Những khó khăn của trẻ RLPTK - RVE

Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD) là một rối loạn phát triển ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi của trẻ.

Trẻ em mắc ASD có thể gặp nhiều khó khăn trong các khía cạnh khác nhau của cuộc sống hàng ngày, từ giao tiếp đến  các kỹ năng xã hội. Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến trẻ mà còn ảnh hưởng  tới gia đình và môi trường xã hội xung quanh. Trong bài viết này sẽ phân tích cùng ba mẹ về những khó khăn của trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

1. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn về giao tiếp

Một trong những khó khăn đặc biệt của trẻ rối loạn phổ tự kỷ là khó khăn trong giao tiếp. Nhiều trẻ mắc ASD gặp vấn đề trong việc sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt suy nghĩ và cảm xúc. Một số trẻ có thể không nói chuyện, trong khi một số khác có thể sử dụng ngôn ngữ một cách hạn chế hoặc không tự nhiên, một số trẻ khi nói lại có biểu hiện nhại lời. Như khi ba mẹ hỏi: “Con ăn món gì?” Thay vì trẻ trả lời con ăn cơm hay ăn phở thì trẻ lại lặp lại nguyên câu: “Con ăn gì?” Ngay cả khi trẻ có thể nói, trẻ vẫn thường khó khăn trong việc khởi phát và duy trì các cuộc hội thoại, đồng thời chưa biết cách điều chỉnh giọng điệu hay ngữ điệu phù hợp trong giao tiếp.

nhung kho khan cho tre rlptk 2

Nhiều trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc bắt đầu cuộc trò chuyện hoặc duy trì nó theo cách phù hợp. Trẻ không biết cách giữ cho cuộc trò chuyện trôi chảy, đôi khi chỉ tập trung vào sở thích của bản thân mà không để ý đến sự tham gia của người khác.

Ngoài ngôn ngữ, trẻ rối loạn phổ tự kỷ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Những cử chỉ, ánh mắt, hoặc nét mặt – những yếu tố thường giúp giao tiếp phi ngôn ngữ – có thể bị trẻ bỏ qua hoặc hiểu nhầm. Khi giao tiếp với trẻ tự kỷ ba mẹ sẽ nhận thấy trẻ có xu hướng sẽ né tránh ánh mặt với ba mẹ, thay vào đó trẻ sẽ chủ yếu nhìn vào các đồ chơi như bánh xe, quạt máy,…

2. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn về vấn đề kỹ năng xã hội

Trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với người khác.. Những biểu hiện của trẻ có thể bao gồm việc chưa biết cách tham gia vào trò chơi với bạn bè, hoặc thể hiện sự quan tâm đến người khác.

Khả năng đọc hiểu cảm xúc và nhận biết tình huống xã hội của trẻ mắc ASD cũng thường bị ảnh hưởng. Điều này làm cho trẻ khó nhận diện khi người khác buồn, vui hoặc tức giận, dẫn đến những phản ứng không phù hợp.

nhung kho khan cho tre rlptk 3

Sự tương tác qua lại, như biết chờ đến lượt mình trong cuộc chơi hoặc trong các hoạt động xã hội, có thể là thách thức đối với trẻ tự kỷ. Trẻ có thể không hiểu được nguyên tắc chờ đợi hoặc chia sẻ, làm giảm khả năng tham gia vào các hoạt động nhóm.

3. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn về vấn đề hành vi

Một đặc điểm khác của trẻ tự kỷ là hành vi, sở thích hạn hẹp, rập khuôn,  lặp đi lặp lại hoặc sự tập trung vào một số chủ đề hoặc hoạt động cụ thể. Trẻ có thể dành hàng giờ để xếp các đồ vật theo một cách cụ thể: như xếp xe thành một hàng dài thẳng tắp, lật các bánh xe lên xoay và nhìn chằm chằm vào đó. Ba mẹ cũng có thể quan sát thấy trẻ ASD thường sẽ lặp lại một câu nói, hành động. Những hành vi này có thể mang lại cho trẻ cảm giác thoải mái, nhưng chúng cũng có thể cản trở trẻ trong việc giao tiếp với mọi người, khám phá thế giới xung quanh và phát triển các kỹ năng mới.

