Tết đối với mỗi người đều là một sự kiện quan trọng, nhất là với trẻ nhỏ vì đây là dịp các con được xúng xính trong những bộ quần áo mới, được vui chơi và được cùng gia đình,...
Chính vì thế, cha mẹ nên tận dụng thời điểm này để đồng hành cùng con, giúp con cảm nhận được niềm vui, ý nghĩa khi được tham gia các hoạt động cùng gia đình.
Mỗi hoạt động ngày Tết là cơ hội để con học được thêm nhiều điều mới mẻ, con được phát triển rất nhiều về các kỹ năng nhận biết, tự lập, tăng tương tác và kỹ năng giao tiếp, biết ứng xử trong nhiều tình huống và biết thêm nhiều lời hay ý đẹp, dồi dưỡng nhiều cảm xúc, tình cảm tốt đẹp. Để các con có nhiều trải nghiệm và phát triển, cha mẹ có thể tham khảo 8 hoạt động ngày tết dưới đây và đồng hành cùng con mình nhé!
1. HOẠT ĐỘNG 1: DỌN DẸP NHÀ CỬA
Dọn dẹp nhà cửa vốn là hoạt động thường ngày khá quen thuộc đối với mỗi gia đình nhưng cả nhà cùng nhau dọn dẹp để đón năm mới trong không khí vui tươi, hứng khởi thì lại mang rất nhiều ý nghĩa.
Khi cả nhà cùng dọn dẹp, cha mẹ có thể quan sát con nhiều hơn, hướng dẫn con nhiều hơn, trẻ được rèn luyện tính tự lập, kích thích tinh thần ham học hỏi, lao động và sáng tạo, được trải nghiệm làm những việc mà trẻ chưa từng làm. Bên cạnh đó, khi cùng con thực hiện, cha mẹ có thêm nhiều cơ hội để trò chuyện cùng con, kể con nghe những câu chuyện vui buồn, cùng vun đắp và gắn kết tình yêu thương.
Trẻ con thường rất thích thú khi được góp một phần công sức trong việc phụ giúp người lớn dù là nhiều hay ít. Chính vì thế, cha mẹ nên tạo nhiều cơ hội và chọn lựa một số việc đơn giản để cùng con thực hiện. Đó có thể là phụ giúp cha mẹ lau bàn ghế, lau cửa sổ, quét nhà, gấp quần áo cất vào tủ, gấp mền gối, sắp xếp đồ chơi gọn gàng…
Trong quá trình cùng con thực hiện, cha mẹ nên quan sát con trong một số việc con đã tự làm được, nếu những việc con chưa từng làm thì cha mẹ nên hướng dẫn con thực hiện bằng cách làm mẫu trước, vừa thực hiện bằng hành động kết hợp lời hướng dẫn cho con quan sát và ghi nhớ cách làm, sau đó cha mẹ hỗ trợ con thực hiện, khi con đã hiểu và có thể tự làm được thì cha mẹ nên làm song song cùng con, dần dần cho con thực hiện trong tầm quan sát của cha mẹ. Đừng quên dành cho con những lời khen ngợi, động viên vì đó chính là nguồn động lực rất lớn để con cố gắng và nổ lực thực hiện. Khi cho con tham gia phụ giúp dọn dẹp nhà cửa, cha mẹ nên lựa chọn những việc phù hợp với khả năng và sức của con mình, tránh nhờ con những việc làm với đồ dùng nguy hiểm (dao, kéo, ly thủy tinh,…) hay những việc ngoài khả năng của con nhé!
Để không khí vui tươi hơn và tạo thêm hứng thú cho con thì cha mẹ có thể kết hợp hát những bài hát về chủ đề tết, chơi trò chơi “hỏi – đáp’’ về các đồ vật và những việc con đang làm hay kể con nghe những câu chuyện về ngày Tết,… để việc dọn dẹp nhà cửa vào những ngày cuối năm thêm thú vị và ý nghĩa.
