Thực trạng hiện nay cho thấy, rất nhiều bậc ba mẹ sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất lớn đến tận cả mấy chục triệu để mua về cho con trẻ một chiếc ipad, điện thoại hay tivi màn hình rộng để con được xem cho thỏa thích.
Và khi đề cập đến việc hãy mua thêm đồ chơi cho trẻ chơi thì ba mẹ lại loay hoay không biết mình phải mua gì? Mua như thế nào. Và ba mẹ chưa nhận thấy được tầm quan trọng của đồ chơi đối với sự phát triển của trẻ. Bài viết này sẽ hỗ trợ giải đáp một câu hỏi quan trọng của đồ chơi đối với sự phát triển của trẻ giai đoạn từ 0 - 6 tuổi. Ba mẹ hãy cùng theo dõi bài viết để nhận thấy được tầm quan trọng của đồ chơi đối với trẻ nhé.
Thông qua đồ chơi giúp phát triển tư duy nhận thức ngôn ngữ, vận động tinh cho trẻ
Thứ nhất, các ba mẹ cần lưu ý rằng sự phát triển trong sáu năm đầu đời là vô cùng quan trọng và đồ chơi với trẻ cũng mang trong đó rất nhiều ý nghĩa, thậm chí nó còn được ví von rằng nếu người nông dân đi cày cần cái cày thì trẻ con khi chơi phải có đồ chơi. Sự phát triển của trẻ từ giai đoạn 0- 6 tuổi là tư duy trực quan hành động, hay còn gọi là thời kỳ tiền thao tác. Chính vì vậy thời kỳ này khi trẻ được cầm nắm, tương tác với đồ chơi sẽ giúp trẻ phát triển rất tốt về tư duy, nhận thức và ngôn ngữ.
Thứ hai, khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ thì hãy lưu ý rằng mình không chỉ mua những gì trẻ thích mà cần mua những gì cần để thông qua các cách chơi trẻ sẽ phát triển các kỹ năng về cả vận động tinh- phối hợp mắt tay, nhận thức, tự lập- xã hội hóa. Mỗi giai đoạn sẽ có cách thực hiện chọn lựa đồ chơi cho trẻ khác nhau. Trẻ sẽ có 3 giai đoạn chơi trong quá trình phát triển tâm lý đó là chơi cảm giác, chơi chức năng và chơi tưởng tượng.
Giai đoạn từ 0- 12 tháng tháng trẻ đang chơi theo cảm giác với chơi cảm giác ba mẹ có thể kích ở các cơ quan cảm giác khác nhau: ví dụ như cho trẻ bóp những quả bóng gai nhỏ, cầm những đồ vật có độ mềm, cứng, nhẵn bóng để trẻ cảm nhận được ở các đầu ngón tay. Thường xuyên cho trẻ ra môi trường có cây xanh, bóng mát để trẻ ngắm nhìn thiên nhiên phát triển thị giác. Bên cạnh đó ba mẹ có thể lựa những sách truyện có màu sắc tương phản hai màu đen trắng để trẻ quan sát, thường xuyên nằm đọc hát những bài thơ vần điệu dễ nghe dễ nhớ để kích thích thính giác. Những tương tác thông qua chơi sẽ giúp trẻ phát triển các cơ quan cảm giác rất tốt.
Ở giai đoạn từ 1 tuổi đến 3 tuổi tháng đây được gọi là giai đoạn chơi chức năng, ở giai đoạn này trẻ có thể chơi những món đồ chơi như: xếp hình, lego, xe củi thả hình, tháp chú hề, …những trò chơi đòi hỏi tính quy luật đơn giản và thả đúng chức năng của món đồ chơi đó. Như khi trẻ chơi xe củi thả hình trẻ phải thả đúng các khối vào tam giác, tròn, vuông, chữ nhật… việc thao tác cầm nắm và thả các khối sẽ giúp vận động tinh của trẻ ngày một hoàn thiện hơn, trẻ sẽ trở nên khéo léo sau mỗi lần chơi. Không những vậy trẻ sẽ điều chỉnh được cách chơi bản thân cho phù hợp, có những trẻ đã thử và sai rất tốt. Chính khi chơi đúng chức năng trẻ cũng học được cách nhận biết hình dạng, màu sắc các khối khi chơi.
