Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ là dạy cho trẻ làm quen với những thao tác, sinh hoạt thường ngày, giúp trẻ từng bước hình thành kỹ năng tự phục vụ và chăm sóc bản thân.
Khoảng 2 - 3 tuổi, đây là thời điểm tốt để hình thành cho trẻ những kỹ năng tự phục vụ đơn giản và vừa sứcđể dần dần trẻ sẽ có thói quen thực hiện những kỹ năng phức tạp hơn. Một trong những kỹ năng tự phục vụ đó là kỹ năng tự rót nước.
Dạy trẻ rót nước có ý nghĩa như thế nào?
Hoạt động này giúp trẻ tăng sự tập trung, phát triển kỹ năng vận động tinh, phối hợp tay mắt, sự khéo léo của cổ tay, bàn tay và ngón tay. Hơn nữa, dạy trẻ rót nước chính là dạy cho trẻ kỹ năng tự lập, tự chăm sóc bản thân, điều này khiến trẻ tự tin với bản thân và vững vàng hơn trong cuộc sống sau này.
Ba mẹ hướng dẫn con thực hiện kỹ năng này như thế nào?
Bước 1: Làm mẫu
Ba mẹ thực hiện làm mẫu cho trẻ quan sát trước. Ba mẹ đặt ly lên bàn trước mặt, tay cầm bình nước và cho vòi của bình hướng vào miệng ly, một tay nâng bình lên, tay còn lại đỡ bên dưới bình. Nghiêng bình và rót nước vào ly, ba mẹ chỉ rót nước vào 1/2 ly nước. Lưu ý không rót đầy nước vào ly, tránh để nước tràn, rớt ra ngoài.
Bước 2: Cầm tay hướng dẫn trẻ thực hiện
Ba mẹ hỗ trợ cầm tay trẻ, đặt một tay trẻ lên quai bình để nâng và một tay đỡ dưới bình, ba mẹ chỉ cho trẻ cách nâng bình lên và đổ một ít nước ra ly. Khi trẻ đổ đến đường kẻ, ba mẹ nói “ngừng lại” và đưa từ từ bàn tay trẻ ra sau. Ba mẹ nên khen trẻ ngay khi trẻ thực hiện xong.
Bước 3: Trẻ thực hiện
Sau khi lặp lại vài lần có sự hỗ trợ cầm tay, ba mẹ nên giảm dần sự hỗ trợ và quan sát trẻ thực hiện một mình. Ba mẹ nên thường xuyên cho trẻ luyện tập kỹ năng này mỗi ngày và tận dụng mọi cơ hội để trẻ thực hiện.
Ba mẹ cần lưu ý những gì khi dạy trẻ thực hiện kỹ năng này?
Kiên nhẫn khi dạy trẻ: ba mẹ nên kiên nhẫn chờ đợi trẻ. Có thể trẻ sẽ còn chậm, chưa khéo léo, thường làm đổ và chưa nhớ được cách làm như thế nào. Ba mẹ hãy hướng dẫn từng bước và hỗ trợ khi trẻ gặp khó khăn trong thực hiện.
Khuyến khích, tạo động lực cho trẻ: trẻ sẽ có thêm nhiều động lực để có thể tự lập làm một việc gì đó khi được quan tâm và khen ngợi. Ba mẹ hãy tận dụng điều này để tạo động lực cho con nhé!
Xây dựng môi trường an toàn, gần gũi để trẻ phát huy tính tự tập: ba mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành với trẻ, hãy thật linh hoạt, thoải mái với trẻ. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian bên cạnh để quan sát và hỗ trợ, luôn tạo cho con cảm giác an toàn để trẻ được tự tin thể hiện khả năng của mình.
Kết luận:
Robert A Heinlein - một nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng người Mỹ nói rằng: “Đừng gây bất lợi cho con cái bằng việc cho chúng cuộc sống dễ dàng”. Chính vì vậy, ba mẹ nên có những định hướng phát triển kỹ năng tự lập, tự phục vụ cho con theo cách phù hợp nhất. Ba mẹ không nên quá nuông chiều và bảo bọc con, điều đó sẽ khiến cho những khả năng của trẻ bị hạn chế dần. Ngay từ nhỏ, ba mẹ nên dạy cho trẻ những kỹ năng sống tự lập và chăm sóc bản thân từ những việc nhỏ nhặt nhất thường ngày.
Người viết: Trần Thị Đan Mẫn
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thị Minh Làn (2017), Kỹ năng sống cho trẻ mầm non – Dạy con kỹ năng tự lập, Phòng GD & ĐT TP Vĩnh Yên.
- Những hoạt động dạy trẻ tự kỷ, Dịch từ tiếng Pháp, được cô Trần Thị Khấn – Nguyễn Thị Khước chuyển thể và BS. Phạm Ngọc Khanh hiệu đính.