Ảnh hưởng tâm lý khi trẻ học chữ sớm - RVE

Hiện nay việc giáo dục sớm cho trẻ em, đặc biệt là trong việc dạy chữ, đã trở thành một xu hướng phổ biến. Nhiều ba mẹ tin rằng việc bắt đầu học chữ từ sớm sẽ giúp trẻ có lợi thế vượt trội trong học tập.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tiềm năng, việc cho trẻ học chữ sớm cũng có thể gây ra những tác động tâm lý không mong muốn. Bài viết này sẽ tìm hiểu những ảnh hưởng tâm lý khi cho trẻ học chữ sớm, từ sự phát triển tự nhiên của trẻ đến cách trẻ tiếp nhận và xử lý thông tin, nhằm giúp các bậc ba mẹ hiểu rõ hơn và đưa ra quyết định phù hợp cho sự phát triển toàn diện ở trẻ.

nhung anh huong tam ly khi tre hoc chu som 2

Ảnh hưởng tâm lý trẻ học chữ sớm

Khi trẻ bước sang tuổi 5- 6 ba mẹ có thể bắt đầu cho trẻ làm quen với chữ cái, việc học chữ sớm không được khuyến khích trong giai đoạn khi trẻ dưới 4 tuổi, nhất là giai đoạn 2- 3 tuổi. Giai đoạn 0-6 tuổi nên chủ yếu tạo ra các hoạt động vui chơi cho trẻ.  Việc cho trẻ làm quen chữ ở giai đoạn tiền tiểu học  5- 6 tuổi  một cách phù hợp sẽ mang đến một số lợi ích nhất định còn việc ép trẻ học chữ sớm sẽ gây ra những ảnh hưởng về tâm lý cho trẻ như:

  • Áp lực và căng thẳng: Nếu việc học chữ sớm bị ép buộc hoặc không phù hợp với khả năng của trẻ, trẻ có thể cảm thấy áp lực và căng thẳng, dẫn đến cảm giác thất bại hoặc chán nản. Trẻ cũng dễ gặp phải tâm lý sợ học, ám ảnh việc học, không có hứng thú trong việc tiếp thu những kiến thức mới,  tâm lý đó có thể kéo dài và ảnh hưởng đến cả những năm sau này khi trẻ đi học chính thức.
  • Không còn hứng thú trong việc học: Một số trẻ khi được học trước một bước nên sinh ra tâm lý chủ quan là mình đã biết rồi nên chán học, mất tập trung hoặc hay làm việc riêng, nói leo,…vì phải học lại những điều mà mình đã được học rồi điều này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tính chủ động, tự giác trong việc học của trẻ cũng như không tuân thủ các quy tắc của lớp học.
  • Mất cân bằng phát triển: Trước giai đoạn 6 tuổi hoạt động vui chơi là chủ đạo nếu tập trung quá nhiều vào việc học chữ có thể khiến trẻ bỏ lỡ các hoạt động phát triển khác như vui chơi giải trí, phát triển kỹ năng vận động, và giao tiếp xã hội.
  • Tương tác xã hội: Trẻ học chữ sớm có thể gặp khó khăn trong việc tương tác với bạn bè cùng lứa tuổi. Khi những bạn đồng trang lứa đang phát triển kỹ năng chơi, tương tác giao tiếp thì trẻ tập trung quá mức vào những bài đọc sẽ dẫn tới hạn chế phát triển kỹ năng xã hội và nhận diện và chia sẻ cảm xúc.
  • Thiếu thời gian vui chơi: Việc dành quá nhiều thời gian cho việc học chữ có thể làm giảm thời gian vui chơi tự do, nhất là các trò chơi đóng vai theo chủ đề một yếu tố quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Việc bị ép học chữ quá sớm có thể làm trẻ bị đánh mất tuổi thơ cũng như làm trẻ mất cơ hội vui chơi, rèn luyện cơ thể cũng như các kỹ năng cần thiết khác. Giai đoạn trước 6 tuổi là giai đoạn trẻ có nhu cầu vui chơi, khám phá thế giới xung quanh rất lớn. Lúc này, cơ thể trẻ chưa đủ trưởng thành để đáp ứng những nhu cầu cho việc ngồi một chỗ và học tập. Và quan trọng hơn là não bộ của bé ở độ tuổi này cũng sẽ dễ thích nghi với những kiến thức được bé tìm tòi, khám phá và tư duy một cách logic hơn là bị áp đặt ngồi học chữ.

nhung anh huong tam ly khi tre hoc chu som 3

Học trước có thể gây ảnh hưởng tới tư thế ngồi học, thói quen khi viết.

Thói quen viết: Vận động tinh của trẻ còn yếu: Tay của trẻ chưa đủ độ khéo léo và cầm nắm vững chắc để cầm và điều khiển cây bút theo ý muốn của mình. Vì tuổi còn nhỏ nên khi chưa điều khiển được cây bút để viết được đẹp theo yêu cầu của ba mẹ, thầy cô, trẻ dễ bị nản và việc viết xấu sau này sẽ rất khó sửa chữa khi đi học.

Bên cạnh đó, trẻ dễ gặp vấn đề trong tư thế ngồi học: ngồi sai tư thế sẽ trở thành thói quen và sẽ ảnh hưởng đến cột sống và lưng sau này.

Dễ tạo thói quen chưa phù hợp: Thông thường ba mẹ dạy trẻ học chữ sớm dựa trên kinh nghiệm bản thân, thiếu tính khoa học và đo lường theo mức độ phát triển lứa tuổi của trẻ xem phù hợp hay chưa. Để dạy con học chữ đúng cách, ba mẹ cần phải có kiến thức chuyên môn, nếu không việc dạy chữ sẽ vô tình hình thành các thói quen xấu cho trẻ, tệ hơn là mang đến các kiến thức sai lệch ngay từ đầu. Điều này sẽ gây ra các cản trở, khó khăn cho thầy cô khi dạy trẻ học chữ ở lớp 1.

Một vài lời khuyên cho phụ huynh

Cân bằng hoạt động: Đảm bảo rằng trẻ có đủ thời gian cho việc học và vui chơi theo đúng giai đoạn phát triển.

Theo dõi cảm xúc của trẻ: Luôn lắng nghe và quan sát cảm xúc của trẻ để nhận biết kịp thời nếu trẻ cảm thấy áp lực hoặc căng thẳng để có những điều chỉnh phù hợp tránh trường hợp để trẻ quá áp lực và căng thẳng.

Tạo môi trường học tập tích cực: Hãy khuyến khích và hỗ trợ trẻ làm quen với chữ trong một môi trường vui vẻ, không áp lực có thể gắn kết với các hoạt động chơi.

Phát triển toàn diện: Bên cạnh việc học chữ, hãy khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động phát triển kỹ năng khác như thể thao, nghệ thuật, và các hoạt động xã hội như: học hát, bơi lội, bóng đá, vẽ tranh, đàn, nhảy,..

nhung anh huong tam ly khi tre hoc chu som 4

Kết luận

Qua những chia sẻ trên cho thấy điều thực sự quan trọng là cân nhắc phát triển tâm lý toàn diện cho trẻ, bao gồm cả các khía cạnh xã hội,ngôn ngữ, cảm xúc và vận động.

Đối với trẻ trước khi vào lớp 1, ba mẹ chỉ nên cho trẻ làm quen với các kỹ năng tiền tiểu học như hoàn thiện về ngôn ngữ, hình thành các biểu tượng, hình dạng màu sắc, trau dồi các kỹ năng mềm. Để dạy con học chữ đúng cách, ba mẹ cần phải có kiến thức chuyên môn, chính xác và phù hợp với chương trình học của trẻ. Chính vì thế để chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi vào lớp 1 ba mẹ có thể cho trẻ tham gia các lớp kỹ năng tiền tiểu học để cho trẻ làm quen với môi trường học tập và cách thức dạy.Bên cạnh đó, ba mẹ có thể tham khảo ý kiến từ các giáo viên hoặc chuyên gia giáo dục để có phương pháp giảng dạy phù hợp nhất cho trẻ.

ThS. Tâm lý trường học Lê Thị Phượng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Thị Hoài Anh, 15 phút mỗi ngày yêu con, NXB phụ nữ, 2016.
  2. Phạm Toàn, Tâm lý học trẻ em, NXB Trẻ, 2022.
  3. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học Sư phạm, 2006.