Trẻ chậm nói là một nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh. Khi đã có quyết định cho trẻ đi can thiệp ba mẹ cũng cần biết rằng gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc can thiệp và hỗ trợ cho trẻ chậm nói.
Cho trẻ đi can thiệp là một sực lựa chọn của các bậc ba mẹ, tuy nhiên một khi cho trẻ đi can thiệp ba mẹ cũng cần có những lưu ý để giúp trẻ nhanh tiến bộ.
Bài viết này sẽ cung cấp thêm cho ba mẹ những thông tin cần lưu ý khi cho trẻ đi can thiệp.
Đầu tiên, khi nói đến can thiệp là nói đến sự tác động có mục tiêu, có kế hoạch của gia đình, nhà giáo dục đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Thông thường những trẻ cần đưa đi can thiệp có thể là chậm nói đơn thuần cũng có thể trẻ rơi vào nhóm trẻ rối loạn phát triển tâm lý như: rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn ngôn ngữ…Dù trẻ gặp phải bất kì vấn đề gì đi chăng nữa thì việc can thiệp đúng thời điểm, môi trường phù hợp sẽ là trao thêm cơ hội cho trẻ phát triển về nhận thức và tăng cơ hội hòa nhập với môi trường xã hội của trẻ.
Những điều ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ đi can thiệp
Thứ nhất: Ba mẹ cần biết được chính xác vấn đề của trẻ.
Khi ba mẹ nhận thấy trẻ đang chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa hoặc con xuất hiện các biểu hiện đáng lo thì thường lên các trang mạng để tìm kiếm thông tin hoặc học hỏi kinh nghiệm. Không phủ nhận trên các group có nhiều ba mẹ có kinh nghiệm thực tế trong việc chăm sóc và can thiệp cho trẻ. Nhưng mỗi trẻ là một cá thể khác nhau, vấn đề tâm lý, mức độ phát triển và các rối nhiễu cũng khác nhau. Chính vì vậy, nếu thấy trẻ có dấu hiệu nào đó đáng lo ngại thì ba mẹ hãy tìm đến các đơn vị y tế, trung tâm chuyên về đánh giá can thiệp uy tín để tiến hành đánh giá toàn diện cho trẻ. Ở đó bác sĩ, các chuyên gia về tâm lý đánh giá vấn đề của trẻ được chính xác hơn. Việc chỉ vào kinh nghiệm mà thiếu các dẫn chứng khoa học có thể làm cho việc can thiệp cho trẻ đi sai đường, mất cơ hội can thiệp và thời gian vàng của trẻ.
Thứ hai: Ba mẹ cần biết được mức độ phát triển hiện tại của trẻ.
Nhiều ba mẹ không biết chính xác được mức độ phát triển của trẻ. Thậm chí có ba mẹ còn nói rằng con mình biết tất cả chỉ là không biết nói. Nhưng để đánh giá cần có các bác sĩ, chuyên gia xác định được mức độ phát triển của trẻ về các mặt: Nhận thức, lời nói, vận động tinh, vận động thô, cá nhân - xã hội một cách đầy đủ chứ không phải chỉ đánh giá về lời nói. Thường các đánh giá này có những bài test rõ ràng theo mức độ của của trẻ. Chỉ khi biết được chính xác mức độ phát triển thì ba mẹ mới có các bài tập can thiệp phù hợp với trẻ. Ví như trẻ mức độ lời nói 6-8 tháng thì ba mẹ chỉ tập phát âm cho con các nguyên âm U, E, O, A, I hoặc tập bắt chước tiếng kêu con vật. Trẻ ở múc độ lời nói 12-14 tháng thì có thể tập cho trẻ nói theo từng từ đơn như: cá, gà, bò, mẹ… Như vậy, để thấy với các mốc phát triển khác nhau thì mục tiêu cho trẻ cũng hoàn toàn thay đổi để phù hợp với vùng phát triển gần của trẻ. Khi nắm được mức độ phát triển để ba mẹ hỗ trợ các bài tập can thiệp phù hợp với trẻ.
