Khó khăn về học tập - Rối loạn đọc - RVE

Rối loạn đọc là một trong ba dạng rối loạn học tập đặc hiệu (Specific Learning Disorder, theo DSM – 5, 2013), đây là một nhóm các rối loạn khởi phát trong thời kì phát triển.

Rối loạn học tập xảy ra thường là khi trẻ bước vào giai đoạn tiểu học và được đặc trưng bởi những thiếu hụt khó khăn đặc trưng trong lĩnh vực đọc.Rối loạn đọc ảnh hưởng rất lớn đến chức năng học tập và cuộc sống xã hội của trẻ. Để trẻ có thể học tập, phát triển thì rất cần những đánh giá, can thiệp hỗ trợ đặc thù phù hợp.

Theo Sổ tay chẩn đoán khuyết tật DSM – V, thì rối loạn đọc là “những khó khăn và sử dụng các kĩ năng học tập được thể hiện qua ít nhất 1 triệu chứng dưới đây, kéo dài ít nhất 6 tháng mặc dù đã có những can thiệp nhằm vào những khó khăn đó: Đọc từ một cách khó khăn, chậm, không chuẩn xác; Khó khăn trong việc hiểu những gì đã đọc; khó khăn trong việc đánh vần;”

Như vậy, có thể thấy, để xác định được về rối loạn đọc thì trẻ phải được học tập, can thiệp kéo dài ít nhất 6 tháng về học đọc, và phải có ít nhất một triệu chứng về đọc.

ICD -10 cũng làm rõ thêm về rối loạn đọc như sau: “Rối loạn đọc là khó khăn dai dẳng trong việc học đọc và việc lĩnh hội sự tự động hóa của việc đọc ở các trẻ thông minh bình thường, được đi học, khoonh có biểu hiện rối loạn giác quan hay các rối loạn tồn tại trước đó”.

Biểu hiện của Rối loạn đọc

Rối loạn đọc là được đặc trưng bởi sự khó khăn kéo dài trong việc đọc, viết và hiểu ngôn ngữ viết. Trẻ rối loạn đọc sẽ có những biểu hiện như:

  • Đọc từ không chính xác, hoặc chậm và phải rất nỗ lực.
    • Khi đọc thành tiếng, tốc độ đọc của trẻ sẽ chậm hơn so với yêu cầu tiêu chuẩn của lớp học. Trẻ sẽ có thể đọc các từ không chính xác, đánh vần sai, hoặc đoán từ. Trẻ cũng sẽ thường xuyên đoán từ.
  • Gặp khó khăn trong việc hiểu nghĩa của những thứ vừa đọc.
    • Khi đọc, trẻ sẽ gặp khó khăn hiểu được những gì vừa đọc, không hiểu được trình tự, mối quan hệ, suy luận hoặc ý nghĩa.
  • Gặp khó khăn trong việc đánh vần
    • Khi đọc trẻ có thể thêm, bớt, hoặc thay thế các nguyên âm, phụ âm.
  • Gặp khó khăn khi biểu đạt văn bản.
    • Khi đọc trẻ có thể gặp những lỗi về ngữ pháp, dấu câu. Khi xây dựng đoạn văn bản, trẻ sẽ khó mà tổ chức, diễn đạt được ý tưởng.

nhan dien roi loan doc 2

Nguyên nhân Rối loạn đọc

Về nguyên nhân của rối loạn đọc nói riêng và rối loạn học tập nói chung đến nay vẫn chưa có được tìm ra. Một số các yếu tố nguy cơ được cho rằng, rối loạn học tập thường là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố khác nhau.

  • Yếu tố môi trường: việc trẻ gặp phải những biến chứng trước sinh, hoặc sau sinh, môi trường sống của trẻ tiếp xúc với nhiều các độc tố cũng sẽ ảnh hưởng chung đến sự phát triển của trẻ.
  • Yếu tố di truyền: khi cha mẹ trẻ hoặc anh chị em ruột của trẻ mắc rối loạn học tập thì trẻ có nguy cơ mắc rối loạn học tập cao hơn so với những trẻ em khác.
  • Yếu tố sinh lý: Các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh ở trẻ em có rối loạn đọc cho thấy có nhứng bất thường trong não bộ, bao gồm các vùng đỉnh dưới, trán, thái dương và hình thoi.
  • Yếu tố khác: Một số các vấn đề về hành vi, các vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn ngôn ngữ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

nhan dien roi loan doc 3

Khắc phục

Khi trẻ có những dấu hiệu rối loạn học tập nói chung và rối loạn đọc nói riêng, cần được thăm khám bởi các nhà chuyên môn để xác định được vấn đề và tình trạng mà trẻ đang gặp phải, từ đó có kế hoạch can thiệp hỗ trợ cho trẻ. Việc can thiệp cho trẻ rối loạn đọc cần can thiệp đẩy đủ cả về tốc độ đọc, độ chính xác khi đọc và hiểu những gì đọc được. Và cần được can thiệp thấp tới cao, bắt đầu từ nhận biết chữ, đọc chữ, ghép vần, tới đọc thành tiếng văn bản và hiểu được những gì vừa đọc. Quá trình can thiệp không chỉ cần cung cấp kiến thức mà cần rèn luyện kỹ năng, và có những chiến lược cổ vũ động viên để trẻ chủ động tự giác học đọc từ đó mang lại hiệu quả trong quá trình học tập và cuộc sống của trẻ.

nhan dien roi loan doc 4

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. American Psychiatric Association (1994). DSM-IV: Diagnostic and statistical manual of mental disorders, APA
  2. Nguyễn Hương Giang (2024), Tổng quan các khái niệm, biểu hiện và tiêu chí chẩn đoán rối loạn học tập ở học sinh tiểu học. Tạp chí tâm lý – giáo dục
  3. Nguyễn Thị Vân (2021), can thiệp rối loạn đọc: nghiên cứu trường hợp điển hình. Kỷ yếu Hội Thảo Khoa học Quốc tế, ĐHSP Tp. HCM
  4. Phạm Minh Mục (2021), Một số kĩ năng dạy học đọc, viết cho học sinh rối loạn học tập đặc thù. Tạp chí khoa học giáo dục Việt Nam