Làm sao để trẻ hạn chế hành vi ăn vạ? - RVE

Hành vi ăn vạ, đập đầu là hành vi thường xảy ra trong quá trình phát triển ở trẻ. Ts Anita Sethi - trường Đại học New York (Mỹ) cho biết có đến 20% trẻ nhỏ tự đập đầu của mình.

Hành vi này thường bắt đầu khi trẻ được tròn 1 tuổi và đạt đỉnh điểm khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi, đến 3 tuổi trẻ dần dần hạn chế thói quen này. Thông thường thì bé trai sẽ tự đập đầu nhiều hơn bé gái.
Nhiều bậc cha mẹ vô cùng bối rối, lo lắng và có thể bị khủng hoảng theo con khi thường xuyên thấy con hung hăng, khóc lóc, đập đầu vào giường, đệm, thành củi, thậm chí là sàn nhà khi trẻ không hài lòng về điều gì đó. Cảm xúc bùng lên, trẻ sẽ làm mọi cách để giải tỏa sự bực tức của mình. Có thể, nhiều cha mẹ nghĩ con mình có hành vi đập đầu như vậy là hư, lì, ngang bướng, khó bảo dẫn đến việc dạy dỗ và giáo dục con sai cách. Chính vì vậy, cha mẹ cần biết đến một số nguyên nhân dẫn đến hành vi đập đầu, trẻ đập đầu vì mục đích gì, từ đó sẽ có những cách để hỗ trợ hạn chế hành vi đập đầu cho con.

han che hanh vi an va 1
Một số nguyên nhân dẫn đến hành vi đập đầu ở trẻ:
- Ở độ tuổi từ 12 - 16 tháng trở đi, trẻ bắt đầu nhận thức được bản thân, thế giới xung quanh và có xu hướng đối phó với những nguyên tắc của người lớn để bảo vệ suy nghĩ của mình. Ví dụ, trẻ thích ăn kẹo, cha mẹ không cho thì trẻ sẽ khóc, ăn vạ, đập đầu, tìm mọi cách để được ăn kẹo.

- Tự đập đầu của mình cũng là một cách giảm đau của trẻ, chẳng hạn như đau đầu (do các bệnh lý về thần kinh: bệnh nhiễm trùng, chấn thương, hiếm gặp như khối u não, áp xe…), mọc răng, viêm tai…Nếu để ý, cha mẹ sẽ thấy con mình thường tự đập đầu để giảm bớt hoặc quên đi cơn đau của trẻ.

- Rối loạn chuyển động nhịp nhàng liên quan đến giấc ngủ: Hành vi đập đầu trông có vẻ đau đớn nhưng trên thực tế, đó là cách để trẻ tự xoa dịu hoặc trấn tĩnh bản thân. Thói quen đập đầu thường xuất hiện ngay trước khi trẻ chìm vào giấc ngủ, khi đột nhiên thức dậy vào giữa đêm hay thậm chí và khi trẻ đang ngủ vì đập đầu là một hình thức tự xoa dịu, thư giãn, thường dẫn đến buồn ngủ. Những chuyển động nhịp nhàng này dường như là cần thiết để xoa dịu hệ thần kinh trung ương trong quá trình chuyển từ trạng thái tỉnh táo sang ngủ.

- Một số vấn đề về phát triển: đập đầu cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng liên quan đến quá trình phát triển ở trẻ, chẳng hạn như chứng tự kỷ hoặc nó có thể chỉ ra những lo lắng về tâm lý của trẻ. Quan sát thời điểm xảy ra va đập đầu và tần suất để phân biệt rối loạn chuyển động nhịp điệu với một vấn đề phát triển. Theo nguyên tắc chung, nếu trẻ khỏe mạnh và không có dấu hiệu của tình trạng phát triển, tâm lý hoặc thần kinh và đập đầu chỉ xảy ra trước khi ngủ thì đó có thể là một rối loạn chuyển động nhịp nhàng rất điển hình. Ngoài ra, nếu đập đầu kèm theo các triệu chứng khác, chẳng hạn như chậm nói, bộc phát cảm xúc hoặc giao tiếp xã hội kém thì có thể là một vấn đề khác. Trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám về vấn đề con mình đang gặp phải.

- Trẻ gặp vấn đề về rối loạn xử lý cảm giác: trẻ thường có những phản ứng không phù hợp và không nhất quán với các kích thích giác quan như trẻ đập đầu không thấy đau. Trẻ phản ứng quá chậm trong việc đáp lại những thông tin đưa tới giác quan, trẻ luôn tìm kiếm cảm giác, tìm cách để tự làm đau bản thân chẳng hạn như đập đầu vào tường, sàn nhà,…

- Thất vọng, bất lực: hành vi đập đầu cũng được coi là biểu hiện của sự bất lực trong việc không thể bộc lộ ý muốn và cảm xúc vì thiếu phương tiện truyền đạt là ngôn ngữ. Trẻ không có cách nào để thể hiện những cảm xúc khó khăn như thất vọng hay tức giận hoặc không có cách nào tốt hơn để nói ra những ý muốn của mình. Đó là lý do tại sao một số trẻ nhỏ thường tự đập đầu của mình khi cơn giận dữ tuôn trào hoặc khi cha mẹ nói ‘’không’’ với điều gì trẻ muốn.

- Hành vi đập đầu còn là cách mà con dùng để thu hút sự chú ý của cha mẹ, những người xung quanh hay chỉ đơn giản đó chỉ là một thói quen mỗi khi con quấy khóc.

han che hanh vi an va 2

Vậy cha mẹ cần làm gì để hạn chế hành vi ăn vạ - đập đầu của con?
- Đầu tiên, cha mẹ cần giữ bình tĩnh: Điều cha mẹ cần làm khi con mè nheo, có hành vi đập đầu ăn vạ là phải giữ bình tĩnh. Cha mẹ cần xem xét tình huống, nguyên nhân và nhu cầu mà con đòi hỏi có hợp lý hay không.

- Đảm bảo con được an toàn, tránh khỏi tổn thương: cha mẹ nhẹ nhàng dẫn trẻ ra khỏi các bề mặt cứng như tường, đồ nội thất cứng, đồ dùng sắc nhọn hoặc di chuyển các đồ vật có thể làm trẻ đau hay tổn thương đến vị trí xa trẻ.

- Cha mẹ cho con lựa chọn giải pháp để đối phó với cơn giận dữ, hung hăng của con: Ví dụ như "Mẹ cho con một quả táo nhé. Con có thể ăn táo trước khi ăn bữa tối".

- Không mặc cả với con trong mọi tình huống: Việc cha mẹ mặc cả với con có nguy cơ bị đứa trẻ "lật đổ" và lợi dụng sự mặc cả của người lớn. Đừng nghĩ trẻ nhỏ không biết gì, chúng biết rất nhiều trong việc mặc cả để đòi được thứ mà chúng thực sự thích. Do đó, khi trẻ khóc lóc, la hét, điều cha mẹ cần làm là nói thật ít, giọng trầm, dứt khoát.

- Cha mẹ cần kiên định với những quyết định của mình: Đừng vì thấy con khóc la inh ỏi sợ con khản giọng, hay sợ con đập đầu đau mà vội vàng thỏa hiệp với những yêu cầu của trẻ. Vì trẻ đủ thông minh để nhận biết rằng hành động ăn vạ là có hiệu quả, và lần sau, nếu cha mẹ không cho thứ trẻ muốn thì sẽ tiếp tục hành vi đập đầu, trẻ sẽ lấy đó làm “vũ khí” để sử dụng cho nhiều lần tiếp theo. Cha mẹ cần giúp cho con hiểu được điều gì đúng và không đúng.

- Có thể ngó lơ trẻ trong một số trường hợp nhất định: Đó là trường hợp trẻ sai, trẻ cố tình gây sự chú ý với ba mẹ. Ví dụ, con muốn ăn kẹo khi đến giờ ăn cơm. Mẹ đã cố giải thích ăn kẹo không tốt nhưng trẻ vẫn muốn ăn, nằm ăn vạ, la hét, đập đầu xuống đất để đòi ăn. Trong trường hợp này, cha mẹ không nên nhìn vào mắt trẻ, không nên chú ý đến trẻ, nếu có thể, cha mẹ nên dời đi chỗ khác hoặc làm việc gì đó để trẻ cảm thấy trò mè nheo của mình không có tác dụng. Cha mẹ nên thực hiện cách này sớm để đối phó với trẻ khi con đi siêu thị hoặc những nơi công cộng khác. Rất nhiều đứa trẻ lạm dụng nơi đông người, lạm dụng sự mềm lòng và xấu hổ của cha mẹ mà chiều chuộng theo ý thích của chúng ở nơi công cộng. Do đó, khi ở nhà, cha mẹ cần cứng rắn để trị dứt điểm tính mè nheo của con khi ra ngoài.

