Chậm nói có tác động đáng kể đến khả năng giao tiếp, phát triển mối quan hệ và thể hiện nhu cầu của trẻ.
Hiểu được những khó khăn này, các bậc phụ huynh luôn mong muốn tìm kiếm phương pháp hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ cho con. Bài viết này sẽ giới thiệu các chiến lược hỗ trợ hiệu quả dành cho ba mẹ.
Chiến lược cho trẻ quyền chọn lựa: Thay vì ép trẻ làm theo ý muốn của ba mẹ hoặc đáp ứng ngay khi trẻ chưa có nhu cầu, hãy cho trẻ quyền lựa chọn. Điều này khuyến khích trẻ chủ động, tự giác và tạo hứng thú tham gia cùng ba mẹ.
Ví dụ: Khi đến giờ uống sữa, ba mẹ có thể cầm hai ly (nước và sữa) và hỏi trẻ: “Con muốn uống nước hay sữa?” Khi trẻ chọn, ba mẹ nhắc lại để trẻ ghi nhớ: “Con uống sữa.” Tương tự, ba mẹ có thể hỏi trẻ:
- “Con muốn ăn cơm hay bánh?”
- “Con mặc áo đỏ hay áo xanh?”
- “Con chơi xe ôtô hay máy bay?”
Chiến lược mở rộng: Ba mẹ nên trò chuyện ngắn gọn, dễ hiểu, sau đó dần thêm từ mới để mở rộng câu cho trẻ. Khi giao nhiệm vụ, hãy chia nhỏ từng bước và kèm theo hướng dẫn trực quan bằng hình ảnh, cử chỉ để trẻ dễ thực hiện.
Ví dụ: Khi yêu cầu trẻ xin bánh, ba mẹ bắt đầu mớm từ đơn như "xin" hoặc "ạ." Sau khi trẻ nói được, mở rộng thêm: "xin mẹ." Tiếp đó, hướng dẫn trẻ nói câu dài hơn: "xin mẹ bánh" và cuối cùng là "xin mẹ cho con bánh."
Chiến lược nói ngắn và nói chậm: Ba mẹ nên trò chuyện chậm rãi, rõ ràng, sử dụng câu ngắn để trẻ dễ nghe hiểu và ghi nhớ. Đồng thời, hãy dành thời gian cho trẻ xử lý thông tin và phản hồi. Trong cuộc trò chuyện, nếu trẻ chưa nói, mớm lời nhẹ nhàng thay vì ép trẻ.
Ví dụ: Đưa một chiếc xe ô tô và tạo âm thanh để thu hút sự chú ý của trẻ. Sau đó, ba mẹ nói chậm rãi, ngân dài từng từ như: “Bin, xin mẹ!” Chờ khoảng 3-5 giây để trẻ tiếp nhận và phản hồi yêu cầu xin đồ chơi.
Chiến lược làm nổi bật âm thanh: Khi trò chuyện với trẻ, ba mẹ nên dùng từ ngữ gần gũi, dễ hiểu và nhấn mạnh từ chính để trẻ nắm bắt từ khóa, hiểu và phản hồi. Từ mới cần được nhấn mạnh, lặp lại nhiều lần để trẻ ghi nhớ. Ba mẹ cũng có thể nói/hát và bỏ trống từ, chờ đợi trẻ điền vào, đồng thời khen ngợi khi trẻ thực hiện được.
Ví dụ: Với bài hát Cả nhà thương nhau, ba mẹ có thể hát và dừng lại ở từ cuối, như: "Ba thương... (chờ trẻ nói: con)." Tương tự, với bài thơ, ba mẹ đọc và bỏ trống từ để trẻ điền vào. Khi muốn ăn, ba mẹ nhấn mạnh: "Xin... (bánh)" để trẻ ghi nhớ từ và mở rộng vốn ngôn ngữ.
Chiến lược sử dụng hình ảnh, học cụ trực quan: Để trẻ hứng thú giao tiếp, ba mẹ nên sử dụng hình ảnh và học cụ trực quan. Giai đoạn này trẻ có trí nhớ hình ảnh tốt và phát triển tư duy trực quan hành động, thích hợp với các hoạt động vui chơi gắn liền công cụ.
Ví dụ: Dùng đồ chơi, học cụ đa dạng về chất liệu như nhựa, giấy; cấu tạo mô phỏng âm thanh, ánh sáng; và chủ đề gần gũi như phương tiện giao thông, con vật, rau củ, trái cây. Các chủ đề quen thuộc giúp trẻ dễ dàng áp dụng trong giao tiếp hàng ngày.
Chiến lược nhìn trẻ với ánh mắt mong đợi: Để thu hút sự chú ý của trẻ, ba mẹ nên ngồi ngang tầm mắt với trẻ, biểu thị sự sẵn sàng giao tiếp bằng cách cúi nhẹ đầu, xòe tay và giữ ánh mắt vui vẻ, tập trung vào trẻ. Không gian yên tĩnh giúp trẻ không bị nhiễu thông tin và nhanh chóng hướng về ba mẹ để giao tiếp.
Ba mẹ cần chú ý lắng nghe, đáp lại lời nói và cử chỉ của trẻ, giúp trẻ cảm nhận được sự quan tâm và khuyến khích tương tác hiệu quả.
Trên đây là 6 chiến lược hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói. Đồng hành và hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói là một chặng đường dài, cần có nhiễu sự kiên nhẫn tỉ mỉ, có chiến lược phù hợp. Mong rằng bài viết trên sẽ chia sẻ phần nào với ba mẹ về những kiến thức trên chặng đường ấy.
ThS. Tâm lý Lê Thị Thảo
Tài liệu tham khảo:
- Đỗ Bích Thuận, bài giảng rối loạn ngôn ngữ, chương trình Đào tạo Âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Hoàng Văn Quyên, bài giảng rối loạn phổ tự kỉ, chương trình đào tạo âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Trần Tú Uyên (người dịch) (2004), các kĩ năng giao tiếp sớm, Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật Thành Phố Hồ Chí Minh
- Sách Nhiều hơn lời nói (More than Words). Truy xuất từ: http://sachtuky.com/kie-n-thu-c-phuong-pha-p-can-thie-p/nhie-u-hon-lo-i-no-i-more-than-words--b62.html
- Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ- (Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế