Trong những năm gần đây, sự quan tâm đến trẻ có rối loạn phổ tự kỷ và các phương pháp can thiệp đã gia tăng đáng kể.
Trẻ có rối loạn phổ tự kỷ không chỉ đối mặt với những thách thức trong giao tiếp và tương tác xã hội mà còn cần sự hỗ trợ để phát triển kỹ năng sống. Lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp là một trong những quyết định quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ và gia đình phải đối mặt. Liệu can thiệp cá nhân hay can thiệp nhóm sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho sự phát triển của trẻ? Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích ưu điểm, nhược điểm của từng hình thức can thiệp và các yếu tố cần cân nhắc để giúp cha mẹ có được sự lựa chọn tối ưu nhất cho con mình.
1. Khái niệm về can thiệp cá nhân và can thiệp nhóm
Can thiệp cá nhân: Là phương pháp một kèm một, trong đó các hoạt động can thiệp tác động một giáo viên với một trẻ. Can thiệp cá nhân được bao gồm các chương trình can thiệp, sử dụng các chiến lược hỗ trợ phù hợp với trẻ nhằm tối đa hóa năng lực cá nhân của trẻ.
Can thiệp nhóm: Là các hoạt động can thiệp giữa một giáo viên với một nhóm trẻ. Nhóm trẻ nên là nhóm nhỏ có thể nhóm 2, hoặc nhóm từ ba đến bốn trẻ. Hình thức này không chỉ tập trung vào phát triển kỹ năng cá nhân mà còn giúp trẻ tương tác nhóm và học hỏi từ bạn bè.
2. Ưu điểm của can thiệp cá nhân
- Can thiệp cá nhân cho phép giáo viên tập trung hoàn toàn vào trẻ, bám sát mục tiêu can thiệp đã được đề ra. Từ đó điều chỉnh phương pháp can thiệp phù hợp với năng lực và nhu cầu, vấn đề của trẻ.
- Trẻ có rối loạn phổ tự kỷ có thể gặp khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ. Việc can thiệp một kèm một có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi tương tác với người lớn.
- Can thiệp cá nhân thường tập trung vào phát triển kỹ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc và các kỹ năng tự phục vụ, những điều rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
- Giáo viên có thể theo dõi sự tiến bộ của trẻ một cách chặt chẽ, điều chỉnh kế hoạch can thiệp kịp thời khi cần thiết.
- Can thiệp cá nhân giúp trẻ tập trung tối đa vào thời gian can thiệp cùng giáo viên tốt hơn can thiệp nhóm.
3. Lợi ích của can thiệp nhóm
- Cải thiện kỹ năng nhóm – tương tác xã hội của trẻ. Trẻ sẽ học cách tương tác, giao tiếp với bạn bè trong nhóm: như chờ đợi đến lượt đến lượt, luân phiên hoạt động với các bạn, đến các quy tắc cộng đồng như xếp hàng, chia sẻ và giúp đỡ mọi người…
- Phát triển kỹ năng chơi trong một nhóm: Tham gia vào các hoạt động nhóm giúp trẻ phát triển các hoạt động chơi như chơi song song, chơi chung không gian với bạn, chơi theo quy luật và chơi giả vờ, sắm vai nhằm tăng khả năng thích ứng của trẻ. Ngoài ra, can thiệp nhóm là cơ hội để trẻ tự vận dụng kỹ năng nhận thức – ngôn ngữ để trao đổi, giải quyết các vấn đề với nhiều đối tượng khác nhau.
- Học hỏi từ bạn bè: Trẻ có thể học hỏi từ các bạn khác trong nhóm, là cơ hội để trẻ tự vận dụng kỹ năng nhận thức – ngôn ngữ để trao đổi, giải quyết các vấn đề với nhiều đối tượng khác nhau.
- Thời gian can thiệp: Thời gian can thiệp nhóm nhiều hơn thời gian can thiệp cá nhân, thông thường 1 ca học có thời gian 2-3 giờ/buổi học, bên cạnh đó còn có 1 số trường can thiệp nhóm cả ngày, từ đó trẻ có nhiều thời gian can thiệp hơn.
4. Nhược điểm của can thiệp cá nhân
- Chi phí cao: Can thiệp cá nhân thường có chi phí cao hơn so với can thiệp nhóm, điều này có thể là một rào cản đối với nhiều gia đình.
- Thiếu tương tác xã hội: Mặc dù can thiệp cá nhân có thể rất hiệu quả trong việc phát triển các kỹ năng cá nhân, nhưng không cung cấp đủ cơ hội cho trẻ tương tác với bạn bè và xây dựng kỹ năng nhóm - xã hội. Điều này có thể gây khó khăn cho trẻ khi trẻ học hòa nhập tại môi trường mầm non.
- Thời gian can thiệp: Thông thường thời gian can thiệp các nhân sẽ là 50-60 phút/buổi học, thời gian can thiệp sẽ ngắn hơn can thiệp nhóm.
5. Nhược điểm của can thiệp nhóm
- Khó khăn trong việc duy trì tập trung: Trẻ có rối loạn phổ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung trong môi trường có nhiều người, điều này có thể làm giảm khả năng tiếp thu kiến thức.
- Xung đột giữa các trẻ: Trong một số trường hợp, sự khác biệt trong khả năng và nhu cầu của các trẻ trong nhóm có thể dẫn đến xung đột hoặc khó khăn trong việc hòa nhập.
6. Những yếu tố cần xem xét khi lựa chọn
- Nhu cầu của trẻ: Mỗi trẻ là một cá thể độc lập với những nhu cầu riêng. Cha mẹ cần xác định rõ ràng nhu cầu của trẻ để lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp. Nếu trẻ cần phát triển kỹ năng giao tiếp và xã hội, can thiệp nhóm có thể là lựa chọn tốt hơn. Ngược lại, nếu trẻ cần sự chú ý và hỗ trợ cá nhân hóa, can thiệp cá nhân sẽ là lựa chọn tối ưu.
- Mục tiêu can thiệp: Nếu mục tiêu chính là cải thiện kỹ năng xã hội và tương tác, can thiệp nhóm có thể mang lại hiệu quả tốt hơn. Ngược lại, nếu cần tập trung vào các kỹ năng cụ thể, can thiệp cá nhân có thể là lựa chọn ưu tiên.
- Hoàn cảnh gia đình: Tình hình tài chính, thời gian và khả năng hỗ trợ từ gia đình cũng là những yếu tố quan trọng trong việc quyết định phương pháp can thiệp.
- Sự hỗ trợ của chuyên gia: Tư vấn từ các chuyên gia có kinh nghiệm sẽ giúp gia đình hiểu rõ hơn về các lựa chọn và hướng dẫn cách tốt nhất để can thiệp.
Như vậy việc lựa chọn giữa can thiệp cá nhân và nhóm cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ là một quyết định quan trọng, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, và sự lựa chọn phù hợp sẽ phụ thuộc vào nhu cầu, mục tiêu can thiệp cũng như hoàn cảnh gia đình. Quan trọng hơn cả, sự hỗ trợ từ cha mẹ và chuyên gia sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho trẻ tự kỷ phát triển, giúp trẻ không chỉ vượt qua những khó khăn mà còn xây dựng được một tương lai tươi sáng.
Chuyên viên Lê Thị Anh Thư
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ CAN THIỆP TRẺ CÓ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ - Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Nguyễn Nữ Tâm An (2019). Hướng dẫn chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ tự kỷ, NXB Văn
hoá Thông tin. - https://hoacuctrang.com/can-thiep-ca-nhan-la-gi/.
- https://hoacuctrang.com/can-thiep-nhom/.