Nhận thức của trẻ giai đoạn 4 - 6 tuổi - RVE

Có bao giờ ba mẹ tự hỏi liệu con bạn đang lớn và phát triển như thế nào so với các bạn cùng trang lứa? Làm thế nào để ba mẹ biết con mình đang phát triển theo đúng hướng.

Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về một số đặc điểm nhận thức của trẻ trong giai đoạn 4 - 6 tuổi.

Đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ 4 - 6 tuổi

Nhận thức của trẻ giai đoạn 4 - 6 tuổi sẽ có những đặc điểm khác nhau. Từ 4 - 6 tuổi nhận thức của trẻ được chia làm 2 giai đoạn: 4 - 5 tuổi và 5 - 6 tuổi. Ba mẹ hãy cùng theo dõi nhận thức của trẻ qua 2 giai đoạn này nhé.

nhan thuc cua tre 4 6 tuoi 2

1. Đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ 4 - 5 tuổi

Giai đoạn trẻ 4 - 5 tuổi được xem là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện ở trẻ, đặc biệt đó là sự phát triển mạnh mẽ của nhận thức. Nhận thức tạo dựng nền tảng cho sự hình thành nhân cách và năng lực trong tương lai. Ở giai đoạn này trẻ có thể đạt được rất nhiều cột mốc phát triển quan trọng trong sự phát triển nhận thức. Dưới đây là một vài đặc điểm nhận thức của trẻ ở giai đoạn 4 - 5 tuổi:
  • Trẻ ở giai đoạn này có thể so sánh sự khác nhau và giống nhau của 2 - 3 loại đồ chơi, đồ dùng, con vật, trái cây, các loại hoa, các hình dạng và phân loại chúng theo 1 - 2 dấu hiệu. 
  • Trẻ cũng có thể nhận biết được đặc điểm, công dụng của một số phương tiện giao thông như: Xe cứu thương để chở bệnh nhân đi cấp cứu, xe cứu hỏa để dập tắt đám cháy, cứu hộ cứu nạn. 
  • Nhận biết đặc điểm bên ngoài của con vật, cây, hoa quả gần gũi và lợi ích, tác hại đối với con người như: Quả cam có dạng hình tròn, có màu cam, khi bổ quả cam ra sẽ có múi và hạt.
  • Đồng thời, trẻ cũng có thể nhận biết sự khác nhau giữa ngày và đêm, mặt trời và mặt trăng như: Ban ngày bầu trời sáng có mặt trời, còn ban đêm thì trời tối đen có ông trăng ông sao.
  • Ngoài việc nhận biết được ban ngày ban đêm thì trẻ cũng nhận biết các buổi: buổi sáng, trưa, chiều, tối cùng với các hoạt động tương ứng trong ngày như chúng ta đi ngủ vào buổi tối, thức dậy vào buổi sáng.
  • Ở độ tuổi này trẻ có thể đếm trên đối tượng trong phạm vi 10 và đếm số lượng, số thứ tự trong phạm vi 5.
  • Và trẻ cũng có thể bắt đầu xác định vị trí của đồ vật so với bản thân trẻ và với bạn khác ví dụ: Phía trước – phía sau, phía trên – phía dưới, bên phải – bên trái,…

2. Đặc điểm phát triển nhận thức của trẻ 5 - 6 tuổi

Đây là giai đoạn các con chuẩn bị kết thúc bậc học mầm non và chuyển sang bậc học tiểu học, là thời gian tuyệt vời cho việc phát triển trí não, khả năng nhận thức, trí nhớ, lập luận và khả năng giải quyết các vấn đề sau này của trẻ. Về nhận thức ở giai đoạn này thì trẻ có thể:

