Khó khăn học tập trẻ 05 - 12 tuổi - RVE

Nhiều bậc phụ huynh thắc mắc như: “Sao con tôi không thể tập trung vào học tập”, hay “Sao trẻ không thể ghép vần, khó viết chữ và khó khăn làm toán”.

Mặc dù ba mẹ cho trẻ đi kiểm tra trí tuệ có kết quả bình thường. Do không nhìn thấy nên vô tình các bậc cha mẹ thường cho là trẻ lười biếng, nhút nhát, quậy phá hoặc nặng hơn nữa là học dốt. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ có nguy cơ mắc khó khăn học tập, gia đình nên đưa trẻ đi khám để được kiểm tra và can thiệp kịp thời. Vậy khó khăn học tập là gì?

Khó khăn học tập được hiểu là những rối loạn trong việc lĩnh hội và vận dụng những năng lực đọc, viết và làm toán. Rối loạn này là khuyết tật nội tại của cá nhân, có nguyên nhân được cho là do khiếm khuyết chức năng hệ thần kinh trung ương. Theo DSM - V, khuyết tật học tập có 3 dạng khó khăn đặc thù. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về: Khó khăn về  đọc, khó khăn về toán, khó khăn về viết.

Các dạng khó khăn học tập

1. Khó khăn về viết

Đầu tiên để tìm hiểu về khó khăn viết, ba mẹ cần hiểu về định nghĩa khái niệm khó khăn về viết. Khó khăn về viết được hiểu là dạng khuyết tật học tập liên quan đến cách thể hiện những suy nghĩ bằng chữ viết.

Với những lỗi thường gặp mà ba mẹ thường thấy ở trẻ như sau:

  • Nhận biết lề kém
  • Chữ viết méo mó không đúng kích cỡ, chữ viết xấu khó đọc.
  • Viết được nhưng kém hơn so với các bạn về tốc độ, cách trình bày, lỗi chính tả,...
  • Lỗi sử dụng các dấu chấm câu và sử dụng không đúng các quy tắc ngữ pháp hoặc khó khăn khi diễn đạt những suy nghĩ bằng chữ viết.
  • Viết chữ, từ dính vào nhau hoặc viết không ngay đường kẻ.

Nếu trẻ có những lỗi về khó khăn viết ba mẹ có thể hỗ trợ trẻ bằng một vài phương pháp dưới đây:

  • Sử dụng những công cụ hỗ trợ trong quá trình trẻ viết bài như: dấu vân tay bằng màu nhằm giúp trẻ viết cách chữ; Sử dụng bút highlight để làm nổi bật lên lề trái và lề phải của trẻ; dùng sticker để kích thích cho trẻ về khoảng cách giữa các chữ cái.
  • Sử dụng trò chơi để hỗ trợ trẻ: trò chơi vẽ mê cung; các hoạt động ngoài trời về chữ cái cho trẻ vừa chơi vừa học.
  • Tập cho trẻ đồ nét cơ bản, sử dụng giấy đặc biệt dành cho trẻ như: khổ chữ to, 3 đường kẻ, khoảng cách giữa các dòng viết.
  • Hỗ trợ trẻ về cách cầm viết:
    • Tập cầm bút bằng tay phải, giữ vững bởi 3 ngón tay.
    • Cầm bút xuôi theo chiều ngồi để viết đúng và thoải mái hơn.
    • Giữ khoảng cách của đầu ngòi bút với đầu ngón tay là 2.5cm.
    • Mép bàn tay sẽ là điểm tựa cho cánh tay phải khi viết.
  • Hỗ trợ trẻ về tư thế ngồi
    • Ngồi học với tư thế thoải mái, chân buông lỏng không gò ép.
    • Ngực không được tựa vào thành bàn.
    • Để trẻ ngồi học với điều kiện ánh sáng tốt, hướng ánh sáng chiếu từ trái qua phải.
    • Khoảng cách từ mặt bàn đến mắt tầm 25-30 cm.
    • Đặt vở ở đúng vị trí, thẳng với mép bàn.
    • Làm mẫu cách ngồi đúng.

2. Khó khăn về toán

Khó khăn về toán cũng là một dấu hiệu để nhận biết trẻ có khó khăn học tập. Bởi khó khăn về toàn là một dạng khuyết tật học tập liên quan đến việc nắm khái niệm và biểu tượng toán học hoặc khó khăn trong việc thực hiện các phép tính hay giải toán.

Nếu trẻ có những biểu hiện sau đây, thì ba mẹ có thể nghĩ đến vấn đề trẻ đang gặp khó khăn về học toán.

  • Gặp khó khăn trong việc đọc, viết và sao chép các con số.
  • Gặp khó khăn trong việc cộng, trừ, nhân và chia các số, chậm tính nhẩm hoặc thường xuyên sai những lỗi đơn giản khi làm toán.
  • Khó khăn trong việc nói ra sự khác biệt giữa phép cộng và phép trừ.
  • Không biết nhóm các con số để thực hiện phép cộng, trừ, nhân, chia.
  • Không thể sắp xếp các con số từ nhỏ đến lớn hoặc ngược lại.
  • Rất khó để tính toán hiểu và ghi nhớ các sự kiện và công thức toán học cơ bản.
  • Khó khăn trong việc sắp xếp số vào cột thích hợp cũng có thể do vấn đề tư duy không gian.
  • Khó khăn trong việc đếm đồ vật trong nhóm (Như: Có bao nhiêu kẹo trong hộp). Hoặc mất rất nhiều thời gian để đếm mà vẫn nhầm lẫn.
  • Nhầm lẫn giữa các con số như số 8-3, 9-7, 6-9, 5-6,….
  • Khi viết, đọc và nhớ lại những con số, nhầm lẫn xảy ra trong các trường hợp: Cộng số, thay thế, hoán vị, quên không làm tròn số, đảo ngược số.
  • Khả năng toán học của trẻ thường không đồng nhất, họ có thể thực hiện các phép tính vào một ngày nào đó nhưng sau đó quên cách thực hiện trong bài kiểm tra vào ngày hôm sau.
  • Có thể tỏ ra lơ đễnh, có xu hướng bị lạc, đánh mất đồ vật, mất thời gian hoặc dễ mất phương hướng.

Trẻ có những khó khăn học toán, ba mẹ đừng gán cho con với những biệt danh như: học yếu, học kém mà thay vào đó hãy sử dụng những biện pháp dưới đây để hỗ trợ trẻ nhé.

  • Sắp xếp vị trí chỗ ngồi học cho trẻ thoải mái
  • Hiểu được khó khăn trong học tập của trẻ.
  • Xử lý bài tập dễ trước.
  • Học từng bước một với những hướng dẫn đơn giản, ngắn gọn, có trọng tâm.
  • Dùng đồ dùng trực quan, kèm lời giải thích.
  • Tránh việc học Toán thuộc lòng.
  • Cho phép trẻ được dùng tất cả những công cụ mà trẻ có thể thực hành các bước thực hiện phép toán được.
  • Luôn đưa ra những ví dụ làm mẫu để trẻ làm theo.
  • Hỗ trợ thị giác để không quên thao tác, các bước tính.
  • Thừa nhận những nỗ lực và khen ngợi sự chăm chỉ của trẻ.
  • Giúp trẻ xác định những điểm mạnh cụ thể của mình và đưa ra những sự củng cố tích cực.

3. Khó khăn về đọc

Khó khăn về đọc là một trong những dạng khuyết tật học tập phổ biến nhất. Trẻ khó khăn về đọc chỉ được nhận diện trong hoạt động đọc, biểu hiện cụ thể là không đọc được hoặc đọc rất chậm, trẻ không hiểu văn bản đọc. Trẻ ở lớp 2 và lớp 3 hầu hết đều đọc trôi chảy với tốc độ tự nhiên và diễn cảm. Ở giai đoạn này nếu có những biểu hiện dưới đây thì ba mẹ nên có những phương pháp hỗ trợ kịp thời bởi vấn đề học tập được phát hiện càng sớm thì trẻ càng có nhiều cơ hội thành công ở trường.

Các dấu hiện cho thấy trẻ đang có khó khăn về đọc:

  • Mắc nhiều lỗi khi đọc.
  • Đọc được nhưng không hiểu nghĩa của từ, không nhận biết thành phần của từ.
  • Không nhận biết cấu trúc từ, không nhận được sự giống nhau giữa các từ (phân biệt từ đơn và từ ghép).
  • Gặp khó khăn về ghi nhớ khi đánh vần.
  • Nhầm lần giữa các vần với nhau, nhầm lẫn giữa các dấu, nhìn từ vần này qua vần khác.
  • Từ ghép khó trẻ không biết đọc.
  • Không biết cấu trúc của từ. Đọc trước quên sau.

Khi xác định trẻ có những dấu hiệu về khó khăn học đọc, ba mẹ hãy sử dụng những phương pháp dưới đây để hỗ trợ trẻ nhé.

  • Dạy trẻ làm quen với mặt chữ cái.
  • Dạy trẻ ghép vần không dấu và ghép vần kèm dấu.
  • Dạy trẻ ghép vần từ những chữ đơn giản nhất như: ba, mẹ, cá…
  • Phân biệt tên gọi chữ cái và âm đọc chữ cái như: Chữ b, tên gọi là "bê", âm đọc là "bờ". Để nhớ và phân biệt tên gọi và âm đọc có thể dùng câu sau: Chữ "bê" (b) em đọc là "bờ"
  • Dạy trẻ học đánh vần qua những trò chơi yêu thích: khi trẻ đang chơi đồ chơi nào đó, chúng ta có thể dạy trẻ cách đánh vần tên của món đồ đó.
  • Rèn luyện mỗi ngày và thời gian học ngắn 

Những lưu ý khi dạy trẻ có khó khăn về học tập

  • Về thời gian: Ở độ tuổi trẻ chuẩn bị vào lớp 1, sự tập trung của trẻ trong thời gian dài là khá khó khăn. Vì vậy, nên cùng trẻ học vào những thời điểm trẻ ít bị chi phối bởi các trò chơi.
  •  Kiên nhẫn đối với trẻ: Hãy nhẹ nhàng, khuyến khích trẻ, bởi rất thích những điều vui vẻ vì thế đừng tạo áp lực cho trẻ.
  • Chuẩn bị sẵn tâm lý: Ba mẹ nên chuẩn bị sẵn tâm lý, cho con vừa học vừa chơi, khi tâm lý chúng ta thoải mái, con hào hứng trẻ sẽ tiếp thu tốt hơn.
  • Thường xuyên ôn tập: Thường xuyên nhắc lại để con không bị quên. Khen ngợi, khuyến khích: Thường xuyên khen ngợi và khuyến khích nếu trẻ đánh vần, ghép đúng được 1 từ.

Tác giả: Th.s Lưu Thị Quỳnh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cẩm nang hoàn chỉnh về khuyết tật học tập, Joan M.Harwell, Phạm Minh Mục… dịch, NXB Giáo dục, 2012.