiên cho trẻ, trước hết là từ chỉ hành động quen thuộc, gần gũi hàng ngày. Phụ huynh cần kiên nhẫn khi dạy trẻ, lồng ghép các hoạt động chơi, hay trong sinh hoạt hàng ngày để trẻ có thể tiếp thu tốt hơn, từ đó tăng vốn từ và chủ động hơn trong giao tiếp. Đây là một trong những phương pháp dạy động từ hiệu quả cho bé. Ngoài ra phụ huynh có thể áp dụng phương pháp “ thực hành thực tế” để vốn từ của bé ngày một tốt hơn.


Tài liệu tham khảo:
1. Sách: “từng bước nhỏ-chương trình can thiệp sớm dành cho trẻ chậm phát triển và trẻ khuyết tật”, quyển 3, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội (2001)
2. Trần Thị Khấn, Nguyễn Thị Khước và Bác sỹ Phạm Ngọc Khanh hiệu đính (dịch), Những hoạt động dạy trẻ tự kỷ, NXB Y Học (1991)
3. Sách “Cùng con học nói”, tác giả TS Sally Ward, NXB Phụ Nữ
Nguyễn Thị Mỹ Nga