2. HOẠT ĐỘNG 2: ĐI MUA SẮM TẾT
Vào những ngày cuối năm, những gian hàng chợ Tết trở nên nhộn nhịp hơn, nhiều màu sắc, nhiều thứ mới mẻ và lạ mắt hơn. Đây là thời điểm rất đặc biệt để cha mẹ cùng con đi chợ Tết và mua sắm.
Đến chợ Tết, trẻ sẽ được tận mắt chứng kiến khung cảnh chợ tết, cảnh người tấp nập mua bán, trẻ được ngắm nhìn nhiều món đồ đẹp, nhiều món ăn với hình dáng và màu sắc lạ mắt, trẻ sẽ nhận thấy được sự thay đổi so với chợ của những ngày bình thường. Tại đây, cha mẹ có thể thực hiện các hoạt động sau đây cùng với trẻ:
Thứ nhất, giới thiệu và giải thích cho con những đồ vật về ngày Tết
Cha mẹ có thể nói cho con biết thêm rất nhiều thứ mà con chưa biết, cho con có cơ hội để giao tiếp nhiều hơn với mọi người…Hoạt động này sẽ giúp con tăng khả năng nhận biết, tăng vốn từ vựng, tăng kỹ năng quan sát, lắng nghe và giao tiếp.
Khi đến từng gian hàng, cha mẹ nên chỉ và gọi tên các đồ vật. Ví dụ, các loại mứt cho con biết như: mứt dừa, mít bí, mứt gừng, mứt me,…;một số loài hoa như: hoa cúc, hoa mai, hoa đào, hoa hồng, hoa ly…
Đối với những thứ con đã biết và ghi nhớ thì cha mẹ có thể chỉ tay và hỏi những câu hỏi như: Cái/con/hoa/quả gì? Con gì? Ở đâu? Màu gì?...để con trả lời hay sử dụng các câu đố như: “Bánh chưng có hình gì?”, “Lá dừa, lá dứa, lá dong, lá nào dùng để gói bánh chưng?”, “hoa nào tượng trưng cho ngày tết? (hoa mai miền Nam, hoa đào miền Bắc)... Bên cạnh đó, cha mẹ còn có thể nói cho con biết khi con nhìn thấy những loại trái cây tươi ngon kia, người trồng đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để chăm sóc, để có được những cây mai vàng tươi rực rỡ kia thì người trồng phải dày công cắt tỉa, tưới nước, bón phân để hoa nở vào đúng dịp tết. Đối với trẻ lớn, cha mẹ có thể cho con so sánh sự giống và khác nhau giữa các đồ vật, ví dụ: so sánh hoa đào và hoa mai, bánh chưng và bánh dầy,…để trẻ luyện tập tư duy so sánh, phát triển trí não.
Thứ hai, tạo điều kiện cho con bày tỏ ý kiến và đưa ra lựa chọn
Cha mẹ cho con được bày tỏ ý kiến và lựa chọn thì sẽ góp phần khiến con cảm thấy mình trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều. Hãy đưa ra cho con nhiều sự lựa chọn, xem thử con bày tỏ ý kiến của mình thế nào, từ đó đưa ra lựa chọn và giải thích lý do.
Ví dụ: Hãy cho con chọn một đến hai loại trái cây mà gia đình sẽ ăn trong dịp Tết và cho con đưa ra lý do tại sao lại chọn trái cây đó.
Thứ ba, cùng con lựa chọn một số đồ vật cần thiết
Cha mẹ cùng con mua một số thứ cần thiết như: đồ ăn, đồ dùng, đồ trang trí, quần áo mới. Cho con lựa chọn các loại quả được trưng bày trong mâm ngũ quả như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung đối với miền Nam và các loại chuối, bưởi, đào, quất, lê…đối với miền Bắc. Cha mẹ còn có thể cho con lựa đồ dùng để gói bánh chưng, bánh tét như: lá dong (lá chuối), nếp, thịt, dây lạt,…
Như vậy, việc cho con cùng đi mua sắm tết có rất nhiều lợi ích, con được phát triển, nâng cao các kỹ năng và có thêm những trải nghiệm thật đẹp về phiên chợ mỗi dịp xuân về.
