Giảm stress trong học tập, thi cử - RVE

Trước áp lực từ khối lượng bài vở trong quá trình học tập và những kì thi khiến cho nhiều học sinh, sinh viên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi liên tục dẫn đến các em bị stress.

Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của các em. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn một số cách giảm stress trong học tập, thi cử cực đơn giản và hiệu quả.

Cách giảm stress trong học tập vượt qua áp lực thi cử

Lên kế hoạch cụ thể cho việc học tập, thi cử: Học tập, thi cử là điều rất quan trọng, tuy nhiên để mang lại kết quả tốt và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe thì bạn cũng cần biết cách sắp xếp và phân chia công việc cụ thể. Để tiết kiệm thời gian và học tập hiệu quả thì bạn cần lập ra thời gian biểu của riêng mình.
Điều này không chỉ giúp bạn có thể tiết kiệm được các khoảng thời gian trong ngày mà còn giúp bản thân biết được nên làm gì và hoàn thành chúng như thế nào. Thói quen này sẽ giúp bạn sắp xếp tốt các công việc cần làm, phân bổ thời gian cho từng môn học hợp lý để tránh tình trạng căng thẳng, áp lực quá mức, nhất là vào những kì thi.
Khi đã đặt ra thời khóa biểu của riêng mình bạn cần bám sát vào đó để hoàn thành tốt các các mục tiêu đã đặt ra. Hãy phân bố thời gian cụ thể, ví dụ như “Buổi sáng học môn nào?”, “Hôm nay sẽ hoàn thành các bài tập nào?”, “Cần phải bổ sung kiến thức nào?”. Tốt nhất bạn nên lên kế hoạch cho cả tuần để có khoảng thời gian lớn phân chia các công việc.
Nếu sắp đến một kì thi nào đó thì bạn càng phải chuẩn bị thật kỹ cho lịch trình của mình. Tùy vào khối lượng bài vở cần ôn luyện mà bạn phải sắp xếp thời gian hợp lý, tránh tình trạng gần đến kì thi mới chuẩn bị bài. Sau khi đã liệt kê hầu hết các bộ môn cần phải học và những kiến thức cần ôn thì bạn nên sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên để dễ dàng hơn cho việc ghi nhớ.
Chỉ có bản thân bạn mới có thể hiểu và nắm rõ được độ khó, mức độ quan trọng và khối lượng công việc cần phải hoàn thành. Vì thế hãy tự lên kế hoạch và sắp xếp thời gian học tập phù hợp nhất. Nếu chưa nắm rõ những nội dung cần phải ôn luyện hay bất kì điều gì liên quan đến kì thi thì bạn cũng nên trao đổi lại với giáo viên hoặc bạn bè để được hỗ trợ tốt hơn.

Chuẩn bị kĩ lưỡng trước mỗi kì thi: Những áp lực của các kì thi quan trọng như thi chuyển cấp, thi đại học,…cũng có thể khiến cho nhiều em học sinh sinh viên cảm thấy căng thẳng quá mức. Vì thế, cách tốt nhất để giảm stress trong học tập, thi cử đó chính là chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Từ các kiến thức, dụng cụ cần thiết cho đến sức khỏe, tinh thần.
Bạn nên tìm hiểu kỹ về quy chế thi để nắm được các vật dụng có thể mang vào phòng thi. Chuẩn bị đầy đủ và kiểm tra kỹ lưỡng cũng sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm phần nào. Thêm vào đó, trước ngày diễn ra kì thi bạn cũng không nên ôn luyện quá nhiều mà hãy để tinh thần được thoải mái, thư giãn nhất.
Một số cách giúp bạn giảm stress trước ngày kì thi quan trọng như:
  • Ngủ sớm để tinh thần được minh mẫn, tỉnh táo và tràn đầy năng lượng.
  • Vận động nhẹ nhàng để cơ thể được thả lỏng, hạn chế tình trạng căng cơ, mệt mỏi.
  • Luôn tự động viên bản thân và duy trì tâm trạng lạc quan.
  • Không nên suy nghĩ quá nhiều vào điểm số, kết quả. Bạn nên hiểu rằng điều cần thiết bây giờ đó chính là cố gắng hoàn thành tốt kì thi của mình.
  • Đến điểm thi sớm hơn thời gian quy định khoảng 30 phút để có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi trước khi thi.

Tránh học tập quá sức: Học tập là cả một quá trình trau dồi kiến thức lâu dài, vì thế bạn cần phải kiên trì và rèn luyện cả đời. Không chỉ ở lứa tuổi học sinh, sinh viên mà ngay cả khi trưởng thành cũng cần phải học tập thêm nhiều kiến thức bổ ích và thú vị. Tuy nhiên, khả năng của mỗi người khác nhau, việc dung nạp kiến thức cũng sẽ có nhiều sự chênh lệch.
Học tập quá sức cũng là một trong các nguyên nhân gây stress ở nhiều học sinh, sinh viên
Do đó, bạn cần biết được mình phù hợp với phương pháp học tập nào, tránh việc tự ép bản thân phải ôm đồm nhiều thứ cùng một lúc. Không nên tham gia đồng thời nhiều cuộc thi hãy cố gắng học nhiều thầy cô cùng một môn. Điều này đôi khi không thể giúp bạn tiến bộ hơn mà ngược lại còn làm gia tăng các áp lực và nguy cơ rơi vào trạng thái stress rất cao.

Chia sẻ với bạn bè, người thân: Học sinh, sinh viên là lứa tuổi rất nhạy cảm, một số sự thay đổi về mặt tâm lý cũng có thể khiến trẻ dần trở nên xa cách với người thân, gia đình. Cũng chính vì điều này mà một số trường hợp gặp phải khó khăn, căng thẳng trong học tập hay cuộc sống đều lựa chọn biện pháp im lặng, không thể chia sẻ với gia đình, cha mẹ.
Tuy nhiên, điều này có thể khiến cho bản thân càng cảm thấy bế tắc, những khó khăn, thử thách không thể giải quyết một cách ổn thỏa. Do đó, hãy cố gắng chia sẻ và tâm sự với những người xung quanh về những điều đang lo lắng, muộn phiền. Nếu không thể nói với người thân thì bạn có thể tìm gặp thầy cô, bạn bè mà mình yêu mến để tâm sự.

giam stress khi hoc tap 3

Dành thời gian để nghỉ ngơi: Học tập là một quá trình dài, bạn không thể dành toàn bộ thời gian của bản thân cho việc học tập. Nhu cầu vui chơi, thư giãn, giải trí là rất cần thiết đối với mỗi con người. Do đó, những lúc học tập căng thẳng, mệt mỏi bạn hãy chợp mắt, nghe nhạc, vẽ tranh hoặc làm bất kì điều gì yêu thích để đầu óc được thư giãn và thoải mái hơn.
Nếu cảm thấy căng thẳng trong lúc học tập bạn nên nghe vài bản nhạc để thư giãn
Sau một khoảng thời gian tập trung cao độ thì não bộ và các cơ quan khác cũng cần phải được nghỉ ngơi để lấy lại nguồn năng lượng tích cực. Do đó, khi cảm thấy quá tải hoặc ngồi học quá lâu bạn hãy cho phép bản thân được giải tỏa và vận động nhẹ nhàng để xương khớp linh hoạt hơn. Cách này cũng giúp bạn giảm stress trong học tập, thi cử hiệu quả.

