Giai đoạn mầm non được coi là “giai đoạn vàng” để phát hiện, can thiệp và giúp trẻ đặc biệt vượt qua những khó khăn và phát triển bình thường. Đặt biệt là giáo dục trẻ tmắc chứng tự kỉ.
Tự kỉ là một dạng khuyết tật phát triển phức tạp, được đặc trưng bởi ba khiếm khuyết: giao tiếp; tương tác xã hội và có hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại. Để chẩn đoán trẻ tự kỉ (TTK), cần phải qua khám sàng lọc. Cần sàng lọc ở nhiều giai đoạn khác nhau càng sớm càng tốt. Phát hiện sớm TTK là TTK được phát hiện trước 3 tuổi; sớm nhất có thể là 6-18 tháng. TTK nếu được phát hiện sớm sẽ có nhiều cơ hội (30%) trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội. Các mức độ biểu hiện ở trẻ tự kỉ (TTK) có sự khác nhau, ở các lứa tuổi khác nhau và ở mỗi đứa trẻ lại khác nhau. Khó khăn nhất là sự thích nghi với các hoạt động và môi trường của lớp mẫu giáo.
Làm sao để chăm sóc TTK tốt hơn, làm cách nào để TTK dần quen với các hoạt động của lớp; có thể tham gia giao tiếp hoặc gần gũi với các bạn bè bình thường cùng trang lứa; sự hòa nhập với môi trường xã hội sau này của trẻ sẽ như thế nào?... Đó là những trăn trở của cha mẹ trẻ và giáo viên (GV) dạy mầm non hòa nhập nói chung.
Giáo dục hòa nhập là gì và có vai trò ra sao?
Theo Quyết định số 23/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 25/5/2006 của Bộ GD-ĐT, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục trong đó trẻ em khuyết tật được học cùng với trẻ em bình thường, ngay tại nơi các em sinh sống. Tuy nhiên, hiện nay khái niệm hòa nhập đã được mở rộng hơn và được hiểu là “hỗ trợ mọi trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật, có cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ giáo dục với những hỗ trợ cần thiết trong lớp học, phù hợp tại trường học nơi trẻ sinh sống, nhằm chuẩn bị để các em trở thành những thành viên đầy đủ của xã hội”.
Giáo dục hòa nhập dựa trên quan điểm tích cực, đánh giá đúng trẻ khuyết tật và các em được nhìn nhận như mọi trẻ em khác. Theo quan điểm này thì mọi trẻ khuyết tật đều có những năng lực nhất định. Các em sẽ làm tốt khi những việc đó phù hợp với năng lực nhu cầu của mình. Trong giai đoạn giáo dục này, gia đình, xã hội và cộng đồng cần tạo ra sự hợp tác và hòa nhập với các em trong mọi hoạt động. Vì thế, các em phải được học ở trường học gần nhà nhất - nơi các em sinh ra và lớn lên: “Các em phải luôn được gần gũi với gia đình, luôn được sưởi ấm bằng tình yêu của cha, mẹ, anh, chị và được cả cộng đồng đùm bọc giúp đỡ. Trẻ khuyết tật sẽ được học cùng một chương trình, cùng lớp, cùng trường với trẻ bình thường và như mọi trẻ khác, trẻ khuyết tật là trung tâm của quá trình giáo dục. Các em được tham gia đầy đủ và bình đẳng trong mọi hoạt động, trong nhà trường và cộng đồng để thực hiện lí tưởng: Trường học cho mọi trẻ em, trong một xã hội cho mọi người. Chính lí tưởng đó tạo cho trẻ khuyết tật niềm tin, lòng tự trọng, ý chí vươn lên để đạt đến mức điểm cao nhất mà năng lực của mình cho phép”. Đây cũng là mục tiêu chính của giáo dục hòa nhập.
Thế nào là nâng cao khả năng thích ứng cho trẻ tự kỉ?
Nâng cao khả năng thích ứng cho TTK trong lớp học mầm non hòa nhập là việc thiết kế, sắp xếp, triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở lớp mầm non sao cho TTK tiếp cận và quen dần với chế độ sinh hoạt cũng như các hoạt động ở lớp mầm non, không có tâm lí sợ hãi, rụt rè hay lo lắng mà sẵn sàng chấp nhận, thích nghi, vui vẻ cùng thực hiện các hoạt động giống như các trẻ bình thường khác trong lớp. Trên cơ sở đó, GV mầm non có thể tổ chức các hoạt động tác động vào TTK nhằm thay đổi theo hướng tích cực… giúp TTK có thể phát triển và học tập được thuận lợi hơn.
Vậy có những biện pháp nào để hỗ trợ khả năng thích ứng cho trẻ tự kỉ trong lớp mầm non hòa nhập?
