Ảnh hưởng của công nghệ với trẻ - RVE

Trên khắp thế giới, công nghệ đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của trẻ em, nó mang lại ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Từ việc tiếp cận thông tin, học tập đến giao tiếp và giải trí, công nghệ đã thay đổi cách mà trẻ em tiếp nhận và tương tác với thế giới xung quanh. Công nghệ mang đến cho trẻ em những lợi ích không thể phủ nhận, nhưng cũng đi kèm với những thách thức và tác hại tiềm ẩn. Để sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm và mang lại lợi ích tối đa cho sự phát triển của trẻ em, chúng ta cần lưu ý những điểm sau.

1. Những ảnh hưởng của công nghệ đến sự phát triển của trẻ

Lợi ích của công nghệ đối với trẻ:

  • Tiếp cận thông tin và giáo dục: Công nghệ mở ra cho trẻ một giới tri thức vô tận. Từ các ứng dụng học tập, video giảng dạy, trò chơi giáo dục đến nguồn tài liệu phong phú trên internet, trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận và nghiên cứu các chủ đề học thuật, khám phá văn hóa và khoa học một cách sinh động, đa dạng.
  • Phát triển kỹ năng: Các ứng dụng giáo dục, các trò chơi trực tuyến không chỉ giúp trẻ em học hỏi kiến thức mà còn phát triển kỹ năng như logic, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Sử dụng thiết bị công nghệ từ sớm giúp trẻ em phát triển kỹ năng điều khiển, tìm kiếm thông tin và khai phá các ứng dụng.
  • Giao tiếp và kết nối xã hội: Công nghệ giúp trẻ em dễ dàng kết nối và duy trì liên lạc với bạn bè và gia đình, bất kể khoảng cách qua các ứng dụng nhắn tin, cuộc gọi có hình ảnh, gửi thư, ảnh điện tử. Việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội cho phép trẻ tương tác với bạn bè, học hỏi kỹ năng giao tiếp và đồng cảm thông qua các hoạt động chia sẻ và thảo luận.

Tác hại của công nghệ đối với trẻ:

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất: Sử dụng quá mức các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng có thể dẫn đến mỏi mắt, đau lưng, đau tay và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ em, đặc biệt là khi chơi game hoặc xem video quá lâu vào ban đêm. Bên cạnh đó sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều ở khoảng cách không phù hợp, không đủ sáng cũng dễ dàng gây nên các tật về mắt như cận thị, loạn thị. Cho trẻ chơi các trò chơi điện tử quá lâu làm giảm hoạt động vận động của trẻ, dẫn đến vấn đề về sức khỏe như béo phì và yếu cơ.
  • Ảnh hướng đến hành vi – cảm xúc của trẻ: Tiếp xúc với nội dung không phù hợp hoặc trò chơi có tính bạo lực có thể gây căng thẳng, lo âu từ đó có thể dẫn đến hành vi chưa phù hợp, như tức giận, khó chịu khi bị giới hạn thời gian hoặc ngừng sử dụng thiết bị điện tử, hay khi không được đáp ứng nhu cầu ở trẻ. Việc sử dụng quá mức công nghệ có thể làm cho trẻ em phụ thuộc vào nó như một cách để giải quyết vấn đề hoặc những cảm xúc tiêu cực, thay vì học cách tự giải quyết và quản lý cảm xúc.
  • Hạn chế khả năng giao tiếp xã hội: Sử dụng quá nhiều thời gian cho công nghệ có thể làm giảm nhu cầu và khả năng của trẻ em trong việc tương tác trực tiếp với người khác, làm mất đi cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp và xã hội quan trọng, ví dụ: trẻ có thể thiếu kỹ năng trong việc lắng nghe, diễn đạt ý tưởng và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp ngoài không gian ảo, thay vì gặp gỡ bạn bè và gia đình, trẻ có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc trò chuyện và kết nối qua mạng xã hội hoặc các ứng dụng trò chơi.

2. Những lưu ý khi sử dụng công nghệ cho trẻ em

Để sử dụng công nghệ một cách có ích và tốt đối với sự phát triển của trẻ em, có một số lời khuyên cụ thể sau đây.

  • Quản lý thời gian sử dụng: Đặt ra giới hạn rõ ràng và có trách nhiệm về thời gian mà trẻ được sử dụng công nghệ, như khi cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử phụ huynh có thể cài đặt thời gian tắt để thông tin cho trẻ là đã hết thời gian sử dụng. Đảm bảo trẻ có đủ thời gian cho các hoạt động khác như chơi đùa ngoài trời, đọc sách, và giao tiếp xã hội.
  • Chọn lựa nội dung phù hợp: Phụ huynh có thể cài đặt bộ lọc giới hạn chương trình mà trẻ có thể tìm kiếm và xem, như lựa chọn các ứng dụng, trò chơi và nội dung trên mạng phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ. Cần đảm bảo rằng các nội dung này mang tính giáo dục và giải trí an toàn, không chứa các phân đoạn bạo lực hoặc không phù hợp với độ tuổi của trẻ.
  • Giám sát và hướng dẫn: Luôn giám sát và hướng dẫn trẻ trong quá trình sử dụng công nghệ. Phụ huynh cần hiểu rõ về các ứng dụng và trò chơi mà trẻ đang sử dụng, cũng như đảm bảo rằng trẻ biết cách đối phó với nội dung không phù hợp và các tình huống rủi ro trên mạng. Hãy thúc đẩy sự tương tác giữa cha mẹ và con cái trong khi sử dụng thiết bị điện tử, bằng cách hỏi và thảo luận về nội dung hoặc trò chơi mà trẻ đang tham gia. Đây là cơ hội để tăng cường kỹ năng ngôn ngữ và tư duy của trẻ.
  • Tổ chức đa dạng trong hoạt động: Ngoài việc sử dụng công nghệ, cha mẹ nên tạo điều kiện và khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động ngoài trời (cắm trại, tham gia các cuộc thi vận động,...), đọc sách, chơi đùa với bạn bè để phát triển toàn diện về các kỹ năng: sức khoẻ thể chất, quản lý hành vi- cảm xúc và tương tác xã hội trực tiếp với mọi người xung quanh.
  • Hỗ trợ trong việc học tập của trẻ: Phụ huynh có thể sử dụng các ứng dụng giáo dục để hỗ trợ việc học tập của trẻ, như xem video giảng dạy, làm bài tập trắc nghiệm, hay học ngoại ngữ qua các ứng dụng phù hợp.

anh huong cua cong nghe den su phat trien cua tre 3

  • Không sử dụng công nghệ trước khi đi ngủ: Tránh cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ để giúp duy trì giấc ngủ chất lượng và giảm nguy cơ ảnh hưởng của ánh sáng xanh đến giấc ngủ.
  • Xây dựng thói quen an toàn và sử dụng công nghệ có trách nhiệm: Hãy giúp trẻ hiểu và tuân thủ các quy tắc an toàn khi sử dụng internet và thiết bị điện tử. Hướng dẫn trẻ biết cách bảo vệ thông tin cá nhân và tránh các nội dung không phù hợp. Ngoài ra, hãy dành thời gian để giáo dục trẻ về cách sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm và tạo thói quen lành mạnh khi sử dụng các thiết bị điện tử.
  • Đánh giá thường xuyên: Thường xuyên đánh giá lại cách sử dụng công nghệ của trẻ và điều chỉnh nếu cần thiết để đảm bảo rằng việc này không ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

anh huong cua cong nghe den su phat trien cua tre 6

Tóm lại, công nghệ có thể là một công cụ hữu ích trong việc phát triển toàn diện của trẻ em nếu được sử dụng một cách có trách nhiệm và cân bằng. Quan trọng là cha mẹ và người chăm sóc cần đóng vai trò hướng dẫn và giám sát thích hợp để đảm bảo rằng công nghệ mang lại lợi ích tối đa cho sự phát triển của trẻ.

Chuyên viên Lê Thị Anh Thư

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trung Đức - Mạnh Tuấn(2020), Ứng Dụng Công Nghệ Làm Chủ Cuộc Sống, Nhà Xuất Bản Thế Giới
  2. https://www.epochtimesviet.com/10-tac-dong-cua-san-pham-cong-nghe-doi-voi-su-phat-trien-cua-tre-em_318283.html#Anh_huong_den_su_phat_trien_cam_xuc
  3. https://littlevoices.littlelives.com/vi/is-technology-bad-for-children