3. HOẠT ĐỘNG 3: CHUẨN BỊ MÂM CƠM NGÀY TẾT
Tết là dịp để mọi người cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon ngày Tết, cùng trò chuyện với nhau và gửi đến nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Bên cạnh đó, mâm cơm ngày Tết còn là cơ hội để con cháu dâng cơm, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên.
Nhận thấy những giá trị và ý nghĩa sâu sắc của mâm cơm ngày tết, chắc hẳn các con sẽ cảm thấy rất tự hào và vinh dự khi được phụ giúp cha mẹ chuẩn bị mâm cơm ấy. Đặc biệt, hầu hết trẻ nhỏ thường rất thích tò mò, sáng tạo, muốn khám phá và trải nghiệm những việc làm mới mẻ.
Vậy tại sao cha mẹ không nhân cơ hội này để cho con trở thành một “trợ lý đắc lực” phụ giúp mình chuẩn bị mâm cơm ngày tết?
Khi trẻ được tham gia vào việc chuẩn bị mâm cơm ngày tết, trẻ sẽ được rèn luyện kỹ năng tự lập, tự phục vụ, tăng khả năng quan sát, bắt chước, ghi nhớ và nhận biết thông qua các hoạt động mà trẻ cùng cha mẹ chuẩn bị mâm cơm. Bên cạnh đó, ngoài việc hiểu được ý nghĩa của mâm cơm ngày tết thì trẻ còn hiểu được sự tất bật của cha mẹ hằng ngày khi vừa đi làm vừa lo toan những việc nhà như: đi chợ, nấu các bữa cơm, giặt giũ, dọn dẹp, lo cho các con và cả gia đình. Khi cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ thì từ đó trẻ sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn, trưởng thành hơn, tự giác hơn trong việc phụ giúp và đỡ đần cho cha mẹ những công việc nhà.
Các bậc cha mẹ nên chuẩn bị một số công việc đơn giản để nhờ con phụ giúp như: bóc vỏ củ hành, củ tỏi, nhặt và rửa rau, bóc trứng, cuốn chả giò, xếp trái cây lên dĩa…tùy theo khả năng của con mà cha mẹ lựa chọn các công việc phù hợp cho con thực hiện.
Trước khi giao nhiệm vụ cho con, cha mẹ nên quan sát xem con đã biết làm chưa, nếu con chưa làm được thì cha mẹ phải làm mẫu và hướng dẫn trước cho con quan sát và bắt chước làm theo, sau đó cha mẹ hỗ trợ con làm, dần dần để con tự thực hiện công việc.
Trong quá trình cùng con chuẩn bị mâm cơm, cha mẹ có thể nói cho con nghe nhiều tên gọi của các món ăn (thịt kho trứng, canh khổ qua hầm thịt, bánh chưng/bánh tét, xôi gấc, chả giò,…), những đồ dùng bếp (thớt, chảo, nồi, tô, chén, dĩa…) hay các hoạt động nấu nướng (chiên chả giò, gói bánh chưng/bánh tét, nấu canh, luộc gà, kho thịt, xếp trái cây…). Hơn thế nữa, cha mẹ có thể đặt các câu hỏi xoay quanh việc mà trẻ đang làm như: Con đang làm gì? Con (bóc tỏi/bóc trứng/…) để làm gì? Con đang (nhặt rau/cuốn chả/…) cùng ai? Nếu trẻ đặt những câu hỏi ngược lại thì cha mẹ không nên vì quá bận rộn hay các câu hỏi của con quá vô lý mà vội gạt đi, không quan tâm đến những câu hỏi và thắc mắc của con, nhiều lần như thế sẽ khiến con tự ti hơn, con cảm thấy mình phiền phức, từ đó vô tình khiến con dần thu mình lại và xa cách với cha mẹ hơn. Vì thế, cha mẹ nên tạo nhiều hoạt động để đồng hành cùng con, quan sát và lắng nghe con nhiều hơn, trả lời và giải thích cho con nghe những điều con chưa hiểu, không chỉ riêng việc chuẩn bị mâm cơm ngày tết mà cha mẹ hãy để con có nhiều cơ hội hơn nữa để được phụ giúp cha mẹ những công việc thường ngày trong gia đình.
