Dù ở độ tuổi nào trong cuộc sống, con người gặp phải rất nhiều tình huống trong cuộc sống cần tới tính tự lập. Vì vậy các bậc cha mẹ cần quan tâm, hướng dẫn dạy trẻ kỹ năng này
1. Tầm quan trọng của tự lập đối với trẻ
- Con bạn có thể làm hết mọi việc ngay từ nhỏ từ đó giúp con tự tin vào bản thân mình hơn.
- Con bạn sẽ không dựa dẫm hay phụ thuộc vào cha mẹ khi đến tuổi đi làm và có thể tự giải quyết được mọi việc của bản thân một cách tốt hơn.
- Dạy con tính tự lập sẽ giúp hỗ trợ cho cha mẹ nhiều việc phù hợp với lứa tuổi của con cũng như giúp cha mẹ chăm sóc con cái dễ dàng hơn.
- Tính tự lập có thể giúp cho trẻ tự tin hơn về bản thân khi giao tiếp hay làm bất cứ việc gì.
- Trẻ có tính tự lập khi lớn lên sẽ có nhiều cơ hội việc làm, khả năng thích ứng trong xã hội, thích ứng với công việc của mình hơn.
2. Các khó khăn trong khâu thực hiện kỹ năng
-
Mất thời gian: Khi dạy cho trẻ một kỹ năng tự lập nào đó đòi hỏi cha mẹ, giáo viên phải thật kiên nhẫn hướng dẫn từng bước một và dành nhiều thời gian cho trẻ. Trẻ nhõng nhẽo và không muốn làm: Ngay từ nhỏ trẻ đã được người lớn làm thay tất cả mọi thứ, khi có nhu cầu là được đáp ứng ngay. Vậy nên, khi bước đầu dạy kỹ năng tự lập trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn.
-
Trẻ làm nửa vời hoặc chỉ thực hiện khi có điều kiện: Khi dạy kỹ năng tự lập cho trẻ, người lớn thường đưa ra các phần thưởng ngay tức thời (bánh, kẹo, đồ chơi,…) để làm điều kiện khuyến khích trẻ thực hiện. Tuy nhiên, khi quá lạm dụng phần thưởng thì trẻ chỉ làm vì phần thưởng, làm để đối phó hoặc bỏ dở giữa chừng.
3. Các bước thực hiện kỹ năng
Bước 1. Dạy những điều nhỏ nhất
Ngay từ khi trẻ 2 tuổi, ba mẹ có thể dạy con kỹ năng sống tự lập cơ bản trong cuộc sống hàng ngày.
Ví dụ: Ba mẹ nên bỏ rác đúng nơi quy định, lau bàn khi đổ nước, cho quần áo bẩn vào máy giặt, dọn đồ sau khi bày ra nhà,…Theo đó, sau khi thấy ba mẹ làm vậy, trẻ rất dễ học theo và có thể tự mình làm mọi thứ.
Bước 2. Tạo môi trường gần gũi, an toàn để trẻ phát huy tính tự lập của bản thân
Tại gia đình, dạy trẻ tự lập bắt đầu từ việc xây dựng không gian ngăn nắp, trật tự. Đặc biệt, cũng trong ngôi nhà của mình, ba mẹ có thể phân chia rõ ràng các khu vực không gian để trẻ biết đâu là góc chơi tự do, đâu là nhà bếp, đâu là phòng khách,…
Mọi sự quy định luôn đi cùng các nguyên tắc có kế hoạch và có tổ chức nhất. Và người lớn chính là người làm gương cho trẻ về vấn đề thực hiện nguyên tắc đó.
Bước 3. Xây dựng bảng phân công việc nhà cho từng thành viên trong gia đình
Ba mẹ hãy xây dựng bảng phân công việc nhà cho từng thành viên trong gia đình. Ở đó, người lớn sẽ quy định rõ đâu là công việc của bản thân, đâu là công việc của trẻ.
Trong giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi, ba mẹ nên phân việc dọn cơm, quét góc nhỏ cho bé, lau góc bàn ăn. Lên 4 đến 5 tuổi, hãy để bé chủ động làm những công việc như lui chùi đồ, gấp khăn ăn, bày bàn ăn, lau bát đĩa,…Trên 5 tuổi, ba mẹ có thể khơi gợi bé thực hiện các công việc nhà phức tạp hơn như phụ giúp mẹ nấu ăn, quét nhà góc rộng, chăm em,…
Bước 4. Giảm nhẹ yêu cầu, khuyến khích con trong suốt quá trình làm việc
Giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi vốn là giai đoạn “cực kỳ” nhạy cảm ở trẻ. Những đứa trẻ non nớt và rất dễ tổn thương. Vì vậy, người lớn nên hạn chế tối đa sự áp đặt và yêu cầu của bản thân đối với công việc trẻ làm. Đôi khi, dù vô tình nhưng những lời chê bai, những thái độ cau mày, nhăn mặt của ba mẹ khi con làm sai cũng đủ để khiến trẻ cảm thấy buồn rầu và chán nản. Thay vào đó, hãy khích lệ con bằng những lời động viên và ghi nhận thành quả chúng đạt được “Con làm được rồi, con giỏi quá!”...
Bước 5. Hãy kiên nhẫn chờ đợi con
Hãy kiên nhẫn chờ đợi con thực hiện, hãy để con được tự làm những công việc theo khả năng. Và trong suốt quá trình cùng con tự lập, dành thời gian đặc biệt cho con để lắng nghe lời nói, hành động của con cũng là cách giúp ba mẹ thấu hiểu, hỗ trợ và gắn kết cùng con trong từng cách xử lý, giải quyết vấn đề theo hướng tích cực.
4.Kết luận
Những điều tinh tế trong môi trường được chuẩn bị sẵn sàng sẽ chính là “cái nôi” nuôi dưỡng tinh thần tự lập ở mỗi đứa trẻ. Và ba mẹ chính là những người tạo nên mọi điều đặc biệt như vậy trong tuổi thơ của con. Với các ba mẹ, hành trình dạy con tự lập theo không hề dễ dàng nhưng nếu biết kiên trì và áp dụng đúng phương pháp giáo dục trẻ, ba mẹ chắc chắn sẽ có những em bé tự lập, tự giác, chủ động sáng tạo và trưởng thành trong hạnh phúc.
Tài liệu tham khảo
- Hoa Dương (Chủ Biên) Nói sao cho trẻ nghe lời, NXB Văn hóa thông tin (2015)
- Trần Hân, Thanh Nhã (Dịch) Phương pháp giáo dục con của người Do Thái,NXB Phụ Nữ (2018)
- Doãn Kiến Lợi, Trần Quỳnh Hương (Dịch), Người mẹ tốt hơn là người Thầy tốt, NXB Văn Học, (2019)
Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Nga - Trung Tâm KNS Rồng Việt