Tết đến xuân về là dịp đoàn viên của các gia đình, khi trẻ được nghỉ học ba mẹ được nghỉ làm cả gia đình bên nhau chào đón một năm mới, một mùa xuân mới.
Trong không khí tươi vui rộn ràng của dịp tết thì ba mẹ cũng đừng quên đi những lưu ý trong việc chăm sóc, hướng dẫn trẻ để giúp cả gia đình có những ngày tết vui, khỏe và hạnh phúc cùng nhau. Bài viết này sẽ thêm vào những lưu ý cho cha mẹ để đồng hành cùng trẻ trong ngày tết.
Thứ nhất, luôn cần đảm bảo an toàn cho trẻ
An toàn luôn là yếu tố hàng đầu được quan tâm trong quá trình chăm sóc trẻ, trong những ngày tết thì điều này lại càng cấp thiết hơn khi 24 giờ là trẻ ở nhà cùng gia đình.
Về dinh dưỡng: ba mẹ cân nhắc lựa chọn các món ăn đảm bảo được dinh dưỡng cho trẻ, tránh cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, ăn nhiều bánh kẹo và uống nhiều nước ngọt. Một số gia đình mua những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến trẻ ăn vào có nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ba mẹ luôn cần lưu ý khi cho trẻ ăn uống trong dịp tết như: kẹo mút, thạch rau câu, hạt trân châu, các loại như hạt bí, hướng dương…cần quan sát kỹ, kiểm tra mức độ an toàn, chia, cắt thức ăn thành từng lượng nhỏ khi cho trẻ ăn tránh dẫn đến trẻ bị hóc dị vật.
Ba mẹ lưu ý tránh cho trẻ chỉ ăn duy nhất một nhóm thực phẩm đó là: thịt hoặc cá mà không bổ sung thêm trái cây, rau, sữa chua. Điều này, có thể dẫn đến việc thiếu hay thừa chất, thực tế có nhiều trẻ trong những ngày tết đã bị táo bón vì không ăn rau như các bữa ăn chính hằng ngày. Vì vậy, ba mẹ cần cân bằng các nhóm chất trong mỗi bữa ăn, giúp trẻ ăn đúng giờ và đủ các chất cần thiết.
Về vận động, bảo vệ bản thân đảm bảo an toàn: việc tránh cho trẻ tự ý chạy nhảy, đi ra ngoài một mình cũng là yếu tố cần được lưu tâm. Đồng thời, ba mẹ cũng hướng dẫn về mức độ an toàn luôn nhắc nhở trẻ nếu đi ra ngoài hoặc tới những nơi đông đúc thì phải nắm tay ba mẹ, tránh trường hợp trẻ vô tư nô đùa có thể lạc mất trẻ. Bên cạnh đó, ba mẹ cần dạy trẻ nhớ tên cùng với số điện thoại của ba mẹ hay địa chỉ nhà, cũng như cách xử lý nếu khi đi lạc. Ví dụ trẻ bị lạc ở siêu thị thì hướng trẻ tìm đến bảo vệ, nếu ở ga tàu, nhà xe tìm đến những cô chú có mặc đồng phục như công an, bộ đội có quốc huy cài ở trên áo hoặc nón. Cần bình tĩnh để nhớ lại thông tin khi lạc ba mẹ tránh gào khóc to gây chú ý với những người đang có ý đồ xấu.
Thứ hai, đảm bảo giờ giấc sinh hoạt cho trẻ
Tết là dịp gia đình cùng nhau sum họp, du xuân, về quê thăm họ hàng, bạn bè. Vào dịp tết lịch trình, hoạt động và giờ giấc sinh hoạt của trẻ cũng có sự thay đổi. Vì vậy, trước những ngày cận tết ba mẹ dành thời gian trò chuyện cùng trẻ về những hoạt động sẽ diễn ra, sẽ có những thay đổi gì để chuẩn bị tâm lý cho trẻ một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, trong những buổi liên hoan gia đình thì giờ giấc sinh hoạt có thể bị đảo lộn, ba mẹ cần cân nhắc để trẻ vẫn đảm bảo thời gian ngủ và thời gian chơi. Tránh để trẻ rơi vào tình trạng ngủ ngày chơi đêm.
Một số trẻ thiếu ngủ sẽ trở nên quấy khóc, khó chịu. Do đó, trong gia đình nên có sự phân công giữa ba mẹ, anh chị lớn trong gia đình có một người dỗ trẻ ngủ để đảm bảo gia đình vẫn ngồi trò chuyện cùng với nhau trong dịp tết. Việc đảm bảo giờ giấc sinh hoạt của trẻ không chỉ đảm bảo trong dịp tết mà còn sau khi trẻ trở lại trường học.
Thứ ba, lựa chọn trang phục phù hợp cho trẻ trong ngày tết
Tết đến xuân về là dịp trẻ trẻ và người lớn sẽ mua sắm, diện những bộ quần áo mới để đi chúc tết ông bà nội ngoại, họ hàng. Vào những ngày này ba mẹ lưu ý lựa chọn cho trẻ những bộ đồ vừa gọn gàng, sạch sẽ, chất liệu phù hợp để trẻ cảm thấy thoải mái.
Dịp tết ba mẹ cho trẻ đi du xuân, thăm họ hàng ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Chính vì vậy, ba mẹ hãy theo dõi thời tiết ở những nơi mà ba mẹ cho trẻ tới để lựa chọn trang phục phù hợp cho trẻ. Thời tiết tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ được dự báo sẽ tương đối lạnh nên cha mẹ hãy cố gắng giữ ấm cho trẻ bằng mũ và khăn khi ra đường để trẻ tránh mắc phải những căn bệnh về hô hấp, cảm lạnh. Còn ở niềm Nam, Tết sẽ ấm áp hơn, ba mẹ cần lựa chọn cho trẻ các trang phục thoáng mát từ một số loại vải mềm, thoáng mát hút mồ hôi tốt nhằm giúp trẻ thoải mái vận động, chạy nhảy, vui chơi khi đi chúc tết, du xuân.
Ngoài ra, ba mẹ cũng nhắc nhở trẻ giữ gìn quần áo sạch sẽ khi đi ra ngoài, tránh ăn uống quá nhanh quá vội làm đổ thức ăn lên quần áo. Ba mẹ có thể mang theo dự phòng 1 bộ đồ để thay trong những trường hợp trẻ làm dơ quần áo. Một số trẻ sẽ chỉ thích mặc những bộ quần áo trẻ thích, nếu vậy ba mẹ nói với trẻ về ý nghĩa của trang phục khi đi chúc tết đầu năm để giúp trẻ vui vẻ thoải mái, sẵn sàng cho sự thay đổi trang phục khi đi ra ngoài.
Thứ tư, đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong ngày tết
Để tăng cường sức khỏe cho trẻ trong dịp tết ngoài chế độ dinh dưỡng ba mẹ cũng đừng quên cho trẻ tập luyện thể dục thể thao để tăng sức đề kháng, khi trẻ đi ra ngoài nơi đông người cũng cần đảm bảo việc đeo khẩu trang, xịt khuẩn để đảm bảo an toàn và phòng bệnh.
Ngoài sức khỏe về thể chất thì sức khỏe về tâm lý ba mẹ cũng cần lưu tâm. Ba mẹ không nên vì quá bận rộn với các công việc mà để trẻ với các chương trình tivi, điện thoại, hoặc không kiểm soát nội dung về các chương trình mà trẻ đang xem và vô tình điều đó ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Nếu trẻ xem tivi/điện thoại nhiều giờ trong một ngày cũng làm giảm tương tác nên thay vì đưa cho trẻ các thiết bị thông minh ba mẹ có thể mua thêm những bộ đồ chơi lắp ráp về các chủ đề ngày tết, hoặc cho trẻ cùng tham gia vào các hoạt động trang trí nhà cửa, chuẩn bị các món ăn chủ đề ngày tết để giúp trẻ vừa chơi vừa phát triển các kỹ năng về vận động tinh, tính tự lập, tự chơi khi không có ba mẹ gần bên.
Trên đây là những lưu ý thêm dành cho ba mẹ để đồng hành cùng trẻ trong những ngày tết đến xuân về. Tết là dịp đoàn viên, ba mẹ luôn cần mang đến cho trẻ bầu không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc tránh những cãi vã xung đột khiến trẻ lo lắng sợ hãi. Đồng hành cùng trẻ là đồng hành từ những việc nhỏ nhất. Hi vọng rằng các gia đình sẽ luôn có thêm nhiều niềm vui, sự an lạc trong năm mới. Để mỗi năm tết đến xuân về là một dịp được mong chờ, mang lại nhiều kí ức đẹp với tuổi thơ của trẻ.
ThS. Tâm lý Lê Thị Thảo
Tài liệu tham khảo
- Phạm Thị Hoài Anh, 15 phút mỗi ngày yêu con, NXB phụ nữ, 2016
- Bùi Phương Tâm, Đúng là tết, NXB Kim Đồng, 2022
- Phạm Toàn, Tâm lý học trẻ em, NXB Trẻ, 2022
- Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2006