Nhận thức của trẻ giai đoạn 0 - 2 tuổi - RVE

Theo dõi tiến trình phát triển nhận thức của một trẻ từ 0 - 2 tuổi là vô cùng quan trọng. Các bậc phụ huynh cần chú ý quan sát tiến trình phát triển nhận thức của trẻ trong giai đoạn này.

Cùng Trung tâm Rồng Việt điểm lại sự phát triển nhận thức của trẻ 0 - 2 tuổi.

Đặc điểm phát triển nhận thức từ 0 - 2 tuổi

1. Đặc điểm phát triển nhận thức 0 - 12 tháng tuổi

Nhận thức từ 0 - 12 tháng tuổi, có thể chia ra làm 4 giai đoạn nhỏ:

  • Từ 0 - 3 tháng tuổi, trẻ biết phản ứng qua lại với giọng nói quen thuộc của ba mẹ, khi ba mẹ trò chuyện cùng với trẻ. Đồng thời, trẻ cũng đã biết chú ý tới miệng hay mắt của người nói và đáp ứng lại bằng cách mỉm cười.
  • Lên giai đoạn 3 - 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết xoay đầu về hướng có giọng nói của ba mẹ hay của những người trò chuyện xung quanh trẻ. Trẻ biết đáp ứng lại với âm thanh như: nhìn vào gương mặt, tạo ra các phát âm như: aaaa, iii,….với người đang giao tiếp cùng trẻ.
  • Tới giai đoạn 6 - 9 tháng tuổi, trẻ biết đáp ứng với cử chỉ như “bế lên” hay “đến đây nào” của người lớn. Bên cạnh đó, trẻ biết dừng hoạt động khi được gọi tên như: khi đang bò nghe mẹ gọi tên trẻ biết dừng lại và quay đầu tìm. Bắt đầu biết vẫy vẫy tay để đáp ứng với lời chào tạm biệt.
  • Qua giai đoạn 9 - 12 tháng, trẻ biết đưa đồ vật theo yêu cầu của ba mẹ như: đưa trái banh cho mẹ, đưa bình sữa cho ba…Biết nhìn ba mẹ khi được gọi tên. Trẻ bắt đầu hiểu các câu hỏi đơn giản như: mắt đâu? bụng đâu?... Đồng thời, nhận biết được 2 bộ phận cơ thể của bản thân (đầu, bụng), nhận biết con vật quen thuộc (chó, mèo), đồ dùng quen thuộc của bản thân (nón, áo khoác, bình sữa).

Như vậy có thể thấy, giai đoạn 0 - 12 tháng tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển về mặt nhận thức. Để hỗ trợ trẻ ở giai đoạn này, ba mẹ cần trò chuyện với trẻ nhiều hơn, thiết lập các tương tác với trẻ như: ngồi ngang tầm mắt trẻ để trò chuyện, chú ý đến trẻ và cho trẻ thêm thời gian để trẻ bắt đầu giao tiếp.

Đồng thời, ba mẹ cũng cần lưu ý rằng, giai đoạn này không nên để trẻ chơi một mình, tiếp xúc với thiết bị điện tử vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ, có thể trẻ phụ thuộc vào công nghệ, thiếu tương tác hai chiều, có nguy cơ dẫn đến chậm nhận thức, ngôn ngữ.

