Dạy trẻ nhận biết màu sắc - RVE

Màu sắc là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp tới thị giác. Thông tin sẽ được chuyển từ các dây thần kinh ở mắt tới não bộ, từ đó sẽ kích thích não bộ phát triển tư duy, tâm trạng, hành vi,…

Ở trẻ nhỏ, bắt đầu từ khoảng 18 tháng tuổi, trẻ biết phân loại các màu sắc khác nhau nhưng đến khoảng 2 - 3 tuổi, trẻ mới có thể nhận biết, gọi tên và phản xạ với màu sắc tốt hơn.

Nhận biết màu sắc có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của trẻ?

Nhận biết màu sắc giúp trẻ phát triển kỹ năng nhận biết, ngôn ngữ, tăng vốn từ, rèn luyện trí nhớ. Màu sắc giúp trẻ rèn luyện thị giác, khả năng quan sát mọi thứ xung quanh và phong phú hơn thế giới quan của trẻ. Ngoài ra, khi trẻ được học màu sắc thông qua các hoạt động như vẽ tranh, tô màu, nặn đất sét, các trò chơi… sẽ kích thích sự sáng tạo, phát triển kỹ năng vận động tinh khi tham gia các hoạt động. 

Ba mẹ cần lưu ý điều gì khi dạy con nhận biết màu sắc?

  • Ba mẹ dạy trẻ những màu chính trước (đỏ, đen, vàng, xanh dương) rồi mới dạy những màu phụ sau (xanh lá cây, cam, tím…). 
  • Để trẻ có thể ghi nhớ một cách tốt nhất thì hãy lặp đi lặp lại các màu sắc, nhắc đi nhắc lại hàng ngày. 
  • Ba mẹ dạy từng màu riêng lẻ một cách chậm rãi để trẻ kịp tiếp thu.

day tre nhan biet mau sac 2

Vậy ba mẹ dạy trẻ nhận biết màu sắc như thế nào? 

Dạy màu sắc qua tranh ảnh: Ba mẹ sử dụng thẻ tranh chủ đề màu sắc để dạy cho trẻ. Ba mẹ ngồi đối diện trẻ, tạo sự tập trung chú ý cho trẻ, ba mẹ đưa một tranh lên đối diện ngang tầm mắt trẻ và gọi tên màu, lặp lại vài lần. Để biết trẻ đã nhận biết được hay chưa, ba mẹ dùng thêm một thẻ tranh màu trẻ chưa biết hỏi trẻ: ‘’Màu đỏ đâu con? Con hãy chỉ vào màu đỏ nào!’’ hoặc trẻ có thể gọi tên thì đặt câu hỏi: ‘’Đây là màu gì?’’. Tương tự với các màu khác. 

Dạy màu sắc qua vật dụng hằng ngày: trẻ có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều đồ vật có màu sắc khác nhau, ba mẹ nên tận dụng mọi lúc để dạy trẻ cách nhận biết màu sắc  thường xuyên. Những vật dụng quen thuộc có thể làm công cụ dạy trẻ nhận biết màu sắc: quần áo, khăn tắm, bát, thìa, cốc,…

Dạy màu sắc thông qua trò chơi: Các trò chơi sẽ giúp trẻ thích thú vào hào hứng hơn, từ đó trẻ sẽ tiếp thu nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Một số trò chơi như: thi đua xem ai tìm được đồ chơi cùng màu nhiều nhất, chơi đất nặn, tô màu, cắt dán giấy màu, xếp lego màu, chơi với dây ruy băng nhiều màu…

Dạy màu sắc thông qua món ăn: Màu sắc sặc sỡ của các món ăn, trái cây, rau củ quả sẽ thu hút sự chú ý của trẻ rất tốt, đặc biệt những loại trẻ thích. Ba mẹ hãy thường xuyên gọi tên quả và màu của chúng cho trẻ nghe. 

Dạy trẻ màu sắc qua những bài hát: Những bài hát thiếu nhi với ngôn từ đơn giản, hình ảnh gần gũi thân thuộc, cùng với giai điệu tươi vui về màu sắc sẽ giúp trẻ ghi nhớ được sắc màu. Đồng thời, qua lời bài hát trẻ sẽ được rèn luyện về khả năng ngôn ngữ, trí nhớ.

Kết luận: 

Với trẻ nhỏ, việc nhận biết màu sắc giúp trẻ có đầu óc quan sát tinh tế, đời sống tình cảm phong phú, kích thích khả năng sáng tạo, nâng cao kỹ năng vận động tinh, rèn luyện trí nhớ và phát triển ngôn ngữ thông qua các hoạt động. Chính vì hoạt động này có rất nhiều lợi ích đối với sự phát triển của trẻ nên ba mẹ hãy cùng con thực hiện nhé!

Tác giả: Trần Thị Đan Mẫn

Tài liệu tham khảo: 

  1. Trần Thị Khấn, Nguyễn Thị Khước và Bác sỹ Phạm Ngọc Khanh hiệu đính (dịch), Những hoạt động dạy trẻ tự kỷ_ Eric Schoper-Margaret Lansing-Leslie Waters, NXB Y Học (1991).
  2. Sách “Giáo dục sớm”, nhiều tác giả, NXB Hà Nội (2019).