Thứ ba: Ba mẹ cần có sự kiên trì khi cho trẻ đi can thiệp.
Câu hỏi là vì sao phải kiên trì cho trẻ đi can thiệp. Việc can thiệp với trẻ không thể chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai mà can thiệp có thể tính hằng tháng, hằng năm, thời gian còn tùy thuộc vào vấn đề, mức độ phát triển mà trẻ đang gặp phải. Khi cho trẻ đi can thiệp ba mẹ cần can thiệp tích cực, kiên trì chứ không nên ngắt quãng để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc, lưu ý rằng lượng đổi thì chất mới đổi. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng là người đồng hành cùng trẻ bằng cách học hỏi thêm các kiến thức chuyên môn, kĩ năng để hỗ trợ chăm sóc và can thiệp cho trẻ trong môi trường gia đình, xã hội.
Thứ tư: Ba mẹ cần chọn hình thức can thiệp phù hợp với trẻ
Việc lựa chọn hình thức can thiệp tùy thuộc vào vấn đề và mức độ mà trẻ gặp phải. Với trẻ gặp rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý,…mức độ phát triển dưới 12 tháng thì ba mẹ nên cân nhắc cho trẻ can thiệp tập trung tại các trung tâm để được hỗ trợ can thiệp nhiều nhất có thể. Với những trẻ chỉ chậm nói đơn thuần, thiếu vốn từ giao tiếp ba mẹ có thể kết hợp vừa học mầm non vừa học can thiệp 1:1 hoặc theo giờ ( 2 giờ/ngày) tại các trung tâm. Ba mẹ lưu ý rằng dù trẻ can thiệp tại trung tâm tập trung hay theo giờ hay can thiệp 1:1 thì yếu tố đồng hành của gia đình vẫn là yếu tố quyết định. Trẻ luôn cần sự đồng hành của ba mẹ hỗ trợ khi trẻ về nhà, tăng cường cho trẻ tương tác với bạn bè đồng trang lứa, kiên nhẫn trò chuyện cầm tay chỉ việc để trẻ tốt hơn từng ngày.
Thứ năm: Ba mẹ cần cho trẻ đi can thiệp càng sớm càng tốt
Thời điểm vàng để can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển tâm lý là trước 3 tuổi. Chính vì vậy, can thiệp cho trẻ càng sớm càng tốt, ngay khi ba mẹ phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường cần cho trẻ đi kiểm tra và can thiệp. Can thiệp cho trẻ sớm tăng cơ hội phát triển giúp trẻ có được các kỹ năng cần thiết để hòa nhập trong tương lai.
Hi vọng thông qua bài viết này ba mẹ sẽ có một cái nhìn toàn diện khi cho con đi can thiệp. Dù lựa chọn phương pháp, hình thức nào thì không thể phủ nhận được yếu tố của gia đình trong việc đồng hành can thiệp cùng trẻ. Ba mẹ hãy ghi nhận sự thay đổi mỗi ngày, mỗi tuần mỗi tháng, khích lệ khi trẻ làm tốt để tạo ra bầu không khí vui vẻ trong gia đình. Dẫu hành trình can thiệp nhiều khó khăn nhưng đó là một trải nghiệm mang nhiều giá trị cho các gia đình.
Chuyên viên tâm lý Huỳnh Thị Hà
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- TS. Nguyễn Xuân Hải, TS. Nguyễn Nữ Tâm An, TS. BS. Hoàng Văn Tiến, Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại Việt Nam, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2023.
- Đỗ Thị Thảo, ThS. Nguyễn Thị Hoa, ThS. Trần Tuyết Anh, Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trí tuệ, NXB Khoa học và kỹ thuật, 2020.
- Phạm Toàn, Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM5, NXB trẻ, 2021