Ngoài ra, trẻ mắc tự kỷ thường có sở thích hẹp, chẳng hạn như chỉ thích chữ số chữ cái, hay con vật, trái cây,…. Điều này hạn chế khả năng học hỏi và mở rộng thế giới quan của trẻ.

nhung kho khan cho tre rlptk 4

4. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn về vấn đề ăn uống

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ (ASD) thường gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề liên quan đến ăn uống. Điều này có thể gây ra nhiều lo lắng cho ba mẹ.

Ba mẹ sẽ nhận thấy một số trẻ tự kỷ thường kén ăn: Trẻ thường kén lựa chọn thực phẩm, chỉ thích ăn một số món nhất định về màu sắc, hình dáng, mùi vị. Điều này có thể dẫn đến chế độ ăn không cân đối, thiếu chất dinh dưỡng. Một số trẻ khác lại quá nhạy cảm giác, trẻ nhạy cảm với mùi, vị, trẻ từ chối ăn một số loại thức ăn nhất định. Ví dụ, trẻ có thể không thích những món ăn mềm hoặc những món có mùi như cá, tôm. Một số trẻ chỉ thích ăn cơm với nước tương.

Thói quen ăn uống cứng nhắc: Trẻ có thể có các thói quen ăn uống cố định và khó chấp nhận thay đổi, chẳng hạn chỉ ăn khi ngồi đúng vị trí, ăn theo thứ tự nhất định, hoặc cần dùng một số đồ dùng ăn uống đặc thù.

5. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn về vấn đề giấc ngủ

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ thường gặp khó khi đi vào giấc ngủ: Trẻ mắc tự kỷ thường khó khăn trong việc thư giãn và vào giấc ngủ, có thể mất rất nhiều thời gian để chìm vào giấc ngủ. Không ít trẻ tự kỷ thức giấc nhiều lần trong đêm và gặp khó khăn khi ngủ lại, dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn.

Rối loạn chu kỳ ngủ - thức: Một số trẻ không tuân thủ chu kỳ ngủ - thức bình thường, có thể thức khuya và dậy muộn, hoặc thậm chí có giấc ngủ ngắn và không đầy đủ trong đêm.

nhung kho khan cho tre rlptk 5

Cảm giác không thoải mái: Những thay đổi nhỏ trong môi trường ngủ, chẳng hạn như ánh sáng, âm thanh, hoặc cảm giác của ga trải giường, cũng có thể làm trẻ khó ngủ hơn, một số trẻ lại nghiền ôm như chăn bông mềm, khăn sữa. Nếu hôm nào ba mẹ mang đi giặt, hoặc đi đâu xa quên mang theo là gần như trẻ không thể chìm vào giấc ngủ.

Kết Luận

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống, từ giao tiếp, tương tác xã hội cho đến học tập và khả năng tự lập. Việc hiểu rõ những thách thức này là bước đầu quan trọng để có thể cung cấp sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, sự kiên nhẫn, thấu hiểu và tình yêu thương từ gia đình, giáo viên và cộng đồng sẽ giúp trẻ phát triển tiềm năng và hòa nhập tốt hơn với xã hội. Hi vọng ba mẹ sẽ luôn kiên trì để đồng hành cùng trẻ rối loạn phổ tự kỷ trên mỗi chặng đường phát triển.

Bác sĩ Lộ Trung Anh Hoàng Luân

Tài liệu tham khảo:

  1. Đỗ Bích Thuận, bài giảng rối loạn ngôn ngữ, chương trình Đào tạo Âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
  2. Hoàng Văn Quyên, bài giảng rối loạn phổ tự kỉ, chương trình đào tạo âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
  3. Trần Tú Uyên (người dịch) (2004), các kĩ năng giao tiếp sớm, Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật Thành Phố Hồ Chí Minh
  4. Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ- (Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế