Trẻ nhỏ có biết cô đơn như Người lớn? - RVE

Với tình trạng gia đình một con ngày càng nhiều và sự lệ thuộc vào truyền thông xã hội ngày một lớn, trẻ nhỏ liệu có phải chịu đựng nỗi khổ sở của sự cô đơn không?

Theo nghiên cứu của Giáo sư Janis Bullock thuộc đại học bang Montana, trẻ mẫu giáo và lớp Một đã có thể hiểu được khái niệm cô độc và trả lời chính xác những câu hỏi về cảm nghiệm này, với những trình tự không khác của trẻ lớn hơn. Một nghiên cứu khác của Giáo sư Martin Pinquart, Đại học Phillips ở Marburg và cộng sự, có đến 80% người trẻ dưới 18 tuổi và 40% người trên 60 tuổi đã từng trải nghiệm trạng thái cô đơn.

tre co biet co don 2

Ở mỗi mức phát triển, nhu cầu giao tiếp của trẻ với thế giới xung quanh tăng dần về chất và lượng, trước là giao tiếp trong gia đình với ba mẹ anh chị em, sau là giao tiếp tại trường học với thầy cô bạn bè. Trẻ sẽ trải nghiệm sự cô đơn khi trẻ gặp khó khăn trong hoạt động giao tiếp với người khác. Sự cô đơn đó có thể là tiêu cực, cũng có thể là tích cực.

Cô đơn tiêu cực, hay còn gọi là cô độc, là sự thất bại trong nỗ lực kết nối với người khác. Cô độc là một loại bệnh lý. Trẻ cô độc, thường cảm thấy bị hắt hủi, lạnh nhạt, thậm chí bị tẩy chay bởi những bạn đồng lứa tuổi, hậu quả là nỗi buồn chán, xa lạ, cảm thấy vô nghĩa trong tương quan với bạn bè. Cảm nghiệm cô độc thường trực đối với trẻ thường dẫn đến ảnh hưởng tai hại lên trí năng, khả năng tập trung, cảm nhận và hành vi của trẻ. Về lâu dài, trẻ cô độc có thể trầm cảm và chịu đựng chứng trầm cảm nhiều khi kéo dài cả cuộc đời.

Cô đơn tích cực, là ý thức trọn vẹn sự độc lập của mình như một chủ thể trong thế giới. Là một trạng thái trưởng thành của tâm thức. Chỉ khi một đứa trẻ đối diện với cô đơn, nó mới bắt đầu trở thành một người lớn; chỉ khi con người đối diện với cô đơn, con người mới có thể trưởng thành. Trẻ cô đơn, hiểu rằng chúng phải đứng vững trên đôi chân của mình để tự xây dựng một bảng giá trị sống, những tín lý sống, một hiện thực mà người khác chỉ có thể dự phần chứ không thể làm thay.

Như vậy, trẻ có thể đã phải cảm nghiệm nỗi cô đơn và chịu đựng nỗi khổ sở của nó ngay từ khi còn rất nhỏ, điều đó mang đến cho trẻ nhiều tác hại hơn là lợi ích, vì trẻ không thể tự mình đối mặt với cô đơn mà không có sự hỗ trợ từ người lớn.
Để nỗi cô đơn, đặc biệt là cô đơn tiêu cực – cô độc không nhấn chìm trẻ, thay vào đó cô đơn trở thành động lực cho sự phát triển và mạnh mẽ về tinh thần, thì bố mẹ thầy cô cần hỗ trợ và đồng hành với trẻ ngay từ bây giờ. (…còn tiếp)

(Bài viết được người viết bổ sung và biên tập lại từ chương “Trong nỗi cô đơn”, sách Dạy con trong hoang mang - TS. Lê Nguyên Phương)