Sử dụng mạng xã hội hiệu quả - RVE

Mạng xã hội ngày càng phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Nhiều trẻ em cũng được tiếp xúc với điện thoại, có tài khoản mạng xã hội quá sớm.

Vậy mạng xã hội có thực sự phù hợp cho trẻ? Học sinh cần trang bị kĩ năng sử dụng mạng xã hội như thế nào để an toàn và hiệu quả nhất? Là học sinh em nên sử dụng mạng xã hội như thế nào là thông minh?

Kĩ năng sử dụng mạng xã hội an toàn

Bảo mật thông tin cá nhân: Những thông tin như tên thật, tuổi, trường lớp, địa chỉ nhà, ảnh cá nhân hay các loại mật khẩu là những thông tin cá nhân, cần được bảo mật, không nên chia sẻ những thông tin này trên mạng. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn con bảo mật tài khoản để tránh bị lấy cắp tài khoản phục vụ cho những mục đích xấu. 

Suy nghĩ kĩ trước khi chia sẻ bất cứ điều gì: Mạng xã hội vẫn luôn là con dao hai lưỡi, vì vậy trước khi bình luận, chia sẻ hay đăng tải bất cứ thông tin gì cần phải tìm hiểu và suy nghĩ kĩ. Vì những bài đăng trên mạng sẽ có nhiều người xem, có thể sẽ bị người khác soi mói, đánh giá, bình luận tiêu cực khiến bản thân thấy buồn hay lo sợ. Bên cạnh đó, thông tin được đăng tải trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều tin sai sự thật, tin kích động chống phá nhà nước,… được lan truyền trên mạng. Nếu không tìm hiểu kĩ có thể chia sẻ, tin tưởng vào các nguồn tin sai trái, ảnh hưởng đến nhận thức, tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền tin giả.

Ứng xử văn minh trên mạng: Nhiều trẻ nghĩ rằng mạng xã hội là ảo, có làm gì thì cũng không ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Tuy nhiên, mạng cũng là một xã hội thu nhỏ, tất cả những điều làm trên mạng đều có thể ảnh hưởng đến bản thân và mọi người. Khi nhìn thấy nội dung bạo lực, bản thân có bình luận cổ vũ không? Nhìn thấy điều không thích, có để lại những bình luận chê bai, chỉ trích nặng nề? Gặp một chủ đề gây tranh cãi, có bất chấp tất cả để bảo vệ ý kiến của mình? Hay khi buồn bực, có trút giận lên những người bản thân thấy trên mạng xã hội không? Tất cả những hành động không suy nghĩ đều có thể làm người bị chỉ trích thấy buồn và mặc cảm. Nghiêm trọng hơn, nhiều từ ngữ quá khích có thể khiến người khác tổn thương tinh thần, dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử.

Nhận biết các dạng lừa đảo qua mạng: Hiện này có rất nhiều dạng lừa đảo qua mạng. Kẻ xấu có thể tạo một tài khoản ảo, kết bạn và trò chuyện để lấy lòng tin sau đó dò hỏi những thông tin. Chúng có thể đóng vai một người bạn, muốn trẻ cung cấp thông tin để gửi quà. Tuy nhiên luôn nhớ nguyên tắc “không chia sẻ thông tin cá nhân”, đặc biệt là chia sẻ trên mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của lừa đảo. Bên cạnh đó, cũng cần cẩn thận với các trò chơi trúng thưởng, không nên nhấn vào đường link lạ để tránh bị mất tài khoản hay bị đánh cắp thông tin.

Giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội: Bố mẹ nên thống nhất và giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội cho con. Trẻ chỉ nên sử dụng khi có điều cần trao đổi với bạn bè, thầy cô. Hoặc trẻ có thể sử dụng mạng xã hội để giải trí sau khi đã hoàn thành các việc cần thiết.
Hi vọng bài viết trên đây giúp em hiểu được, là một học sinh em cần làm gì để sử dụng có hiệu quả mạng internet.

Chuyên viên chuyên môn Hồ Thị Thu Hương


Tài liệu tham khảo
Cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả và thông minh cho học sinh,
https://thcstangnhonphub.hcm.edu.vn/tuyen-truyen-phap-luat/cach-su-dung-mang-xa-hoi-hieu-qua-va-thong-minh-cho-hoc-sinh-bai-viet-nhan-than/ctmb/73887/572885