1) Cha mẹ - người đồng hành với con trong quá trình hòa nhập.
Hơn ai hết, cha mẹ là người đồng hành với con trong quá trình hòa nhập, cha mẹ cần thực hiện các ý sau:
- Yêu thương và chuẩn bị tâm thế đón nhận các rắc rối từ tình trạng của con trẻ
Sự yêu thương vô bờ bến của cha mẹ đối với những đứa trẻ mắc tự kỉ sẽ khiến cho họ làm bất cứ điều gì để tốt hơn cho con mình. Song, cần phải có nhận thức đầy đủ về những rắc rối con mình sẽ phải trải qua, đặc biệt trong những ngày mới cho trẻ đi học hòa nhập.
- Phát hiện sớm và cho trẻ đi học càng sớm càng tốt
Quan trọng nhất đối với cha mẹ trẻ là cần phát hiện sớm và cho trẻ được đi học càng sớm càng tốt, chuẩn bị tốt về mặt tâm thế cho trẻ tham gia vào các chương trình giáo dục.
- Tăng cường giao tiếp và phối hợp cùng gia đình.
Nghiên cứu về TTK và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, các tác giả đều cho rằng, yếu tố gia đình và sự phối hợp giữa gia đình với chuyên gia, với GV dạy hòa nhập là điều kiện không thể thiếu đối với mọi trường hợp TTK: “Nếu không có sự giao tiếp này thì mọi nỗ lực cộng tác đều gặp khó khăn nếu không muốn nói là không thể thực hiện được”.
- Thực hiện “bài tập giáo dục con” từ GV
GV và cha mẹ trẻ phải cùng thống nhất được các nội dung tác động, can thiệp cho trẻ. Đối với TTK mới đi học, trẻ gặp rất nhiều khó khăn, bởi trước đó môi trường gia đình và những thói quen, nề nếp mà cha mẹ đã hình thành nên cho trẻ là rất khó thay đổi. Vậy nên, nhất thiết cha mẹ phải tiếp cận và làm quen với chế độ sinh hoạt ở trường mầm non. Cụ thể, giờ nào, hoạt động gì, trẻ phải tham gia làm gì, con cần có kĩ năng gì,… để thực hiện các hoạt động đó. GV trao đổi với cha mẹ trẻ hàng ngày, hướng dẫn họ các kĩ năng cần thiết đối với trẻ (cất giày dép, mặc áo, lấy ghế vào bàn, xúc ăn, đi vệ sinh, thậm chí ngồi một chỗ trên ghế trong vòng 5-10 phút,… hoặc cách nói một số câu nói lên nhu cầu của mình…) và có thể quy định cho cha mẹ trẻ phải tập, rèn luyện cho con cho đến khi cháu đạt được hành vi, thói quen đó trong một khoảng thời gian nhất định (1 tuần, 1 tháng).
2) GV - lực lượng giáo dục có vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc, can thiệp, giáo dục TTK.
- GV là cầu nối, người quan trọng giúp trẻ thích ứng với môi trường mới
Giai đoạn đầu TTK được nhận vào lớp, để thích nghi được với môi trường nhà trường/xã hội, trẻ gặp rất nhiều khó khăn. GV phải xác định tâm thế là cầu nối, là người quan trọng nhất trong giai đoạn giúp trẻ thích ứng với môi trường giáo dục mầm non.
- Xây dựng chương trình giáo dục và phương pháp chăm sóc phù hợp với từng trẻ.
Giáo viên là người hiểu chi tiết nhất nhu cầu hàng ngày của các trẻ đó, hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lí phát triển của trẻ trong độ tuổi cũng như chương trình giáo dục, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ bình thường - trên cơ sở đó mới nhận ra những đặc điểm và nhu cầu khác biệt của TTK. Ví dụ: Nếu lời nói hoặc hành vi của TTK không đúng, GV nhất thiết phải nghiêm túc phản đổi bằng cách lắc đầu, xua tay, cùng nét mặt dứt khoát; đồng thời sử dụng từ ngữ, những câu nói ngắn gọn để ra hiệu cho trẻ bắt chước, lặp lại. Những hành động mẫu của cô nên được đưa ra đúng thời điểm, gắn kết với lời nói, tập cho trẻ làm theo từng thao tác. Mọi lúc mọi nơi, cô giáo quan sát trẻ, cố gắng nhận ra những dấu hiệu khác thường/ bất thường của TTK so với các trẻ bình thường, để nắm được nhu cầu và đặc điểm riêng của TTK. Từ đó, đối chiếu với hoàn cảnh của trẻ, điều kiện của lớp, chọn thời điểm thích hợp để giao tiếp và dạy trẻ bắt chước mẫu câu hoặc các hành vi mẫu - kết hợp với lời nói - nhưng GV nói ngắn, phát âm chậm, khuyến khích động viên trẻ hợp tác
Tương tác và giao tiếp tạo thiện cảm, ấm áp dành cho trẻ
Thiết lập mối quan hệ thân mật, thường xuyên giao tiếp và trò chuyện với TTK giúp trẻ bớt lo lắng, bớt sợ hãi hoặc cảm giác cô lập và đơn độc ở giai đoạn đầu đến lớp. Mặt khác, gần gũi với trẻ sẽ nắm bắt rõ hơn khả năng và nhu cầu của trẻ, có thể là hình thức kết nối giữa trẻ khuyết tật/ tự kỉ với các bạn bè bình thường khác trong lớp.