nhan thuc cho tre 0 2 tuoi 2

2. Đặc điểm phát triển nhận thức 12 tháng - 24 tháng tuổi

  • Trẻ 12 - 15 tháng tuổi, giai đoạn này trẻ đã biết làm theo hướng dẫn một bước trong trò chơi giả vờ khi ba mẹ yêu cầu như: lấy muống đút cho búp bê ăn, khám bệnh cho ba mẹ…Thích thú với các bài thơ có vần (yêu mẹ) và các trò chơi ngón tay (chi chi chành chành). Không những vậy, trẻ còn hiểu được một vài giới từ như: trong, ngoài, trên dưới. Nhận diện được 3 bộ phận cơ thể của bản thân mình hay của búp bê như: mắt, mũi, miệng.
  • Qua giai đoạn 15 - 18 tháng, nhận thức của trẻ phát triển hơn, trẻ nhận biết được 6 bộ phận cơ thể. Biết hoàn tất 2 yêu cầu với 1 đồ vật như: cho búp bê ăn và đi ngủ. Đồng thời, lựa chọn 2 vật quen thuộc theo yêu cầu.
  • Tới giai đoạn 18 - 21 tháng, trẻ hiểu được các yêu cầu như: ngồi xuống và đến đây khi người khác yêu cầu. Biết nhận diện các hình thẻ khi được nhắc tên: lấy cho mẹ cái chén hay lấy cho mẹ cái nón. Ngoài ra, trẻ hiểu nghĩa các từ hành động như: đi hiểu đó là đi, ăn hiểu đó là ăn.
  • Bước qua giai đoạn 21 - 24 tháng trẻ biết chọn 1 vật từ nhóm 5 vật theo yêu cầu như: chọn quả táo trong nhóm 5 loại quả. Làm theo hướng dẫn 2 bước có liên quan như: con lấy cái nón rồi sau đó đội lên đầu.

nhan thuc cho tre 0 2 tuoi 3

3. Một vài lưu ý cho ba mẹ trong quá trình phát triển nhận thức cho trẻ

Điều thực sự quan trọng để phát triển nhận thức cho trẻ trong giai đoạn từ 0 - 2 tuổi chính là lựa chọn các hoạt động phù hợp và tăng tính kết nối cùng trẻ, tạo ra những hoạt động vừa học vừa chơi. Cả gia đình cùng nhau chơi tìm màu sắc, tìm hình dạng, tìm con vật, ngoài ra ba mẹ có thể kích thích trẻ bằng những bài đồng dao, bài thơ, bài hát quen thuộc như: bà ơi bà, cả nhà thương nhau…Nếu trong quá trình ba mẹ tổ chức hoạt động trẻ hào hứng tham gia thì đó là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển nhận thức của trẻ.

nhan thuc cho tre 0 2 tuoi 7

Ở trẻ 24 tháng, ba mẹ có thể phát triển nhận thức và tăng sự tập trung chú ý bằng cách đọc sách cho trẻ nghe mỗi ngày. Ba mẹ có thể lựa chọn các dòng sách truyện có nội dung, hình ảnh đơn giản như Ehon.

Với những khả năng nhận biết như trên của trẻ, ba mẹ cần nhiều thời gian để hướng dẫn cho trẻ. Ở ngưỡng 24 tháng được xem là giai đoạn vàng, ba mẹ có thể đưa trẻ ra môi trường xã hội, trò chuyện và đặt ra với trẻ những câu hỏi để trẻ tư duy và phản hồi thông tin.

Nhiều bậc ba mẹ cho rằng trẻ chưa nói nhiều thì chờ đến khi nào trẻ nói nhiều mới dạy nhận thức cho trẻ. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, nếu chờ đến khi trẻ nói rồi mới dạy trẻ thì mọi sự đã chậm trễ. Nhận thức tư duy của trẻ đi trước một bước so với sự phát triển lời nói.

Các bậc ba mẹ nên thường xuyên cho trẻ tham gia vào làm việc nhà để trẻ tăng khả năng nghe hiểu mệnh lệnh và ghi nhớ những yêu cầu. Làm việc nhà càng nhiều thì sự tương tác giữa ba mẹ và trẻ càng cao.

Tin rằng khi các bậc ba mẹ nắm vững được tiến trình phát triển nhận thức của trẻ ở giai đoạn 0 - 2 tuổi sẽ là nền tảng tốt cho sự phát triển trong tương lai cho trẻ. Ba mẹ hãy cùng nhau lựa chọn các hoạt động phù hợp để phát huy hết tiềm năng cho trẻ.

Th.S Tâm lý Lê Thị Thảo

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2006.