Cảm xúc, giao tiếp, tư duy trẻ 3-6 tuổi - RVE

Sự phát triển cảm xúc, giao tiếp, tư duy ở trẻ  trong độ tuổi 3 - 6 tuổi là một giai đoạn rất quan trọng trong hành trình phát triển của trẻ.

Việc hỗ trợ trẻ phát triển cảm xúc, giao tiếp, tư duy ở giai đoạn này chính là bước đệm quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt. Vì vậy các bậc ba mẹ cần bám sát tiến trình phát triển của trẻ để có những hướng hỗ trợ tốt cho trẻ.

Mốc phát triển cảm xúc của trẻ từ 3 - 6 tuổi

Giai đoạn từ 3 - 6 tuổi là giai đoạn mà trẻ bắt đầu tò mò tìm hiểu về những điều mới mẻ trong cuộc sống. Trẻ ngày càng phát triển những kỹ năng cảm xúc và xã hội, khả năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy khoa học và dần khám phá ra những khả năng của bản thân. Sự phát triển cảm xúc của trẻ giai đoạn 3-6 tuổi được thể hiện với các nội dung sau đây:

Giai đoạn cảm xúc của trẻ 3 - 4 tuổi

  • Mặc dù trẻ 3 tuổi đã bắt đầu có thể hiểu được cảm xúc mà trẻ đang trải qua, nhưng trẻ gần như vẫn không thể kiểm soát được cảm xúc của mình.
  • Ở độ tuổi này, trẻ vẫn chưa phát triển được kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Trẻ cảm thấy như thế nào, trẻ sẽ hành động như vậy. Trẻ có thể sẽ chộp lấy đồ chơi của mình nếu thấy đứa trẻ khác muốn chơi nó, hoặc trẻ sẽ cảm thấy buồn khi không được ăn món ăn yêu thích vì sắp - giờ ăn cơm.
  • Trẻ 3-4 tuổi coi việc đánh, cắn, hoặc đẩy là một cách để giải quyết mâu thuẫn. Trẻ chưa hiểu được sự khác biệt giữa những hành vi phù hợp và không phù hợp.

Giai đoạn cảm xúc của trẻ 4-5 tuổi

  • Giai đoạn này trẻ sẽ bắt đầu nhận ra mối liên quan giữa việc bùng nổ cảm xúc và các hậu quả của nó. Bùng nổ cảm xúc có thể sẽ đi kèm với việc sẽ bị phạt hoặc sẽ bị tịch thu món đồ chơi yêu thích. Điều này giúp trẻ hiểu ra rằng, bùng nổ cảm xúc không phải là một cách thể hiện cảm xúc được chấp nhận.
  • Trẻ sẽ bắt đầu phát triển khiếu hài hước và thích việc giả vờ ngốc nghếch để làm mọi người cười.
  • Giai đoạn này trẻ cũng sẽ bắt đầu phát triển sự đồng cảm. Trẻ cũng sẽ thấy buồn nếu bạn của trẻ cảm thấy đau hoặc buồn. Trẻ cũng có thể sẽ ra ôm, hôn nếu thấy bạn của mình đang khóc.

Giai đoạn cảm xúc của trẻ 5 - 6 tuổi

  • Giai đoạn này trẻ sẽ có sự phát triển nhanh chóng về cảm xúc. Trẻ sẽ có thể điều khiển cảm xúc của mình tốt hơn và sẽ nói về cảm xúc của mình một cách dễ dàng hơn. Trẻ có thể kiên nhẫn chờ đợi - lượt mình và có thể xin phép khi muốn sử dụng thứ gì đó không phải của trẻ.
  • Trẻ nắm được một số phương tiện biểu cảm tinh tế bằng ngôn ngữ, ánh mắt, nụ cười, ngữ điệu của giọng nói nhằm thông báo cho người khác biết thái độ của mình về điều gì đó.
  • Các sắc thái xúc cảm của trẻ trong quan hệ, vị trí xã hội khác nhau được hình thành như: tình cảm mẹ con, ông bà, anh chị em, tình cảm với cô giáo…Tuy nhiên cảm xúc của trẻ còn dễ dao động.
  • Do lĩnh hội được những chuẩn mực hành vi nên trẻ bắt đầ hình thành nên tình cảm tự hào và xấu hổ, giúp trẻ thể hiện xúc cảm phù hợp trước cái tốt, xấu, đúng sai.

