Trẻ gặp khó khăn trong học tập là một nhóm đặc biệt cần sự quan tâm, thấu hiểu và hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Những khó khăn này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn tác động sâu sắc đến tâm lý và sự phát triển toàn diện của trẻ. Vậy, tâm lý của trẻ trong nhóm này thường diễn ra như thế nào, và chúng ta nên làm gì để đồng hành cùng trẻ? Bài viết này sẽ giúp cho ba mẹ có thêm góc nhìn về tâm lý của trẻ khó khăn học tập.
Theo DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, phiên bản 5), Khó khăn học tập (Specific Learning Disorder - SLD) là một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và sử dụng các kỹ năng học tập, như đọc, viết, hoặc toán học. Đây không phải là kết quả của trí tuệ thấp, điều kiện môi trường, hay các vấn đề cảm xúc, mà là một khó khăn đặc hiệu trong quá trình xử lý thông tin. Với những trẻ khó khăn học tập thường ít nhiều gây ra những ảnh hưởng tâm lý trong quá trình trẻ học tập.
Tâm lý của trẻ khó khăn học tập
Thứ nhất: trẻ có khó khăn học tập cảm thấy tự ti và mặc cảm
Trong một lớp học mà đa số trẻ đều viết tốt, đọc trôi chảy và làm toán chính xác thì việc một số trẻ khó khăn học tập luôn khiến trẻ thường cảm thấy mình "kém cỏi" khi so sánh với bạn bè, đặc biệt trong môi trường học tập đòi hỏi thành tích cao. Vì trẻ khó khăn học tập luôn phải mất nhiều thời gian hơn để xử lý các thông tin liên quan đến học tập, chưa kể tới kết quả học tập, điểm số đạt được không như kì vọng làm cho Thầy, Cô gia đình phiền lòng. Chính vì những điều trên khiến không ít trẻ cảm thấy tự ti và mặc cảm.
Những lời phê bình hoặc thất bại lặp đi lặp lại dễ khiến trẻ mất tự tin, thậm chí dẫn đến cảm giác mặc cảm và xa lánh người khác. Không ít trẻ tự cô lập mình trong chính lớp học khi thấy rằng xung quanh bạn bè ai cũng học tốt chỉ có bản thân mình là không như vậy.
Khi trẻ khó khăn học tập có thể là khó đọc, khó viết hoặc khó tính toán. Với việc gặp phải khó khăn học tập trẻ sẽ luôn cảm thấy mình không được thấu hiểu hoặc bị bạn bè xa lánh. Một số trẻ sau thời gian học tập cảm thấy tự ti, dẫn đến tâm lý tự cô lập, thu mình và trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội với các bạn bè trong lớp. Về nhà trẻ luôn cảm thấy buồn, cô lập nhất là khi trẻ có thể bị so sánh với các anh chị em trong gia đình, hay những bạn bè đồng trang lứa về kết quả thành tích học tập. Khi càng bị so sánh, đưa lên bàn cân trẻ lại càng thêm buồn, tự cô lập chính bản thân mình.
Thứ hai: Trẻ khó khăn học tập cảm thấy lo âu và áp lực.
Trẻ khó khăn học tập thường xuyên phải đối mặt với áp lực từ bài vở, với một bài toán học sinh bình thường có thể làm trong vòng 5 phút, tuy nhiên đối với trẻ khó khăn về toán thì thời gian có thể 10- 15 phút hoặc dài hơn thế, thời gian kéo dài nhưng trẻ vẫn không thực hiện được kết quả chính xác, trẻ không hiểu yêu cầu đề bài. Có những trẻ mỗi lần ngồi vào bàn là thấy bất an, lo âu dẫn đến việc bị đau bụng, người nóng lên và đổ mồ hôi, dù được gia đình đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa nhưng vẫn không tìm không ra nguyên nhân. Nhưng cứ đến giờ học là trẻ lại gặp phải vấn đề này.
Những kỳ vọng của gia đình và xã hội cũng vô tình gây ra tình trạng lo lắng, trẻ sợ mình không đạt được điểm số thành tích như mong muốn của ba mẹ thầy cô giáo. Điều này có thể gây ra tình trạng lo âu, căng thẳng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Thứ ba: Trẻ khó khăn học tập sẽ có thể xuất hiện những hành vi bộc phát hoặc né tránh
Việc học tập trở nên khó khăn với trẻ, một số trẻ phản ứng với khó khăn bằng cách thể hiện hành vi chưa phù hợp như dễ nổi nóng, cáu kỉnh hoặc bất hợp tác. Ngược lại, một số trẻ chọn cách né tránh học tập, tỏ ra thờ ơ hoặc "đóng băng" trong các tình huống yêu cầu sự cố gắng. Không ít trẻ để né tránh nhiệm vụ học tập đã chọc bạn để cô giáo bắt phạt khoanh tay, khi phạt khoanh tay thì trẻ không phải viết bài, hiểu được điều này cứ đến giờ viết trẻ sẽ chọc bạn hoặc thực hiện hành vi gây chú ý với giáo viên để né tránh nhiệm vụ chính là viết. Một số trẻ lại lấy bút gạch hết tập vở của mình cho bẩn, làm việc riêng trong giờ học để lãng tránh nhiệm vụ học tập.
Thực tế, cho đến ngày hôm nay các nguyên nhân gây ra khó khăn học tập có những giả thuyết liên quan đến yếu tố bẩm sinh di truyền, môi trường, quá trình trước sinh và sau sinh. Tuy nhiên điều thực sự quan trọng là đưa ra những giải pháp để đồng hành và hỗ trợ trẻ gặp khó khăn học tập. Để hỗ trợ cho trẻ khó khăn học tập ba mẹ có thể tham khảo một số giải pháp sau:
Một số giải pháp hỗ trợ trẻ khó khăn học tập
Thứ nhất: Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời
Nếu ba mẹ nhận thấy trẻ nhà mình có dấu hiệu khó khăn học tập phụ huynh nên đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý hoặc giáo dục để đánh giá và có kế hoạch can thiệp sớm. Khi trẻ được đánh giá và xây dựng được chương trình can thiệp sớm giúp trẻ sẵn sàng tâm thế cho việc học và giảm bớt những căng thẳng, áp lực khi tham gia hoạt động học tập.
Thứ hai: Tạo môi trường học tập tích cực cho trẻ.
Cha mẹ và giáo viên cần xây dựng một môi trường học tập khuyến khích sự cố gắng thay vì chỉ tập trung vào kết quả. Sự công nhận những tiến bộ nhỏ sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn. Với trẻ có khó khăn học tập ba mẹ có thể xây dựng thời gian biểu cho trẻ. Chia hoạt động học tập thành các nhiệm vụ nhỏ để trẻ có cảm giác mình đã hoàn thành được một mục tiêu. Ví dụ với mỗi bài toán trẻ hoàn thành tốt ba mẹ có thể quy đổi phần thưởng theo quá trình, nếu trẻ đạt được 10 ngôi sao trẻ sẽ được một món ăn, đồ chơi trẻ yêu thích.
Ngoài ra ba mẹ có thể sử dụng công nghệ, công cụ hỗ trợ nếu trẻ khó khăn toán ba mẹ có thể sử dụng que tính, khối hình, đồng xu…để minh họa các khái niệm toán học, giúp trẻ dễ hình dung và dễ ghi nhớ.
Thứ ba: Gia đình, Thầy Cô đồng cảm và lắng nghe trẻ
Qua phân tích trên ba mẹ đã thấy trẻ khó khăn học tập dễ rơi vào trạng thái lo lắng áp lực khi tham gia hoạt động học tập. Điều thực sự các thầy, cô ba mẹ lắng nghe trẻ chia sẻ cảm xúc, khó khăn của trẻ mà không phán xét là bước quan trọng để xây dựng sự tin tưởng. Điều này giúp trẻ cảm thấy được thấu hiểu và không cô đơn trong hành trình vượt qua khó khăn.
Thứ tư: Ba mẹ xây dựng kỹ năng và hỗ trợ tâm lý cho trẻ khó khăn học tập.
Ngoài kiến thức học tập, trẻ cần được rèn luyện các kỹ năng quan trọng như quản lý thời gian, xây dựng sự kiên nhẫn, và cách vượt qua thất bại. Các hoạt động tư vấn tâm lý cá nhân hoặc nhóm cũng có thể giúp trẻ cải thiện tâm trạng của trẻ khi kết quả học tập không như ý.
Thứ năm: Ba mẹ có thể kết nối với cộng đồng gia đình có con khó khăn học tập để hỗ trợ trẻ.
Ba mẹ có thể chủ động tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc diễn đàn phụ huynh có con gặp khó khăn học tập có thể giúp gia đình tìm thêm nguồn lực và kinh nghiệm quý giá trong việc đồng hành cùng trẻ. Chính những kinh nghiệm thực tiễn từ các ba mẹ đã đồng hành cùng trẻ trong quá trình trẻ khó khăn học tập sẽ giúp phụ huynh có thêm nhiều thông tin hữu ích trong việc đồng hành cùng trẻ trong từng lĩnh vực học tập trẻ đang gặp khó khăn.
Kết Luận
Trẻ khó khăn học tập không chỉ cần sự hỗ trợ về mặt học tập mà còn cần sự đồng hành về mặt tâm lý. Hiểu được tâm lý của trẻ là chìa khóa để giúp các em vượt qua rào cản, xây dựng sự tự tin và phát triển tiềm năng cá nhân. Bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn, chúng ta có thể giúp trẻ viết nên một câu chuyện thành công của riêng mình, bất kể những khó khăn trước mắt.
Bác sĩ: Lộ Trung Anh Hoàng Luân
- Bệnh viện 103 (2015), DSM - 5 Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần.
- ICD - 10 Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan.
- Paul Bennett (2003)- Tâm lý học dị thường và lâm sàng.