Những hoạt động ngày tết cho trẻ - RVE

Tết đến xuân về, mọi người tất bật chuẩn bị đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

Đây cũng là dịp để gia đình sum vầy, lưu giữ kỷ niệm và tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm những hoạt động ý nghĩa, học hỏi trong không khí Tết truyền thống. Dưới đây là một số những hoạt động trải nghiệm ba mẹ có thể dành cho trẻ trong dịp tết:

nhung hoat dong ngay tet cho tre

Thứ nhất, mua sắm ngày tết.

Đây là hoạt động thú vị để ba mẹ và trẻ cùng đồng hành. Trước khi đi, hãy lên kế hoạch rõ ràng: địa điểm (chợ, siêu thị), phương tiện (xe máy, xe hơi), thời gian (ngày thường hoặc cuối tuần) và danh sách đồ cần mua (bánh kẹo, trái cây, thịt, cá). Khi mua sắm, hướng dẫn trẻ:

  • Chọn hàng phù hợp.
  • Xếp hàng khi thanh toán.
  • Nhặt đồ nếu làm rơi, xin lỗi khi va chạm.
  • Cảm ơn khi được hỗ trợ.

Đừng quên khen ngợi trẻ để rèn tính tự lập, lòng biết ơn và tăng sự tự tin khi cùng ba mẹ trải nghiệm.

Thứ hai, dọn dẹp nhà cửa đón Tết

Ba mẹ có thể dùng hình ảnh minh họa các hoạt động như lau bàn, quét nhà để trẻ dễ hình dung. Chuẩn bị dụng cụ như khăn, chổi, cây lau nhà và giao nhiệm vụ rõ ràng: ví dụ “con lau bàn, mẹ lau ghế”. Ba mẹ nên làm mẫu cho trẻ quan sát, đồng thời hỗ trợ và nhắc nhở trong suốt quá trình. Đây không chỉ là cơ hội dọn dẹp mà còn giúp trẻ học hỏi và tăng tinh thần đồng đội trong gia đình.

Thứ ba, trang trí ngày tết

Đây là hoạt động phong phú và vui nhộn mà ba mẹ có thể cùng trẻ thực hiện, như trang trí cây hoa mai, hoa đào. Hãy giới thiệu cho trẻ về các loài hoa đặc trưng ngày Tết (hoa mai, hoa đào, cây quất) và ý nghĩa của chúng: cầu mong bình an, sung túc, hạnh phúc.

Ba mẹ có thể cùng trẻ trang trí cây bằng cách gắn bao lì xì, đèn nháy hoặc tùy theo khả năng khéo léo để trẻ tham gia. Ngoài ra, chăm sóc cây cảnh như tưới nước mỗi ngày cũng giúp trẻ học được sự tỉ mỉ và trách nhiệm.

Thứ tư, trang trí mâm ngũ quả dịp tết

Ba mẹ có thể giới thiệu cho trẻ về ý nghĩa mâm ngũ quả, cầu mong may mắn, sung túc, an lành, và sự khác biệt giữa các vùng miền: Miền Bắc có chuối, bưởi, cam; Miền Nam có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài.

Ba mẹ hướng dẫn trẻ về đặc trưng các loại quả (màu sắc, mùi, vị) như chuối vàng ngọt, bưởi chua, xoài ngọt. Khi bày mâm ngũ quả, trẻ có thể tham gia rửa quả và đưa quả để ba mẹ sắp xếp, giúp trẻ cảm nhận ý nghĩa truyền thống và tăng sự gắn kết gia đình.

Thứ năm, cắt dán thiệp chúc tết

Ba mẹ cùng trẻ làm thiệp chúc Tết từ nguyên liệu đơn giản như giấy, màu, keo dán, kéo. Hãy liệt kê người nhận để trẻ hiểu các mối quan hệ và sử dụng đại từ phù hợp. Ba mẹ hướng dẫn cách dùng nguyên liệu, tạo mẫu thiệp, đồng thời kết hợp thao tác và lời nói để trẻ phát triển kỹ năng toàn diện.

Thứ sáu, hoạt động chúc tết

Chúc tết là một nét đẹp văn hóa của người Việt, là cách để mỗi chúng ta bày tỏ lòng tri ân báo hiếu, chúc một năm mới bình an, hạnh phúc đến ông bà cha mẹ người thân và bạn bè. Vì vậy, ba mẹ cũng có thể chọn những câu chúc đơn giản, ý nghĩa gửi tới ông bà cha mẹ.

Bên cạnh những câu thơ chúc ba mẹ cũng có thể cho trẻ học những bài hát ngắn như “Bánh chưng xanh” Sắp đến tết rồi” ... Khi học hát, ba mẹ có thể kết hợp thêm với các động tác minh họa để bài hát trở nên sinh động, hứng thú với trẻ. Cùng với đó, ba mẹ có thể đưa ra các câu hỏi về nội dung của các lời chúc, bài hát như “Con thấy ngày tết có những gì?” – bánh chưng, dưa hấu đỏ, mai vàng, hoa đào, bao lì xì.

hoat dong cua tre trong dip tet 5

Thứ bảy, lễ giáo ngày tết

Ba mẹ dạy trẻ những giá trị văn hóa truyền thống như nhận lì xì bằng hai tay, nói cảm ơn, và tránh mở lì xì trước mặt người tặng. Hãy chuẩn bị túi nhỏ để trẻ giữ lì xì hoặc hướng dẫn trẻ đưa ba mẹ giữ. Đồng thời, ba mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách dùng tiền mừng tuổi: tiết kiệm bằng cách bỏ heo, sử dụng cho học tập, hoặc chia sẻ giúp đỡ người khó khăn để nuôi dưỡng lòng nhân ái.

Thứ tám, chụp ảnh/quay video lưu giữ những hình ảnh ngày tết

Đây là cách tuyệt vời để ba mẹ lưu giữ những khoảnh khắc vui tươi và ý nghĩa. Ba mẹ có thể ghi lại các hoạt động trẻ tham gia hoặc nhờ trẻ chụp hình những việc ba mẹ làm. Trẻ sẽ rất hứng thú khi xem lại hình ảnh của mình, đồng thời cảm thấy tự hào khi được giao nhiệm vụ.

Một số lưu ý khi tổ chức hoạt động cho trẻ vào dịp tết

  • Lập kế hoạch: Ba mẹ cùng trẻ lên kế hoạch trước mỗi hoạt động (trẻ làm gì, làm với ai, làm khi nào, làm như thế nào) để giúp trẻ hiểu và ghi nhớ.
  • Chuẩn bị tâm lý: Tạo sự sẵn sàng, hứng khởi để trẻ tiếp nhận trải nghiệm từ từ, tránh cảm xúc bộc phát khi thay đổi đột ngột.
  • Chia sẻ ý nghĩa: Giải thích ý nghĩa, nguyên liệu và vật dụng sử dụng trong từng hoạt động, kèm thao tác minh họa giúp trẻ quan sát và thực hiện dễ dàng.
  • Sử dụng thẻ hình: Minh họa từng bước để trẻ nắm bắt hoạt động dễ hơn và tự kiểm tra kết quả.

Chúc ba mẹ và các bé có một mùa xuân tràn đầy niềm vui, ấm áp, và ý nghĩa! Mong rằng những hoạt động này sẽ mang đến cho gia đình thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Năm mới, chúc gia đình bình an, khỏe mạnh, và luôn hạnh phúc.

Chuyên viên tâm lý: Nguyễn Thị Vân

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Thị Hoài Anh, 15 phút mỗi ngày yêu con, NXB phụ nữ, 2016
  2. Bùi Phương Tâm, Đúng là tết, NXB Kim Đồng, 2022
  3. https://kids.pops.vn/blog/tho-chuc-tet-cho-be/
  4. https://hanu.edu.vn/a/94079/Nhung-phong-tuc-trong-ngay-Tet-co-truyen