  • Nhận biết quá trình phát triển của cây, con vật, điều kiện sống của một số loại cây, con vật như: Hạt gieo xuống đất –> hạt nảy mầm –> cây con –> cây trưởng thành –> cây trưởng thành ra hoa kết quả.
  • Bên cạnh đó trẻ có thể quan sát, phán đoán mối liên hệ đơn giản giữa cây với môi trường sống như: cây xanh làm cho không khí trong lành, cho hoa thơm quả ngọt, cung cấp gỗ để làm sản xuất. Cây còn giữ đất chống sói mòn và hạn chế thiên tai lũ lụt. Vì vậy chúng ta nên chăm sóc và bảo vệ cây cối xung quanh chúng ta bằng cách tưới nước nhổ cỏ, không nên ngắt lá bẻ cành.
  • Ở giai đoạn này, trẻ có thể nhận biết được thứ tự các mùa, một số ngày lễ lớn trong năm cùng với sự thay đổi trong sinh hoạt của con người, con vật, và cây theo mùa như: mùa hè trời nắng gay gắt, thời tiết nóng nực, hoa phượng nở báo tin năm học đã kết thúc và học sinh được nghỉ hè đi tắm biển, thả diều. Còn mùa đông thì bầu trời u ám, mưa phùn gió bấc, thời tiết lạnh, cây cối khẳng khiu, trụi lá và mọi người phải mặc nhiều áo ấm, mùa đông có ngày lễ Giáng sinh vui nhộn.
  • Bên cạnh đó, trẻ có thể học cách đo độ dài một vật bằng một đơn vị đo hoặc đo dung tích bằng một đơn vị đo.
  • Đếm trong phạm vi 10, đếm theo khả năng, đếm số lượng và số thứ tự.
  • Nhận biết ý nghĩa các con số được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày (số nhà, biển số xe,…)
  • Nhận biết và gọi tên khối cầu, khối vuông, khối chữ nhật, khối trụ và nhận dạng các khối đó trong thực tế.
  • Nhận biết và gọi tên các thứ trong tuần.
  • Ghi nhớ 1 số chữ cái, chữ số.
  • Phân biệt chính xác trái – phải.

nhan thuc cua tre 4 6 tuoi 3

3. Làm thế nào để giúp trẻ phát triển hơn trong giai đoạn 4 - 6 tuổi

Có rất nhiều phương pháp có thể giúp trẻ phát triển hơn mỗi ngày, sau đây là một số phương pháp hỗ trợ ba mẹ có thể dành thời gian để chơi và phát triển cho trẻ

  • Khi dạy trẻ về các thao tác đo, ba mẹ có thể làm thước đo bằng bìa cứng và làm mô hình vườn cây hình chữ nhật rồi yêu cầu trẻ đo chiều dài, chiều rộng của mảnh vườn và đọc kết quả đo,…
  • Khi dạy trẻ về các mùa trong năm ba mẹ có thể chuẩn bị các bộ đồ theo thời tiết các mùa để cho trẻ lựa chọn và mặc cho búp bê.
  • Dạy trẻ qua các bài vè, bài ca dao, đồng dao dân gian về các hiện tượng thời tiết, các mùa trong năm như : “ Chuồn chuồn bay thấp thì mưa – Bay cao thì nắng bay vừa thì râm”.
  • Biến toán học thành hoạt động hằng ngày như: đếm ngón tay, đếm bánh cùng mẹ, đếm các đồ vật xung quanh nhà.
  • Ba mẹ cùng trẻ sắp xếp các đồ vật thành hàng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ hoặc ngược lại.
  • Ba mẹ cũng có thể giúp trẻ xác định hình dạng đơn giản của các đồ vật trong nhà tương ứng với các hình khối như: quả địa cầu là khối tròn, rubik là khối lập phương, cục pin là khối trụ.
  • Để dạy trẻ học chữ số và chữ cái, ba mẹ có thể tham khảo một số mẹo sau:
    • Nặn đất nặn thành hình chữ số chữ cái.
    • Các bài hát chữ cái chữ số.
    • Chữ cái đầu tiên trong tên của trẻ.
    • Đọc sách (những quyển sách có chữ số, chữ cái nổi bật).
    • Bảng lắp ráp chữ cái, chữ số bằng xốp, gỗ, thảm chữ số, chữ cái.
    • Viết chữ số chữ cái lên cát, gạo, màu nước.
    • Cắt dán, xé chữ số chữ cái.

nhan thuc cua tre 4 6 tuoi 4

Lưu ý: Ở độ tuổi này ba mẹ cần tránh gây áp lực, bắt trẻ phải học đọc và học viết nếu như trẻ chưa sẵn sàng, thay vào đó ba mẹ có thể khuyến khích trẻ vẽ, viết thông qua trò chơi để con thấy hứng thú hơn.

Duy trì thói quen đọc sách với trẻ, cho trẻ có cơ hội đặt câu hỏi.

Với bài viết về nhận thức của trẻ 4 - 6 tuổi mong rằng ba mẹ sẽ có những cách tiếp cận và giúp trẻ phát triển tốt các kỹ năng ở giai đoạn này. Hãy tạo mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ yêu có được sự phát triển tốt nhất, ba mẹ nhé!

Chuyên viên Tâm lý Thạc sĩ Lưu Thị Quỳnh

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ sách Từng bước nhỏ - Sách liên kết – Bản quyền tiếng Việt thuộc PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu – Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội – NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội
  2. Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non – Nguyễn Thanh Tuyến – Nhà xuất bản đại học Sư phạm.