Chiến lược tăng cường giao tiếp - RVE

Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một rối loạn phát triển thần kinh ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của trẻ.

Một trong những thách thức lớn nhất mà trẻ mắc ASD gặp phải là sự hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ và các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ. Do đó, việc phát triển chiến lược giao tiếp tăng cường cho trẻ tự kỷ là rất cần thiết, không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của trẻ mà còn hỗ trợ gia đình và cộng đồng trong việc hiểu và kết nối với trẻ tốt hơn.

chiec luoc giao tiep cho tre pho tu ky 2

Một số chiến lược giao tiếp tăng cường cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Chiến lược một: Chiến lược O.W.L

Chiến lược O.W.L trong giao tiếp của trẻ tự kỷ được áp dụng như một cách tiếp cận hiệu quả nhằm hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội. O.W.L bao gồm các yếu tố sau:

  • O - Observe (Quan sát): Quan sát kỹ càng hành động, ngôn ngữ cơ thể và cách trẻ tương tác với môi trường xung quanh. Việc này giúp hiểu rõ hơn về sở thích, nhu cầu và cách trẻ giao tiếp, ngay cả khi trẻ không sử dụng ngôn ngữ nói.
  • W - Wait (Chờ đợi): Cho trẻ đủ thời gian để phản ứng hoặc chủ động giao tiếp. Sự chờ đợi tạo không gian cho trẻ suy nghĩ và diễn đạt mà không cảm thấy áp lực.
  • L - Listen (Lắng nghe): Lắng nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng mắt và trái tim để hiểu ý nghĩa mà trẻ muốn truyền tải, kể cả khi đó là qua hành động, âm thanh, hoặc biểu cảm.

Để rõ hơn về chiến lược này ba mẹ có thể tham khảo ví dụ sau: Trẻ đang chơi một bộ xếp hình và ba mẹ muốn khuyến khích trẻ giao tiếp.

Observe (Quan sát): Quan sát cách trẻ chơi xếp hình: Trẻ đang xếp các mảnh theo màu sắc hay hình dáng như thế nào? Trẻ có tập trung hay không? Trẻ có biểu hiện khó khăn (ví dụ: lặp lại một hành động nhưng không thành công)? Ba mẹ ghi nhận những tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ: ánh mắt, cử động tay, biểu cảm khuôn mặt của trẻ trong quá trình xếp hình.

Wait (Chờ đợi): Ba mẹ không vội vàng đưa ra lời hướng dẫn hoặc làm giúp trẻ. Với chiến lược này ba mẹ cần chờ xem trẻ có tự tìm cách giải quyết vấn đề hay không. Nếu trẻ nhìn về phía ba mẹ hoặc phát ra âm thanh, điều đó có thể là một dấu hiệu trẻ muốn giao tiếp và đang cần sự hỗ trợ từ những người xung quanh.

Listen (Lắng nghe): Nếu trẻ nói, lặp lại hoặc phản hồi để xác nhận rằng ba mẹ hiểu. Ví dụ: nếu trẻ nói "màu đỏ", ba mẹ có thể phản hồi, "À, con đang tìm mảnh màu đỏ phải không?" Nếu trẻ không nói mà chỉ ra dấu hoặc nhìn về phía mảnh ghép, ba mẹ có thể lặp lại hành động đó để khuyến khích sự kết nối: "Con muốn lấy mảnh này à?"

Với chiến lược O. W. L sẽ khuyến khích sự giao tiếp chủ động của trẻ rối loạn phổ tự kỷ, tạo điều kiện để trẻ khởi xướng giao tiếp ngoài ra chiến lược này con xây dựng cho trẻ sự tin tưởng, trong quá trình sửa dụng chiến lược này trẻ sẽ cảm thấy được ba mẹ tôn trọng và lắng nghe.

Chiến lược hai: Chiến lược R.O.C.K

Chiến lược R.O.C.K trong giao tiếp với trẻ tự kỷ là một cách tiếp cận nhằm xây dựng mối quan hệ tích cực, hỗ trợ phát triển giao tiếp và thúc đẩy trẻ tham gia tương tác xã hội. Đây là một chiến lược phổ biến trong các chương trình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, với các bước chính:

  • R - Repeat (Lặp lại): Lặp lại lời nói, hành động hoặc tín hiệu của trẻ để tạo sự kết nối; Lặp lại các từ hoặc câu mà ba mẹ muốn trẻ học hoặc sử dụng.
  • O - Offer Opportunities (Tạo cơ hội): Cố tình tạo ra những tình huống mà trẻ cần giao tiếp để đạt được điều mình muốn, từ đó khuyến khích trẻ tương tác.
  • C - Cue (Gợi ý): Đưa ra các gợi ý phù hợp để hỗ trợ trẻ giao tiếp, chẳng hạn như dùng cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt hoặc lời nói.
  • K - Keep it Going (Duy trì cuộc trò chuyện): Duy trì cuộc giao tiếp bằng cách phản hồi hoặc đặt câu hỏi để kéo dài tương tác.

