Độ tuổi nào phù hợp cho trẻ học chữ - RVE

Với sự phát triển của xã hội, không ít bậc ba mẹ có mong muốn cho trẻ học chữ sớm, một số ba mẹ có quan điểm cho rằng việc học chữ sớm trẻ sẽ thông minh và phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, việc cho trẻ học chữ sớm có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy cho sự phát triển về sau của trẻ. Vậy câu hỏi đặt ra là độ tuổi nào sẽ phù hợp cho trẻ học chữ? Và phương pháp nào sẽ giúp trẻ tiếp thu việc học chữ một cách có hiệu quả. Bài viết này sẽ giúp các bậc ba mẹ hiểu rõ hơn các cột mốc quan trọng và thời điểm bắt đầu cho trẻ học chữ.

Độ tuổi thích hợp cho trẻ học chữ là khi nào?  

Nhiều phụ huynh thắc mắc và đặt ra câu hỏi: Trẻ bao nhiêu tuổi có thể bắt đầu quá trình làm quen và học chữ? Theo các nghiên cứu chỉ ra để trẻ bắt đầu học chữ từ 5- 6 tuổi, ở giai đoạn tiền tiểu học ba mẹ có thể bước đầu cho trẻ làm quen với các chữ cái, các nét quan trọng trong tiếng Việt. Còn nếu việc học chữ, ghép vần, đọc hiểu nội dung bài chính thức sẽ là khi trẻ bước vào chương trình tiểu học lớp 1.

do tuoi thich hop cho tre hoc chu 2

Xét về góc độ phát triển tâm lý ở trẻ thì phải đến khi vào chương trình lớp 1 mới là thời kì chín muồi của trẻ về các mặt như: trẻ chuyển từ tư duy trực quan hình ảnh sang tư duy sơ đồ,tư duy trừu tượng; Cột mốc vào lớp một cũng được xem là thời kì trẻ thành thạo ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ; Các mặt phát triển về vận động tinh, kỹ năng cầm viết sự khéo léo của đôi tay sẵn sàng cho việc học chữ và cầm viết.

Thực tế, nhiều ba mẹ cho trẻ học chữ, đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1 khiến nhiều trẻ khi vào chương trình lớp 1 chính thức lại cảm thấy giảm hứng thú khi đến trường vì có tâm thế mình đã biết hết rồi, chính điều này không thúc đẩy động lực khám phá tìm tòi tri thức ở trẻ khi trẻ bước vào chương trình lớp 1.

Vì sao việc cho trẻ học chữ sớm trước khi vào lớp 1 là không phù hợp?

Xét về góc độ phát triển tâm lý, hoạt động chủ đạo của trẻ giai đoạn từ 0- 6 tuổi là hoạt động vui chơi, các hoạt động của trẻ cần được thiết kế để phát triển các mặt toàn diện, các chỉ số phát triển tâm lý trẻ ở giai đoạn này cũng chưa sẵn sàng cho việc học chữ. Thay vì dạy học chữ  sớm ba mẹ hãy hướng dẫn phát triển cho trẻ đang kỹ năng toàn diện để làm bước đệm vững chắc khi trẻ vào lớp 1.

Không ít bậc ba mẹ cứ nghĩ rằng việc không cho trẻ học chữ sớm trước khi vào lớp 1 sẽ làm cho trẻ khi vào không theo kịp bạn bè, sợ con không vượt qua được các kì thi, sợ con bị áp lực khi đi học. Tuy nhiên ba mẹ cũng cần nghĩ theo hướng ngược lại nếu cho trẻ học chữ sớm đến khi vào lớp 1 trẻ sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan và ỷ lại vì mình đã biết học chữ trước khi đến trường, trẻ thờ ơ, thiếu sự nỗ lực trong học tập.

do tuoi thich hop cho tre hoc chu 3

Trẻ ở giai đoạn mầm non cần được phát triển các kỹ năng toàn diện, nhất là hoàn thiện giao tiếp với tiếng mẹ đẻ để tương tác cùng bạn bè trang lứa. Chính qua các hoạt động vui chơi trẻ sẽ rút ra được những bài học, kinh nghiệm cho bản thân. Trẻ biết cách chia sẻ đồ chơi với bạn bè, viết cách diễn đạt nhu cầu mong muốn của mình.

Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ ba mẹ cần biết trẻ thực sự cần gì, muốn gì và những hoạt động nào sẽ tốt nhất cho trẻ. Thay vì tập trung cho trẻ học chữ sớm khuyến khích ba mẹ cho trẻ học thêm các hoạt động kỹ năng sống, ngoài ra cần rèn luyện cho trẻ tính tự lập, tự phục vụ như phải biết tự vệ sinh cá nhân, phải biết chải tóc, buộc tóc khi đến trường. Rèn cho trẻ công việc nhà phụ giúp ba mẹ cũng là cách rèn sự tập trung, một số việc trẻ có thể làm trong giai đoạn này như bóc trứng, nhặt rau, quét nhà.

Khuyến khích chưa trẻ học chữ sớm để trẻ được sống trọn vẹn những năm tháng tuổi thơ vui chơi đúng nghĩa, ba mẹ nên không vội vàng đặt lên đôi trẻ về việc phải học sớm đọc sớm. Thực tế không ít bậc ba mẹ lại đưa con mình lên bàn cân so sánh với những trẻ khác và lấy con nhà hàng xóm làm chuẩn, điều đó vô tình làm cho trẻ không còn hứng thú mà thay vào đó lại lo lắng, áp lực cho việc học tập.

Những điều gì cần lưu ý khi cho trẻ học chữ?

Việc học chữ sớm giai đoạn mầm non nhất là khi trẻ dưới 4 tuổi chưa được khuyến khích,  giai đoạn 5-6 tuổi ba mẹ có thể cho trẻ làm quen kết hợp với các hoạt động chơi tạo sự thích thú với những chữ cái. Ban đầu có thể cho trẻ làm quen chữ với những cuốn sách nhiều màu sắc, ngoài ra có thể là các bảng hiệu, bảng chỉ dẫn khi trẻ đi ra đường, ba mẹ đọc cho trẻ nghe những ghi chú trên các sản phẩm như bánh kẹo, sữa, trái cây ở trong các quầy hàng siêu thị.

Hãy cho trẻ làm quen với việc đọc bằng cách cho trẻ tự đặt tên và kể chuyển theo tranh theo sự sáng tạo của trẻ để phát huy sự tưởng tượng, phát triển vốn từ câu cho trẻ. Ba mẹ có thể chỉ vào từng chữ để cho trẻ làm quen, cho trẻ hiểu rằng có mối liên hệ giữa hình ảnh và các chữ cái được đọc lên.

Điều quan trọng với các bậc ba mẹ không phải là cố gắng dạy cho trẻ học chữ sớm trước khi vào lớp một mà yếu tố quan trọng cần được chú ý là tạo ra môi trường không gian kích thích việc tìm hiểu việc học ở trẻ, tạo ra sự thích thú đam mê như bằng cách hằng ngày ba mẹ tự cho trẻ sáng tạo với các vật liệu như bút chì, bút mực, bút lông…rèn luyện cho sự khéo léo đôi tay, sự tập trung để hoàn thành một mục tiêu, nhiệm vụ dưới sự định hướng của các thành viên trong gia đình, ba mẹ cũng có thể viết vẽ theo những nét chữ mà trẻ suy nghĩ ra.

Hoạt động làm quen học chữ ở giai đoạn này cần được ba mẹ thiết kế phù hợp và linh hoạt, tăng ngưỡng tập trung chú ý lên cho trẻ, ban đầu 5 phút, 7 phút sau đó tăng lên 15, 20 phút để giúp trẻ có thể kiên nhẫn thực hiện một yêu cầu nhiệm vụ khi làm quen với học chữ. Đừng tạo áp lực ngay từ đầu khiến trẻ trở nên lo sợ mỗi khi làm quen với việc học.

Việc cho trẻ học chữ là quyền lựa chọn quyết định ở mỗi gia đình, tuy nhiên trước khi cho trẻ tham gia học chữ sớm ba mẹ hãy tìm hiểu và cân nhắc xem các yếu tố phát triển tâm lý của con đã thực sự chín muồi chưa. Nếu thực sự trẻ vẫn đang trong giai đoạn chưa sẵn sàng hãy kiên nhẫn rèn các kỹ năng liên quan để trẻ có thể có một tâm thế sẵn sàng cho việc học chữ, để sau khi học chữ trẻ cảm nhận được một chân trời mở ra trước mắt trẻ. Đừng vì chạy theo số đông mà có thể vô tình ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai.

Bác sĩ Lộ Trung Anh Hoàng Luân

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Thị Hoài Anh, 15 phút mỗi ngày yêu con, NXB Phụ nữ, 2016
  2. Thu Hà, Con nghĩ đi mẹ không biết!, NXB Phụ Nữ, 2016
  3. Phạm Toàn, Tâm lý học trẻ em, NXB Trẻ, 2022
  4. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2006