Dạy bảng chữ cái cho trẻ 5-6 tuổi là cách chuẩn bị hành trang giúp trẻ tự tin vào lớp một.
Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng khi trẻ thường học trước quên sau, không thích học. Bài viết sẽ đưa ra một số lưu ý để phụ huynh hỗ trợ trẻ học chữ cái hiệu quả hơn.
Lưu ý thứ nhất: Phụ huynh cần chú ý phát âm của trẻ
Phụ huynh cần lắng nghe kỹ khi trẻ phát âm để phát hiện và điều chỉnh kịp thời các lỗi sai. Điều này giúp trẻ phát âm chính xác hơn, xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình học tập sau này.
Lưu ý thứ hai: Không nên tạo quá nhiều áp lực cho trẻ
Phụ huynh không nên đặt kỳ vọng quá cao, tránh khiến trẻ mất hứng thú học tập. Thay vì ép trẻ viết chữ sớm, nên tập trung giúp trẻ nhận biết mặt chữ và tạo môi trường thực hành nhẹ nhàng, thoải mái để trẻ ghi nhớ tốt hơn.
Lưu ý thứ ba: Luôn tạo niềm hứng thú và niềm vui cho trẻ
Phụ huynh có thể kết hợp đồ chơi để trẻ vừa học vừa chơi bảng chữ cái, giúp trẻ tiếp thu tự nhiên và ghi nhớ sâu hơn. Tránh ép trẻ học khi không thích, thay vào đó, khích lệ, động viên và ôn luyện chữ cái qua các tình huống hàng ngày. Sau mỗi lần kiểm tra, nên thưởng nhỏ để động viên, tạo động lực cho trẻ trong những bài học tiếp theo.
Lưu ý thứ tư: Cho trẻ thực hành để giúp trẻ ghi nhớ
Dạy trẻ bảng chữ cái cần sự kiên nhẫn từ gia đình, vì trẻ không thể nhớ toàn bộ trong thời gian ngắn. Phụ huynh nên tạo cơ hội thực hành mọi lúc, mọi nơi, không chỉ qua sách vở mà còn thông qua tranh ảnh, con vật, hoặc đồ dùng trong nhà. Phương pháp này giúp trẻ ghi nhớ mặt chữ và quan sát thế giới xung quanh tốt hơn. Ví dụ, khi thấy chữ cái trên áo hoặc đồ ăn, hãy yêu cầu trẻ phát âm để củng cố ghi nhớ và cải thiện phản xạ.
Lưu ý thứ năm: Chú ý đến tín hiệu của trẻ
Thiết lập thời gian biểu hợp lý, dành 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày để trẻ luyện viết, tránh kéo dài gây mệt mỏi. Quan sát và lắng nghe để điều chỉnh khi trẻ mất tập trung, đồng thời ngừng hoạt động khi cần để tránh quá tải. Tạo môi trường học tập phong phú với sách tranh, thẻ chữ cái và bảng từ để trẻ khám phá tự nhiên và thoải mái.
Lưu ý thứ sáu: Dạy trẻ học chữ cái tiếng Việt qua hình ảnh
Phụ huynh nên sử dụng sách có bảng chữ cái kèm hình ảnh sinh động, nhiều màu sắc để khơi gợi sự tò mò và hứng thú học tập của trẻ. Kết hợp hình minh họa giúp trẻ nhớ lâu hơn thông qua liên tưởng, ví dụ, chữ Ô gắn với cái ô, A với con cá, E với chiếc xe. Phương pháp này không chỉ kích thích thị giác mà còn tăng khả năng ghi nhớ. Tuy nhiên, cần chọn hình ảnh phù hợp với độ tuổi và chữ cái để trẻ dễ tiếp thu.
Lưu ý thứ bảy: Cần tạo không gian học tập hứng khởi cho trẻ
Thiết kế khu học tập yên tĩnh, thoáng mát, tránh tiếng ồn và sự chi phối từ tivi hay các vật dụng khác. Trang trí khu vực này với hình ảnh bảng chữ cái, con vật, hoa quả để khơi gợi hứng thú. Đảm bảo bàn học luôn sạch sẽ, gọn gàng và được bố trí dụng cụ học tập một cách khoa học, thuận tiện cho trẻ.
KẾT BÀI
Trên đây là những lưu ý hỗ trợ phụ huynh trong việc dạy trẻ học bảng chữ cái. Đây là bước đầu tiên trên hành trình học tập của trẻ, cần đảm bảo phù hợp với khả năng và giữ được sự hứng thú. Tránh áp lực khiến trẻ lo lắng, bất an. Hi vọng bài viết mang đến các phương pháp hữu ích, giúp trẻ trải nghiệm mỗi bài học như một niềm vui thú vị.
Thạc sĩ Hà Thị Mộng Thuy
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Thị Hoài Anh, 15 phút mỗi ngày yêu con, NXB Phụ nữ, 2016
- Thu Hà, Con nghĩ đi mẹ không biết!, NXB Phụ Nữ, 2016
- Phạm Toàn, Tâm lý học trẻ em, NXB Trẻ, 2022
- Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chủ biên), Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học sư phạm, 2006