chiec luoc giao tiep cho tre pho tu ky 3

Ba mẹ tham khảo ví dụ sau đây để có thể hình dung cách sử dụng chiến lược R.O.C.K trong quá trình ba mẹ xây dựng kết nối giao tiếp với trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Repeat (Lặp lại): Nếu trẻ chỉ vào bánh quy mà không nói, ba mẹcó thể nói: "Con muốn bánh quy à? Bánh quy!" và lặp lại từ "bánh quy" để nhấn mạnh. Khi trẻ cố gắng phát âm hoặc nói từ, lặp lại lời của trẻ một cách chính xác: "À, con nói 'bánh quy', đúng rồi!"

Offer Opportunities (Tạo cơ hội): Đặt bánh quy ở nơi trẻ có thể nhìn thấy nhưng không dễ với tới. Điều này tạo cơ hội để trẻ phải ra dấu, chỉ tay hoặc sử dụng từ ngữ để giao tiếp.

Cue (Gợi ý): Nếu trẻ chưa biết cách yêu cầu, ba mẹ có thể đưa ra gợi ý như: "Con có thể nói 'bánh quy' hoặc ra dấu như thế này" (vừa nói vừa chỉ dấu hiệu bằng tay). Hoặc ba mẹ có thể hỏi: "Con muốn cái này phải không? Cái gì đây?"

Keep it Going (Duy trì cuộc trò chuyện): Khi trẻ giao tiếp, dù là bằng từ ngữ hay hành động, ba mẹ có thể tiếp tục tương tác: "Đây là bánh quy của con. Bánh quy này có ngon không? Con muốn thêm không?". Việc duy trì trò chuyện giúp trẻ thực hành giao tiếp nhiều hơn và hiểu rằng giao tiếp không chỉ dừng lại ở việc đạt được mục tiêu.

Chiến lược R.O.C.K là một chiến lược hữu ích giúp trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng giao tiếp thông qua việc tạo môi trường tương tác tự nhiên và có chủ đích. Việc áp dụng chiến lược này cần sự kiên nhẫn, sáng tạo và linh hoạt để phù hợp với nhu cầu cá nhân của mỗi trẻ.

Chiến lược này sử dụng các kỹ thuật giao tiếp sinh động và cảm xúc để thu hút sự chú ý, khuyến khích trẻ tham gia và làm cho tương tác trở nên thú vị. Trẻ tự kỷ thường khó duy trì sự tập trung và tham gia giao tiếp xã hội, nên việc thêm các yếu tố vui nhộn, trực quan và gần gũi giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn trong tương tác.

Chiến lược thứ ba: Nói như hát, nựng, đóng kịch

Nói như hát là việc sử dụng ngữ điệu cao, nhịp nhàng, vui tươi, gần giống như hát để giao tiếp với trẻ. Điều này làm tăng khả năng thu hút sự chú ý của trẻ, giúp trẻ dễ dàng ghi nhớ và phản ứng với ngôn ngữ. Việc trong quá trình giao tiếp với trẻ rối loạn phổ tự kỷ ba mẹ nói như hát sẽ giúp lời nói ba mẹ tăng hấp dẫn thu hút trẻ, ngoài trẻ việc này giúp trẻ nhận biết và nhớ nhanh các từ khóa quan trọng trong câu. Một số trẻ tự kỷ có thể bắt chước nhanh với các ngữ điệu âm thanh từ các bài hát. Ví dụ: Khi dạy từ vựng: "Con thấy quả táo đỏ, đỏ, đỏ chưa nào?" (kéo dài âm và nhấn mạnh từ "đỏ").

chiec luoc giao tiep cho tre pho tu ky 4

Trong chiến lược này ba mẹ có thể nựng trẻ: Nựng là cách giao tiếp gần gũi, thể hiện tình cảm qua giọng nói, biểu cảm khuôn mặt, và động tác nhẹ nhàng. Điều này tạo cảm giác an toàn và gắn kết giữa trẻ và người hỗ trợ. Với việc ba mẹ nựng trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và giảm căng thẳng khi giao tiếp. Giúp trẻ cảm Tăng sự tin tưởng và xây dựng mối quan hệ tích cực. Khuyến khích trẻ tương tác thông qua các cử chỉ thân mật. ví dụ Khi trẻ làm tốt: "Ồ, con của ba mẹ hôm nay ngoan quá!" (với giọng điệu mềm mại, biểu cảm yêu thương).

