Sự phát triển của trẻ, đặc biệt ở giai đoạn 2-4 tuổi, luôn được cha mẹ quan tâm cả về thể chất lẫn tâm lý.
Đây là thời kỳ trẻ phát triển vượt bậc nhưng cũng có thể xuất hiện những bất thường như chậm nói, nói số hoặc màu sắc bằng Tiếng Anh thay vì Tiếng Việt, hoặc hoạt động không ngừng nghỉ. Những dấu hiệu này có thể khiến cha mẹ lo lắng và đặt câu hỏi liệu có cần can thiệp. Hiểu rõ vấn đề sẽ giúp cha mẹ hỗ trợ trẻ phát triển tốt hơn.
1. Rối loạn tăng động giảm chú ý
Theo Hiệp Hội Tâm Thần Mỹ (2013) đề cập đến rối loạn tăng động giảm chú ý đó là một rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi giảm chú ý và/hoặc tăng động/bốc đồng diễn ra thường xuyên, xuất hiện ở nhiều môi trường và gây ảnh hưởng đến chức năng sống.
Nguyên nhân rối loạn tăng động giảm chú ý
Hiện nay, chưa tìm được nguyên nhân gây nên rối loạn này, một số giả thuyết được đưa ra:
- Yếu tố trước sinh và chu sinh: Mẹ phơi nhiễm chất độc, dùng chất kích thích, hút thuốc, uống rượu, hoặc trẻ thiếu tháng, nhẹ cân.
- Yếu tố thể chất: Thiếu hoặc dư dinh dưỡng, nhiễm độc từ môi trường ảnh hưởng phát triển.
- Yếu tố tâm lý xã hội: Gia đình bất lợi, nuôi dạy khắc nghiệt gây ảnh hưởng tâm lý.
Biểu hiện rối loạn tăng động giảm chú ý
- Chú ý ngắn, nhanh chán, khó duy trì tập trung.
- Hoạt động liên tục, không ngồi yên, nói nhiều, gây ồn.
- Khó lắng nghe, hay ngắt lời hoặc chen ngang.
- Khó chờ đợi, chen hàng, giành lượt.
- Cảm xúc khó kiềm chế, dễ kích động, phản ứng mạnh dù ở nhà hay nơi công cộng.
Các phương pháp can thiệp cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý
Tùy vào tình trạng và mức độ rối nhiễu trẻ gặp phải để lựa chọn can thiệp hỗ trợ phù hợp như điều trị thuốc, điều chỉnh dinh dưỡng, can thiệp giáo dục. Cụ thể như sau:
- Điều trị thuốc: Áp dụng theo phác đồ của bác sĩ, dựa trên tình trạng và mức độ của trẻ.
- Điều chỉnh dinh dưỡng: Hạn chế thực phẩm gây kích thích như trà sữa, cà phê, nước ngọt có ga, đồ chiên dầu mỡ, bánh ngọt.
- Can thiệp giáo dục:
- Nguyên tắc chia nhỏ: Chia nhỏ yêu cầu hoặc nhiệm vụ, tăng dần độ khó để trẻ dễ thực hiện và xây dựng sự tự tin.
- Nguyên tắc sắp xếp: Lập thời gian biểu, sắp xếp nhiệm vụ để trẻ hiểu rõ và tự giác, hạn chế bùng nổ khi có thay đổi.
- Nguyên tắc kết hợp: Kết hợp đa kỹ năng qua các hoạt động như đếm bước chân khi đi cầu thang, vượt chướng ngại vật.
- Nguyên tắc thô trước tinh sau: Khuyến khích vận động cơ bản như chạy, ném bóng trước, sau đó rèn vận động tinh như tô màu, lắp ghép.
- Động viên khích lệ: Luôn cổ vũ việc làm đúng, tránh nhắc lỗi sai hoặc phạt trẻ.
2. Rối loạn ngôn ngữ
Trẻ nói Tiếng Anh mà không nói Tiếng Việt hoặc nói Tiếng Anh và Tiếng Việt lẫn lộn là trẻ rối loạn ngôn ngữ đúng không? Câu trả lời là “ Không”.
Rối loạn ngôn ngữ là một rối loạn giao tiếp được đặc trưng bởi sự khó khăn kéo dài trong việc tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ do thiếu khả năng hiểu và sử dụng từ vựng, ngữ pháp và hạn chế trong cách diễn đạt.
Biểu hiện rối loạn ngôn ngữ bao gồm:
- Về vốn từ: Trẻ có vốn từ ít hơn so với độ tuổi, như 4 tuổi nhưng chỉ nói được từ ghép, vốn từ dưới 50 từ.
- Về ngữ pháp: Trẻ khó tạo câu, kết hợp từ, sử dụng cấu trúc câu phù hợp ngữ cảnh. Ví dụ, khi trẻ sợ hãi không nói được "Con sợ" mà đếm “1 2 3…”, hoặc khi đói, thay vì nói "Con muốn ăn cơm" trẻ nói “Ăn cơm không?” hay “Cơm ăn con”.
- Kể và diễn đạt khó khăn: Trẻ khó kết nối từ vựng để giải thích, mô tả hoặc duy trì hội thoại. Ví dụ, khi xem bức tranh bạn đánh răng, trẻ chỉ nói "Đánh răng" hoặc "Chà chà…" kèm động tác, và gọi "buổi sáng" là "Mặt trời".
