Nhận thức của trẻ giai đoạn 2 - 4 tuổi - RVE

Sự phát triển nhận thức của trẻ giai đoạn 2 - 4 tuổi rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ, bởi sự phát triển này đóng vai trò trong việc hình thành nên nhân cách và năng lực của trẻ sau này. 

Cùng Trung tâm Rồng Việt điểm lại sự phát triển nhận thức của trẻ 2 - 4 tuổi.

Đặc điểm phát triển nhận thức từ 4 tuổi

1. Đặc điểm phát triển nhận thức 2 - 3 tuổi

Trẻ 2 - 3 tuổi bắt đầu phát triển khả năng nhận thức và học hỏi rất cao. Đặc trưng trong giai đoạn này là trẻ cực kỳ nhanh nhạy trong việc quan sát, bắt chước người lớn. Do đó, ba mẹ cần hiểu về đặc điểm trẻ giai đoạn này để hỗ trợ trẻ tốt hơn. Dưới đây là một vài đặc điểm nhận thức của trẻ giai đoạn 2 - 3 tuổi:

  • Trẻ ở giai đoạn này có thể làm được 2 - 3 mệnh lệnh đơn giản. Ví dụ: Con lấy kem đánh răng và con chải răng đi nào.
  • Nhận diện được 4 đồ vật theo chức năng như: biết bàn chải để đánh răng, muỗng để xúc cơm ăn.
  • Hiểu các cụm từ chỉ nơi chốn như: trường học, siêu thị, bệnh viện.
  • Trẻ nhận biết, xác định được các đồ vật và tranh ảnh thông thường như: đưa mô hình con chó biết đặt lên bức tranh con chó.
  • Đồng thời, trẻ có khả năng tự thực hiện những hành động với đồ vật mà không cần sự hỗ trợ của người khác như: biết lấy vớ mang vào chân, tự mặc quần đơn giản.
  • Ngoài ra, trẻ biết nhận biết được một số màu sắc cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá), hình dạng quen thuộc (tròn, vuông, tam giác). Không những vậy, trẻ bắt đầu hiểu và so sánh kích thước của các đồ vật với nhau như: to nhỏ, ngắn dài, cao thấp.

nhan thuc cua tre giai doan 2 4 tuoi 1

2. Đặc điểm phát triển nhận thức 3 - 4 tuổi

Nhận thức của trẻ giai đoạn 3 - 4 tuổi phát triển ở một mức cao và lúc này nhận thức là nền tảng quan trọng cho việc học tập của trẻ sau này. Để hỗ trợ trẻ trong quá trình phát triển nhận thức, ba mẹ cùng nhìn lại những đặc điểm nhận thức ở giai đoạn này để hỗ trợ trẻ nhé.

  • Ở giai đoạn này, trẻ có thể hiểu và làm theo các mệnh lệnh phức tạp hơn khi ba mẹ yêu cầu như: con lấy nón đội lên đầu, mặc áo khoác và gọi ba đi chơi.
  • Nhận biết được 13 bộ phận cơ thể như: tay, chân, đầu…
  • Chọn được các thành phần khác nhau trong một nhóm như: ba mẹ đặt 3 thẻ tranh hình trái cây (táo, ổi, cam) và trộn lẫn vào đó là thẻ tranh hình con chó, yêu cầu trẻ chọn thẻ tranh khác trong những thẻ tranh còn lại.
  • Trẻ bắt đầu nhận biết được khái niệm về thời gian (sáng, trưa, tối), khái niệm hôm qua, hôm nay và ngày mai. Bên cạnh đó, giai đoạn này trẻ cũng hiểu được một số loại tính từ như: “dài -  ngắn”, “cứng – mềm”, “đen – trắng”. Ngoài ra, trẻ cũng có thể hiểu được khái niệm về giống nhau, khác nhau như: bạn trai tóc ngắn, bạn gái tóc dài. Đồng thời, trẻ có thể hiểu được các từ chỉ vị trí như: trên, dưới, trước, sau, phải, trái. Độ tuổi này trẻ cũng phát triển về trí tưởng tượng thông qua các trò chơi như: lấy một khối gỗ và tưởng tượng đó là điện thoại. Không những vậy, trẻ còn biết cách tương tác với những trẻ khác trong trò chơi như: chơi làm cảnh sát mình đóng cảnh sát bạn đóng kẻ trộm.
  • Trẻ thường quan tâm đến những điều mới và thường đặt câu hỏi với ba mẹ như: tại sao cái đó lại màu xanh, tại sao mẹ làm như vậy. Trẻ trở nên độc lập hơn trong giai đoạn này và biết cách giải quyết các xung đột như khi bị bạn đánh trẻ có thể đánh lại hoặc mách người lớn.

nhan thuc cua tre giai doan 2 4 tuoi 2

Làm thế nào để giúp trẻ phát triển hơn trong giai đoạn 2 - 4 tuổi

Có rất nhiều phương pháp giúp trẻ phát triển hơn mỗi ngày bằng cách ba mẹ dành nhiều thời gian hơn để chơi với trẻ. Dưới đây là một số phương pháp hỗ trợ trẻ ở giai đoạn này.

  • Thứ nhất, yêu cầu trẻ mô tả về những điều trẻ nhìn thấy. Ví dụ khi trẻ đi xe trẻ thấy những đồ chơi hay những đồ vật gì? Khi về nhà ba mẹ có thể hỏi trẻ xem trẻ đã nhìn thấy được những gì hoặc mô tả những thứ trẻ gặp trong trường.
  • Thứ hai, ba mẹ cho trẻ có nhiều thời gian hơn để chơi với bạn bè, đặc biệt là những trò chơi luân phiên. Cho trẻ tập chơi, để cho trẻ xảy ra những xung đột và trẻ tự tìm cách giải quyết những xung đột của mình. Tuy nhiên, ba mẹ cần can thiệp khi cần thiết đừng để những xung đột đẩy lên cao trào và trẻ giải quyết theo hướng chưa phù hợp.
  • Thứ ba, ba mẹ cũng có thể đọc cho trẻ nghe những câu chuyện mỗi ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc bất kì thời gian nào để phát triển vốn từ và trí tưởng tượng của trẻ.
  • Thứ tư, ba mẹ cũng có thể hát cùng trẻ những bài hát đơn giản hoặc chơi những trò chơi có vần điệu như: chi chi chành, kéo cưa lừa xẻ...
  • Thứ năm, ba mẹ cũng có thể đưa ra những lựa chọn đơn giản để cho trẻ học cách quyết định. Ví dụ: Con thích ăn bánh bao hay con thích ăn bánh mì.
  • Thứ sáu,  ba mẹ hãy kiên nhẫn lắng nghe và trò chuyện với trẻ nhiều hơn, trả lời những câu hỏi của trẻ. Đồng thời, ba mẹ cũng cần cung cấp cho trẻ những nguyên tắc rõ ràng, hợp lý. Ví dụ: xin lỗi khi trẻ làm sai. Ba mẹ nên khen ngợi, khích lệ những điều ba mẹ muốn trẻ làm.

nhan thuc cua tre giai doan 2 4 tuoi 3

Với bài viết về nhận thức của trẻ 2 - 4 tuổi mong rằng ba mẹ sẽ có những cách tiếp cận và giúp trẻ phát triển tốt các kỹ năng ở giai đoạn này. Hãy tạo mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ yêu có được sự phát triển tốt nhất, ba mẹ nhé!

Chuyên viên Tâm lý Huỳnh Thị Hà

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2006.