Phát triển giao tiếp của trẻ từ 3 - 6 tuổi

Giai đoạn từ 3 - 6 tuổi là lúc trẻ phát triển mạnh về ngôn ngữ về cả mặt từ vựng và ngữ pháp. Là giai đoạn mà khả năng giao tiếp của trẻ phát triển, sẵn sàng hấp thu và học hỏi ngôn ngữ từ môi trường xung quanh. Ba mẹ hãy cùng theo dõi những biểu hiện giao tiếp của trẻ giai đoạn này phát triển ngôn ngữ cho trẻ để đạt hiệu quả tốt nhất.

Giai đoạn giao tiếp trẻ từ 3 - 4 tuổi

  • Trẻ nói trọn câu ngắn dễ dàng 3-4 từ và lời nói của trẻ được xây dựng từ câu ngắn - câu có nhiều âm tiết.
  • Các câu hỏi được trẻ sử dụng trước thường là các câu hỏi về con người, sự vật: Ai? Con gì? Ở đâu? Sau đó mới biết đặt câu hỏi trạng thái hoặc nguyên nhân: Vì sao? Khi nào?…
  • Trẻ nói rõ ràng đầy đủ được họ và tên của mình, trẻ trả lời được tên của bố mẹ, ông bà, anh em trong nhà, biết tên những người hàng xóm mà trẻ đã tiếp xúc.
  • Trẻ nói về những trải nghiệm hàng ngày một cách tự nhiên và khi được yêu cầu. Ví dụ: Kể cho mẹ nghe về ngày hôm qua con đã làm những gì, những gì xảy ra với con…

Giai đoạn giao tiếp trẻ từ 4 - 5 tuổi

  • Trẻ có thể kể những câu có chủ đề.
  • Trẻ thường xuyên đặt các câu hỏi “như thế nào” để tìm sự giải đáp từ người lớn.
  • Ở giai đoạn 4 tuổi, trẻ bắt đầu biết nối kết giữa tình huống hiện tại với quá khứ thành một "văn cảnh”.
  • Trẻ nhớ và đọc được một đoạn thơ, hát trọn được một bài hát dài.

phat trien cam xuc giao tiep tu duy tre 3 6 tuoi 3

Giai đoạn giao tiếp của trẻ từ 5 - 6 tuổi

Trẻ 5-6 tuổi giai đoạn này giao tiếp của trẻ hoàn thiện gần như người lớn. Với các đặc điểm sau đây:

  • Trẻ biết sử dụng các hình thức lịch sự, lễ phép khi giao tiếp với người lớn, như: ai cho gì, trẻ biết nói lời cảm ơn. Gặp người lớn biết chào hỏi...
  • Trẻ biết trình bày kế hoạch hoạt động 3 - 4 bước và hoàn thành nó, như: Để gấp một chiếc thuyền giấy, trẻ biết lên kế hoạch 4 bước. Bước 1 tìm giấy và kéo, bước 2 là cắt, bước 3 là gấp, bước 4 hoàn thành chiếc thuyền giấy…
  • Trẻ biết mô tả diễn tiến của thời tiết và minh họa các đặc điểm của thời tiết, như: Trời sắp mưa, có gió thổi - , có mây đen, mưa thì mát mẻ,… Trẻ có thể mô tả sự phát triển của động thực vật trong môi trường, như: Các cây có vòng đời, hạt nảy mầm thành cây, cây lớn ra hoa quả, rồi cây già và chết đi.

