Mẹo giúp Ba mẹ ứng phó khi con mè nheo - RVE

Để con không mè nheo những lúc bé muốn gì đó là không đơn giản. Nếu trẻ nhỏ có thói quen xấu như rên rỉ, mè nheo thì có lẽ bạn nên ghiêm khắc hơn trong quá trình nuôi dạy con.

Hãy thay đổi bằng cách nuôi dưỡng trong bé lòng biết ơn và cảm giác hài lòng với những gì đang có, đưa ra sự so sánh nếu cảm thấy cần thiết để bé giảm đi ham muốn cần có được nhiều thứ hơn nữa. Ngoài ra, để con không mè nheo những lúc muốn được đáp ứng điều gì đó, bạn có thể làm theo những gợi ý sau:

1. Không thỏa hiệp khi trẻ mè nheo

Hầu hết trẻ em học được từ khi còn nhỏ rằng làm phiền bố mẹ là một trong những vũ khí tốt nhất. Tuy nhiên, mỗi khi nghe theo bé, bạn sẽ vô tình gửi thông điệp rằng con sẽ có được những gì mình muốn nếu tiếp tục mè nheo.

Để con không mè nheo, hãy nói rõ với bé ngay từ đầu rằng bạn sẽ không thỏa hiệp dù cho bé có làm bất kỳ hành động nào đi chăng nữa, nếu con muốn khóc, hãy cho trẻ khóc đến khi nào mệt thì thôi. Sự cương quyết từ người lớn phần nào giúp con hiểu được biện pháp ăn vạ, chẳng hề có tác dụng.

ung pho khi con me nheo 1

2.  Bình tĩnh

Mất bình tĩnh cũng củng cố cho con thấy rằng bé có khả năng làm bạn khó chịu. Bố mẹ càng trở nên thất vọng thì càng thúc đẩy bản thân nói ra những điều làm tổn thương trẻ nhỏ. Do đó, bạn hãy hít thở sâu, ra ngoài một lúc hoặc nhớ lại những hành động ngoan ngoãn mà trẻ đã làm là một vài cách để giữ bình tĩnh khi con bạn có hành vi sai trái.

3. Phớt lờ

Bỏ qua hành vi nhằm gây sự chú ý trở thành một trong những cách tốt nhất để con không mè nheo. Bạn chỉ đơn giản là quay lưng lại và phớt lờ bé những khi con cố gắng nhõng nhẽo. Khi bé nhận ra rằng những nỗ lực này không đạt hiệu quả thì trẻ sẽ bỏ cuộc mà thôi.

Đôi khi các cách hành xử của trẻ nhỏ lại có chiều hướng tiêu cực trước khi bé bắt đầu ngoan ngoãn. Điều này đặc biệt đúng khi bạn tỏ ra phớt lờ những gì đang diễn ra. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu con bắt đầu hét lớn hoặc phá phách hơn chỉ để thu hút sự chú ý của bố mẹ.

4. Đưa ra dấu hiệu cảnh cáo

Nếu hành vi của con bạn ảnh hưởng đến người xung quanh hoặc gây rắc rối cho bạn, hãy đưa dấu hiệu cảnh cáo mà bé biết bố mẹ chắc chắn sẽ thực hiện cũng như thể hiện sự nghiêm túc, chẳng hạn như nói: “Nếu con không nhỏ tiếng lại thì lúc về nhà sẽ phải đứng ở góc phòng ngay”.

5. Hình phạt

Để con không mè nheo, một trong những biện pháp đơn giản là biết được hình phạt bố mẹ sẽ đưa ra cho mình nếu con tiếp tục thực hiện các hành vi không ngoan, đừng chỉ đe dọa suông. Khi bé khóc ở siêu thị chỉ vì bạn không cho con mua đồ chơi, hãy đưa con đến nơi vắng người và để trẻ tiếp tục khóc cho đến khi bình tĩnh lại. Ngoài ra, hãy nhắc nhở về vấn đề nếu con vẫn hành xử như thế, hình phạt sẽ càng nặng hơn trong những lần sau.

6. Kiên quyết và nhất quán

Tính nhất quán là chìa khóa trong quá quá trình rèn luyện để con không mè nheo. Nếu chiều theo ý bé vào những ngày bạn mệt mỏi hoặc lúc trẻ làm bạn chán nản, những nỗ lực trước đây của bạn sẽ mất dần tác dụng.

Mỗi lần bố mẹ đưa cho con những gì bé muốn, trẻ sẽ biết được rằng việc mè nheo đã có tác dụng và từ đó bắt đầu xuất hiện những thói quen nhõng nhẽo, đeo bám bạn nhiều hơn. Do đó, hãy luôn giữ vững lập trường của mình, bất kể tâm trạng ra sao bố mẹ nhé.

7. Dạy con cách kiềm chế

Trẻ nhỏ mè nheo thường vì hai lý do chính: Thỏa mãn ham muốn cũng như để tâm trạng được vui vẻ hơn. Vì vậy, để không phải cảm thấy buồn hoặc thất vọng, bé sẽ bắt đầu bám lấy và làm phiền bố mẹ cho đến khi các yêu cầu được thỏa mãn.

Hãy dạy cho con cách đối phó với những cảm xúc khó chịu như lo lắng, buồn bã và tức giận. Việc kiểm soát và điều tiết cảm xúc sẽ giúp bé rất nhiều khi lớn lên. Bạn có thể gợi ý bé vẽ ra một bức tranh giải thích vì sao trẻ không vui, từ đó cả hai sẽ cùng nhau tìm cách giải quyết vấn đề

Tổng hợp: Phạm Đình Khanh

Nguồn tham khảo: Hello Doctor