Nguyên nhân rối loạn ngôn ngữ
Hiện nay chưa xác định nguyên nhân chính xác, nhưng một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Trước sinh: Bất thường nhiễm sắc thể, gen, di truyền; tuổi bố mẹ lớn khi sinh con; mẹ phơi nhiễm chất độc, mắc bệnh nguy hiểm trong thai kỳ.
- Bệnh lý: Rối loạn cấu trúc và chức năng vùng ngôn ngữ trong não bộ.
- Môi trường: Thiếu tương tác trực tiếp trong gia đình, trường lớp; trẻ tiếp xúc nhiều với tivi, điện thoại, đặc biệt là các chương trình nước ngoài.
Phương pháp can thiệp hỗ trợ trẻ rối loạn ngôn ngữ
Trẻ có rối loạn ngôn ngữ, tùy thuộc vào mức độ và tình trạng mà cha mẹ có thể can thiệp hỗ trợ bằng cách khác nhau, có thể gợi ý như:
- Cung cấp vốn từ: Tăng vốn từ cho trẻ với nhiều chủ đề như phương tiện giao thông, con vật, màu sắc, sinh hoạt... sử dụng thẻ tranh, đồ vật, đồ chơi hàng ngày; thường xuyên đọc thơ, kể chuyện.
- Mở rộng câu: Tập cho trẻ mở rộng câu theo cấp độ từ đơn, ghép, cụm từ đến câu hoàn chỉnh. Ví dụ: Dạy từ "ăn", rồi "ăn cơm", "ăn bánh", "ăn mì".
- Phát triển diễn đạt: Trò chuyện mớm lời để trẻ bổ sung từ còn thiếu, khuyến khích trẻ mô tả các sự vật và sự việc xung quanh.
3. Rối loạn âm lời nói
Rối loạn âm lời nói xảy ra khi trẻ gặp vấn đề về phát âm dù đã qua mốc chuẩn tuổi lĩnh hội lời nói (trên 3 tuổi), trong khi kỹ năng nhận thức và ngôn ngữ của trẻ vẫn phát triển bình thường. Việc nhận biết và can thiệp sớm sẽ giúp cải thiện khả năng cấu âm của trẻ.
Một vài nguyên nhân dưới đây có thể làm cho trẻ có vấn đề về phát âm như:
- Bệnh lý: Các bệnh tai mũi họng, đường thở (viêm xoang, ngạt mũi, liệt dây thanh) hoặc suy giảm thính lực khiến trẻ phát âm không rõ.
- Phương ngữ: Ảnh hưởng từ giọng địa phương dẫn đến phát âm sai, ví dụ như “l” và “n”.
- Thói quen sử dụng thiết bị điện tử: Xem tivi, điện thoại nhiều, đặc biệt các chương trình tiếng nước ngoài, làm trẻ bắt chước sai hoặc mất dấu khi nói Tiếng Việt.
Biểu hiện rối loạn âm lời nói
- Thiếu âm: Từ không rõ do thiếu âm, ví dụ: “cam” thành “ca” hoặc “am”.
- Méo âm: Âm sai lệch, ví dụ: “bốn” thành “bốm”.
- Thay thế âm: Đổi âm, như “thỏ” thành “hỏ”.
- Thừa âm: Phát âm thêm âm không cần thiết, ví dụ: “sườn” thành “sường”.
Phương pháp hỗ trợ can thiệp rối loạn âm lời nói
- Kiểm tra y tế: Xác định liệu trẻ có khiếm khuyết giải phẫu sinh lý để can thiệp phù hợp.
- Hạn chế thiết bị điện tử: Giảm thời gian trẻ xem tivi, điện thoại, đặc biệt các chương trình nước ngoài.
- Tăng cường giao tiếp: Thường xuyên trò chuyện, đọc chuyện, thơ cho trẻ và điều chỉnh tốc độ nói chậm để trẻ nghe và phát âm rõ hơn.
- Gặp chuyên viên âm ngữ: Đưa trẻ đến chuyên viên để được hỗ trợ chỉnh âm phù hợp với mức độ rối loạn.
Những phương pháp này hy vọng sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn và có định hướng hỗ trợ kịp thời, giúp trẻ phát triển tốt trong giai đoạn quan trọng này.
Tác giả: Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Vân
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. American Psychiatric Association (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders: DSM-5. Washington, D.C., American Psychiatric Press.
2. De Freitas de Sousa A, Coimbra I M, Castanho J M, Polanczyk GV, Rohde LA. Attention deficit hyperactivity disorder. In Rey JM & Martin A (eds), JM Rey’s IACAPAP e-Textbook of Child and Adolescent Mental Health (phiên bản tiếng Việt; Phạm Minh Triết, Nguyễn Thị Huệ, Trần Kim Phú, eds). Geneva: International Association for Child and Adolescent Psychiatry and Allied Professions 2020.
3. Đinh Thị Hoa (2019), Nghiên cứu áp dụng thang Zimmerman trong sàng lọc rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em nói Tiếng Việt từ 1 đến 6 tuổi.
4. https://tapchitamlyhoc.com/tre-noi-ngong-10146.html
-----------------------------------------------------------
Hãy liên hệ với hệ thống 70 Trung tâm Rồng Việt gần bạn nhất để được tư vấn, đánh giá và hỗ trợ cho bé nhanh nói.