Phát triển tư duy của trẻ từ 3 - 6 tuổi

Giai đoạn từ 3 - 6 tuổi là giai đoạn phát triển nhanh về tư duy, trẻ phát triển vượt bậc về trí tuệ. Não bộ của trẻ sẽ có thay đổi mạnh mẽ về mặt tự duy logic, các giác quan cũng nhạy bén, khả năng vận động nhanh nhạy hơn hẳn. Dưới đây là những biểu hiện về mặt tư duy của trẻ, ba mẹ hãy cùng theo dõi nhé.

Giai đoạn tư duy của trẻ 3 - 4 tuổi

  • Tư duy của trẻ có bước phát triển về chất: tư duy chuyển từ bình diện bên ngoài vào bình diện bên trong. Tức là chuyển từ tư duy hành động sang tư duy trực quan hình tượng.
  • Trẻ có thể giải các bài toán tư duy không chỉ bằng những phép thử bên ngoài mà cả những phép thử bên trong.
  • Trẻ hứng thú về kích cỡ và hình thù. 
  • Trẻ phân biệt được giữa sự thật và hư cấu.

Giai đoạn tư duy của trẻ 4 - 5 tuổi

  • Trẻ phát triển mạnh khả năng kí hiệu hoá từ đó xuất hiện kiểu tư duy trực quan sơ đồ. Các hình tượng đã ít nhiều tách ra khỏi đồ vật và chuyển sang một dạng kí hiệu nhất định.
  • Tư duy trực quan hình tượng phát triển mạnh có tính khái quát và linh hoạt hơn.
  • Bắt đầu hiểu sự cần thiết của các quy tắc. 
  • Trẻ có thể ghi nhớ với những sự kiện trong quá khứ.

Giai đoạn tư duy của trẻ 5 - 6 tuổi

  • Trẻ chuyển từ tư duy trực quan hình tượng sang tư duy trừu tượng.
  • Trẻ nhạy cảm với những tác động giáo dục mang tính hình tượng.
  • Trẻ có khả năng phát hiện những mối liên hệ khách quan của sự vật.
  • Trẻ bắt đầu học được những điều đúng từ những điều sai.

phat trien cam xuc giao tiep tu duy tre 3 6 tuoi 4

Một số hoạt động hỗ trợ phát triển cảm xúc, giao tiếp, tư duy cho trẻ 3 - 6 tuổi.

  • Thứ nhất, ba mẹ đọc cho trẻ nghe những mẫu chuyện cổ tích và cùng trẻ thảo luận về các cảm xúc của các nhân vật trong truyện.
  • Thứ hai, ba mẹ khen ngợi trẻ khi trẻ biết bày tỏ cảm xúc của mình, đặc biệt là khi biết thể hiện cảm xúc tích cực với bạn bè, thầy cô.
  • Thứ ba, ba mẹ có thể cho trẻ chơi các đồ chơi thông minh như đồ chơi ghép hình, đồ chơi nhận biết bằng hình ảnh, đồ chơi rút gỗ…để phát triển tư duy của trẻ.
  • Thứ tư, ba mẹ dành thời gian trò chuyện với trẻ thường xuyên hơn. Ngoài ra trong các cuộc trò chuyện với trẻ ba mẹ có thể đặt các câu hỏi cho trẻ về nhiều chủ đề như hôm nay đi học cô giáo dạy những gì, ngày hôm nay của con như thế nào?...      

rve dong luc tu loi cam on 1                                                                     

                                                                           Chuyên viên Tâm lý Huỳnh Thị Hà

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Thị Diệu Hoa (Chủ biên), Giáo trình tâm lý học phát triển, NXB Đại học sư phạm, 2022.
  2. Nguyễn Xuân Khoa (2004), Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.
  3. Đinh Hồng Thái (2006), Giáo trình phương pháp phát triển lời nói trẻ em, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội .
  4. Đinh Hồng Thái (2013), Giáo trình phát triển ngôn ngữ tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội.