Với sự phát triển không ngừng của hệ thống can thiệp cả công lập và ngoài công lập vô cùng đa dạng thì phụ huynh cần hiểu rõ các loại hình can thiệp khác nhau.
Từ đó có những lựa chọn đúng đắn phù hợp với vấn đề khó khăn của trẻ và khả năng đáp ứng của gia đình là điều vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây, chia sẻ thêm thông tin cùng ba mẹ để có góc nhìn đa chiều về các loại hình can thiệp hiện nay.
Có nhiều loại hình can thiệp, bài viết này sẽ đề cập tới một số loại hình can thiệp phổ biến hiện nay.
I. GIÁO DỤC CHUYÊN BIỆT
Giáo dục chuyên biệt cung cấp các phương pháp giảng dạy và học tập được điều chỉnh để đáp ứng với nhu cầu đặc biệt của từng học sinh. Có thể bao gồm các phương pháp giảng dạy, giáo viên, và các môi trường học tập phù hợp. Trong giáo dục chuyên biệt chúng ta thường nhắc tới can thiệp sớm và tiền tiểu học và can thiệp chuyên biệt.
1. Can thiệp sớm
Can thiệp sớm là chương trình giáo dục sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, diễn ra càng sớm càng tốt sau khi xác định được nhu cầu của trẻ. Can thiệp sớm nhằm giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng của trẻ để nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập tốt với cộng đồng. Có các hình thức can thiệp sớm như:
Can thiệp cá nhân
Là các hoạt động can thiệp tác động một giáo viên với một trẻ. Can thiệp cá nhân được bao gồm các chương trình can thiệp, sử dụng các chiến lược hỗ trợ phù hợp với trẻ nhằm tối đa hóa năng lực cá nhân.
Can thiệp cá nhân hạn chế được sự phân tán độ tập trung của trẻ như trẻ khác trong nhóm khó chịu quấy khóc, hoặc cười đùa… Can thiệp cá nhân tạo điều kiện cho sự kết nối bền chặt giữa giáo viên và trẻ, giáo viên có thể ghi nhớ toàn bộ những biểu hiện, điểm mạnh điểm yếu và quan sát những thay đổi nhỏ nhất từ trẻ để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình tổ chức can thiệp cho trẻ.
Điểm hạn chế của can thiệp cá nhân đó là nhiều trẻ sẽ dễ lệ thuộc vào giáo viên trong khi đó với những trẻ yếu về các kỹ năng xã hội, cần có môi trường tương tác, với nhiều đối tượng giao tiếp tương tác khác nhau thì can thiệp cá nhân chưa hỗ trợ được.
Can thiệp nhóm
Can thiệp nhóm là các hoạt động can thiệp tác động giữa giáo viên với một nhóm trẻ. Nhóm trẻ nên là nhóm nhỏ có thể nhóm 2, hoặc nhóm từ ba đến bốn trẻ.
Ưu điểm của can thiệp nhóm là trẻ có điều kiện để để phát triển các kỹ năng xã hội như từ chờ đợi đến lượt đến lượt của bản thân, luân phiên hoạt động với các bạn, đến các quy tắc cộng đồng như xếp hàng, chia sẻ và giúp đỡ mọi người… Đồng thời can thiệp nhóm cũng giúp trẻ phát triển nhận thức về bản thân và những người xung quanh. Với đó là phát triển các hoạt động chơi như chơi song song, chơi chung không gian với bạn, chơi theo quy luật và chơi giả vờ, sắm vai nhằm tăng khả năng thích ứng của trẻ. Ngoài ra, can thiệp nhóm là cơ hội để trẻ tự vận dụng kỹ năng nhận thức – ngôn ngữ để trao đổi, giải quyết các vấn đề với nhiều các đối tượng khác nhau.
Những hạn chế của can thiệp nhóm có thể có đó là trẻ dễ bị sao nhãng bởi những kích thích bên ngoài hoặc từ những bạn trong nhóm. Đồng thời để có thể có được tổ chức can thiệp nhóm hiệu quả cũng đòi hỏi người giáo viên cần có kiến thức và kỹ năng để sắp xếp nhóm can thiệp, cũng như tổ chức hoạt động vừa thúc đẩy những năng lực cá nhân, can thiệp những khó khăn cốt lõi của cá nhân vừa đảm bảo an toàn hoạt động nhóm.