Ở giai đoạn từ 3 tuổi đến 6 tuổi giai đoạn chơi giả vờ, chơi tưởng tưởng. Ở thời kì này một số món đồ chơi ba mẹ có thể lựa chọn như: chơi giả vờ làm bác sĩ, chơi giả vờ nấu ăn….trẻ sẽ đóng các vai khác nhau, khi trẻ được chơi giả vờ trẻ thỏa sức phát triển tư duy tưởng tượng và ngôn ngữ. Cũng từ cách chơi tưởng tượng trẻ học được các kỹ năng xã hội như đi mua hàng thì phải có tiền, phải xếp hàng chờ thanh toán….Các hoạt động chơi đóng vai theo chủ đề được xem là một môi trường tốt để kích thích ngôn ngữ tốt cho trẻ, giúp trẻ linh hoạt hơn trong các tình huống, chính các tình huống này hình thành các kỹ năng sống cho trẻ.
Thông qua đồ chơi kết nối các thành viên trong gia đình
Thứ ba là khi chơi đồ chơi trẻ được tương tác, kết nối cùng các thành viên trong gia đình nhất là ba mẹ, ông bà ngoài ra còn là cơ hội để giao tiếp cùng bạn bè xung quanh. Từ các trò chơi tạo nên bầu không khí gia đình vui vẻ, giúp trí tuệ cảm xúc của trẻ ngày một tốt. Trẻ cảm nhận được gia đình là nơi cho trẻ tình yêu thương, sự đùm bọc chở che. Sự hình thành trí tuệ cảm xúc từ 0- 6 tuổi là nền tảng cho sự ổn định phát triển tâm lý về sau.
Thông qua đồ chơi nhận biết những vấn đề tâm lý trẻ gặp phải
Thứ tư từ cách chơi của trẻ một số ba mẹ cũng đã phát hiện ra những vấn đề bất thường trong tâm lý trẻ, một số trẻ khi chơi đồ chơi không đúng như trong ba giai đoạn trên mà trẻ chỉ chơi rập khuôn theo cách của mình như xếp đồ chơi thành hàng, xếp thành chồng cao, phải lựa các đồ vật giống màu nhau để chơi, hay khi đưa cho trẻ xe thì trẻ chỉ nằm ra và xoay bánh xe. Việc trẻ bị say mê quá mức vào chơi rập khuôn và gần như chỉ chơi một mình không tương tác cùng ba mẹ, người chăm sóc ngay cả khi có một trẻ bằng tuổi đang ngồi gần là một dấu hiệu để hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ.
Với những yếu tố trên một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của đồ chơi trong sự phát triển tâm lý trong những năm tháng đầu đời từ 0- 6 tuổi. Không phủ nhận các chương trình trên internet có nhiều màu sắc sinh động, âm thanh bắt mắt nhưng nếu cho trẻ xem quá sớm và quá nhiều sẽ làm trẻ giảm tương tác, có thể chậm về nhận thức, ngôn ngữ và cả vận động tinh ở trẻ.
0-6 tuổi là giai đoạn cần sự kết nối tương tác cùng trẻ, ba mẹ đồng hành cùng nhau lựa chọn những món đồ chơi phù hợp với đặc điểm tâm lý nhu cầu của trẻ cũng như phù hợp với sinh tế mỗi gia đình. Đồ chơi không nhất thiết phải đắt tiền mà yếu tố quyết định là từ các công cụ là đồ chơi ba mẹ dành cho con được lượng thời gian bao nhiêu để tương tác, trò chuyện, kết nối cùng trẻ. Đừng để internet lấy đi sự tương tác, phát triển của trẻ!
ThS. Tâm lý Lê Thị Thảo
Tài liệu tham khảo
- Phạm Thị Hoài Anh, 15 phút mỗi ngày yêu con, NXB phụ nữ, 2016
- Phạm Toàn, Tâm lý học trẻ em, NXB Trẻ, 2022
- Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2006
-----------------------------------------------------------
Hãy liên hệ với hệ thống 70 Trung tâm Rồng Việt gần bạn nhất để được tư vấn, đánh giá và hỗ trợ cho bé nhanh nói.