Căn bếp an toàn đối với trẻ - RVE

Ngôi nhà là mái ấm của trẻ, là nơi an toàn để trẻ sinh sống. Tuy nhiên, nơi được xem là an toàn này cũng có những căn phòng nguy hiểm và dễ xảy ra tai nạn cho trẻ.

Một trong số những căn phòng đó là phòng bếp, các tai nạn có thể xảy ra là té ngã, bỏng, ngộ độc hoặc hóc dị vật… Vậy phải làm sao để tránh các trường hợp trẻ có thể gặp phải những tai nạn trên? Sau đây sẽ là một số phương pháp để giúp các phụ huynh ứng phó với những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ.

1. Giảm thiểu tai nạn bỏng

   Căn bếp có rất nhiều dụng cụ có thể khiến trẻ bị bỏng như bếp, lò nướng, lò vi sóng, chảo nóng, bình thủy…Ngay cả nước sôi cũng có thể làm làn da của trẻ bị bỏng rát. Để phòng ngừa tai nạn bỏng ở trẻ, hãy lưu ý những điều sau đây:

  • Luôn theo dõi sát sao khi trẻ ở trong bếp. Nếu bạn đang nấu ăn hoặc đang làm việc nào đó có thể gây tổn thương trẻ, hãy nhờ một người khác giám sát trẻ hoặc đưa trẻ sang một nơi khác; đặt trẻ trên ghế cùng với đồ ăn nhẹ; sử dụng hàng rào chắn để giữ trẻ cách xa căn bếp; hay đánh lạc hướng trẻ bằng cách đưa cho trẻ đồ chơi.
  •  Khi trẻ còn nhỏ, không nên sử dụng khăn trải bàn hay tấm phủ, trẻ có thể giật mạnh khăn khiến cho các nồi nóng hoặc các bát đồ ăn nóng đặt trên bàn bị đổ gây nguy hiểm cho trẻ.
  • Thận trọng khi cho trẻ ăn đồ ăn hoặc đồ uống nóng. Luôn nếm thử trước khi cho trẻ ăn. Tốt nhất là cho trẻ ăn đồ hơi ấm.

2. Phòng tránh tai nạn té ngã ở trẻ

   Trẻ nhỏ dễ bị té ngã khi ngồi quá cao, nhất là khi trẻ cố gắng lấy một vật gì trên bàn. Đôi chân nhỏ của trẻ cũng dễ bị trượt ngã trên nền nhà trơn ướt. Để phòng tránh tai nạn té ngã ở trẻ, hãy thực hiện theo những lời khuyên sau đây:

  •  Không nên xao lãng khi trẻ đang ngồi trên ghế cao. Thay vào đó, hãy đặt trẻ trên một chiếc ghế thấp và sử dụng dây an toàn khi trẻ ngồi.
  • Hãy sử dụng thảm chống trượt để trải trên nền nhà.
  • Không cho trẻ tập đi trong bếp.
  • Lắp đặt đường dây điện và điện thoại an toàn và không vướng lối đi, giữ nền nhà không bị dính dầu mỡ, nước và các chất lỏng khác.

can bep an toan cho tre 3

3. Giảm thiểu tai nạn hóc d vật và tình trạng ngộ độc ở trẻ

   Đối với những trẻ 1 - 2, trẻ thích khám phá bằng cách cho tất cả mọi thứ vào miệng. Những đồ vật nhỏ có thể khiến trẻ dễ bị hóc còn chất tẩy rửa và các loại hóa chất khác dễ làm trẻ bị ngộ độc. Không chỉ những trẻ từ 1 - 2 tuổi mà những trẻ lớn hơn cũng có thể gặp những sự cố trên. Sau đây là một số mẹo để phòng tránh những tai nạn nêu trên:

  • Để thuốc ngoài tầm tay trẻ em, sử dụng nắp an toàn cho tất cả các loại thuốc.
  • Không để những loại hạt, trái cây nhỏ, bỏng ngô hay những thứ trẻ dễ cho vào miệng vương vãi trên sàn nhà.
  • Để hóa chất ngoài tầm với của trẻ. Tất cả các chất tẩy rửa, làm trắng, thông cống, chất làm sạch lò nướng nên được cất kĩ. Khuyến khích sử dụng những chất tẩy rửa không độc cho sàn nhà và các thiết bị gia dụng.
  • Hạn chế cho trẻ chơi xung quanh khu vực bếp - nhất là khi trẻ không có ai giám sát.

can bep an toan cho tre 4

Ngoài những mẹo đã có như trên thì phụ huynh hãy cất giữ tất cả dao kéo sắc nhọn và dụng cụ nhà bếp ngoài tầm tay trẻ. Không cho trẻ nhỏ đến gần các ngăn tủ trong nhà kể cả tủ lạnh cho đến khi trẻ đủ lớn để tự mở tủ. Nếu trẻ muốn giúp nấu nướng, hãy cho trẻ sử dụng bộ dụng cụ nấu ăn bằng đồ chơi để trẻ có thể bắt chước theo hành động của cha mẹ khi nấu ăn. Hãy dạy trẻ những quy tắc an toàn khi trẻ còn nhỏ.

Người viết: Võ Thị Yến Nhi

 

Tài liệu tham khảo

  1. Căn bếp an toàn cho trẻ em, Nguyễn Thế Võ - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, https://vienyhocungdung.vn/can-bep-an-toan-cho-tre-em-20151230102411163.htm