2. Can thiệp chuyên biệt
Là các hoạt động can thiệp tại các cơ sở giáo dục như trường học, trung tâm chuyên biệt, áp dụng các chương trình can thiệp và các phương pháp can thiệp chuyên biệt nhằm can thiệp các triệu chứng cốt lõi, các hành vi thách thức và nâng cao được kỹ năng phát triển và thích ứng của trẻ. Tùy thuộc vào từng cơ sở giáo dục can thiệp mà có thể có can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm hoặc kết hợp cả can thiệp cá nhân và can thiệp nhóm.
Tại các trung tâm chuyên biệt hoặc các trường chuyên biệt dành cho các trẻ có khó khăn, khiếm khuyết đặc thù như chậm phát triển, khiếm thính, khiếm thị, rối loạn phổ tự kỷ… Can thiệp chuyên biệt sẽ có được những chương trình can thiệp chuyên sâu phù hợp với các vấn đề khó khăn của trẻ.
3. Can thiệp tiền tiểu học
Mục đích của can thiệp tiền tiểu học là để giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng cần thiết để tự tin hơn và dễ dàng hòa nhập với bạn bè khi vào lớp 1.Những kỹ năng được dạy sẽ giúp trẻ tránh tâm lý bỡ ngỡ, lo lắng khi đến môi trường mới nhất là đối với trẻ có những rối loạn phát triển gặp khó khăn khi phải thay đổi môi trường mới.
Những kỹ năng tiền tiểu học này bao gồm:
- Kỹ năng giao tiếp: Các kỹ năng bắt đầu, xây dựng và duy trì cuộc hội thoại, rủ bạn chơi cùng hay giải quyết các mâu thuẫn,…
- Vận động thô – Vận động tinh: Kỹ năng vận động giúp trẻ dễ dàng hơn trong học tập vui chơi, hạn chế việc té ngã hay gặp tai nạn. Bên cạnh đó là các kỹ năng vận động tinh phối hợp mắt tay như cầm bút, đồ nét, đồ chữ,…
- Kỹ năng tự lập tự phục vụ: Bao gồm tự ăn uống, tự thay đồ, tự đi giày dép hay để giày dép đúng nơi quy định, và biết tự chuẩn bị sắp xếp đồ dùng học tập,…
Khi việc hòa nhập được thuận lợi trẻ sẽ có hứng thú khi đến trường, học tập tốt và phát triển thuận lợi.
II. GIÁO DỤC HÒA NHẬP
Là các hoạt động can thiệp tại các cơ sở giáo dục, nhằm tạo điều kiện cho các trẻ có khó khăn, rối loạn phát triển được tham gia các hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi cùng với các trẻ phát triển phù hợp với tuổi. Can thiệp hòa nhập nhằm nâng cao, phát triển các kỹ năng của cá nhân và tăng khả năng thích ứng. Các đặc điểm của giáo dục hòa nhập:
- Chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng của mọi học sinh, không phân biệt đối xử.
- Giáo viên và các nhân viên tai trường hòa nhập cung cấp và hỗ trợ các phương pháp giảng dạy phù hợp với nhu cầu đặc biệt của các học sinh tham gia hòa nhập.
- Giáo viên khuyến khích các học sinh hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập hòa nhập.
- Tạo môi trường học tập tích cực, an toàn để hoc sinh tự tin tham gia các hoạt động học tập và vui chơi.
- Các giáo viên và nhân viên cần được đào tao để thấu hiểu và áp dụng các phương pháp giáo dục hòa nhập phù hợp.
Việc lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp là rất quan trọng vì nó là điều kiện tiên quyết để can thiệp hỗ trợ phù hợp nhằm giúp trẻ phát triển, tăng khả năng thích ứng hòa nhập. Để lựa chọn được hình thức can thiệp phù hợp điều cần thiết là căn cứ vào vấn đề khó khăn và mức độ của vấn đề, tuổi phát triển của trẻ, thêm nữa là khả năng đáp ứng của gia đình. Với các thông tin về các loại hình can thiệp trên, hy vọng phụ huynh sẽ lựa chọn được loại hình can thiệp với trẻ của mình.
Th.S Lưu Thị Quỳnh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y Tế (2009), Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.
- https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-tam-than-kinh/huong-dan-quy-trinh-can-thiep-tre-mac-roi-loan-pho-tu-ky-p2