4. HOẠT ĐỘNG 4: LÀM THIỆP CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Thiệp chúc mừng năm mới hay còn gọi là thiệp Tết là một trong những món quà ý nghĩa không thể thiếu vào dịp đầu năm để dành gửi tặng cho người thân, bạn bè những câu chúc tốt đẹp và ý nghĩa nhất nhân dịp đầu năm. Chính ý nghĩa đó mà việc dạy cho con tự tay làm những tấm thiệp tết chắc chắn sẽ là một hoạt động vô cùng thú vị và đặc biệt.
Việc tự tay làm những tấm thiệp chúc Tết giúp trẻ tăng khả năng tập trung, sự tỉ mỉ, khéo léo, trẻ được thỏa sức sáng tạo về kiểu dáng, màu sắc, trang trí cho tấm thiệp thêm xinh xắn. Trẻ còn có thể vẽ hình, tự suy nghĩ và viết vào thiệp những lời chúc thật ý nghĩa để dành tặng cho những người thân yêu. Thông qua hoạt động làm thiệp này, bên cạnh việc trẻ được phát triển rất nhiều kỹ năng thì đây sẽ là một phương thức mang nhiều giá trị và ý nghĩa để nuôi dưỡng tâm hồn của trẻ.
Khi cùng con làm thiệp, cha mẹ nên cùng con chuẩn bị các đồ dùng như: giấy màu (bìa cứng), kéo, bút chì, màu tô, thước kẻ... Hoạt động này cần độ tập trung cao và khéo léo nên cha mẹ hãy hướng dẫn và hỗ trợ con từng bước, khi con thực hiện được rồi mới làm bước tiếp theo.
Đầu tiên, cha mẹ hướng dẫn con cầm kéo cắt giấy màu cứng thành hình tùy thích (hình trái tim, hình tròn, hình vuông…) sau đó gấp giấy lại làm đôi. Cha mẹ cùng con trang trí phía bên ngoài của tấm thiệp, có thể cho con cắt hình dán hay vẽ các hình mà con yêu thích. Sau khi trang trí toàn bộ bìa bên ngoài tấm thiệp thì cha mẹ khuyến khích con suy nghĩ và viết lời chúc vào để gửi đến người mà con muốn tặng.
Lúc này, cha mẹ sẽ là người hỗ trợ và góp ý cho con để lời chúc được phù hợp và ý nghĩa hơn. Khi được cha mẹ hỗ trợ hoàn thành xong một tấm thiệp, cha mẹ nên động viên con tiếp tục tự tay làm thêm những tấm thiệp khác để dành tặng cho nhiều người mà con yêu thương, quý mến như: ông bà, cô dì, chú bác, anh chị. Sau khi làm thiệp trong dịp Tết này, cha mẹ cũng có thể cho con tự tay làm thiệp để tặng anh chị, bạn bè trong ngày sinh nhật hay những sự kiện quan trọng của họ.
Những tấm thiệp chúc Tết do chính tay các con làm có thể sẽ không đẹp lung linh và hoàn hảo như những tấm thiệp được bán ở ngoài hàng quán nhưng đó chính là sự tỉ mỉ, là tất cả tình cảm và lòng yêu thương của con đặt vào trong đó. Đây sẽ là hoạt động mang ý nghĩa vô cùng to lớn, các bậc cha mẹ nên tổ chức và cùng con thực hiện để không khí tết của gia đình ngập tràn yêu thương và có thêm những món quà ý nghĩa dành tặng cho mọi người trong những dịp đặc biệt nhé!
