Căng thẳng thần kinh có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng thể chất như thở nhanh, tim đập nhanh,... Một số trường hợp nặng trẻ đã phải nhập viện để được điều trị nội trú.
Những điều gì làm trẻ thường lo lắng trong cuộc sống?
Đối với các học sinh cấp 2 và cấp 3, dưới đây là những tình huống gây lo lắng, căng thẳng được xếp theo thứ tự thường gặp:
- Áp lực học tập
- Cha mẹ hoặc thầy cô/ bạn bè chửi mắng, đánh đập
- Bị bạn bè từ chối chơi chung
- Không có nhiều thời gian với cha mẹ
- Không làm được bài tập về nhà
- Không được ăn mặc theo sở thích cá nhân
- Thấy sự thay đổi trong cơ thể ở tuổi dậy thì
- Thấp hơn các bạn đồng trang lứa
- Cha mẹ cãi nhau trước mặt trẻ
- Không hạp với thầy cô giáo
- Quá cân nặng so với bạn
- Đổi nhà, đổi trường
- Cha mẹ chia tay
- Bị ép làm điều trẻ không thích
Làm thế nào biết trẻ đang ở trong tình trạng quá tải tâm lý?
Mặc dù stress là một phần của cuộc sống có thể giúp trẻ lớn lên về mặt ứng xử trước những tình huống khó khăn, stress cũng có thể có tác dụng tiêu cực khi cha mẹ nhận thấy trẻ có những biểu hiện sau đây:
- Trẻ có dấu hiệu thể chất như đau bụng, đau đầu
- Trẻ có vẻ hiếu động, mệt mỏi
- Trẻ có vẻ trầm cảm, không giao tiếp về những cảm xúc bản thân
- Trẻ dễ cau có, không thích các sinh hoạt thường ngày
- Trẻ ít quan tâm đến những sinh hoạt quan trọng đối với các trẻ và thích ở nhà hơn tiếp xúc với bạn bè.
- Trẻ học sa sút, không thích đi học và không thích làm bài, học bài.
- Trẻ có hành vi chống đối xã hội như nói láo, trộm cắp, quên hoặc từ chối làm những việc lặt vặt, và có vẻ lệ thuộc cha mẹ hơn trước.
Khi thấy những biểu hiện trên, cha mẹ thử xem trẻ bị áp lực trong lĩnh vực nào?
Nguyên nhân gây stress có thể ở ngoài gia đình và ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều trẻ cảm thấy bị áp lực trong chính gia đình, chẳng hạn như cha mẹ kỳ vọng ở con cao quá khả năng của trẻ, bắt trẻ học quá nhiều. Sau giờ học ở trường cả ngày, trẻ còn phải đi học thêm môn Anh văn, Toán, học đàn, vi tính. Cha mẹ không muốn trẻ thua kém bạn bè cùng trang lứa trong xã hội nhiều cạnh tranh như hiện nay. Trẻ phải chạy hết chỗ học này đến chỗ học khác, không còn giờ để ăn, để thư giãn và để là “trẻ em”!
Thường trẻ được gặp chuyên viên tâm lý sau khi đã chịu bao nhiêu trận đòn từ cha mẹ, thầy cô. Thậm chí ở một số trường, thầy cô còn cho chính các bạn trừng phạt nhau bằng những trận đòn! Đối với một số trẻ, sau khi được chuyên viên tâm lý quan sát và tiếp xúc, trẻ không thể đáp ứng được những kỳ vọng của gia đình và xã hội vì trẻ có một số khiếm khuyết trong quá trình phát triển, nhất là trong phát triển nhận thức, giao tiếp, cảm xúc mà cha mẹ và thầy cô ít quan tâm hoặc chưa được trang bị kiến thức.
Cha mẹ nên làm gì để giảm stress cho con?
- Cha mẹ nên trả lại tuổi thơ cho trẻ, đừng bắt trẻ làm người lớn quá sớm
- Ý thức về tuổi phát triển của trẻ hơn là tuổi thật và phát triển toàn diện, đặc biệt ở các lĩnh vực nhận thức, giao tiếp, xã hội, cảm xúc ngoài việc cho trẻ ăn và học văn hóa.
- Vui chơi và thể dục là sinh hoạt không thể thiếu ở trẻ em. Cha mẹ cần học lại cách chơi với trẻ thích hợp với lứa tuổi.
- Nên dành thời gian (tối thiểu 10 – 15 phút hằng ngày) để lắng nghe, thảo luận, đề nghị với trẻ chương trình sống của trẻ hằng ngày. Tránh áp đặt những sinh hoạt mà trẻ không thích hoặc không có năng lực.
- Cha mẹ cũng nên xem lại bản thân có đang bị stress không, vì stress của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến trẻ. Có thể cha mẹ cần điều chỉnh lại nhịp sống của bản thân trước khi bắt trẻ thay đổi hành vi.
- Cha mẹ nên động viên, an ủi, nâng đỡ, khen ngợi hơn là thúc ép, bắt buộc, cưỡng bức trẻ
- Dùng những biện pháp bạo lực không mang lại kết quả khả quan, vì đó là cách cha mẹ trút cơn giận dữ, ấm ức của mình lên con cái và vô tình cha mẹ dạy trẻ cách giao tiếp bằng bạo lực.
Tổng hợp: Phạm Đình Khanh
Nguồn tham khảo: Hỏi đáp các vấn đề tâm lý trẻ em