- Cha mẹ hướng dẫn con thể hiện cảm giác/ ý muốn: cha mẹ cung cấp từ chỉ trạng thái để dạy trẻ cách đọc vị cảm xúc của mình, chẳng hạn như: buồn, thất vọng, tức giận, chán…hay hướng dẫn trẻ cách thể hiện nhu cầu bằng cách như: chỉ ngón tay, kéo tay người lớn, cung cấp từ chỉ nhu cầu…Điều này rất quan trọng, nó cho thấy cha mẹ hiểu những gì con đang trải qua, đồng thời, nó cũng giúp con phát triển trí thông minh về cảm xúc và biết cách thể hiện nhu cầu của mình. Khen thưởng trẻ nếu như trẻ biết sử dụng từ hay hành động để thể hiện cảm xúc/nhu cầu thay vì hành vi mè nheo, đập đầu.

- Không nhặt lại đồ vật trẻ đã ném đi: Rất nhiều cha mẹ thấy con ném đồ vật thì nhặt lên cho trẻ, sau đó trẻ lại khó chịu ném tiếp. Cứ như vậy, trẻ sẽ không chịu cầm đồ vật đó và cứ ném khi cha mẹ đưa. Tốt nhất, cha mẹ không nên đưa lại cho trẻ nữa, nếu trẻ không thích thì sẽ không có được đồ chơi/ đồ ăn.

- Trường hợp trẻ đập đầu khi đi ngủ: Cha mẹ nên tập cho con một lịch trình cố định trước khi đi ngủ. Lịch trình này giúp trẻ dần ổn định trạng thái từ tràn đầy năng lượng sang chậm rãi nhẹ nhàng. Bắt đầu giờ đi ngủ bằng việc cho con tắm trong một bồn nước ấm, massage nhẹ nhàng. Hát ru hay đọc sách, đọc truyện khi lên giường ngủ.

Ngoài hành vi đập đầu thông thường ở trẻ, những trường hợp nào cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm?
Mặc dù hành vi đập đầu xảy ra trong quá trình phát triển bình thường của trẻ nhưng vẫn có một số trường hợp cần các bậc cha mẹ đặc biệt lưu ý. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi con mình có biểu hiện sau:

- Con đập đầu liên tục ngay cả khi điều đó làm con đau: Đập đầu liên tục trong khi ngủ vào ban đêm có thể được coi là biểu hiện của Rối loạn Chuyển động Nhịp điệu (RMD). Nó xảy ra ở cả khi trẻ nằm sấp và nằm ngửa. Cụ thể: trẻ sẽ nâng đầu hoặc phần trên của cơ thể lên sau đó đập đầu xuống gối hoặc nệm nếu nằm sấp và sẽ lăn đầu qua lại nếu nằm ngửa.

- Trẻ đập đầu liên tục trong ngày mà không rõ lý do: trẻ đập đầu kèm theo đó là giao tiếp bằng mắt kém và thiếu ham muốn thể hiện tình cảm như ôm ấp, bế bồng… thì có thể là trẻ đang gặp vấn về sự phát triển hay rối loạn phổ tự kỷ. Khi đập đầu liên tục, có thể trẻ đang gặp các vấn đề về bệnh lý thần kinh hoặc vấn đề về rối loạn xử lý cảm giác, cha mẹ nên cho trẻ đi thăm khám để tìm hiểu chính xác nguyên nhân con mình đang gặp phải và có những phương pháp hỗ trợ cho con.

 Trong các tình huống con ăn vạ, khóc lóc, đập đầu, nhiều bậc cha mẹ thường quát nạt lớn tiếng, cáu gắt với con, điều này không những khiến con không ngừng hung hăng mà tiếp tục hành vi của mình, thậm chí ở mức độ cao và nhiều hơn khiến cha mẹ càng mất bình tĩnh và khủng hoảng tâm lý. Mong rằng bài viết trên sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm những cách để hỗ trợ và hướng dẫn cho con hạn chế hành vi đập đầu cũng như cho trẻ đi thăm khám nếu trẻ có những biểu hiện như các trường hợp cần cha mẹ đặc biệt lưu tâm như trên.

Tác giả: Trần Thị Đan Mẫn


Tài liệu tham khảo
1. Vấn đề rối loạn hành vi của trẻ rối loạn phát triển - PGS.TS. Michelle Mccolin, Trường Đại học Slippery Rock, Hoa Kỳ.
2. APP News - tạp chí chính thức của viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP).
3. Tổng quan các vấn đề về hành vi ở trẻ em, cẩm nang MSD dành cho chuyên gia.
4. Bài viết của phòng khám Chuyên khoa Nhi TTSKNK (Trung tâm Sức khỏe Nhi khoa) - Century Pediatric Clinic.
5. Bài báo: Có nên lo lắng khi con hay tự đập đầu của mình không?, Báo Dân sinh – cơ quan của Bộ LĐ – TB & XH, 2020.