5. HOẠT ĐỘNG 5: KHAI BÚT ĐẦU NĂM
Khai bút đầu năm hay còn gọi là chắp bút đầu năm là một truyền thống tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập, sự nghiệp. Việc khai bút không chỉ tượng trưng cho khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, suôn sẻ, hạnh phúc trong năm mới. Vì vậy, cha mẹ hãy cùng con tham gia hoạt động khai bút đầu năm để cầu mong mọi sự tốt lành, may mắn cho gia đình.
Thông qua hoạt động khai bút đầu năm, trẻ sẽ cảm nhận được mình đã trưởng thành hơn, có trách nhiệm và ý thức hơn, đã có thể tự lập được trong việc học để đáp ứng sự kỳ vọng của cha mẹ và chính bản thân mình.
Thông thường, khai bút đầu xuân gồm có các bước: chọn ngày, chuẩn bị góc khai bút, chuẩn bị các vật dụng và trang trí góc khai bút, thay quần áo đẹp, khai bút, cha mẹ tặng quà cho con sau khi khai bút.
Như vậy, cha mẹ sẽ lựa chọn một ngày đầu xuân để cho con khai bút, cùng con lựa chọn một góc để chuẩn bị khai bút, đó có thể là góc học tập quen thuộc đã được dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp hay con có thể lựa chọn ngồi khai bút ở góc sân nắng đẹp hay bên cạnh khung cửa sổ góc nhà. Con được lựa chọn quyển vở đẹp nhất mà con yêu thích kèm theo một số vật dụng như: bút, thước... Tiếp theo, con sẽ thay đồ đẹp, chỉnh chu trang phục và tâm thế khi thực hiện khai bút, đây cũng là một cách để thể hiện sự tôn trọng với truyền thống của dân tộc. Bắt đầu khai bút, cha mẹ có thể hướng dẫn cho con một số câu thơ về ngày tết với nhiều điều may mắn, những lời chúc đơn giản, ý nghĩa dành tặng cho bản thân để cho con có thêm niềm tin để vượt qua những khó khăn và thử thách phía trước. Chẳng hạn như một số câu thơ:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Chẳng hạn như câu chúc: “chúc bản thân một năm mới học tập tốt”. Sau khi đã hoàn thành việc khai bút, cha mẹ có thể tặng cho con món quà để chúc mừng con nhân ngày khai bút, đó có thể là đồ dùng học tập (bút, vở,…), điều đó khiến cho con vô cùng phấn khởi và có thêm nguồn động lực để cố gắng mỗi ngày.
6. HOẠT ĐỘNG 6: ĐỌC SÁCH NGÀY TẾT
Cùng nhau đọc sách ngày Tết là một hoạt động vô cùng thú vị và mang nhiều ý nghĩa đối với các bậc cha mẹ cũng như các con của mình. Nhân dịp Tết đến, cha mẹ hãy lựa chọn sách như là món quà mừng tuổi thực sự ý nghĩa cho con. Cùng đọc sách về tết, cùng cha mẹ chuẩn bị đón tết, các con sẽ yêu hơn những ngày xuân ý nghĩa này khi cả nhà được bên nhau cùng tận hưởng niềm vui và viết nên “nhật ký tuổi thơ” của con mình.
Cha mẹ cùng con đọc sách ngày Tết không chỉ giúp con cải thiện ngôn ngữ, nhận biết, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo, rèn luyện khả năng tập trung và ghi nhớ mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình. Một cuốn sách thực sự trở nên có ý nghĩa với trẻ khi chúng được đọc cùng với những người yêu thương mình như cha mẹ, thầy cô, ông bà, anh chị em. Bởi vì, cuốn sách giống như chất xúc tác tạo ra những kỉ niệm và sự gắn bó của trẻ với những người thân yêu và đó mới là lợi ích tuyệt vời nhất mà việc đọc sách mang lại cho trẻ.
Khi chọn sách cho con, cha mẹ hãy lưu ý đến độ tuổi và sở thích của con. Ở mỗi độ tuổi, nhận thức, mối quan tâm và các kỹ năng của con sẽ khác nhau, vì thế, những cuốn sách phù hợp với độ tuổi sẽ giúp con tự tin khám phá và cảm nhận được sâu sắc hơn những thông điệp của từng cuốn sách.
Với các trẻ lứa tuổi mầm non thì cha mẹ nên tìm những cuốn sách có nội dung đơn giản, có nhiều màu sắc, hình vẽ giúp trẻ kích thích trí tưởng tượng và khám phá thế giới xung quanh.
Với các trẻ lớn hơn thì nên chú trọng những bộ sách tâm lý học đường để trẻ biết đến những hoạt động trải nghiệm phong phú hơn. Đặc biệt trong dịp tết này, chủ đề về những phong tục tập quán truyền thống sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho trẻ. Điều đó giúp trẻ hiểu về ý nghĩa của sự đoàn tụ và sức mạnh lan tỏa của tình yêu thương, những điều làm nên không khí ấm áp, thiêng liêng của ngày tết.
Một số sách cha mẹ có thể chọn để đọc cùng con trong dịp tết như: Sự tích bánh chưng, bánh dày, sự tích Táo quân, Mồng Hai “Tết Mẹ’’ hay các sách nói về tình cảm gia đình “Trái tim của mẹ”, “Bàn tay của bố”, “15 phút yêu con”.
Sau khi đọc sách cùng con, cha mẹ nên đặt ra các câu hỏi xoay quanh về nội dung câu chuyện để hỏi con về nhân vật trong truyện, các diễn biến hay kết thúc câu chuyện ra sao để con trả lời. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên cho con những lời giải đáp, lời khuyên nhằm hướng con đến những hành động tích cực và việc làm có ích.
7. HOẠT ĐỘNG 7: ĐI CHÚC TẾT
“Tết đến rồi, vui thật vui
Em mặc áo mới đi chúc tết họ hàng”
Chúc Tết đi vào trong những câu thơ và những giai điệu bài hát như một món quà tinh thần mang đến niềm hy vọng đầu xuân, mong cầu một năm mới an vui, hạnh phúc và những điều tốt đẹp sẽ đến những người xung quanh.
Ngày Tết chính là dịp để các gia đình cùng nhau đi đến thăm hỏi và chúc Tết ông bà, họ hàng nhằm thể hiện sự ghi nhớ, biết ơn, gắn kết tình cảm bền chặt hơn. Hiểu được những ý nghĩa thiêng liêng và quý báu đó thì trẻ sẽ thêm yêu quý và trân trọng với tâm thế chủ động, hứng khởi. Việc chúc tết giúp trẻ hiểu được không chỉ có người lớn mới chúc nhau mà trẻ con cũng cần có những lời chúc tốt đẹp gửi đến người lớn. Trẻ không chỉ là người nhận những món quà, phong bao lì xì mà trẻ còn là người trao đi niềm vui cho người khác.
Đi chúc tết cùng với gia đình là cơ hội để trẻ học được thêm rất nhiều điều mới mẻ, biết và hiểu được nhiều giá trị và ý nghĩa của những câu chúc. Ngoài việc giúp trẻ tăng các kỹ năng về nhận biết, ngôn ngữ giao tiếp, khả năng trình bày vấn đề mạch lạc, tương tác xã hội mà trẻ còn biết sử dụng cử chỉ điệu bộ phù hợp khi chúc, biết ứng xử trong các tình huống khác nhau và rèn luyện sự tự tin cho trẻ.
Đa phần trẻ khi nói lời chúc tết thường hay tỏ vẻ ngại ngùng, không dám nói vì sợ nói sai, sợ giao tiếp trước nhiều người. Vì vậy, cha mẹ nên giúp con tự tin hơn, luôn khuyến khích và động viên để con được thoải mái và tự tin thể hiện bản thân mình.
Cha mẹ có thể tập luyện cho con thể hiện bản thân mình trước người thân quen trong gia đình thông qua các hoạt động ca hát, nhảy múa, kể chuyện, bày tỏ ý kiến. Cha mẹ tập cho con khoanh tay và đứng ngay ngắn khi chúc tết, sau đó nhướng dẫn cho con một số câu chúc hay và ý nghĩa dành cho ông bà, cô chú, anh chị chẳng hạn như: “Chúc ông bà sức khỏe dồi dào”, “Chúc cô chú hạnh phúc, an khang”, “Chúc anh chị niềm vui, may mắn’’. Bên cạnh đó, cha mẹ không nên bác bỏ hay dập tắt niềm hứng khởi cũng như lời nói của con khi con đang trình bày, điều đó càng khiến trẻ mất tự tin vào bản thân mình hơn.
Chúc Tết không đơn thuần chỉ là lời nói thông qua ngôn từ mà đằng sau đó là tình cảm mà người chúc muốn gửi gắm vào. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn là người thị phạm và làm gương cho con mình, khi những lời chúc của người lớn chứa đựng trọn vẹn tình cảm và lòng biết ơn thì trẻ sẽ hiểu hơn hết về giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của lời chúc tết.
8. HOẠT ĐỘNG 8: DU XUÂN CÙNG NHAU
Tục ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và đó cũng chính là lý do các bậc cha mẹ nên tận dụng thời điểm này để cùng con đi du xuân. Đây là cơ hội rất tốt để trẻ được học thêm rất nhiều điều mới mẻ xung quanh, giúp trẻ tăng khả năng tương tác, giao tiếp xã hội và rèn cả tính tự lập cho trẻ. Bên cạnh đó, du xuân cùng với gia đình còn là một hình thức gắn kết tình cảm với cha mẹ, anh chị em, cùng nhau tạo ra kỷ niệm trong dịp đầu năm mới.
Cha mẹ nên giúp con sẵn sàng trước một chuyến đi với sự chuẩn bị thật chu đáo. Cha mẹ để cho con tự lựa chọn và soạn những đồ dùng cần thiết để đem đi. Cha mẹ quan sát con, nếu con chọn những món đồ chưa phù hợp thì cha mẹ sẽ giải thích cho con biết vì sao phải đem theo những vật dụng cần thiết như áo khoác, mũ, bình nước, khẩu trang… và những thứ không cần đem theo khi đi du xuân như bàn, ghế, mền…Hoạt động này giúp trẻ tăng khả năng nhận biết chức năng của đồ vật và rèn tính tự lập khi con tự soạn đồ của mình để đi chơi.
Đi du xuân là cơ hội để trẻ được tiếp xúc và giao tiếp với nhiều người, vì thế cha mẹ nên luyện tập cho con thói quen chào hỏi người lớn bằng cách khoanh tay lại và nói lời chào, tập nói “cảm ơn” khi được người lớn cho quà bánh hay tặng phong bao lì xì. Khi đi du xuân, trẻ còn được tận mắt nhìn ngắm những địa danh rất đẹp và mới mẻ như biển, rừng, đồi, núi, các loại hoa hay những hoạt động ngày tết mà trẻ chưa từng được nhìn thấy. Cha mẹ có thể giải thích cho con nghe về những hoạt động đó để con tìm hiểu và tích lũy thêm nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống cũng như làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con.
Đối với trẻ nhỏ, mỗi hoạt động dù lớn hay bé đều là cơ hội để cho con học hỏi thêm được rất nhiều điều bổ ích. Chính vì vậy, cha mẹ hãy tổ chức các hoạt động và đồng hành cùng con để con được phát triển toàn diện các kỹ năng cũng như cho con có được một bầu trời ký ức vào mỗi dịp tết đến xuân về.