Dạy trẻ tự xúc ăn bằng muỗng là một trong những hoạt động quan trọng giúp trẻ tự lập, có kỹ năng chăm sóc bản thân từ sớm, có ý thức về việc lựa chọn đồ ăn và có cách ăn riêng.
Khi nào cha mẹ có thể tập cho trẻ tự xúc ăn bằng muỗng?
Vào khoảng 6 tháng tuổi, trẻ đã có khả năng tự cầm nắm đồ chơi. Đây cũng là lúc trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm. Thế nên trong thời gian này, bố mẹ có thể rèn luyện để trẻ tự tay cầm đồ ăn như trái cây, bánh ăn dặm, rau củ luộc... Khi tiếp xúc với đồ ăn, trẻ sẽ bắt đầu khám phá và học cách đưa chúng vào miệng. Tiếp đến, trẻ sẽ có thể gặm và nhai thức ăn.
Thông thường, trong giai đoạn đầu ăn dặm, các trẻ chủ yếu dùng tay để lấy thức ăn. Theo thời gian, các ngón tay của trẻ cử động linh hoạt hơn đồng nghĩa với việc kỹ năng cầm nắm cũng tiến bộ dần.
Đến tháng thứ 8, trẻ đã có thể ngồi vững. Do đó, cha mẹ có thể sẵn sàng dạy trẻ tự xúc ăn bằng muỗng. Thời gian đầu, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng muỗng. Tuy nhiên, bố mẹ hãy kiên nhẫn hướng dẫn và chỉnh sửa cách trẻ cầm muỗng mỗi ngày. Khi được 2 tuổi, trẻ đã có thể tự xúc ăn bằng muỗng mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ.
Những sai lầm nào của cha mẹ trong quá trình dạy trẻ ăn bằng muỗng?
Thời điểm dạy trẻ tập xúc muỗng tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của trẻ. Nếu kỹ năng vận động tinh của các ngón tay đã phát triển, trẻ hào hứng ăn uống và thích cầm muỗng thì mẹ hãy tập cho trẻ tự xúc ăn bằng muỗng. Tuy nhiên, không ít các cha mẹ gặp khó khăn và vướng phải một số sai lầm trong quá trình dạy trẻ ăn bằng muỗng:
- Bắt đầu quá trình dạy trẻ ăn bằng muỗng quá sớm: Không ít cha mẹ cho rằng dạy trẻ ăn tự bằng muỗng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cha mẹ nên đợi cho đến khi trẻ hoàn thiện các kỹ năng cầm nắm và học hỏi cũng như có thể ngồi yên một chỗ.
- Ép trẻ tự ăn bằng muỗng: Rèn trẻ ăn ngoan là cả một quá trình. Do đó, cha mẹ đừng nên quá nóng vội khi bắt đầu tập cho trẻ sử dụng muỗng. Có thể để trẻ ăn bốc bằng một tay và tay kia cầm muỗng. Khuyến khích trẻ dùng muỗng để lấy thức ăn thay vì cầm tay trẻ và ép trẻ ăn bằng muỗng.
- Cho trẻ ngồi ăn riêng: Đôi lúc, cha mẹ sẽ muốn cho trẻ ăn trước để mình có thể dùng bữa ngay sau đó. Tuy nhiên, hãy để trẻ ngồi ăn cùng gia đình mỗi khi đến giờ ăn. Trẻ sẽ quan sát cách cha mẹ hoặc anh chị dùng muỗng lấy thức ăn như thế nào và tập làm theo.
- Muỗng quá nhỏ: Thay vì dùng những chiếc muỗng quá nhỏ và trẻ có thể đưa quá sâu vào cổ họng gây thương tổn, hãy chọn muỗng to một chút. Ngoài ra, nên ưu tiên sản phẩm nhựa hoặc gỗ, tránh loại muỗng nhựa dùng một lần.
Tập cho trẻ tự xúc ăn bằng muỗng như thế nào?
Kỹ năng tự xúc ăn cũng quan trọng như các kỹ năng vận động khác, là nền tảng để trẻ tự lập trong quá trình phát triển và lớn lên. Trẻ sẽ tự trải nghiệm và luyện tập khi thực sự sẵn sàng. Do đó, mẹ không nên hối thúc hay ép buộc trẻ chỉ vì nóng lòng, nhưng hãy dạy trẻ với một chút kiên nhẫn và thái độ tích cực. Sau đây là một số gợi ý cho cha mẹ trong quá trình dạy trẻ xúc ăn bằng muỗng được dễ dàng hơn:
- Mua cho trẻ bộ chén bát riêng: Hãy sắm cho trẻ một bộ chén bát riêng. Nên chọn muỗng có tay cầm ngắn, cong sẽ giúp trẻ dễ đưa vào miệng hơn. Lòng muỗng nên nông, độ rộng vừa phải. Với chén, cha mẹ nên chọn loại có vành, nhẹ, không trơn giúp trẻ cầm dễ dàng hơn. Cha mẹ cũng nên chọn bộ đồ ăn màu sắc, đẹp mắt khiến trẻ thích thú và nên mua 2-3 bộ thay nhau để tăng thêm hứng thú cho bé.
- Chuẩn bị loại thức ăn trẻ có thể dễ dàng xúc bằng muỗng, chẳng hạn như ngũ cốc cho trẻ nhỏ hoặc chuối nghiền. Nếu cha mẹ cho trẻ ăn bột ăn giặm, hãy pha theo tỷ lệ đặc một chút hay thêm vào 2 – 3 muỗng rau củ để ngăn lượng bột không bị rơi khỏi muỗng.
- Cho trẻ làm quen với ghế ăn và đồ dùng ăn uống: Ghế ăn và đồ dùng ăn uống là “những người bạn” đầu tiên khi trẻ tập xúc ăn. Bố mẹ có thể cho trẻ cầm chén, muỗng chơi để làm quen trước. Bước đầu, trẻ sẽ không chịu hợp tác. Thậm chí, nhiều trẻ còn quấy khóc không chịu ngồi yên. Các cha mẹ đừng quá lo lắng khi trẻ có những biểu hiện này. Chỉ khoảng vài ba ngày, trẻ sẽ quen dần. Đồng thời, việc nhìn người lớn ngồi ăn mỗi ngày.
- Cho trẻ ăn cùng gia đình: Khi được ăn cùng gia đình trẻ sẽ cảm thấy vui vì mình như một thành viên trong gia đình được ăn uống cùng mọi người. Và thông qua cách mọi người ăn uống trẻ sẽ học được nhanh hơn, độc lập và biết tương tác với các thành viên trong gia đình.
- Làm mẫu và hướng dẫn cho bé: Trước khi trẻ xúc ăn, cha mẹ và người lớn cũng dùng một cái muỗng tự xúc thức ăn của mình để làm mẫu cho trẻ, cho trẻ thấy được niềm vui của người tự xúc ăn và cách thức xúc đồ ăn.
- Khen ngợi khi trẻ sử dụng muỗng đúng cách và giữ bình tĩnh, không la rầy khi trẻ lỡ làm rơi thức ăn. Hãy để trẻ múc muỗng tiếp theo và tiếp tục luyện tập cho đến khi hết bữa ăn. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên đảm bảo trẻ ăn đủ no. Nếu hầu hết thức ăn của trẻ đều rơi trên sàn nhà, cha mẹ nên đút cho trẻ đến khi gần hết phần ăn. Sau đó, cha mẹ mới dạy trẻ ăn bằng muỗng với một ít thức ăn còn lại.
- Để trẻ ít quậy phá khi ăn, cha mẹ nên tạo ra và giữ những thói quen ăn uống đều đặn cho trẻ (ăn đúng giờ, ngồi đúng chỗ để ăn…). Trẻ nào cũng vui vẻ, thoải mái hơn khi có lịch sinh hoạt ổn định và không có quá nhiều sự lựa chọn.
- Trong thời gian đầu tập cho trẻ tự xúc ăn bằng muỗng, bữa ăn có thể sẽ kéo dài và rất bừa bãi. Để có thể dọn dẹp dễ dàng hơn, cha mẹ nên trải khăn lớn dưới ghế trẻ ngồi, thức ăn sẽ rơi xuống khăn, dễ dàng cho cha mẹ trong quá trình dọn dẹp sau khi trẻ ăn xong.
Ở giai đoạn trẻ tập tự xúc ăn bằng muỗng, trẻ không hợp tác với cha mẹ hoặc từ chối sử dụng muỗng để xúc thức ăn không phải là điều quá nghiêm trọng. Chìa khóa dành cho cha mẹ là nên linh hoạt và kiên nhẫn, không nên bắt ép trẻ phải sử dụng thức ăn dặm ngay lập tức, vì nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ mới ăn dặm vẫn là sữa. Vì thế các cha mẹ cũng nên tìm hiểu nguyên nhân trẻ thực sự muốn gì khi cho trẻ tập thích nghi với một thói quen trong quá trình phát triển.
Tác giả: Thạc sĩ Tâm lý Đỗ Hoàng Phúc
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hachun Lyonnet, Mẹ Ong Bông, Bubu Huong (2019). Nuôi con không phải là cuộc chiến, NXB Lao Động.
2. Ngô Quang Trì, Ngọc Linh (2013). Nuôi con khỏe mạnh từ 1-3 tuổi, NXB Phụ nữ.
3. Nguyễn Quốc Vương (dịch) (2019). Giúp con tự lập từ 0-6 tuổi, NXB Kim Đồng.