Áp dụng các liệu pháp thư giãn tự nhiên: Khi học tập hoặc đứng trước một kì thi nào đó khiến bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thì có thể áp dụng nhanh một số biện pháp giải tỏa stress hiệu quả như hít thở sâu, ngồi thiền, nghe nhạc, vẽ tranh, uống trà thảo mộc, tập yoga, ngâm chân với nước ấm,….Các mẹo nhỏ này sẽ giúp bạn ổn định được tâm trạng tốt hơn, hạn chế nguy cơ khiến stress gia tăng nghiêm trọng.
Không tự tạo áp lực cho bản thân: Học tập cũng cần phải có mục tiêu cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào năng lực và khả năng của bản thân mà bạn nên đặt mục tiêu phù hợp, khả quan. Đừng cố gắng đưa ra những kì vọng quá cao so với những gì bản thân có thể đạt được. Đôi lúc nó không thể trở thành động lực mà còn là áp lực lớn khiến bạn trở nên mệt mỏi và dễ stress hơn.

Ăn uống đầy đủ dưỡng chất: Chế độ ăn uống hàng ngày cũng là một trong các yếu tố quan trọng góp phần quyết định đối với sức khỏe tinh thần của học sinh, sinh viên. Đặc biệt là khi chuẩn bị bước vào một kì thi, các sĩ tử thường xuyên phải vùi đầu vào bài vở, đôi lúc bỏ bê việc ăn uống và chăm sóc bản thân. Điều này không chỉ khiến cho cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, suy kiệt dần mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất góp vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của các sĩ tử
Do đó, để giảm nhanh tình trạng stress trong học tập, thi cử thì các sĩ tử cũng cần phải chú ý nhiều đến chế độ ăn uống, bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có lợi. Xây dựng được một thực đơn cân đối sẽ giúp cơ thể được dung nạp tốt các dưỡng chất cần thiết, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Một số loại thực phẩm mà học sinh, sinh viên cần phải tăng cường bổ sung như sữa tươi, sữa chua, các loại hạt, các loại đậu, ngũ cốc, thịt cá, rau xanh, trái cây,….

giam stress khi hoc tap 4

Chú ý giấc ngủ: Chất lượng giấc ngủ và stress có mối quan hệ mật thiết với nhau. Căng thẳng quá mức có thể gây nên tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon giấc. Ngược lại mất ngủ liên tục trong nhiều ngày cũng là yếu tố nguy cơ khiến nhiều người rơi vào trạng thái stress. Đặc biệt là những học sinh, sinh viên phải học tập liên tục và đối mặt với khối lượng bài vở quá lớn cho các kì thi quan trọng.
Thời gian học tập đôi khi khiến trẻ không thể ngủ được đủ giấc. Đặc biệt là khi chuẩn bị cho việc thi cử, nhiều trẻ phải thức khuya để ôn luyện trong nhiều ngày liên tục. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng nếu chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo sẽ khiến cho tình trạng căng thẳng trong học tập càng gia tăng đáng kể.
Vì thế cách tốt nhất để giảm stress trong học tập, thi cử đó chính là nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Nếu cảm thấy khó ngủ thì bạn nên áp dụng thêm một số liệu pháp hỗ trợ như sử dụng tinh dầu thơm, ngâm chân với nước ấm, thiền định, uống trà thảo mộc,…

bi quyet on thi hieu qua 4

Stress trong học tập, thi cử là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách kiểm soát và tận dụng nó sẽ giúp cho quá trình học tập đạt được nhiều thành công hơn. Học tập là một chặng đường lớn và dài vì thế bạn nên biết cách sắp xếp và phân bổ thời gian của mình để có thể hoàn thành tốt các mục tiêu đã đặt ra. Hi vọng các cách giảm stress trong học tập, thi cử trên đây sẽ giúp bạn trở nên thoải mái và tràn đầy năng lượng hơn.


Chuyên viên Chuyên môn Hồ Thị Thu Hương

Tài liệu tham khảo
Cách giảm stress trong học tập vượt qua áp lực thi cử,https://tapchitamlyhoc.com/cach-giam-stress-trong-hoc-tap-thi-cu-3563.html