Khi TTK được cha mẹ đưa đến lớp, GV đón trẻ với thái độ thân thiện, chào đón con một cách niềm nở, nhiệt tình, có thể ôm hoặc dắt trẻ, dùng ánh mắt để ra hiệu cho trẻ đi vào lớp hay sẵn sàng chào chia tay với cha mẹ. Tiếp đó, cô giáo thân mật hỏi han tình hình của trẻ (ăn sáng chưa, ai mua áo đẹp cho, con muốn chơi gì, có nhớ cô không…) mặc dù có thể trẻ không nói, có thể trẻ chỉ gật đầu, hoặc không có thái độ phản ứng gì với cô giáo,… nhưng cô không nên nghĩ là trẻ không biết gì, ngược lại tình cảm và sự ân cần của cô giáo diễn ra hàng ngày một cách thường xuyên sẽ tạo cho trẻ cảm giác gần gũi, bớt cô đơn, đỡ nhớ cha mẹ, và sớm theo cô vào lớp cũng như thực hiện các yêu cầu của cô giáo khi cô tổ chức các hoạt động cho các bạn trong lớp.
Bên cạnh đó, để hòa nhập có hiệu quả, bản thân GV phải có phẩm chất tốt, là người thương yêu trẻ bằng tất cả tấm lòng của “người mẹ” và tâm huyết với nghề. Có như vậy, trẻ khuyết tật/tự kỉ và cha mẹ trẻ mới yên tâm gửi gắm con em mình.
Coi trọng việc làm mẫu, chú ý đến hành vi của trẻ
Đó là việc sử dụng lời nói mẫu, thao tác, hành động mẫu, các video làm mẫu giúp TTK nhận biết hành vi phù hợp của bản thân và người khác; nắm được những kĩ năng riêng lẻ được kết hợp với nhau khi thực hiện các hành động.
Mỗi khi TTK có một hành vi đẹp, khi làm đúng yêu cầu của GV, hay khi có biểu hiện vui vẻ, hòa thuận bên một/ một nhóm trẻ bình thường trong lớp, hoàn thành tốt điều mà ai cũng cần làm trong chế độ sinh hoạt (lấy khăn lau miệng sau khi ăn, ngồi đúng chỗ của mình, vệ sinh đúng giờ, đúng chỗ, không làm đổ nước ra sàn như các bạn hoặc như mọi ngày,...) thì GV phải lập tức khen hoặc thưởng cho trẻ kịp thời, nên khen thưởng ngay tại thời điểm mà trẻ vừa thực hiện tốt. Phần thưởng đi đôi với lời khen, nói rõ lí do cháu xứng đáng được khen thưởng. Phần thưởng không cầu kì, chỉ cần đáp ứng được nhu cầu nào đó của trẻ hay sở thích của trẻ. Có thể là một tràng vỗ tay của cả lớp, một cái ôm âu yếm của cô giáo, một đồ vật đồ chơi mà trẻ thích, được thêm một lượt chơi khi đang tham gia chơi trò chơi,…
Phần lớn các TTK hưởng ứng với các phần thưởng thông qua việc làm hiệu quả. Sự thỏa mãn bên trong, khát khao thành công hơn nữa sẽ thúc đẩy TTK mong muốn và thường xuyên tiếp xúc, tham gia vào hoạt động của lớp. Cảm xúc tốt đóng vai trò quan trọng, thậm chí quan trọng hơn phần thưởng bên ngoài.
Biện pháp sử dụng phần thưởng để khuyến khích hành vi hữu ích cho TTK được đánh giá cao và được GV mầm non sử dụng thường ngày, với tất cả những trẻ cá biệt trong lớp. Tuy nhiên, phần thưởng chỉ có ý nghĩa nếu đó là điều trẻ thích. GV cần quan sát TTK một cách tích cực, trao đổi với cha mẹ trẻ để biết điều mà trẻ thích cũng như nguyện vọng của trẻ.
Tích cực sử dụng hình ảnh
Trong điều kiện cần thiết của lớp học có TTK học hòa nhập, việc trang bị các bộ tranh, ảnh và đồ vật gần gũi là không thể thiếu trong lớp mầm non. GV bố trí, sắp xếp tranh ảnh hay bày đặt đồ dùng đồ chơi tại các vị trí cố định và cả lưu động - thuận tiện cho việc quan sát, theo dõi của TTK. Chú ý cài đặt tranh dựa trên kế hoạch can thiệp cá nhân dành cho trẻ, đảm bảo về mặt nội dung và thẩm mĩ, sự di chuyển của mắt cũng như độ an toàn đối với trẻ nhỏ.
Khi chưa hòa nhập được ngay với môi trường lớp học, TTK thường cảm thấy rất cô đơn, trẻ e dè khi lại gần bạn khác, các nhu cầu trong sinh hoạt có thể chưa biết cách biểu lộ, nhất là những trẻ không nói được hoặc tự kỉ kèm theo các khuyết tật khác. Vậy trẻ có thể tìm tranh, có thể chỉ vào tranh, có thể chọn những hình ảnh theo đúng mong muốn hoặc nói lên nhu cầu của mình. Hơn nữa, khi không tiếp xúc với người khác, trẻ có thể sử dụng tranh và hình ảnh trong tranh làm “bạn”, cảm giác sẽ bớt cô đơn, đồng thời trẻ có thể “nói chuyện” giao tiếp với những “người bạn” ấy để phát triển tư duy và ngôn ngữ.
Thường xuyên sử dụng âm nhạc vào hoạt động
Sử dụng âm nhạc cũng là một trong những phương pháp trị liệu cho TTK. Mục tiêu mà trị liệu âm nhạc hướng tới là làm giảm bớt các hành vi bất lợi, tăng cường các tương tác xã hội thông qua âm nhạc. Theo các tác giả của phương pháp này, “trị liệu âm nhạc tỏ ra lôi cuốn vì nó vượt qua ngôn ngữ, là một cách dẫn đến thế giới cảm xúc, tình cảm được cho là thế giới lạ lùng của TTK, nhưng âm nhạc có thể thâm nhập vào. Âm nhạc có thể đi xuyên vào cõi tiềm thức, vô thức mà trẻ không hề biết, có sức cuốn hút, thâm nhập mà trẻ không thể kháng cự” .
Trên thực tế, hầu hết các trẻ bình thường đều có phản ứng tích cực với âm nhạc. TTK cũng vậy, khi những yêu cầu, mệnh lệnh hay những hành vi lặp đi lặp lại đã trở thành thói quen đối với trẻ thì việc giao tiếp, sự hợp tác và khả năng tập trung chú ý vào các hoạt động bị hạn chế hoặc đôi khi không còn hiệu quả. Nếu lúc này, GV sử dụng âm nhạc và cho trẻ vận động theo nhạc sẽ nhanh chóng kết nối được các trẻ với nhau. Cùng hát, cùng nghe giai điệu, cùng vận động và nhún nhảy theo tiết tấu, minh họa lời ca, các con có thể giao lưu (bằng cảm xúc, bằng cơ thể) thể hiện tình cảm, nhu cầu của mình. Sự khéo léo, uyển chuyển, sự linh hoạt, khả năng tập trung chú ý và tương tác… cũng qua đó mà đó mà bộc lộ và phát triển. Tuy nhiên, cần sử dụng thường xuyên hàng ngày, không nên thay đổi nhiều loại nhạc nhằm tập cho TTK những phản xạ có điều kiện, dễ nhớ, dễ thích nghi, tiến tới chủ động trong hoạt động.
Tài liệu tham khảo:
Lã Thị Bắc Lý (chủ biên) - Bùi Thị Lâm - Hoàng Thị Nho (2016). Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật lứa tuổi mầm non. NXB Đại học Sư phạm.
Nguyễn Thị Hoàng Yến (2015). Tự kỉ - những vấn đề lí luận và thực tiễn. NXB Đại học Sư phạm.
Trần Thị Thiệp - Nguyễn Xuân Hải (2008). Giáo trình giáo dục hòa nhập. NXB Giáo dục.
Trần Thị Thiệp (chủ biên) - Hoàng Thị Nho - Trần Thị Minh Thành (2014). Giáo trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật. NXB Đại học Sư phạm.
Nguyễn Nữ Tâm An - Hoàng Thị Lệ Quyên (2016). Giáo dục hòa nhập trẻ tự kỉ. Tài liệu dành cho lớp nghiệp vụ giáo dục đặc biệt.