Mỗi dịp hè đến, các bậc ba mẹ lại băn khoăn và lo lắng để suy nghĩ về các hoạt động diễn ra trong hè cho trẻ, làm sao để trẻ vui chơi, trải nghiệm thật hiệu quả.
Học sinh lứa tuổi mầm non thì điều này lại thực sự không dễ dàng. Nếu để trẻ ở nhà thì sợ trẻ bị nghiện xem tivi hay chơi các thiết bị thông minh, vậy những hoạt động nào sẽ góp phần kích thích ngôn ngữ cho trẻ mà phụ huynh có thể xây dựng cho trẻ trong dịp hè. Bài viết này sẽ định hướng cho phụ huynh có trẻ từ 12 tháng đến 6 tuổi các hoạt động kích thích ngôn ngữ cho trẻ trong hè.
1. Hoạt động đọc sách
Nhiều gia đình gần như từ bỏ thói quen đọc sách vì nghĩ rằng cuộc sống quá bộn bề nên khó sắp xếp thời gian đọc sách cho trẻ. Tuy nhiên, mỗi ngày ba mẹ chỉ cần dành quỹ thời gian của mình từ 10 - 15 phút là có thể đọc cho trẻ nghe một cuốn sách. Ba mẹ tìm hiểu trẻ thích chủ đề nào, một số trẻ thích về các phương tiện giao thông, số trẻ khác thì thích về siêu anh hùng, không ít trẻ lại thích chủ đề về các loại trái cây, truyện cổ tích. Dành thời gian cùng trẻ tìm hiểu các sở thích để chọn được chủ đề gây hứng thú, sự tập trung cho trẻ. Với trẻ từ 0 - 3 tuổi thì chọn các cuốn sách có hình ảnh đơn giản, màu sắc nhẹ nhàng, ba mẹ có thể tham khảo một số dòng sách như Ehon. Trẻ từ 3- 6 tuổi thì tăng cường các dòng sách phát triển vốn từ mở rộng câu cho trẻ, tăng cường các câu hỏi: ai? Cái gì? ở đâu như thế nào? Hiện nay cũng có các sách tương tác vừa học vừa chơi ba mẹ có thể đến các nhà sách để tìm hiểu thêm.
2. Hoạt động về quê trải nghiệm thực tế
Nếu gia đình có người thân ở các miền quê thì việc cho trẻ về quê cũng là một cách tốt để kích thích ngôn ngữ cho trẻ. Khi trẻ về quê cho trẻ trực tiếp ra môi trường tự nhiên, để trẻ nhìn thấy hình ảnh thật từ môi trường xung quanh như: bò đang ăn cỏ, gà gáy vào buổi sáng. Chính các hoạt động sống thực tế và gần gũi sẽ giúp trẻ quan sát nhiều hơn. Khi trẻ quan sát thế giới quanh mình là khi tư duy trẻ đang dần thay đổi. Người lớn xung quanh cũng cần dành thời gian trò chuyện cùng trẻ, chỉ cho trẻ về ngôi nhà, miêu tả khu vườn với nhiều loài trái cây khác nhau. Thậm chí những người hàng xóm nói chuyện cùng nhau vào mỗi chiều cùng là cách kích thích ngôn ngữ tốt cho trẻ.
3. Hoạt động đi du lịch – tham quan
Trong những ngày hè khi trẻ đang được nghỉ, cả gia đình có thể cùng nhau đi du lịch, trẻ vừa được mở rộng tầm mắt, đi du lịch cũng là dịp để các thành viên được kết nối, tình cảm gia đình trở nên khăng khít. Chính trong chuyến đi ba mẹ sẽ kể cho trẻ nghe về các địa điểm du lịch mà mình đến thăm quan, kết hợp giới thiệu cho trẻ những món ăn của điểm du lịch, bổ sung thêm vốn từ vựng về các chủ đề. Trước đây, trẻ chỉ biết các danh lam thắng cảnh qua các bức tranh nay trẻ được tận mắt chứng kiến, được tham gia nhiều hoạt động vừa học vừa chơi. Nếu chỉ đi trong ngày thì ba mẹ có thể dẫn trẻ đi như sở thú để trẻ tham quan và tìm hiểu về thức ăn của các loại động vật nuôi.
4. Hoạt động tham gia các câu lạc bộ giáo trí
Hiện nay có rất nhiều câu lạc bộ liên quan đến giáo trí cho trẻ, nhất là giai đoạn trẻ từ 4 - 6 tuổi. Những câu lạc bộ này thường tổ chức các buổi nhạc kịch vào cuối tuần, ba mẹ có thể tham khảo tìm hiểu để đăng kí tham gia, đây không đơn thuần là các buổi kể chuyện mà còn kết hợp các trò chơi kích thích tinh thần làm việc nhóm. Cũng chính từ đây ngoài phát triển vốn từ, trẻ còn biết cách thuyết phục, chia sẻ thông tin với các bạn đồng trang lứa.
5. Hoạt động cùng các trung tâm kỹ năng
Nếu trong trường hợp ba mẹ vẫn phải đi làm ba mẹ có thể tìm hiểu các trung tâm kỹ năng để hỗ trợ cho trẻ thêm. Có những trung tâm kỹ năng ngoài dạy trẻ các kỹ năng tự lập còn hỗ trợ rất tốt cho trẻ các kỹ năng về giao tiếp và sự tự tin. Khi trẻ được khích lệ động viên sẽ giúp trẻ làm tốt hơn trong những lần sau. Với những trẻ khó khăn về ngôn ngữ trẻ được hỗ trợ can thiệp kịp thời để giúp trẻ ngày một thay đổi.
Kết luận
Ba mẹ hãy xem việc phát triển ngôn ngữ trong dịp hè như một bài KPI (KPI được hiểu là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc) của cả ba và mẹ, ba mẹ sẽ nghiêm túc với các kế hoạch đặt ra cho trẻ. Nếu trẻ phát triển ngôn ngữ tốt thì đây là dịp trau dồi nâng cao vốn từ giao tiếp cho trẻ. Còn nếu trẻ có dấu hiệu chậm nói thì hãy xem dịp hè cũng là nơi kích thích ngôn ngữ giao tiếp và tính tương tác. Điều thực sự quan trọng là ba mẹ cần chú trọng các mục tiêu hướng đến cho trẻ. Hiểu được trẻ đang ở giai đoạn phát triển nào để lựa chọn các hình thức hoạt động phù hợp và không quên kiên trì để hỗ trợ trẻ tốt nhất. Ba mẹ cùng nhau xây dựng các hoạt động để những ngày hè trôi qua với trẻ không những vui mà còn mang đến những giá trị thiết thực.
Tài liệu tham khảo
1. Phát triển ngôn ngữ sớm: Linda Mawhinney-Mary Scott McTeague
2. Chăm sóc trẻ từ 0-5 tuổi: Hội Nhi khoa Hoa kỳ_ Bs. Steven P. Shelov, Bs Robert E. Hannermann; Trích dịch và biên tập : Bs. Phạm Ngọc Thanh, ThS. Nguyễn Thị Diệu Anh, ThS. Phan Ngọc Thanh Trà.
Th.S Tâm lý Lê Thị Thảo