Đóng kịch là việc sử dụng vai diễn, hành động cường điệu, biểu cảm sinh động và lời nói phong phú để thu hút trẻ tham gia vào giao tiếp. Việc ba mẹ đóng kịch tạo ra môi trường giao tiếp vui nhộn, trực quan. Giúp trẻ hiểu ngôn ngữ qua hình ảnh và hành động ngoài ra còn khuyến khích trẻ bắt chước hành động và lời nói trong tình huống cụ thể. Ví dụ như Khi ba mẹ dạy trẻ về động vật hoang dã: Ba mẹ giả làm một con sư tử, gầm to "Gầm gừ, con sư tử này đói bụng quá!" để thu hút trẻ và sau đó hỏi: "Con làm tiếng sư tử được không?"

Một số lưu ý trong quá trình sử dụng các chiến lược giao tiếp tăng cường cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Trong quá trình sử dụng một số chiến lược giao tiếp tăng cường cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ba mẹ cần lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất: Gia đình tạo môi trường giao tiếp tích cực và hỗ trợ trẻ thường xuyên

Môi trường giao tiếp có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng học hỏi của trẻ. Một số yếu tố cần lưu ý: Giảm thiểu tiếng ồn và  sự phân tâm của trẻ trong quá trình hỗ trợ trẻ.  Đảm bảo không gian yên tĩnh, giúp trẻ tập trung vào giao tiếp.

Khuyến khích sự tham gia: Thường xuyên đặt câu hỏi, đưa ra lời khuyến khích và tạo cơ hội cho trẻ thể hiện nhu cầu giao tiếp. Tạo thời gian giao tiếp: Dành thời gian hàng ngày để thực hành giao tiếp với trẻ, thông qua các hoạt động như kể chuyện, chơi đùa hoặc ăn uống.

Không áp lực: Ba mẹ tránh la mắng hoặc thúc ép trẻ khi trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp ngoài ra cần tạo ra một môi trường tích cực giúp trẻ cảm thấy an toàn và tự tin hơn khi giao tiếp. Ba mẹ luôn kiên trì chờ đợi trẻ giao tiếp hai chiều cùng ba mẹ trong mọi tình huống.

Thứ hai: Tầm quan trọng của can thiệp sớm và cá nhân hóa

Can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển giao tiếp cho trẻ tự kỷ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ được hỗ trợ từ sớm (trước 3 tuổi) có khả năng phát triển kỹ năng giao tiếp và xã hội tốt hơn đáng kể.

Hơn nữa, mỗi trẻ tự kỷ là một cá thể riêng biệt, vì vậy các chiến lược cần được cá nhân hóa để phù hợp với nhu cầu, khả năng và sở thích của từng trẻ.

chiec luoc giao tiep cho tre pho tu ky 5

Thứ ba: Hiểu mức độ phát triển để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ

Mỗi trẻ tự kỷ đều khác nhau về mức độ khó khăn trong giao tiếp. Có trẻ không sử dụng ngôn ngữ nói (phi ngôn ngữ), trong khi số khác có khả năng nói nhưng gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp với ngữ cảnh. Trước khi áp dụng bất kỳ chiến lược nào, điều quan trọng là phải đánh giá và hiểu rõ mức độ giao tiếp của trẻ:

Trẻ không sử dụng ngôn ngữ nói: Trẻ cần hỗ trợ từ các công cụ như hình ảnh, cử chỉ, hoặc công cụ hỗ trợ đi kèm.

Trẻ có ngôn ngữ hạn chế: Các chiến lược tập trung vào việc mở rộng vốn từ vựng và dạy cách sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả.

Trẻ có ngôn ngữ tốt nhưng gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội: Trẻ cần hướng dẫn cụ thể về kỹ năng hội thoại, diễn đạt cảm xúc, và cách đọc các tín hiệu xã hội.

Việc cá nhân hóa các chiến lược dựa trên đặc điểm của từng trẻ là bước đầu tiên để đạt hiệu quả cao.

Kết luận

Việc tăng giao tiếp tăng cường cho trẻ tự kỷ không chỉ giúp trẻ diễn đạt ý tưởng và cảm xúc mà còn mở ra cánh cửa để trẻ hòa nhập với xã hội. Các chiến lược như O.W.L, R.O.C.K,  nói như hát, nựng, đóng kịch đã chứng minh hiệu quả trong việc hỗ trợ trẻ phát triển khả năng giao tiếp. Với sự kiên trì và nỗ lực, trẻ tự kỷ có thể vượt qua những rào cản trong giao tiếp, mở ra cơ hội cho một cuộc sống đầy ý nghĩa và tích cực hơn.

Th.S Tâm lý Lê Thị Thảo

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đỗ Bích Thuận, bài giảng rối loạn ngôn ngữ, chương trình Đào tạo Âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
  2. Hoàng Văn Quyên, bài giảng rối loạn phổ tự kỉ, chương trình đào tạo âm ngữ trị liệu Nhi 2018-2019, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
  3. Trần Tú Uyên (người dịch) (2004), các kĩ năng giao tiếp sớm, Trung tâm nghiên cứu giáo dục trẻ khuyết tật Thành Phố Hồ Chí Minh
  4. Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ- (Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BYT ngày tháng năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế